Chỉ tiêu Thi hành án dân sự

16/09/2014
Tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự nhằm nâng cao kết quả thi hành án, giảm việc thi hành án dân sự tồn đọng, hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao hàng năm luôn là vấn đề được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự coi là nhiệm vụ trọng tâm cần được chỉ đạo quyết liệt thực hiện.


Trong nhiều năm qua, nhất là kể từ khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành đến nay, bên cạnh các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức, biện pháp điều hành, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc giao chỉ tiêu thi hành sn dân sự hàng năm cho các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện. Tiếp đó, để nâng cao vai trò của việc giao chỉ tiêu, bắt đầu từ năm 2013 Quốc hội đã có Nghị quyết giao chỉ tiêu cho các cơ quan Tư pháp, trong đó có chỉ tiêu về thi hành án dân sự. Nhờ có việc điều hành bằng chỉ tiêu, kết quả thi hành án dân sự hàng năm không ngừng tăng lên cả về số lượng, chất lượng, đặc biệt tình trạng việc thi hành án dân sự tồn đọng đã được tiết chế, không tăng mạnh, thậm chí có thời điểm đã giảm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chỉ tiêu thi hành án dân sự thời gian qua cũng có một số hạn chế như: một số chỉ tiêu chưa được hoàn thành do chưa phù hợp thực tiễn thi hành án trong tình hình mới; một số chỉ tiêu định tính, khó đánh giá; định mức chỉ tiêu cao....Nguyên nhân của hạn chế này do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan gây nên, trong đó có một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó chính là nhận thức về chỉ tiêu thi hành án dân sự chưa rõ ràng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu quan niệm về chỉ tiêu, chỉ tiêu thi hành án dân sự và một số vấn đề có liên quan.

1. Chỉ tiêu và kế hoạch

Chỉ tiêu là khái niệm gắn liền với công tác kế hoạch. Hiện nay quá trình đổi mới công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch luôn là vấn đề quan trọng được các cấp, cách ngành trong đó có Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm nghiên cứu. Trọng tâm của sự đổi mới đó là chuyển từ cách lập kế hoạch theo kiểu truyền thống, chú trọng vào hoạt động và các đầu ra (kết quả ngắn hạn) của việc thực hiện kế hoạch sang lập kế hoạch theo kết quả, và kèm theo đó là triển khai công tác theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch theo kết quả. Trong quá trình đó, một vấn đề nổi lên là phải xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch và chỉ số theo dõi, đánh giá mức độ thực hiện kế hoạch. Hiện nay, do có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nên quan niệm về lập kế hoạch cũng có nhiều quan niêm khác nhau. Nhưng tựu chung có thể nói lập kế hoạch là một quá trình trả lời cho bốn câu hỏi chiến lược: Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta muốn đi đến đâu? Làm thế nào để đến được đích? Và làm thế nào để biết chúng ta đang đi đúng hướng?. Câu hỏi thứ nhất được trả lời trong phần đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kỳ báo cáo; câu hỏi thứ hai được làm rõ trong phần phương hướng, mục tiêu cần đạt tới trong kỳ kế hoạch; câu hỏi thứ ba ở phần giải pháp thực hiện kế hoạch và câu hỏi thứ 4 ở phần theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch. Như vậy, có thể nói đây cũng chính là bốn nội dung cơ bản mà một bản kế hoạch cần phải trả lời.

Để xây dựng được một kế hoạch khoa học, có tính khả thi, giải đáp được các câu hỏi nêu trên, thì thiết lập hệ thống lập, theo dõi và đánh giá kế hoạch theo kết quả, trước hết các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch là vấn đề cần được nghiên cứu sâu sắc. Đồng thời, các chỉ số theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện các cấp mục tiêu trong chuỗi kết quả cũng cần được xác lập, bởi lẽ nếu không có những chỉ số này thì không thể biết được kết quả thực hiện kế hoạch thực tế là như thế nào, cũng có nghĩa là không có các giải pháp điều chỉnh kịp thời, không gắn được trách nhiệm giải trình và không rút được các bài học cần thiết cho việc lập kế hoạch ở kỳ kế hoạch tiếp theo.

