Nếu nói về lý do thì chắc hẳn có nhiều, nhưng một trong những lý do chủ yếu và trực tiếp nhất theo chúng tôi là do tác động của sự suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước hồi phục chậm, dẫn đến khó khăn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh và trong cuộc sống sinh hoạt của mọi người dân; Nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu vốn, thị trường đầu ra; Thu nhập của người dân, doanh nghiệp bị giảm sút; Thị trường bất động sản đóng băng, sức mua hàng hóa thấp, trong đó có tài sản thi hành án. Hoạt động thi hành án dân sự gặp không ít khó khăn, tài sản kê biên, bán đấu giá, nhất là tài sản bất động sản không có người mua, mặc dù Luật thi hành án dân sự cho phép bán tài sản “đến cùng”, có những vụ việc phải tổ chức giảm giá, bán đấu giá đến lần thứ 8 nhưng vẫn không bán được. Thực trạng trên đã gây áp lực không nhỏ đến cơ quan Thi hành án dân sự, trong khi đó năm 2013 là năm đầu tiên được Quốc hội giao chỉ tiêu thi hành án dân sự cho ngành Thi hành án dân sự.
Có tài sản nhưng bán không có người mua
Theo thống kê sơ bộ về kết quả thi hành án dân sự trong năm 2013 của tỉnh Bình Định, tỷ lệ vụ việc thi hành án dân sự có điều kiện thi hành chiếm khoảng 80% trong tổng số án phải thi hành, nhưng khi tổ chức kê biên, bán đấu giá tài sản, nhất là bất động sản lại không có người mua, nhiều vụ việc số tiền phải thi hành lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng, dẫn đến án tồn đọng không xử lý được, tỷ lệ thi hành án thấp. Theo thống kê kết quả thi hành dân sự của tỉnh (từ ngày 01/10/2012 đến 31/7/2013), thì số việc đã kê biên tài sản năm 2013 của toàn tỉnh, kể cả số việc kê biên của năm 2012 chưa xử lý được chuyển sang 2013 là 275 việc (khoảng 3% so với tổng số việc phải thi hành), tương ứng với số tiền phải thi hành là 291.553.743.000 đồng (trên 30% tổng số tiền phải thi hành); Kết quả đã xử lý xong 84 việc với số tiền 22.458.133.000 đồng (khoảng 7,4% tổng số tiền thu được). Số chưa thi hành được 191 việc, số tiền 269.095.610.000 đồng. Riêng tài sản là bất động sản đã kê biên bán đấu giá, giảm giá nhiều lần nhưng đến nay vẫn không bán được còn 149 việc (khoảng 1,6% so với tổng số phải thi hành), tương ứng với số tiền 214.743.899.000đồng (khoảng 25 % tổng số tiền phải thu trong năm, và chiếm gần 40% số tiền còn lại chuyển kỳ sau).
Cần có cơ chế để tháo gỡ
Theo số liệu nói trên cho thấy, số tiền chưa thi hành trong số việc cưỡng chế, kê biên tài sản, nhất là bất động sản rất lớn, hiện chưa có giải pháp để giải quyết. Được biết, hiện nay việc bán tài sản không có người mua là một thực trạng chung, cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên đã thực hiện mọi biện pháp theo qui định của pháp luật, phối hợp tổ chức định giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng không bán được. Theo suy nghĩ chúng tôi, việc nhiều lần bán không được tài sản, dẫn đến án đã kê biên còn tồn đọng không phải ý chí chủ quan của cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên mà đó là lý do khách quan.
Để giải quyết tình trạng nói trên, đề nghị Bộ Tư pháp kịp thời tổng kết, đánh giá, trước mắt có cơ chế tháo gỡ những ách tắc mà cơ quan Thi hành án dân sự đang gặp phải hiện nay. Nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời thì việc hoàn thành chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2013 là rất nặng nề. Trong thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự, trước hết là trình tự, thủ tục thi hành án, bán đáu giá tài sản thi hành án, trong đó cần ấn định cụ thể sau bao nhiêu lần tổ chức bán đấu giá không thành thì dừng bán đấu giá tài sản, không nên qui định bán tài sản theo nguyên tắc “đến cùng” như hiện nay.
Công Hoàng