Trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định trong thi hành án dân sự

25/06/2014
Cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu phát hiện bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành thì có quyền yêu cầu Tòa án giải thích, đính chính hoặc bản án, quyết định có vi phạm pháp luật thì có quyền kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật.


Đây là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự được qui định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Quy định này là rất cần thiết, không những là nhiệm vụ, quyền hạn mà còn là trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định mình có trách nhiệm tổ chức thi hành.

Trong quá trình giải quyết vụ án, khi ban hành bản án, quyết định cơ quan có thẩm quyền không tránh khỏi thiếu sót, vi phạm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cơ quan Thi hành án dân sự không chỉ tổ chức thi hành bản án, quyết định. Mà còn kiểm tra tính đúng đắn, có căn cứ của bản án, quyết định mình đưa ra thì hành. Để cùng với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc chính xác, thấu tình đạt lý, có căn cứ, đúng pháp luật. Hạn chế oan sai trong xét xử và thi hành án. Vì thế, trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định mình đưa ra thi hành rất quan trọng. Có ý nghĩa thiết thực đối với quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật, hạn chế oan sai. Để được như vậy, pháp luật phải quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định đưa ra thi hành.

Thực tế cho thấy có những bản án, quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhất là các vụ án hình sự và dân sự. Làm oan sai cho công dân, hậu quả khó khắc phục, gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan Thi hành án dân sự thấy "Chết" mà không cứu được. Nếu không tổ chức thi hành theo bản án, quyết định thì vi phạm pháp luật, án sẽ tồn đọng kéo dài. Nếu tổ chức thi hành thì đương sự chống đối quyết liệt, dư luận không đồng tình, cơ quan, tổ chức không ủng hộ, lương tâm những người làm công tác thi hanh án day dứt, …

Là cơ quan trực tiếp thi hành bản án, quyết định, cơ quan Thi hành án dân sự gặp không ít bản án, quyết định thiếu sót, vi phạm được thể hiện ngay trong bản án, quyết định đó. Cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình hay nói cách khác thể hiện trách nhiệm của mình đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Nhưng cơ quan có thẩm quyền không giải quyết hoặc có văn bản giải quyết nhưng không có căn cứ, không đúng văn bản yêu cầu, kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự. Gây không ít khó khăn, phức tạp cho việc tổ chức thi hành án, mà pháp luật chưa quy định cơ chế giải quyết. Dẫn đến, cơ quan Thi hành án dân sự "Thấy sai" vẫn phải làm.

Hoặc khi đưa bản án, quyết định ra thi hành, người phải thi hành án hoặc thân nhân của họ kêu oan, phản ứng gay gắt, khiếu kiện kêu oan liên tục, kéo dài. Cơ quan Thi hành án dân sự không thể làm ngơ, vô tình trước cảnh tượng này. Để thực hiện nhiệm vụ "Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật" thì phải có căn cứ, đúng pháp luật. Chỉ dựa vào bản án, quyết định hoặc lời trình bày của đương sự là chưa đủ. Phải thu thập chứng cứ, tài liệu, … Nhưng pháp luật không quy định cho cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền này. Do đó, chưa đủ chứng cứ để kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật, buộc phải thi hành theo bản án, quyết định mặc cho đương sự kêu oan.

Thiết nghĩ, để cụ thể hóa (điểm d khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã cụ thể hóa tại khoản 3 Điều 52a). Cần phải có một điều luật quy định trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định đưa ra thi hành.

Cần quy định thẩm quyền cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu,… đối với những bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà chưa đủ chứng cứ để thực hiện việc kiến nghị theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật cần quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tạo điều kiện thuận lợi dể cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ. Nếu không thực hiện sẽ có chế tài xử lý theo pháp luật quy định.

Cơ quan ban hành bản án, quyết định phải trả lời kiến nghị của cơ quan Thi hành án có căn cứ, đúng pháp luật, trong thời hạn luật định. Hết thời hạn luật định mà không trả lời hoặc trả lời không có căn cứ, không đúng pháp luật thì cơ quan Thi hành án dân sự có quyền trả lại bản án, quyết định cho cơ quan đã ban hành.

Văn bản kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự, không có căn cứ, không đúng pháp luật, kéo dài việc thi hành án, làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan ban hành bản án, quyết định cũng phải quy định chế tài xử lý.

Nếu pháp luật quy định như vậy, thì cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm hơn đối với bản án, quyết định mình đưa ra thi hành. Tạo mối quan hệ hữu cơ giữa cơ quan xét xử và cơ quan Thi hành án. Hạn chế đáng kể oan sai trong xét xử và thi hành án. Đảm bảo vụ việc được giải quyết công minh, chính xác, đúng pháp luật. Dư luận đồng tình ủng hộ, bản án, quyết định được nghiêm chỉnh thi hành, hạn chế đáng kể án tồn đọng kéo dài nhiều năm không thi hành được.

Phạm Công Ý