Thỏa thuận trong thi hành án dân sự, lý luận và thực tiễn những vấn đề cần hoàn thiện (sửa đổi)

05/11/2014
Ngày 14/11/2008, Quốc hội thông qua Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết thi hành Luật này, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009. Đến nay, sau hơn bốn năm thực hiện cho thấy Luật Thi hành án dân sự đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, bên cạnh đó Luật Thi hành án dân sự cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Vì vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự để giải quyết những hạn chế, tồn tại và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay. Với bài viết này chúng tôi xin đóng góp thêm một vấn đề trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án dân sự, đó là thoả thuận trong thi hành án dân sự.


1.   Đặt vấn đề:

Nguyên tắc tự do tự nguyện, cam kết, thoả thuận là nguyên tắc đặc trưng của pháp luật dân sự, xuất phát từ tính độc lập về sở hữu, tính tự chủ, tự định đoạt, tự chịu trách nhiệm về tài sản của các chủ thể. Đây là nguyên tắc bao trùm toàn bộ các quan hệ dân sự đã được Bộ Luật dân sự 2005 khẳng định.

Luật Thi hành án dân sự 2008 cũng quy định các biện pháp thi hành án trong đó thoả thuận thi hành án là một trong các biện pháp thi hành án được quy định tại Điều 6: "1.Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận.Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án.2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định". Tại Dự thảo Luật sửa đổi bổ xung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được chỉnh lý sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khoá XIII vẫn được giữ nguyên (sau đây gọi tắc là Dự thảo Luật).

Trong các mối quan hệ dân sự, cũng như trong hoạt động thi hành án dân sự, các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng, các bên đương sự sẽ hiểu nhau hơn, hàn gắn được mối quan hệ nhưng trên hết giải quyết vụ việc sẽ đạt hiệu quả: thủ tục nhanh gọn, rút ngắn thời gian, đỡ tốn kém về tiền bạc, công sức và sẽ hạn chế tối đa các khiếu nại tố cáo, quyền và lợi ích của các bên được đảm bảo trọn vẹn, an ninh trật tự của khu vực được giữ vững.

Biện pháp thoả thuận trong thi hành án dân sự cũng như biện pháp tự nguyện thi hành án là một trong các biện pháp cơ bản giữa các bên đương sự và cũng là sự mong muốn của các chấp hành viên được giao giải quyết vụ việc theo thẩm quyền. Tuy nhiên để áp dụng biện pháp này không chỉ đòi hỏi chấp hành viên vững vàng về nghiệp vụ, am hiểu sâu sắc các quy phạm pháp luật liên quan mà còn phải trau dồi các kiến thức khác trong cuộc sống (các kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết trình…)

Qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng trong thời gian qua, chúng tôi muốn đề cập vấn đề này kể cả phương diện lý luận và trên thực tiễn từ đó đề xuất hướng hoàn thiện.

2. Cơ sở lý luận và thực tiễn: 

Thứ nhất: Để các bên đương sự thoả thuận trong thi hành án theo điều luật trên thì  phải đảm bảo các nguyên tắc :

- Thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật

- Thoả thuận đó không trái đạo đức xã hội.

Như vậy có thể nói, trong thoả thuận thi hành án dân sự, các đương sự có quyền lựa chọn cả hình thức và nội dung thoả thuận (trừ hình thức và nội dung mà pháp luật quy định bắt buộc các bên phải tuân thủ khi xác lập thoả thuận dân sự). Về nội dung thoả thuận trong thi hành án dân sự, việc thoả thuận nói trên xuất phát từ bản chất của lợi ích của chính mình, phù hợp với lợi ích của bên kia và lợi ích của người thứ ba (nếu có), vì vậy các bên có quyền thay đổi, tạm hoãn, tạm đình đình chỉ hoặc đình chỉ theo nội dung quyết định thi hành án hoặc các bên có quyền thoả thuận với nhau về các vấn đề liên quan đến việc thi hành án như; thời gian, địa điểm, phương thức thi hành. Mặt khác, sau khi thoả thuận một trong các bên cũng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của mình khi đương sự bên kia vi phạm thoả thuận gây thiệt hại cho mình.

Hoạt động thi hành án dân sự là lĩnh vực rộng, khoản phải thi hành án rất đa dạng, phong phú hơn nữa hoạt động thi hành án dân sự có quan hệ mật thiết với sinh hoạt cộng đồng dân cư, truyền thống đạo đức và tâm lý của các tầng lớp dân cư trên địa bàn, mặt khác còn có tâm lý và phạm trù đạo đức vùng miền trên đất nước ta. Với mục đích ngăn chặn, phòng ngừa mọi sự lạm dụng đó, Luật thi hành án dân sự đưa ra nguyên tắc “không trái đạo đức xã hội” là cần thiết.

