Nên ra quyết định tiếp tục thi hành án dân sự thế nào cho đúng với mục đích của nó

05/11/2014
Thi hành án dân sự là hoạt động do cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện nhằm đưa các quyết định về phần dân sự trong bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của trọng tài thương mại hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật ra thi hành; buộc bên phải thi hành án chấp hành, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên được thi hành án.


Luật Thi hành án dân sự về cơ bản đã đầy đủ, đảm bảo tính chính xác là cơ sở pháp lý để cán bộ thi hành án dân sự áp dụng trong công việc của mình khi có các tình huống, sự việc xẩy ra, đồng thời góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện thi hành án dân sự đã phát sinh những tình huống pháp lý cụ thể, có quan điểm khác nhau. Muốn hoàn thiện đầy đủ, đòi hỏi các văn bản pháp luật phải chính xác, một nghĩa, không xung đột; để tạo cơ sở cho cán bộ xử lý vụ việc khi có tình huống xẩy ra.

Sau đây tôi đưa ra một vụ án cụ thể xẩy ra trên địa bàn:

Ngày 30/9/2009, Chi cục Thi hành án dân sự huyện CL, tỉnh HT nhận Bản án hình sự sơ thẩm số 21/2009/HSST ngày 27/8/2008 của Tòa án nhân dân huyện CL đối với Đoàn Thị L (thường trú: Xóm 7, thị trấn N, huyện CL) về tội trộm cắp tài sản.

Ngày 01/10/2009, Chi cục Thi hành án dân sự huyện CL ra quyết định chủ động về thi hành án dân sự theo thẩm quyền buộc chị Đoàn Thị L nộp 200.000 đồng tiền án phí HSST và 15.000.000 đồng tiền truy thu sung công quỹ nhà nước.

Ngày 5/10/2009, Thủ trưởng cơ quan giao chấp hành viên phụ trách hồ sơ thực hiện việc thi hành án của Đoàn Thị L. Qua nhiều lần xác minh điều kiện thi hành án dân sự đối với Đoàn Thị L cho thấy L là đối tượng lười lao động chuyên trộm cắp, không có nơi ở ổn định, không có tài sản tại địa phương. Ngày 02/11/2009, Chi cục Thi hành án dân sự ra Quyết định hoãn thi hành án theo khoản c, Điều 48 Luật Thi hành án dân sự năm 2008; hàng quý cơ quan đã phối hợp cùng chính quyền đã trực tiếp thuyết phục L nộp tiền thi hành án nhưng không có hiệu quả nên chấp hành viên phải lập biên bản xác minh để lưu hồ sơ làm căn cứ.

Ngày 26/9/3013, Chị Đoàn Thị K (chị gái của L) đến trụ sở cơ quan chúng tôi xin nộp thay cho L 5.000.000 đồng. Để thực hiện thu số tiền này thì Chi cục Thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án dân sự theo khoản 4, Điều 48 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Trường hợp đang hoãn thi hành án, người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án mà người nhà đến cơ quan Thi hành án dân sự đề nghị nộp thay cho L 5.000.000 đồng thì cơ quan Thi hành án dân sự nên ra quyết định tiếp tục thi hành án đối với số tiền thực nộp. tức là chỉ ra quyết định tiếp tục thi hành án với số tiền 5.000.000 đồng trong số tiền 15.200.000 đồng để thực hiện việc thu 5.000.000 đồng để nộp ngân sách nhà nước (tức là ra quyết định tiếp tục thi hành án một phần giống như ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án một phần để thực hiện uỷ thác).

Quan điểm thứ hai: Việc thi hành án đang hoãn, vì thế khi chị K nộp tiền cho L tức là căn cứ hoãn không còn thì cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án theo khoản 4 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự đối với việc thi hành án đó, tức là ra quyết định tiếp tục thi hành án với số tiền 15.200.000 đồng. Tuy nhiên cá nhân người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành nhưng người nhà nộp thay một phần nghĩa vụ thi hành án cho L thì cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục đối với toàn bộ quyết định thi hành án trên và tiến hành thu tiền, sau khi làm thủ tục chi trả xong thì cơ quan thực hiện việc xác minh rồi ra quyết định hoãn số tiền còn lại.

Theo tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm thứ nhất, bởi vì trong thi hành án dân sự hoãn thi hành án tức là đương sự chưa có điều kiện thi hành án theo Điều 48 Luật Thi hành án dân sự (qua xác minh tài sản và điều kiện thu nhập). Nếu đương sự hoặc người nhà đương sự nộp bao nhiêu tiền thì cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành phần đó thì mới đúng với thực tế và đúng với trách nhiệm pháp lý. Tức là đương sự nộp 5.000.000 đồng trên tổng tiền phải nộp là 15.200.000 đồng thì chỉ ra quyết định tiếp tục thi hành án dân sự một phần quyết định đó với số tiền  5.000.000 đồng. Nó vừa chính xác theo khoa học pháp lý, vừa dễ cho việc thao tác trong nghiệp vụ thi hành án, vì nếu ra quyết định tiếp tục thi hành án tất cả thì mặc nhiên cơ quan Thi hành án lại cho toàn bộ số tiền đó là có điều kiện thi hành án dẫn đến không khách quan, không chính xác vì nếu tại thời điểm báo cáo mà chấp hành viên xác định L có điều kiện thi hành án toàn bộ theo quan điểm thứ hai thì nó hoàn toàn không đúng với thực tế, dẫn đến việc báo cáo trong kỳ báo cáo thống kê không chính xác phần nào vô tình làm tăng số tiền và việc có điều kiện thi hành án.

Để xử lý tình huống này, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẩn phù hợp nhằm góp phần thúc đẩy công tác thi hành án dân sự ngày càng có hiệu quả, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Trần Thế Hùng

Chi cục THADS huyện Can lộc,Hà Tĩnh