Thi hành án trong trường hợp đương sự là người phải thi hành án đồng thời là người được thi hành án

21/04/2014
Thực tiễn áp dụng Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cho thấy chủ yếu các trường hợp thi hành án thì đương sự là người được thi hành án hoặc người phải thi hành án hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhưng cũng có trường hợp đương sự là người phải thi hành án đồng thời cũng là người được thi hành án. Sau đây xin dẫn ra ví dụ:


Nội dung Bản án số 05/2013/DSPT: “Bà T, ông D mỗi người phải chịu một nửa tổng số tiền chi phí định giá là 2.225.000 đồng. Bà T đã nộp 2.700.000 đồng, ông D đã nộp 1.750.000 đồng. Nay ông D phải hoàn trả cho bà T là 475.000đ.

Bà T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 49.297.000 đồng sung công quỹ nhà nước. Bà T phải chịu án phí phúc thẩm 100.000 đồng, bà T đã nộp 200.000 đồng, nay hoàn trả bà T 100.000 đồng”.

Thi hành bản án, cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án chủ động với nội dung: bà T phải thi hành án phí sơ thẩm, phúc thẩm là 49.397.000 đồng; hoàn trả bà T 100.000 đồng.

Sau khi nhận được bản án phúc thẩm, ông D đã nộp đơn yêu cầu thi hành án, đồng thời nộp số tiền 475.000 đồng để trả lại bà T tại Chi cục Thi hành án dân sự. Chi cục Thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu với nội dung ông D trả lại bà T 475.000 đồng.

Do không chấp nhận kết quả bản án, bà T không thi hành nghĩa vụ án phí 49.397.000 đồng, đồng thời, bà T cũng không nhận số tiền 475.000 đồng của ông D trả lại. Cơ quan Thi hành án nhiều lần báo gọi, làm việc nhưng bà T vẫn không thi hành hai quyết định thi hành án trên.

Ở đây, ta xét từng trường hợp thi hành án, thứ nhất là thi hành quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của ông D trả lại bà T 475.000 đồng. Trong việc thi hành án này, cơ quan Thi hành án đã thu của ông D số tiền 475.000 đồng, nhưng khi thực hiện báo gọi theo đúng thủ tục bà T vẫn nhất quyết không nhận tiền.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Thông tư 22/2011/TT-BTP: “Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày thu tiền thi hành án, cơ quan Thi hành án phải tiến hành chi trả cho các đối tượng được thi hành án theo thứ tự quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự, thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22 tháng 09 năm 2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và có biện pháp xử lý các khoản tiền, tồn đọng theo các hình thức sau đây:

Đối với những khoản tiền đã báo gọi nhưng đương sự chưa đến nhận hoặc chưa xác định được địa chỉ của người nhận, hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà đương sự không đến nhận, thì cơ quan Thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi đương sự đến nhận tiền. Cơ quan Thi hành án phải mở sổ theo dõi ghi thông tin về sổ tiết kiệm cùng với tên người được thi hành án, tên bản án, tên quyết định thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự.

Trường hợp hết thời hạn 05 năm kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không đến nhận thì cơ quan Thi hành án làm thủ tục chuyển nộp số tiền đó vào ngân sách nhà nước.

Cơ quan Thi hành án mở tài khoản tại ngân hàng để gửi đối với khoản tiền gửi không đủ điều kiện để lập sổ tiết kiệm.”

Áp dụng quy định trên thì cơ quan Thi hành án dân sự phải làm thủ tục đứng tên gửi số tiền 475.000 đồng (đã thu của ông D) vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi bà T đến nhận tiền. Cơ quan Thi hành án phải mở sổ theo dõi ghi thông tin về sổ tiết kiệm cùng với tên người được thi hành án, tên bản án, tên quyết định thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho bà T.

Trường hợp hết thời hạn 05 năm kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không đến nhận thì cơ quan Thi hành án làm thủ tục chuyển nộp số tiền đó vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, việc thi hành quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu khoản ông D hoàn trả cho bà T 475.000 đồng có thể thi hành xong mặc dù bà T không nhận tiền.

Xét quyết định thi hành án thứ hai là quyết định thi hành án chủ động khoản: Bà T phải thi hành án phí sơ thẩm, phúc thẩm là: 49.397.000 đồng; hoàn trả bà T 100.000 đồng.

Do bà T không tự nguyện thi hành, hết thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Khoản 1, Điều 45, Luật Thi hành án dân sự 2008, cơ quan Thi hành án đã ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản đối với số tiền 100.000 đồng trả lại bà T để thi hành khoản án phí. Do vậy, lúc này số tiền bà T phải tiếp tục thi hành là 49.297.000 đồng.

Qua xác minh điều kiện thi hành án cho thấy bà T có đất thổ cư, trên đất có ngôi nhà 2 tầng, xe mô tô, và trong nhà còn nhiều đồ dùng sinh hoạt khác như tivi, máy giặt, tủ lạnh, điều hoà. Từ đó khẳng định bà T có điều kiện thi hành án và có thể tổ chức cưỡng chế thi hành án nếu bà T kiên quyết không thi hành khoản án phí còn lại là 49.297.000 đồng.

