Một số vướng mắc khi áp dụng Luật Thi hành án dân sự.

24/06/2013


Thi hành án dân sự là hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự nhằm đưa các bản án, quyết định của Tòa án về dân sự, quyết định của Trọng tài thương mại hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự ra thi hành. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành khi chấp hành viên đã thu được tiền, tiêu huỷ được vật chứng, giao được tài sản …….phải thực hiện qua rất nhiều trình tự, thủ tục; các trình tự thủ tục này do pháp luật quy định phải làm, nhưng do việc hiểu và áp dụng pháp luật chưa thống nhất, mặt khác các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chưa điều chỉnh hết các tình hưống thực tế xảy ra, nên có thể làm chậm tiến độ giải quyết án. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu một số trường hợp vướng mắc cụ thể như sau:

1. Trường hợp trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự trong trường hợp Tòa tuyên tạm giữ để đảm bảo thi hành án nhưng sau đó đương sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản khác. Như vậy, chấp hành viên làm trình tự thủ tục để trả lại tiền, tài sản cho đương sự trong trường hợp này đang có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: phải ra Quyết định theo quy định tại Điều 126 Luật Thi hành án dân sự để làm các thủ tục tiếp theo chi trả tiền cho đương sự.

Quan điểm thư hai lại cho rằng: không phải ra Quyết định mà chỉ cần nêu là tiền thì làm giấy đề nghị chi, nếu là tài sản thì làm giấy đề nghị xuất kho tài sản sau đó kế toán và những người liên quan sẽ làm thủ tục trả tiền hoặc trả tài sản cho đương sự.

Tác giải thống nhất với quản điểm thứ hai vì tại Khoản 1 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự có quy định “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sư..” Như vậy, Khoản 1 Điều 126 chỉ điều chỉnh trong trường hợp “Bản án, quyết định tuyên trả lại cho đương sư” còn trường hợp “Bản án, quyết định tuyên tạm giữ để bảo đảm thi hành án” sẽ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự vì “tuyên trả” và “tuyên tạm giữ” hoàn toàn khác nhau, không thể áp dụng Khoản 1 Điều 126 để ra quyết định được. Như vậy, trả lại tiền, tài sản trong trường hợp Tòa tuyên tạm giữ để bảo đảm thi hành án nhưng sau đó đương sự đã thực hiện nghĩa vụ bằng một tài sản khác, khi làm thủ tục trả chấp hành viên chỉ cần làm giấy đề nghị chi (nếu là tiền), nếu là tài sản thì làm giấy đề nghị xuất kho tài sản và làm các thủ tục tiếp theo là xong.

Thực tiễn nếu trong trường hợp này phải ra quyết định trả lại tiền, tài sản cho đương sự thì cũng không có căn cứ pháp lý. Do đó, nên xem xét sửa đổi Điều 126 Luật Thi hành án dân sự hoặc có Thông tư hướng dẫn để áp dụng chung cho cả hai trường hợp này được chính xác theo hướng “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại hoặc tuyên tạm giữ để bảo đảm Thi hành án nhưng đương sự đã thực hiện xong nghĩa vụ”.

2. Trường hợp lập giấy đề nghị nhập kho tài sản, tang vật theo mẫu C12-THA ban hành kèm theo Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chấp hành viên phải lập giấy này. Tuy nhiên, lập trong trường hợp nào, khi nào để không làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính….mà vẫn đảm bảo đúng trình tự theo quy định của pháp luật là cần thiết. Việc này hiện có hai quan điểm và đang được áp dụng khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tất cả các trường hợp nhập kho tài sản, tang vật đều phải có giấy đề nghị nhập kho của chấp hành viên.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Chấp hành viên chỉ lập giấy này trong trường hợp sau khi có quyết định thi hành án và được phân công tổ chức thi hành, nếu có phát sinh tài sản, tang vật phải nhập kho thì chấp hành viên mới làm giấy này.

Để giải quyết vấn đề này tác giải cho rằng cần nhìn nhận vấn đề qua từng giai đoạn:

Tài sản, tang vật nhập kho có hai loại: 

- Loại do cơ quan Công an thu giữ trong quá trình điều tra và sau đó chuyển giao cho cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định của pháp luât. Thời điểm chuyển giao có thể là trước khi xét xử hoặc cũng có thể là sau khi xét xử và chuyển giao cùng với bản án. Như vậy, đối với trường hợp này không cần phải có giấy đề nghị nhập kho của chấp hành viên vì:

Thứ nhất, tại thời điểm này chưa có quyết định thi hành án, chưa giao chấp hành viên tổ chức thi hành nên chưa phát sinh trách nhiệm của chấp hành viên. Do vậy, trường hợp này Thủ trưởng đơn vị làm giấy uỷ quyền lại cho chấp hành viên làm giấy đề nghị nhập kho. Cách làm này sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết, trong lúc chúng ta đang nâng cao chất lượng về cải cách thủ tục hành chính.

Thứ hai, theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật Thi hành án dân sự và Khoản 2 Điều 5 Thông tư 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp thì khi nhận tài sản, tang vật phải có Thủ trưởng đơn vị hoặc người được Thủ trưởng đơn vị uỷ quyền, thủ kho và kế toán. Như vậy, Luật đã quy định rõ thành phần, hơn nữa không lẽ Thủ trưởng đơn vị là người trực tiếp nhận tài sản rồi sau đó lại làm giấy uỷ quyền cho người khác đề nghị nhập kho. Như vậy sẽ không khoa học.

- Loại do chấp hành viên thu trong quá trình tổ chức thi hành án. Như vậy, trường hợp này chấp hành viên phải làm giấy đề nghị nhập kho vì:

Thứ nhất, trong quá trình thu giữ tài sản chấp hành viên sẽ làm biên bản thu giữ và làm các thủ tục khác để thu giữ khi cần thiết trong quá trình tổ chức thi hành án mà luật không quy định phải thông qua Thủ trưởng, nên khi về làm thủ tục nhập kho chấp hành viên phải có giấy đề nghị.

Thứ hai, lúc này đã phân công chấp hành viên tổ chức thi hành án, nên đã phát sinh trách nhiệm của chấp hành viên.

Hiện nay, Luật chưa quy định chi tiết trường hợp này, nhưng tham khảo tài liệu tập kế toán thi hành án dân sự năm 2012 phần kế toán nghiệp vụ và Thông tư 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính tôi thấy có sự chồng chéo:

Tại Câu hỏi số 2 kế toán nghiệp vụ Phần I "Chứng từ kế toán" đã trả lời “tất cả tài sản, tang vật khi nhập kho đều phải lập giấy đề nghị nhập, xuất kho……”. Tuy nhiên, tại hướng dẫn cách lập giấy đề nghị nhập kho tài sản tang vật (mẫu C12-THA) theo Thông tư 91 thì lại có lưu ý: “Đối với tài sản tang vật đã hạch toán vào Tài khoản 336, sau khi có quyết định thi hành án thì không phải lập giấy này”. Như vậy, câu trả lời dùng từ “tất cả” theo tài liệu tập huấn là chưa chính xác, dẫn tới một bộ phận căn cứ vào tài liệu này để thực hiện nên dẫn tới cách hiểu và thực hiện không thống nhất trong thực tiễn./.

Nguyễn Đức Hiếu

Cục THADS Hà Tĩnh