Vai trò của Tòa án trong thi hành án dân sự

19/05/2014
Theo quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 Luật Thi hành án dân sự năm 2008: "Khi ra bản án, quyết định, Tòa án phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án"; "Cấp cho đương sự bản án, quyết định có ghi “Để thi hành”"; "Chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan Thi hành án dân sự kịp thời, đúng thời hạn qui định của pháp luật. Kèm theo bản án, quyết định là các giấy tờ, tài liệu liên quan (nếu có)".


Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế. Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan Thi hành án dân sự. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trả lời kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị. Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thuộc thẩm quyền của Toà án phát sinh trong quá trình thi hành án (Điều 179).

Thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy, có những bản án, quyết định của Tòa án đưa ra thi hành còn vướng mắc do tuyên chưa chính xác, rõ ràng, cụ thể. Cơ quan Thi hành án dân sự đã có văn bản yêu cầu giải thích. Tuy nhiên, Tòa án hoặc giải thích không đúng nội dung văn bản yêu cầu hoặc không trả lời. Khi ra quyết định thi hành án hoặc trong quá trình tổ chức thi hành án phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có những vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự đã có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm theo qui định của pháp luật. Quá thời hạn quy định, vẫn không nhận được văn bản trả lời của Tòa án hoặc có văn bản trả lời không đúng thực tế, không có căn cứ. Hy hữu người có thẩm quyền chấp nhận văn bản kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự để ra quyết định kháng nghị, mặc dù cơ quan Thi hành án dân sự kiến nghị có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Như vậy, Tòa án chưa làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác thi hành án dân sự. Hay nói chính xác hơn, chưa có trách nhiệm đối với bản án, quyết định của mình đã ban hành.

Theo dự thảo báo cáo về định hướng xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) của Tổ biên tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Thì, một trong những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của Luật Thi hành án dân sự hiện hành, đó là: “Hoạt động thi hành án dân sự chưa được thống nhất xác định là hoạt động tư pháp. Vì vậy, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự, có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án dân sự. Sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa cơ quan xét xử và cơ quan Thi hành án dân sự dẫn đến thi hành án chậm, tồn đọng, nhiều vụ việc gây khiếu kiện, bức xúc, kéo dài do chưa qui định cụ thể để Tòa án kịp thời giải thích, đính chính và xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định có vi phạm”.

Bản Dự thảo lần thứ 05 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự cho thấy vai trò của Tòa án trong thi hành án dân sự được quy định nhiều hơn. Điều chúng tôi quan tâm là sửa đổi như vậy, công tác thi hành án dân sự có nâng cao hiệu quả hay không? Vậy, tại sao Chánh án Tòa án phải ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành?.

Kể từ khi cơ quan Thi hành án dân sự được thành lập tới nay đã hơn hai mươi năm, bản án, quyết định của Tòa án vẫn được đưa ra thi hành kịp thời, đúng quy định, không hề chậm trễ. Cơ quan Thi hành án dân sự không chỉ đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thi hành, mà còn phải đưa ra thi hành: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án; phán quyết, quyết định của Hội đồng trọng tài; quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Vì sao không cần ra quyết định đưa những quyết định này ra thi hành?

Nghiên cứu Dự thảo lần thứ 05 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự về vai trò của Tòa án trong thi hành án dân sự. Để Chánh án có "Thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành - sửa đổi, bổ sung tại Điều 29", thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Tòa án phải gửi cho Chánh án bản án, quyết định theo quy định của pháp luật (bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm). Khi gửi bản án, quyết định, Toà án phải gửi kèm theo biên bản kê biên, tạm giữ tang vật, tài sản, các tài liệu khác có liên quan (sửa đổi, bổ sung Điều 28. Gửi bản án, quyết định của Tòa án).

Tiếp đến, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định hoặc nhận được đơn yêu cầu của đương sự, Chánh án Tòa án phải ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, Tòa án phải gửi Viện Kiểm sát cùng cấp nơi thi hành án, người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan (bổ sung Điều 29a. Ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành đối với bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 29a, Tòa án phải chuyển giao cho cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án. Kèm theo quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành là bản án, quyết định của Tòa án và các giấy tờ, tài liệu liên quan (nếu có) - (bổ sung “Điều 29b. Chuyển giao quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành cho cơ quan Thi hành án dân sự". Điều luật này không quy định chuyển giao quyết định đưa bản án, quyết định theo đơn yêu cầu ra thi hành theo khoản 2 Điều 29a cho cơ quan Thi hành án dân sự). Thời hạn ra quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành (sửa đổi, bổ sung Điều 36. Ra quyết định thi hành án).

