Tuy nhiên, do đặc thù là đất nông nghiệp nên nhu cầu sản xuất của người dân hiện tại không cao, do chịu ảnh hưởng của một số điều kiện khách quan như nguồn lao động, giá cả thị trường cho các mặt hàng nông sản không ổn định, yếu tố thời tiết…bên cạnh đó nguyên nhân chủ yếu là do diện tích đất kê biên, phát mại nhỏ không thuận lợi cho việc sản xuất nên rất khó để bán mặc dù đã giảm giá nhiều lần, cụ thể:
1. Tại Bản án số 21/2011/HSST ngày 07/4/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên buộc bị cáo Mai Trần Quang ngụ tại phường An Hòa, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp phải trả cho nhiều bị hại với số tiền trên 13 tỷ đồng. Đồng thời Bản án còn tuyên tiếp tục quản lý các tài sản của bị cáo gồm 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các thửa số 2162, 2156, 7036 thuộc Tờ bản đồ số 01 tọa lạc tại phường An Hòa, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với tổng diện tích trên 10.000m2 đất lúa và đất vườn.
Sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật và có quyết định thi hành án, chấp hành viên đã ký hợp đồng thẩm định giá với tổng giá trị là 1 tỷ đồng. Đến nay chỉ bán được 7.936m2 tương đương 475.000.000đ. Riêng phần diện tích còn lại là 2.167,5m2 đã giảm giá 4 lần tương đương 331.000.000đ nhưng hiện tại vẫn chưa có người đăng ký mua.
2. Bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên buộc bà Trương Thị Ân ngụ tại xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp phải trả nợ là 60.000.000đ. Về tài sản để đảm bảo thi hành án là trên 3.000m2 đất vườn trồng quýt hồng tọa lạc tại xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, ước tính giá trị tài sản trên 400.000.000đ. Như vậy, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì chấp hành viên chỉ được kê biên tài sản tương ứng với số tiền phải thi hành án, tức là chỉ kê biên, phát mại diện tích khoảng 600m2.
Tuy nhiên, theo quy định của tỉnh, đối với khu vực đất nông thôn thì diện tích tách thửa đối với đất nông nghiệp phải từ 1.000m2 trở lên. Do đó để kê biên quyền sử dụng đất trên phải buộc kê biên 1.000m2 và tổ chức thẩm định giá theo quy định với tổng số tiền là 120.000.000đ. Hiện nay đã qua 5 lần giảm giá và giá trị còn lại là 83.500.000đ nhưng vẫn chưa có người mua do diện tích đất nhỏ so với nhu cầu lập vườn của nông dân.
Để khắc phục tình trạng này, nhằm đẩy nhanh được tiến độ thi hành án cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Trong trường hợp người được thi hành án yêu cầu kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp của người phải thi hành án thì phải tạm ứng chi phí cho việc đo đạc, kê biên, thẩm định giá và chi phí thông báo bán đấu giá. Số tiền này sẽ được hoàn lại sau khi bán đấu giá thành như trường hợp tạm ứng của cơ quan Thi hành án dân sự.
- Trường hợp người được thi hành án yêu cầu kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp của người phải thi hành án, nếu qua 03 lần bán đấu giá nhưng không có người mua thì giao cho người được thi hành án nhận, trường hợp người được thi hành án không nhận thì cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án với lý do tại thời điểm trả đơn thì người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Trường hợp có cơ sở cho rằng có người mua quyền sử dụng đất thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án trở lại.
- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục Thi hành án dân sự thì việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết.
Quy định như vậy đối với việc kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp là không khả thi, như trường hợp kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp của bà Trương Thị Ân như đã nêu trên thì cơ quan Thi hành án sẽ gặp nhiều vướng mắc do các quy định của địa phương. Vì vậy, nên có quy định riêng đối với việc kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp không nhất thiết phải kê biên diện tích đất có giá trị tương ứng với số tiền phải thi hành án do tính chất đặc thù của loại tài sản này. Cụ thể, trong trường hợp cần thiết chấp hành viên có thể kê biên, bán đấu giá diện tích đất phù hợp với tập quán canh tác và các quy định khác của địa phương nhằm tạo thuận lợi cho người có nhu cầu mua hoặc tạo thuận lợi cho người được thi hành án nhận, nếu qua 03 lần bán đấu giá mà không có người mua, không phụ thuộc vào số tiền phải thi hành án.
Về định giá lại tài sản kê biên, chúng tôi thấy pháp luật cần quy định cụ thể về thời điểm định giá lại tài sản kê biên trong trường hợp đương sự có yêu cầu. Như chỉ cho phép chấp hành viên tổ chức định giá lại ở thời điểm sau khi có kết quả định giá lần đầu theo yêu cầu của đương sự hoặc là đương sự chỉ được yêu cầu định giá lại sau lần bán đấu giá đầu tiên nhưng không có người mua để đỡ mất thời gian, công sức của chấp hành viên, hạn chế thấp nhất các chi phí bán đấu giá và có như vậy mới đẩy nhanh được tiến độ thi hành án.
Hoàng Anh