Xuất phát từ tầm quan trọng của mối quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự, pháp luật về thi hành án dân sự đã có những quy định cụ thể, tạo điều kiện cho công tác phối hợp được thuận lợi, chặt chẽ, hiệu quả. Thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy công tác phối hợp trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng kể góp phần vào việc thực thi pháp luật của cơ quan Thi hành án. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt còn hạn chế nhất định.
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án, trong đó có việc quy định về mối quan hệ phối hợp trong công tác thi hành án là việc làm có tính cấp bách và có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc cải cách Tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Từ những lý do trên, với lòng tâm huyết với nghề thi hành án và trải qua những năm tháng thực tiễn ở cơ sở, kết hợp tài liệu của đồng nghiệp, tác giả xin được trao đổi cùng đồng nghiệp một số vấn đề về “Mối quan hệ phối hợp giữa chấp hành viên với các cơ quan hữu quan trong quá trình tổ chức thi hành án”.
1. Cơ sở lý luận hình thành mối quan hệ phối hợp
Mác - Lê Nin đã chỉ rõ về mặt xã hội con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, từ xã hội nguyên thủy đến xã hội hiện đại con người muốn tồn tại và phát triển, thì phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa mình và những người xung quanh. Trong xã hội có giai cấp, Nhà nước điều chỉnh các mối quan hệ xã hội bằng công cụ pháp luật thông qua hệ thống các cơ quan quyền lực của Nhà nước. Ở Việt Nam, cơ quan Thi hành án dân sự là cơ quan thuộc hệ thống cơ quan hành pháp do Chính phủ thống nhất quản lý; chấp hành viên là chức danh tư pháp đặc thù của cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan Thi hành án nói chung, các chấp hành viên, thư ký thi hành án và công chức thi hành án nói riêng phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành, tổ chức cá nhân có liên quan mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặt khác, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác cũng có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ giúp đỡ cơ quan Thi hành án và chấp hành viên trong việc thi hành án theo các quy định của pháp luật. Do đó, hình thành mối quan hệ giữa cơ quan Thi hành án, chấp hành viên với các cơ quan, tổ chức hữu quan và cá nhân khác là đòi hỏi yêu cầu khách quan hiện nay, trong lúc khối lượng công việc của các cơ quan (chẳng hạn như Tư pháp xã phường) ngày một nhiều hơn, biên chế thì ít …
2. Cơ sở pháp lý hình thành mối quan hệ phối hợp
Bảo đảm nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan tổ chức, cá nhân trong thi hành án sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thi hành án. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc này được thể hiện rõ nhất tại Điều 136 Hiến pháp 1992 và tại Chương VIII Luật Thi hành án dân sự năm 2008, từ Điều 166 đến Điều 180 quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của từng cơ quan tổ chức trong thi hành án dân sự. So với trước đây, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất tạo điều kiện cho các cơ quan Thi hành án, giúp cho chấp hành viên trong công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong hoạt động thi hành án được rõ ràng nhất.
Cụ thể, Điều 136 Hiến pháp 1992 và Điều 4, Điều 11 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: Bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự phải được các cơ quan tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thi hành án. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên. Mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật đối với hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chính những quy định này tạo ra cơ sở pháp lý chung cho việc hình thành mối quan hệ giữa chấp hành viên với cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan.
3. Cơ sở thực tiễn hình thành mối quan hệ phối hợp
Từ thực tiễn công tác thi hành án dân sự trong những năm qua cho thấy mối quan hệ giữa cơ quan Thi hành án, chấp hành viên với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã hình thành và được giải quyết cơ bản hài hòa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Qua tổng kết công tác thi hành án dân sự cho thấy, nơi nào công tác thi hành án được quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, được sự phối hợp chặt chẽ đầy đủ, có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan thì công tác thi hành án dân sự luôn đạt kết quả cao. Nơi nào, chấp hành viên chưa nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt mối quan hệ, không có sự phối hợp hoặc phối hợp thiếu chặt chẽ của các cơ quan và sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương … thì kết quả thi hành án đạt thấp, thậm trí trì trệ, kém hiệu quả ... Chính vì thế, mối quan hệ phối hợp này luôn được Chính phủ, Bộ ngành quan tâm tạo điều kiện và ban hành những văn bản pháp lý để điều chỉnh kịp thời có hiệu quả, đáp ứng những đòi hỏi của tình hình công tác thi hành án hiện nay.