Có rất nhiều cách hiểu về chỉ tiêu khác nhau, tuy nhiên, tựu chung có thể nói: Chỉ tiêu là sự lượng hoá ý đồ kế hoạch của chủ thể quản lý thành một con số cần phấn đấu đạt đến tại một thời điểm nhất định trong kỳ kế hoạch.

Qua khái niệm này cho thấy cấu trúc của một chỉ tiêu phải bao gồm: Tên chỉ tiêu (1); Con số định lượng (2); Không gian phản ánh (3); Đối tượng phản ánh (4); Thời gian đo lường (5). Trong một bối cảnh cụ thể, các nội dung sau (3), (4), (5) trong cấu trúc của chỉ tiêu có thể đều được mọi người hiểu thống nhất thì không nhất thiết phải nêu ra trong một chỉ tiêu. Nhưng nội dung (1), (2) bắt buộc phải được thể hiện rõ trong chỉ tiêu, vì đây là hai bộ phận quan trọng nhất của chỉ tiêu.

2. Chỉ tiêu thi hành án dân sự

Từ khái niệm về chỉ tiêu nêu trên, cho thấy: Chỉ tiêu thi hành án dân sự là sự lượng hoá ý đồ kế hoạch chủ thể quản lý (Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự) thành một con số cụ thể cần phấn đấu đạt đến trong năm kế hoạch đã được xác định (Hiện tại năm kế hoạch trong thi hành án dân sự được xác định từ ngày 01/10 năm trước và kết thúc vào 30/9 năm sau liền kề).

Ví dụ: trong chỉ tiêu “Tỉ lệ giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết của toàn ngành năm 2014 phải đạt 88% về việc”, thì “Tỉ lệ giải quyết xong trong số có điều kiện” là tên chỉ tiêu; “đạt 88%” là con số định lượng; “việc” là đối tượng phản ánh; “năm 2014” là thời gian đo lường, còn “toàn ngành” là không gian phản ánh.

Chỉ tiêu thi hành án dân sự có thể được phản ánh bằng 2 cách sau đây:

- Cách thứ nhất là thể hiện sự thay đổi so với kỳ gốc hoặc kỳ báo cáo (ví dụ, năm 2014 thi hành xong trong số việc có điều kiện thi hành tăng gấp 1,5 lần so với số thi hành xong của năm 2013);

- Giá trị tuyệt đối cần đạt được tại một thời điểm nào đó trong kỳ kế hoạch (Ví dụ, giảm số việc tồn đọng xuống dưới 200 ngàn việc hoặc giảm 50 ngàn việc tồn đọng).

Con số định lượng có thể được biểu đạt bằng số tuyệt đối hoặc tỷ lệ phần trăm (%). Như vậy, chỉ tiêu luôn có tên gọi, đối tượng phản ánh và gắn liền với một con số nhất định và một khoảng thời gian nhất định. Con số này được các cơ quan quản lý xác định ngay từ khi lập kế hoạch, dựa trên kết quả phân tích thực trạng, dự báo tương lai và cân nhắc hợp lý các yếu tố tác động đến việc thực hiện kế hoạch. Lưu ý rằng, để có thể quản lý tốt thì số lượng chỉ tiêu không nên quá  nhiều, và phải tính toán, đo lường và đánh giá được, tránh các chỉ tiêu mang tính chất định tính không được định lượng cụ thể gây khó khăn cho tổ chức thực hiện và đánh giá.

 Bên cạnh đó, để phân biệt rõ và nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chỉ tiêu thi hành án dân sự, cũng cần phần biệt chỉ tiêu thi hành án dân sự với mục tiêu và chỉ số trong thi hành án dân sự.

- Mục tiêu thi hành án dân sự: Là một phát biểu định tính về hướng đích mà kế hoạch nhằm đạt tới. Cấu trúc của mục tiêu sẽ gồm một động từ chỉ hướng hành động và một danh từ (hoặc đoạn văn) mô tả đối tượng can thiệp.