Đó là xét riêng việc thi hành quyết định thi hành án chủ động đối với khoản án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm mà bà T có nghĩa vụ phải thi hành.

Theo quy định hiện hành về thi hành án dân sự thì đây là hai việc thi hành án khác nhau (vì có hai quyết định thi hành án riêng biệt). Nhưng cả hai quyết định thi hành án đều là để thi hành Bản án số 05/2013/DSPT. Mục đích của việc thi hành án theo quy định tại các Điều 14, 15, 16, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã khẳng định là để thi hành bản án, quyết định của Tòa án,… và để làm việc đó thì cơ quan Thi hành án dân sự sẽ phải ban hành các quyết định thi hành án.

Bây giờ ta kết hợp hai việc thi hành án trên sẽ thấy, với số tiền 475.000 đồng thu của ông D đã gửi vào ngân hàng nhưng không phải là của bà T (vì bà T không nhận) và sẽ bị sung công. Nếu tổ chức cưỡng chế để thi hành khoản án phí 49.297.000đ thì sẽ kết thúc được quyết định thi hành án còn lại, nhưng khi đó bà T sẽ bị thiệt 475.000 đồng (bà được thi hành nhưng không nhận).

Đến đây, ta thấy sự bất cập của hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự hiện tại trong trường hợp một người vừa là người phải thi hành án, đồng thời cũng là người được thi hành án. Theo các quy định hiện hành chưa có quy định nào để cơ quan Thi hành án có thể đối trừ giữa nghĩa vụ phải thi hành và khoản được nhận của đương sự, mà đều phải thực hiện riêng rẽ. Việc này vừa gây phức tạp cho quá trình tổ chức thi hành án đồng thời cũng gây ra phiền hà tốn kém cho đương sự.

Có thể lấy một ví dụ khác: Ba người bà L, bà K và bà P đều cư trú tại huyện TL. Bà K nợ bà L 52.000.000 đồng; bà P nợ bà K 52.000.000 đồng. Bà L nộp đơn và được cơ quan Thi hành án ra quyết định thi hành án với nội dung bà K trả bà L 52.000.000 đồng. Bà K cũng nộp đơn và cơ quan Thi hành án đã ra quyết định thi hành án với nội dung bà P trả bà K 52.000.000 đồng. Lúc này bà K vừa là người phải thi hành án nhưng đồng thời cũng là người được thi hành án với các khoản phải thi hành và được nhận là như nhau 52.000.000 đồng và đều do Chi cục Thi hành án dân sự huyện TL tổ chức thi hành.

Bà K không có thu nhập ổn định, nhưng bà P là giáo viên nên có thu nhập ổn định và hai bên đã có thỏa thuận hình thức thi hành án là trừ dần vào lương hàng tháng của bà P. Sau khi có thỏa thuận bà K đã nộp đơn đề nghị được đối trừ nghĩa vụ giữa khoản bà nhận được hàng tháng do bà P thi hành để thi hành khoản bà phải trả lại bà L. Vì nhà bà K cách xa trụ sở cơ quan Thi hành án, và thực tế do hai khoản được nhận và phải thi hành của bà là như nhau nên dù có đến làm thủ tục nhận tiền thì bà cũng lập tức phải nộp lại để thi hành khoản nợ với bà L.

Nhưng đề nghị của bà K đã không được chấp nhận, bởi các quy định của pháp luật hiện hành về thi hành án dân sự không cho phép việc đối trừ nghĩa vụ như vậy. Do đó, hàng tháng bà K vẫn phải đến cơ quan Thi hành án làm thủ tục nhận tiền (khoản được thi hành); sau đó nộp tiền (khoản phải thi hành) nhưng thực tế chỉ là ký vào các phiếu thu, phiếu chi, biên lai để hoàn thiện thủ tục với cơ quan Thi hành án chứ bà không nhận được đồng tiền nào.

Từ hai vụ việc trên đây cho thấy đương sự trong các vụ việc vừa là người phải thi hành án đồng thời cũng là người được thi hành án nhiều khi phải thực hiện rất nhiều thủ tục rườm rà gây mất thời gian, công sức, tiền bạc; và cơ quan Thi hành án cũng bị rối rắm thêm vì những thủ tục hành chính và thời gian tiền bạc cho cán bộ làm việc đó.

Theo quy định của Luật Thi hành án và các văn bản hướng dẫn hiện hành thì sẽ phải thực hiện như đã nêu ở trên và như thế sẽ kéo theo sự tốn kém không cần thiết cho cả cơ quan Thi hành án và đương sự. Quan điểm cá nhân tác giả cho rằng cần sửa đổi quy định của Luật Thi hành án dân sự theo hướng với những việc thi hành án mà đương sự vừa là người phải thi hành án nhưng đồng thời cũng là người được thi hành án; nếu hai khoản phải thi hành và được nhận có thể đối trừ cho nhau thì cơ quan Thi hành án khi thi hành hai việc trên sẽ thực hiện đối trừ, như vậy sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết và quan trọng nhất là tạo sự thuận lợi, tiết kiệm cho đương sự.

Văn Tiến – Viện KSND huyện Hữu Lũng