4. Các mối quan hệ cụ thể giữa cơ quan Thi hành án, chấp hành viên với các cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan
Trong thi hành án dân sự hiện nay cho thấy có nhiều mối quan hệ giữa cơ quan Thi hành án, chấp hành viên phải quan tâm đó là mối quan hệ với cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thi hành án dân sự như: Quan hệ với Ban chỉ đạo thi hành án; Quan hệ với các cơ quan tố tụng; Quan hệ với các cơ quan Thi hành án khác; Quan hệ với Bảo hiểm xã hội, Kho bạc nhà nước, Ngân hàng, tổ chức tín dụng khác và cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm; Quan hệ với các cơ quan tổ chức đoàn thể nhân dân và cá nhân khác liên quan khác và quan hệ với các đương sự…đòi hỏi cơ quan Thi hành án, chấp hành viên phải thật chú ý và có kỹ năng giải quyết tốt các mối quan hệ đặt ra trong quá trình giải quyết việc thi hành án, biến mối quan hệ phối hợp này thành sức mạnh tổng hợp to lớn để chấp hành viên cơ quan Thi hành án giải quyết việc thi hành án đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm được thời gian công sức và chi phí phát sinh không cần thiết trong quá trình thi hành án. Đồng thời tăng cường được sự đồng thuận giữa các cấp các ngành, sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân làm cho công tác thi hành án đạt hiệu quả. Đặc biệt, đối với công tác thi hành án dân sự hiện nay rất phức tạp, khó khăn dễ nảy sinh vấn đề khiếu nại, tố cáo ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị ở địa phương. Do đó, nếu làm tốt công tác phối hợp không những giúp chấp hành viên cơ quan Thi hành án tránh và hạn chế những sai sót trong quá trình tác nghiệp mà còn giúp cho việc tuyên truyền giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự qua thực tiễn việc làm cụ thể của chấp hành viên được đến với nhân dân, góp phần hạn chế việc phải tổ chức cưỡng chế trong thi hành án. Tăng cường vấn đề tự nguyện thỏa thuận thi hành án của các đương sự, giữ được mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành án dân sự việc thực hiện mối quan hệ phối hợp này vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan; minh họa cho việc phối hợp này như sau:
4.1 Mối quan hệ giữa chấp hành viên với Kho bạc nhà nước, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan tín dụng:
Tại Điều 176 Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định rõ trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội, Kho bạc nhà nước, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác trong công tác thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
Cung cấp đúng đầy đủ kịp thời các thông tin, số liệu tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự.
Thực hiện nghiêm chỉnh kịp thời yêu cầu của chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người phải thi hành án.
Thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định của Luật này.
Đánh giá về mặt thuận lợi: Từ quy định trên, nếu chấp hành viên có sự phối hợp tốt với Ngân hàng sẽ ngăn chặn được hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án giúp cho công tác thi hành án đạt hiệu quả. Đối với việc phong tỏa tài khoản Luật Thi hành án dân sự đã có nhiều đổi mới. Trường hợp này nếu như trước đây theo pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, chấp hành viên chỉ được ra quyết định cưỡng chế nói chung và cưỡng chế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản nói riêng khi đã hết thời gian tự nguyện mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành. Khoảng thời gian tự nguyện đó cũng đủ cho đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản tại ngân hàng rất dễ dàng, nhưng quy định về biện pháp bảo đảm và phong tòa tài khoản của người phải thi hành án được quy định trong Luật Thi hành án dân sự có sự tiến bộ, chấp hành viên được áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người thi hành án bất cứ giai đoạn nào của quá trình thi hành án khi có căn cứ xác định đó là tiền trong tài khoản của người phải thi hành án, không nhất thiết phải hết thời gian tự nguyện và thông báo cho đương sự. Rõ ràng đã mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng cho chấp hành viên áp dụng và có tính khả thi cao, nếu chấp hành viên phối hợp kịp thời với Ngân hàng.
Đánh giá về mặt khó khăn: Nếu như Ngân hàng và chấp hành viên thiếu sự phối hợp chặt chẽ, sẽ tạo điều kiện cho đương sự tẩu tán tài sản một cách dễ dàng. Thực tế đã chứng minh mối quan hệ giữa chấp hành viên với Ngân hàng ở nhiều địa phương không được hài hòa vẫn còn tách bạch “việc anh anh làm, việc tôi tôi làm” chưa có sự tích cực trong công tác phối hợp dẫn đến nhiều vụ việc đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản tại Ngân hàng và trốn tránh nghĩa vụ thi hành án làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự tại địa phương.
4.2 Mối quan hệ phối hợp giữa chấp hành viên, cơ quan Thi hành án với cơ quan Công an trong công tác cưỡng chế thi hành án
Cơ quan công an có vai trò hết sức quan trọng giúp cho công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả. Đây là cơ quan thường xuyên tham gia phối hợp với cơ quan Thi hành án trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ở đây người viết chỉ đề cập đến mối quan hệ phối hợp giữa chấp hành viên cơ quan Thi hành án với Cơ quan Công an trong công tác cưỡng chế thi hành án.
