Ra quyết định tiếp tục thi hành án như thế nào cho đúng và phù hợp?

03/07/2014


Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, một trong các trường hợp Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án đó là: Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách Nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên (điểm c Điều 48 Luật Thi hành án dân sự). Đây là trường hợp hoãn thi hành án mà quyết định không quy định thời hạn. Về việc tiếp tục thi hành án, tại khoản 4 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định: Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ khi căn cứ hoãn thi hành án nêu trên không còn thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án. Tuy nhiên, việc ra quyết định tiếp tục thi hành án trong trường hợp này cũng nảy sinh những vấn đề cần thống nhất cách hiểu và áp dụng cho chính xác, phù hợp trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự.

Trong phạm vi trao đổi, xin nêu ra một tình huống cụ thể như sau: Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Y (gọi tắt là Chi cục Y) đưa ra thi hành Bản án số 23/HSST ngày 09/3/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Y đối với Đào Minh C tại Quyết định thi hành án số 359/QĐ-THA ngày 04/5/2010 về khoản án phí HSST 200.000 đồng, tiền phạt 7.000.000 đồng. Kết quả xác minh điều kiện thi hành án đã xác định Đào Minh C không có tài sản, không có nguồn thu nhập, đang chấp hành án giam tại Trại giam H mức án 05 năm phạt giam. Chi cục Y đã ra quyết định hoãn thi hành án đối với C về hai khoản tiền trên. Trong quá trình vận động người thân của C, họ đã trình bày được tự nguyện nộp 700.000 đồng được chấp hành viên lập biên bản để tiến hành thu. Do C đang được hoãn thi hành án nên Chi cục Y phải ra quyết định tiếp tục thi hành án để thi hành.

Vấn đề ở đây là việc xác định C có điều kiện thi hành án như thế nào để quyết định tiếp tục thi hành án cho đúng? Hiện có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: Chi cục Y phải ra quyết định tiếp tục thi hành án đối với các khoản C phải thi hành gồm: Khoản án phí 200.000 đồng, tiền phạt 7.000.000 đồng, từ đó có căn cứ thu khoản tiền thân nhân của C tự nguyện nộp. Như vậy số tiền C còn phải thi hành đương nhiên trở thành có điều kiện thi hành án. Chấp hành viên phải tiến hành xác minh lại điều kiện thi hành án của C làm căn cứ để Chi cục Y ra quyết định hoãn số tiền 6.500.000 đồng mà C còn phải thi hành.

Quan điểm thứ nhất còn cho rằng: Sau khi xác minh lại và Chi cục Y ra quyết định hoãn thi hành án mới thì số tiền trên quyết định hoãn đúng bằng số mà C còn phải thi hành án; nếu quyết định tiếp tục thi hành án một phần thì sau khi thi hành một phần đó, số tiền trên quyết định hoãn không đúng với số tiền C còn phải thi hành.

Quan điểm thứ hai: Chi cục Y ra quyết định tiếp tục thi hành án một phần các khoản đã hoãn thi hành án (gồm án phí 200.000 đồng, phạt 500.000 đồng) để có căn cứ thu số tiền thân nhân của C tự nguyện nộp, số tiền này đã xác định cụ thể tại biên bản giải quyết thi hành án đối với họ. Số tiền C còn phải thi hành 6.500.000 đồng đương nhiên vẫn thuộc diện đang được hoãn thi hành án. Chấp hành viên có trách nhiệm tiến hành xác minh theo định kỳ.

Đối với quan điểm thứ nhất: Rõ ràng việc ra quyết định tiếp tục thi hành án đã xác định C có điều kiện thi hành án đối với toàn bộ các khoản C phải thi hành án, điều này mâu thuẫn với thực tế điều kiện thi hành án của C. Nói cách khác điều kiện hoãn thi hành án đối với C cơ bản vẫn còn trừ số tiền thân nhân của C tự nguyện đến nộp. Nếu quyết định tiếp tục thi hành án toàn bộ như vậy sẽ trái với quy định tại khoản 4 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự “Kể từ khi căn cứ hoãn thi hành án không còn”. Việc chấp hành viên lại phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với C, sau đó Chi cục Y lại tiếp tục quyết định hoãn thi hành án khoản trên C còn phải thi hành thực sự gây khó khăn, thêm việc cho chấp hành viên. Trên thực tế việc thân nhân của người phải thi hành án (đã được hoãn thi hành án do không có điều kiện thi hành án khoản thu nộp cho ngân sách Nhà nước ) tự nguyện nộp thay một phần cho người phải thi hành án là khá nhiều.

Ngược lại, theo quan điểm thứ hai thì mỗi nội dung quyết định hoãn thi hành án đã xác định cụ thể các khoản được hoãn. Việc quyết định tiếp tục thi hành án một phần cũng xác định rõ tiếp tục thi hành án khoản nào, bao nhiêu? Cụ thể như ví dụ trên tiếp tục thi hành khoản án phí 200.000 đồng, tiền phạt 500.000 đồng. Điều này phù hợp với điều kiện thi hành án thực tế của C (việc nộp 700.000 đồng được xác định là có điều kiện thi hành án là do thân nhân của C tự nguyện nộp thay và đã được xác định trước), phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 4 Điều 48 của Luật Thi hành án dân sự. Chấp hành viên sẽ chỉ phải tiến hành xác minh khi đến định kỳ, có thời gian để giải quyết các vụ việc khác.

Giữa số tiền C còn phải thi hành và số tiền trên quyết định hoãn thi hành án không nhất thiết cứ phải bằng nhau vì đã có quyết định tiếp tục thi hành án một phần làm rõ sự chênh lệch này. Các quyết định trong hồ sơ thi hành án có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nếu có thể đình chỉ thi hành án một phần, thu hồi để uỷ thác thi hành án một phần thì tại sao không được ra quyết định tiếp tục thi hành án một phần?

Một lý do khác đó là: Nếu tại thời điểm báo cáo mà chấp hành viên xác định C có điều kiện thi hành án toàn bộ theo quan điểm thứ nhất thì vừa không đúng thực tế còn làm giảm tỷ lệ thi hành án. Không thể ban hành ngay quyết định hoãn thi hành án số tiền C còn phải thi hành khi chưa có căn cứ xác minh đầy đủ (yêu cầu về trình tự thủ tục thi hành án), việc này không thể thực hiện nhanh vì C đang chấp hành án giam.

Để khắc phục những vấn đề nảy sinh nêu trên, theo cá nhân tôi nên áp dụng theo quan điểm thứ hai, ngay sau khi quyết định tiếp tục thi hành án một phần, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự căn cứ vào đó ra quyết định hoãn thi hành án (sửa đổi, thay thế quyết định hoãn thi hành án trước đây). Như vậy việc hoãn thi hành án vẫn được duy trì đúng với khoản C còn phải thi hành, có căn cứ pháp lý và phù hợp với thực tế điều kiện thi hành án của C, thuận lợi cho chấp hành viên trong tổ chức thi hành án.

Từ thực tế công tác thi hành án dân sự tại địa phương đã nảy sinh các quan điểm, cách thức vận dụng như trường hợp nêu trên, rất mong được sự trao đổi của các đồng nghiệp, sự hướng dẫn của cấp trên để công tác thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Minh Thuận