Những nét mới cần lưu ý trong công tác xét, đề nghị khen thưởng năm 2014 của Ngành Tư pháp

07/11/2014
Năm 2014 là năm bản lề hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV trong năm 2015, chính vì vậy, công tác thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp càng được chú trọng hơn, làm tốt hơn, mang tính tập trung cao hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò, ý nghĩa của công tác này đối với việc hoàn thành nhiệm vụ công tác của Ngành trong tình hình mới.


Đặc biệt, trong năm 2014, nhiều văn bản liên quan đến công tác thi đua khen thưởng đã được ban hành với nhiều nét mới hơn, tích cực hơn, phù hợp hơn như: Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 quy định chi tiết thi hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng năm 2013 (ngày 20/8/2014 có hiệu lực); Thông tư số 07/2014/TT-BNV ngày 29/8/2014 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ và Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 và một số văn bản hướng dẫn thực hiện khác, trên cơ sở đó, công tác xét, đề nghị khen thưởng năm 2014 sẽ có một số thay đổi khác những năm trước mà chúng ta cần lưu ý để việc thực hiện đúng quy định, chính xác hơn, mang lại hiệu quả cao hơn như sau:

Một là, quy định về tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng năm 2014

Khác với những năm trước, trong năm 2014, những quy định về tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng dùng để xét, đề nghị khen thưởng cần căn cứ vào những quy định tại các văn bản sau:

- Luật Thi đua khen thưởng năm 2013;

- Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ;

- Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ;

- Thông tư số 06/2011/TT-BTp ngày 07/3/2011 của Bộ Tư pháp;

- Công văn số 4030/BTP-TĐKT ngày 22/9/2014 của Bộ Tư pháp (Công văn này thay thế cho Công văn số 3740/BTP-TĐKT ngày 17/5/2013 của Bộ Tư pháp về đề nghị tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng năm 2013);

- Riêng Ngành Thi hành án dân sự cần căn cứ thêm hướng dẫn tại Công văn số 3018/TCTHADS-VP ngày 24/9/2014 của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp;

Có như thế việc xét, đề nghị khen thưởng mới đúng tiêu chuẩn, tỷ lệ đã quy định một cách chính xác nhất.

Hai là, về số lượng, tỷ lệ để nghị xét khen thưởng đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

Đây chính là điểm có rất nhiều nét mới mà các đơn vị đặc biệt là các cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng cần nắm vững để có thể thực hiện một cách chính xác công tác xét, đề nghị khen thưởng năm 2014, cụ thể như sau:

- Đối với danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở: Mỗi đơn vị thuộc Bộ, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét, công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở cho không quá 15% (số lẻ 0,5% trở lên làm tròn thành 1 cá nhân) trong số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là Lao động tiên tiến của cơ quan, đơn vị mình (tỷ lệ này từ năm 2013 trở về trước là 30%);

- Đối với hình thức khen thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp dành cho cá nhân: Mỗi đơn vị thuộc Bộ, Cục Thi hành án dân sự đề nghị tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với cá nhân không quá 50% trên tổng số Chiến sỹ thi đua cơ sở (tỷ lệ này từ năm 2013 trở về trước là 30%);

- Đối hình thức khen thưởng là Giấy khen các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự cho tập thể và cá nhân thì tuân theo tỷ lệ như sau:

+ Đối với cá nhân: Không quá 30% trên tổng số Lao động tiên tiến;

+ Đối với tập thể: Không quá 30% trên tổng số Tập thể lao động tiên tiến.

Tỷ lệ này từ năm 2013 trở về trước là 40%.

Ba là, về báo cáo sáng kiến kinh nghiệm

Từ năm 2014, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ không phải báo cáo sáng kiến riêng nữa mà mà gộp luôn vào báo cáo thành tích thành một mục riêng. Chính vì vậy, trong quá trình làm hồ sơ đề nghị xét khen thưởng năm 2014, các đơn vị cần chú ý để hướng dẫn cho cán bộ, công chức đề nghị các danh hiệu, hình thức trên làm báo cáo thành tích kèm theo báo cáo sáng kiến đúng quy định.

Trên đây là một số nét mới cơ bản về công tác xét, đề nghị khen thưởng năm 2014 trong Ngành Tư pháp mà các đơn vị cần nắm vững để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng trình tự, thủ tục quy định nhằm tạo nên tính thống nhất, đạt kết quả cao, đảm bảo quyền lợi cho các tập thể, cá nhân được đề nghị xét khen thưởng. Việc nắm vững các trình tự, thủ tục về việc xét, đề nghị khen thưởng cũng như những quy định mới đã được thay đổi sẽ giúp cho bộ phận phụ trách công tác thi đua khen thưởng tại các đơn vị rà soát, thẩm định, tổng hợp, tham mưu tốt hơn, hiệu quả hơn.

Hạnh Nguyên