Công tác cưỡng chế thi hành án dân sự có thành công hay không là nhờ sự phối kết hợp của cơ quan Công an. Đây là lực lượng không thể thiếu được trong các buổi cưỡng chế, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, đương sự chống đối quyết liệt, việc cưỡng chế thi hành án ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Vì vậy, trong công tác thi hành án nói chung, công tác cưỡng chế nói riêng, mối quan hệ phối hợp này càng trở nên quan trọng khăng khít hơn và là một trong những điều kiện giúp cho công tác cưỡng chế thành công. Thấy được điều đó, Bộ Tư pháp - Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng đã quy định nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công an trong thi hành án dân sự là chỉ đạo cơ quan Công an bảo vệ cưỡng chế thi hành án ……đây là cơ sở pháp lý hình thành mối quan hệ phối hợp giữa chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự với cơ quan Công an trong việc tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự. Theo đó, khi nhận được Kế hoạch của cơ quan Thi hành án yêu cầu hỗ trợ thi hành án, lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện bảo đảm trật tự an toàn cho việc thi hành án theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt. Để thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp này, chấp hành viên cơ quan Thi hành án phải có Kế hoạch, thống nhất phương án. Cụ thể Khoản 4 Điều 72 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định chấp hành viên phải lập Kế hoạch cưỡng chế và gửi cho cơ quan Công an. Căn cứ vào kế hoạch cưỡng chế này cơ quan Công an có trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ cưỡng chế, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn cản hành vi tẩu tán tài sản và chống đối người thi hành công vụ….. Nếu như trong công tác cưỡng chế mà địa phương nào cũng có sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý giữa chấp hành viên cơ quan Thi hành án với cơ quan Công an thì công tác cưỡng chế thi hành án sẽ thành công và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Thế nhưng trong thực tiễn thi hành án dân sự ở một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế vướng mắc trong công tác phối hợp với cơ quan Công an trong việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án. Cơ quan công an chưa phối hợp tích cực.
5. Gải pháp
Vấn đề về mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên với cá nhân, tổ chức hữu quan là một trong những vấn đề hết sức quan trọng trong công tác thi hành án dân sự. Pháp luật của Nhà nước ta từ xưa đến nay luôn đề cập và làm rõ mối quan hệ này, đồng thời thường xuyên bổ sung để đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước nói chung và thực tiễn thi hành án dân sự nói riêng, để việc thực hiện các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đạt hiệu quả cao đi vào thực tế đời sống xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa góp phần đáng kể vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước ta là nhà nước công bằng, dân chủ văn minh.
Từ lý luận và thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy công tác thi hành án dân sự không chỉ là công việc của cơ quan Thi hành án dân sự và của chấp hành viên, mà đây là trách nhiệm và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do vậy, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác phối hợp như sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật thi hành án nói riêng, trong đó công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên với cá nhân, tổ chức hữu quan cần được đặt đúng tầm và phải huy động cho được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của tòan xã hội vào hoạt động thi hành án dân sự. Do đó, phải quy định chặt chẽ và có chế tài cụ thể để thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan hữu quan với cơ quan Thi hành án dân. Pháp luật về chuyên ngành cũng phải có quy định đầy đủ về vấn đề phối hợp này để các cơ quan cùng thực hiện và thực hiện đầy đủ, thống nhất hạn chế những vấn đề thiếu sót trong công tác phối hợp thời gian qua
Hai là, tổng kết đánh giá thực tiễn việc thực hiện công tác phối hợp để xây dựng các biện pháp phù hợp giúp công tác phối hợp trong công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao hơn. Việc tổng kết đánh giá phải tiến hành thường xuyên kể cả đến từng đơn vị và địa phương trong cả nước. Qua đó nhân điển hình để áp dụng chung cho toàn ngành.
Ba là, tham mưu cho các cấp ủy và lãnh đạo địa phương đưa công tác phối hợp trong thi hành án vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với các ngành, các địa phương. Kịp thời khen thưởng những đơn vị, địa phương có thành tích tốt trong công tác phối hợp thi hành án. Đồng thời phải nghiêm khắc phê bình kiểm điểm đối với đơn vị, địa phương chưa làm tốt công tác phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Coi đây là nhiệm vụ chính trị và việc làm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền.
Bốn là, đối với cơ quan Thi hành án và chấp hành viên, cán bộ thi hành án phải thường xuyên quán triệt và xác định rõ việc phối hợp trong công tác thi hành án là công việc không thể thiếu trong tác nghiệp, đồng thời thể hiện trách nhiệm, vị trí tầm nhìn của chấp hành viên trong công tác. Từ đó nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, coi đây là một tiêu chí để đánh giá trình độ năng lực của cán bộ công chức và là tiêu chí để xét thi đua hàng năm, khen thưởng kịp thời những chấp hành viên cán bộ làm tốt công tác phối hợp, đồng thời kiểm điểm nghiêm khắc những vi phạm do lơ là, chủ quan, không thực hiện tốt công tác phối hợp để xảy ra sai sót trong họat động nghiệp vụ do không quán triệt và thực hiện đầy đủ công tác phối hợp.
Năm là, Nhà nước cần quy định chế độ bồi dưỡng đối với cá nhân, cơ quan hữu quan khi tham gia phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, nhằm động viên, thu hút sự quan tâm của tập thể, cá nhân vào công tác thi hành án dân sự, đồng thời xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác thi hành án dân sự.
Đinh Đức Trọng