Theo các quy định trên, kể từ khi gửi bản án, quyết định của Tòa án cho đến khi ra quyết định thi hành án đối với bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 29a phải phải mất 12 ngày làm việc, một khoảng thời gian không phải là ngắn so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định 05 ngày làm việc. Để đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thi hành trên thực tế, cơ quan Thi hành án dân sự phải "Đợi" nhận được "Quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành", làm cho cơ quan Thi hành án dân sự thụ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Như vậy, chậm trễ trong việc tổ chức thi hành án, trong khoảng thời gian này đương sự có thể tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thi hành án. Bản án, quyết định của Tòa án không được thi hành kịp thời, nghiêm chỉnh, bảo đảm quyền lợi của Nhà Nước, quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã được Tòa án phán quyết. Chưa kể, trong quá trình tổ chức thi hành án có những khó khăn, vướng mắc do bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, không cụ thể, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Dẫn đến các đương sự chống đối gay gắt, khiếu kiện bức xúc, kéo dài chưa được giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho án tồn đọng nhiều năm chưa thi hành được. Nhưng chưa được đề cập để sửa đổi.

Đối với các đương sự, thì: "… người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; Yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với phán quyết, quyết định quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này" (sửa đổi, bổ sung Điều 30).

Như vậy, muốn được đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thi hành. Trước hết các đương sự phải làm đơn đúng quy định, yêu cầu Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành. Kể từ ngày Tòa án nhận được đơn yêu cầu cho đến khi nhận được quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành của Tòa án là 10 ngày làm việc. Đó là mới có được quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, chưa có quyết định thi hành án mà đã mất 10 ngày làm việc. Trong khi đó, Luật Thi hành án dân sự  năm 2008, kể từ ngày nhận đơn cho đến khi có quyết định thi hành án là 05 ngày làm việc.

Nhưng, Tòa án mới ra "Quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành", chưa có quyết định thi hành án, đương nhiên bản án, quyết định của Tòa án vẫn chưa có căn cứ để tổ chức thi hành. Cơ quan Thi hành án dân sự thì đương sự chỉ được yêu cầu ra quyết định thi hành án "Đối với phán quyết, quyết định quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này". Cụ thể là: Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; phán quyết trọng tài, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài và quyết định công nhận hòa giải thành của Hội đồng trọng tài. (Sửa đổi Điều 31 qui định: "… Đối với bản án, quyết định của Tòa án thì thực hiện quyền yêu cầu thi hành tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 29 của Luật này. Đối với phán quyết, quyết định của Hội đồng trọng tài, Hội đồng cạnh tranh thì thực hiện quyền yêu cầu tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35 của Luật này").

Có "Quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành" của Tòa án, nhưng các đương sự không biết đến cơ quan nào yêu cầu ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự chưa quy định cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với khoản thi hành cho cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là người được thi hành án).

Khi có việc thi hành án, các đương sự phải đến nhiều cơ quan, thêm nhiều thủ tục hành chính, làm cho họ tốn kém về thời gian và tiền bạc. Tuy vậy, mới có quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, vẫn chưa có quyết định thi hành án, chưa được tổ chức thi hành.

Nếu dự thảo được Quốc Hội thông qua, các cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức tập huấn. Các cơ quan Tòa án, Kiểm sát phải có bộ phận giúp việc. Tức là phải tăng thêm biên chế cho Tòa án, Viện kiểm sát. Theo đó là kinh phí hoạt động, trang thiết bị, ….

Trong khi đó, Đảng và Nhà Nước ta đang thực hiện việc cải cách hành chính, với mục đích phục vụ người dân nhanh, gọn, có hiệu quả. Hạn chế việc sách nhiễu, phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết sự vụ. Kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp. Chủ trương của Đảng và Nhà Nước đang tinh giảm biên chế, làm cho bộ máy Nhà nước gọn, nhẹ có hiệu quả.

Theo qui định của pháp luật, nhiệm vụ chính của Ngành Tòa án là xét xử các vụ án, đảm bảo xét xử chính xác, công minh, đúng pháp luật. Có như vậy, phán quyết của Tòa án mọi người mới "Tâm phục, khẩu phục", các đương sự nghiêm chỉnh chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Tạo thuận lợi cho công tác thi hành án nói chung, công tác thi hành án dân sự nói riêng, không ngừng nâng cao hiệu quả. Chính vì vậy, chúng tôi thấy vai trò của Tòa án trong công tác thi hành án dân sự:

- Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế, đúng pháp luật.

- Khi cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ hoặc có văn bản kiến nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm theo qui định của pháp luật tố tụng. Tòa án phải giải quyết chính xác, kịp thời, đúng pháp luật, trong thời hạn luật định.

- Chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan Thi hành án dân sự kịp thời, đúng thời hạn quy định của pháp luật. Kèm theo bản án, quyết định là tang vật vụ án, các giấy tờ, tài liệu liên quan (nếu có).

- Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản thuộc thẩm quyền của Toà án phát sinh trong quá trình thi hành án.

Những vai trò này của Tòa án trong công tác thi hành án dân sự là đúng với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Gắn liền trách nhiệm của Tòa án đối với bản án, quyết định của mình. Tạo mối quan hệ đồng bộ giữa Tòa án với cơ quan Thi hành án dân sự. Làm cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành kịp thời, nghiêm chỉnh thi hành. Đảm bảo quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã được Tòa án phán quyết.

Trên đây là ý kiến của cá nhân, mong nhận được sự trao đổi của các độc giả.

Phạm Công Ý