Tuy nhiên khái niệm “đạo đức xã hội” chưa được giải thích ở bất kỳ văn bản pháp luật nào, kể cả Bộ luật dân sự 2005. “Đạo đức xã hội” là khái niệm quá trừu tượng, khó định lượng và nó luôn biến động về phạm vi và nội dung tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của kinh tế - xã hội, nó còn tuỳ thuộc vào quan niệm, lối sống của mỗi người, mỗi tầng lớp, mỗi giai cấp và cũng phụ thuộc ít nhiều về vùng, miền. Vì vậy, với khái niệm trên cũng gây ít nhiều băn khoăn cho chấp hành viên khi chứng kiến việc thoả thuận của các đương sự trong thi hành án.

Thứ hai: Thoả thuận của các đương sự trong thi hành án phải đảm bảo nguyên tắc: Không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội, tuy nhiên trong các Điều luật khác của Dự thảo Luật, thoả thuận của các đương sự còn không được ảnh hưởng quyền lợi ích hợp pháp của người thứ ba, như điểm c, khoản 1, Điều 50 của Dự thảo Luật quy định: “Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định trừ trưởng hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”.Mặt khác theo Điều 3 giải thích từ ngữ của Dự thảo Luật: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, tổ chức có quyền lợi,nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Khái niệm “người thứ ba” chưa được bất cứ văn bản Luật nào quy định. Theo Từ điển thuật ngữ pháp lý thông dụng (Nguyễn Duy Lãm, chủ biên, NXB Đại học quốc gia 2001, trang 295) có đưa ra khái niệm: Người thứ ba là người không tham gia hoặc không phải là đại diện tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, nhưng có lợi ích liên quan

   Như vậy, Dự thảo luật dùng cụm từ chưa thống nhất, và nằm rải rác ở các điều luật  khác nhau rất khó vận dụng trong thực tiễn và cũng chưa giải thích cụ thể “người thứ ba” được hiểu như thể nào cho đúng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người thứ ba phải phân biệt như thế nào (có những đặc điểm giống và khác nhau) có như vậy các cơ quan thi hành án và chấp hành viên mới hiểu và thống nhất áp dụng các điều luật cho đúng quy định.     

Thứ ba: Luật thi hành án dân sự không quy định rõ thời điểm các bên có quyền thoả thuận với nhau về việc thi hành án (thoả thuận này có thể về hình thức, nội dung, thời gian, địa điểm hoặc phương thức thi hành án). Do vậy, quy định trên có thể áp dụng ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình đôn đốc thi hành án, bất kể đã có quyết định thi hành án hay không.

Trên thực tế, có hai thời điểm thường xảy ra các đương sự thoả thuận thi hành án: Trường hợp sau khi có quyết định thi hành án các đương sự thoả thuận và trường hợp trước khi có quyết định thi hành án (chưa có quyết định thi hành án). Về lý luận: mặc dù Nhà nước khuyến khích các đương sự thoả thuận thi hành án và việc thoả thuận thi hành án có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào nhưng cơ chế để các đương sự thoả thuận còn thiếu trong trường hợp thoả thuận trước khi có quyết định thi hành án. Vì vậy, mặc dù đương sự thoả thuận khi chưa có quyết định thi hành án nhưng vẫn phải theo đúng trình tự được quy định: phải làm đơn yêu cầu thi hành án, Thủ trưởng cơ quan ra quyết định thi hành án (trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đơn) và giao cho chấp hành viên đôn đốc, lúc này chấp hành viên mới có thẩm quyền chứng kiến thoả thuận của các đương sự. Đây là sự bất hợp lý vì chưa khuyến khích đương sự thoả thuận, kéo dài thời gian thi hành án, gây phiền hà cho các bên đương sự và chưa giảm thủ tục trong thi hành án.    

Thứ tư: Theo quy định: “Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận”. Dự thảo quy định như vậy quá chung chung, khó hiểu đồng thời cũng không có bất cứ giải thích nào đối với các văn bản dưới luật trước đây và cũng không có bất cứ hướng dẫn trình tự thủ tục nào về vấn đề này.