Ví dụ: “Nâng cao kết quả thi hành án dân sự, giảm việc thi hành án dân sự chuyển kỳ sau”, thì: “nâng cao”, “giảm” là động từ chỉ hướng hành động và “kết quả thi hành án dân sự, “việc thi hành án dân sự chuyển kỳ sau” là đối tượng can thiệp.

Thông thường mục tiêu trong kế hoạch thi hành án dân sự được thể hiện theo các cấp độ khác nhau. Trong đó, mục tiêu cần đạt được trong kỳ kế hoạch sẽ là mục tiêu cụ thể. Để thực hiện được mục tiêu đó, trong kỳ kế hoạch cần đảm bảo thi hành được một số lượng việc, tiền thi hành án nhất định. Đồng thời, việc thực hiện các mục tiêu cụ thể của bản kế hoạch sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tổng thể, mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn không nhất thiết phải thực hiện được trong kỳ kế hoạch, mà nó là hướng đích cho một số kỳ kế hoạch cùng góp phần từng bước đạt đến để đạt được mức độ thực chất, bền vững của hoạt động thi hành án dân sự như ví dụ đã nêu trên “Nâng cao kết quả, đảm bảo tính bền vững và thực chất trong thi hành án dân sự, giảm việc thi hành án dân sự chuyển kỳ sau”.

Sau khi mục tiêu dài hạn thực hiện được, các nhà quản lý sẽ tiếp tục xác định mục tiêu dài hạn mới cho một số kỳ kế hoạch tiếp theo. Tuy nhiên, nếu chỉ có mục tiêu không thì chưa đủ đóng vai trò định hướng cho kế hoạch, vì kế hoạch cần chỉ rõ như thế nào là đạt, như thế nào là vượt hay chưa đạt mục tiêu đề ra. Muốn vậy, mục tiêu cần đi kèm với chỉ tiêu kế hoạch.

- Chỉ số: Là thước đo không mang giá trị tự thân, như “tỷ lệ thi hành xong về việc” hay “tỷ lệ thi hành xong về tiền”. Các chỉ số này chỉ có giá trị thực tế sau mỗi định kỳ được đơn vị chuyên trách thống kê thu thập số liệu và đo lường. Do đó, giá trị của chỉ số sẽ thay đổi sau mỗi thời kỳ được đo lường, ví dụ: tỷ lệ thi hành xong của 10 tháng năm 2013 đo được là 69,84% về việc và 40,9% về tiền.

Như vậy, có thể thấy rõ chỉ tiêu, mục tiêu, chỉ số là 3 khái niệm khác nhau, nhưng có gắn bó, quan hệ chặt chẽ với nhau, cụ thể:

Một là, giá trị của chỉ tiêu được cố định từ đầu (và chỉ thay đổi khi quyết định điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu).

Hai là, một chỉ tiêu và mục tiêu có thể được đo lường bằng nhiều chỉ số, tuỳ thuộc vào yêu cầu theo dõi, đánh giá của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự. Các chỉ số đều được xác định tương ứng với các cấp mục tiêu, trong đó chia làm 2 loại chỉ số chính là: chỉ số thực hiệnchỉ số kết quả.

Chỉ số thực hiện quan tâm đến việc liệu các đầu vào (nhân lực, vật lực – biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc) và các hoạt động (các nhiệm vụ, qui trình – trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật) có tuân theo đúng ngân sách đã dự trù hay kế hoạch và lịch trình các hoạt động đã xây dựng hay không.

Chỉ số kết quả tập trung vào đo lường mức độ đạt được các cấp mục tiêu (đầu ra, kết quả trung hạn và tác động) có đúng như chỉ tiêu dự kiến hay không. 

Ngoài ra, còn có các chỉ số để đánh giá như chỉ số đo lường hiệu quả, hiệu lực của kế hoạch hay chỉ số đo lường mức độ rủi ro trong thực hiện kế hoạch. ở đây không loại trừ trường hợp một chỉ tiêu được đo đúng bằng một chỉ số. Trong trường hợp này, chỉ số sử dụng sẽ chính là nội dung của chỉ tiêu (nhưng không có phần định lượng và mốc thời gian).

Hoàng Thế Anh

TrT Dữ liệu, TT và TKTHADS

Tổng cục Thi hành án dân sự