Thực tiễn diễn ra và cơ chế xử lý vụ việc không hoàn toàn đúng như vậy. Nếu các đương sự thoả thuận với nhau đảm bảo các nguyên tắc thì có thể có ba trường hợp xảy ra :

Trường hợp 1: thoả thuận đó đúng về nội dung quyết định thi hành án nhưng các đương sự chỉ thoả thuận về thời gian thực hiện, phương thức thực hiện và địa điểm thực hiện, chấp hành viên ghi nhận và thực hiện theo thoả thuận trên, vụ việc được kết thúc khi các bên thực hiện xong thoả thuận, hồ sơ được tính là xong hoàn toàn (không có bất cứ quyết định nào).

Trường hợp 2: các đương sự thoả thuận chỉ đúng một phần của quyết định thi hành án và một phần không đúng với quyết định thi hành án (mặc dù các thoả thuận của đương sự tuân thủ đúng các nguyên tắc của thoả thuận: không trái đạo đức, không trái pháp luật và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người thứ ba) thì theo quy định phần thoả thuận đúng một phần quyết định thi hành án là thi hành xong, phần thoả thuận không đúng với quyết định thi hành án chấp hành viên hướng dẫn đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án theo hướng dẫn điểm c, khoản 1, Điều 50 Dự thảo Luật.

Phần thoả thuận không đúng với quyết định thi hành án và được đình chỉ một phần hoặc toàn bộ nếu là động sản hoặc tiền, vàng, giấy tờ có giá…thì quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ của các đương sự đều được đảm bảo, quyết định đình chỉ của cơ quan thi hành án là phù hợp với ý chí của các bên nên không bị ảnh hưởng, nếu có ảnh hưởng các đương sự cũng đã thấy rõ trước khi thoả thuận nên cơ quan Thi hành án ra quyết định đình chỉ là phù hợp và cũng là tôn trọng sự định đoạt của các đương sự, phù hợp với nguyên tắc của Bộ luật dân sự.

Tuy nhiên, thoả thuận của đương sự liên quan đến tài sản là bất động sản thì quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quyền lợi ích được hưởng theo bản án của các đương sự sẽ bất lợi về quyền về tài sản vì hậu quả của việc đình chỉ (chấm dứt việc thi hành án), quyết định đình chỉ của cơ quan thi hành án xét về bản chất chỉ tạo điều kiện cho hoạt động thi hành án còn với đương sự là bất lợi bởi mặc dù có sự thoả thuận ngay tình đúng luật đáng lẽ các cơ quan Nhà nước phải tôn trọng và phải thực hiện theo thoả thuận đó nhưng cơ quan thi hành án không có cách nào khác chỉ có thể ra quyết định đình chỉ mà thôi. Mặc khác, tài sản là bất động sản mà các đương sự thoả thuận không đúng với quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án đã đình chỉ một phần hoặc toàn bộ nên việc xác lập sở hữu nhà hoặc quyền sử dụng đất phần thoả thuận không đúng với quyết định thi hành án đã bị đình chỉ nên gây rất nhiều khó khăn cho đương sự khi thực hiện việc này.

Trường hợp ba: Các đương sự thoả thuận đảm bảo các nguyên tắc trên nhưng không đúng với quyết định thi hành án. Hướng xử lý của chấp hành viên cũng tương tự như cách giải quyết tại trường hợp thứ 2, kết thúc việc thoả thuận của các đương sự không đúng với quyết định thi hành án là quyết định đình chỉ toàn bộ quyền lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định.

Vì vậy Dự thảo Luật quy định “Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận” chỉ là một khía cạnh của hoạt động thi hành án dân sự chứ chưa bao quát hết cách tình huống phát sinh trên thực tế. Việc quy định kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận chỉ là lý thuyết chứ chưa có quy định cụ thể mà được lý giải ở trên.          

Thứ năm: Như trên đã phân tích, các khoản phải thi hành án dân sự thông thường về tài sản, quyền về tài sản theo bộ luật dân sự rất phong phú về chủng loại, đa dạng công dụng, về hình dáng, kích thước và giá trị. Tuy nhiên theo Luật thi hành án dân sự và dự thảo sửa đổi, bổ sung được quy định rải rác trong luật và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư và Thông Tư liên tịch), các quy định này ngoài Điều 6 Luật thi hành án, Điều 3 Nghị định 58. Ngoài ra Luật quy định các trường hợp cụ thể : các đương sự có quyền thoả thuận với nhau về giá (Điều 98), về cơ quan thẩm định giá và cơ quan bán đấu giá.

Thoả thuận thi hành án còn quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 100 Dự thảo Luật: “Trong trường hợp đương sự thoả thuận để người được thi hành án nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án thì chấp hành viên lập biên bản về thoả thuận”. Đối với việc đương sự thoả thuận trong trường hợp này, theo điều Luật tài sản đó phải “được” kê biên các đương sự mới có quyền thoả thuận nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, nếu tài sản đó chưa bị kê biên thì các đương sự có thoả thuận nhưng không được cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền xác nhận. Mặt khác, như trên đã phân tích, các đương sự có quyền thoả thuận với nhau ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tổ chức thi hành án, nhưng việc quy định như vậy các đương sự chỉ có thể áp dụng thoả thuận trong một trường hợp duy nhất này là hạn chế quyền của các đương sự. Ngoài ra, việc các đương sự thoả thuận này chấp hành viên chỉ lập biên bản thoả thuận là chưa thật đảm bảo quyền lợi của các bên bởi  theo khái niệm: Biên bản là loại văn bản ghi chép lại những sự việc đã xảy ra hoặc đang xảy ra.
Biên bản không có hiệu lực pháp lý để thi hành mà chủ yếu được dùng làm chứng cứ minh chứng các sự kiện thực tế đã xảy ra”
và việc thi hành án chưa thể chấm dứt được

Như vậy có thể nói cùng với các biện pháp: tự nguyện thi hành án, các biện pháp đảm bảo thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án thì biện pháp thoả thuận trong thi hành án là một trong các biện pháp cơ bản trong thi hành án, đồng thời Nhà nước cũng khuyến khích các đương sự thực hiện thoả thuận, nhưng quy định pháp luật về thoả thuận được quy định quá chung chung, rải rác, quá sơ sài, bó hẹp trong một vài trường hợp cụ thể chưa thật tương xứng với biện pháp thoả thuận thi hành án chưa thực sự khuyến khích sự thoả thuận, chưa có cơ chế hiệu quả để chấp hành viên vận dụng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho các bên.

3. Kiến nghị: Để Luật đi vào cuộc sống, các quy định phải đơn giản, dễ hiểu để hướng dẫn hành vi của mọi công dân tuân thủ, đồng thời để cho cán bộ công chức thi hành án dân sự thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức được pháp luật bảo vệ thông qua bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Chúng tôi xin kiến nghị:

Thứ nhất:  Nên đưa vào Điều 3 phần giải thích từ ngữ hai khái niệm : “Đạo đức xã hội” và “người thứ ba” để hướng dẫn mọi công dân, tổ chức thực hiện và làm theo một cách thống nhất.

Thứ hai: Bổ xung thêm tại Khoản 1, Điều 6 Dự thảo Luật cụm từ “không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp người thứ ba”. Khoản 1 Điều 6 được diễn giải như sau: “Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp người thứ ba” .

Thứ ba: Nên xây dựng cơ chế thi hành án dân sự rút gọn đối với trường hợp các đương sự tự nguyện thoả thuận ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật (khi chưa có quyết định thi hành án) theo hướng giải quyết như trong trường hợp thi hành Quyết định khẩn cấp tạm thời của Toà án.

Thứ tư: đối với trường hợp các đương sự thoả thuận không đúng một phần quyết định thi hành án, ngoài việc thực hiện đình chỉ như Khoản 1 Điều 50 Dự thảo luật phần nên chăng xây dựng thêm quy định sự thoả thuận đó được ghi nhận như một “vi bằng” của Thừa phát lại lập, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho các bên khi tiến hành thoả thuận.

Thứ năm: Tại Khoản 1 Điều 100 Dự thảo Luật, nên bỏ cụm từ “tài sản đã kê biên” mà chỉ nên quy định chặt chẽ hơn về việc các đương sự thoả thuận nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án (về giá tài sản, về thời điểm nhận tài sản, thủ tục nhận tài sản: động sản, bất động sản và thành phần tham gia) để việc thoả thuận khách quan hơn .

Thoả thuận trong thi hành án là một trong các biện pháp thi hành án rất cơ bản thể hiện được nguyên tắc bao trùm của giao dịch dân sự, hoạt động thi hành án dân sự một mặt thể hiện quyền lực Nhà nước nhưng hướng tới thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án hoặc thoả thuận trong thi hành án. Vì vậy, qua nghiên cứu và thực tiễn chúng tôi xin góp ý một số vấn đề về thoả thuận trong thi hành án của Dự thảo Luật sửa đổi bổ xung một số điều của Luật thi hành án dân sự ngày càng hoàn thiện hơn, bên cạnh đó đây cũng là diễn đàn để các bạn đồng nghiệp xa, gần quan tâm cùng nhau chia sẻ.  

Phạm Quang Dũng

Chi cục quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội