Có thể thấy rằng, công tác thi hành án dân sự ngày càng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cho thấy vị trí, vai trò của công tác này ngày càng được nhìn nhận đầy đủ hơn, toàn diện hơn và chính xác hơn, với mục đích nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước trong công tác thi hành án dân sự, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội ở địa phương và trong toàn quốc. Để công tác thi hành án dân sự ngày càng đạt kết quả cao rất cần có các giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức thi hành các vụ việc, sau đây là một số kinh nghiệm xin chia sẻ.
* Tranh thủ sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành các vụ việc khó khăn, phức tạp.
Chúng ta đều biết vai trò to lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong mọi hoạt động của các cơ quan, Ban, Ngành nói chung và từng cơ quan nói riêng. Đối với cơ quan Thi hành án dân sự, với đặc thù là cơ quan ngành dọc thì vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương là cực kỳ quan trọng, quyết định đến thành công của công tác thi hành án trong việc tổ chức thi hành.
* Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự.
Mỗi đương sự trong vụ việc thi hành án đều có những ràng buộc với một cơ quan, hay một tổ chức nhất định. Để giải quyết một vụ việc thi hành án dân sự cần nắm bắt rất nhiều thông tin của đương sự như: Nơi cư trú, làm vịêc, nhân thân, điều kiện kinh tế, các mối quan hệ xã hội…. Vì vậy, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để nắm bắt thông tin kịp thời và chính xác, giúp giải quyết việc thi hành án được nhanh gọn và đạt kết quả cao.
* Tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự.
Việc hiểu biết sâu, rộng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự của nhân dân nói chung và từng đương sự trong vụ việc thi hành án cụ thể nói riêng là một trong những yếu tố giúp công tác thi hành án đạt kết quả cao. Thực tế cho thấy không ít các trường hợp đương sự trong một vụ án không hiểu hoặc hiểu một cách mơ hồ về Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, dẫn đến trong quá trình giải quyết vụ việc đương sự có nhiều thắc mắc, khiếu nại làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giải quyết án của cơ quan Thi hành án dân sự. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong giải quyết án cần chú trọng việc tuyên truyền pháp luật về thi hành án bằng những việc làm cụ thể như: Qua những buổi làm việc trực tiếp với đương sự, thân nhân của đương sự, những lúc tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của đương sự tại các cơ quan, Ban, Ngành, thông qua các cơ quan, Ban, Ngành phải tranh thủ thời cơ tuyên truyền sâu rộng pháp luật thi hành án dân sự đến mọi người dân. Điều này giúp người dân hiểu sâu, hiểu đúng về thi hành án dân sự, từ đó đã có không ít các trường hợp thay đổi tư duy nhận thức, tự nguyện thi hành phần nghĩa vụ của mình.
* Vận động, thuyết phục đương sự, và thân nhân của đương sự thi hành nghĩa vụ của mình và người thân.
Thực tế cho thấy việc vận động thuyết phục đương sự và thân nhân của đương sự thi hành nghĩa vụ của mình và người thân đã mang lại nhiều kết quả trong công tác thi hành án dân sự. Thực tế cho thấy không ít các trường hợp đương sự cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ trong bản án đã tuyên, đương sự là người đang chấp hành hình phạt tù tại các Trại giam, Trại tạm giam không có điều kiện thi hành án mà người thân của họ có đủ điều kiện để thực hiện thay phần nghĩa vụ cho họ. Bằng các biện pháp vận động, thuyết phục mềm dẻo, người phải thi hành án và thân nhân của họ sẽ tự nguyện thi hành phần nghĩa vụ của mình và của người thân, điều này sẽ giúp cho công tác đạt hiệu quả cao.
* Phân loại đơn yêu cầu thi hành án.
Như chúng ta đã biết phần lớn các vụ việc phức tạp đều là án theo đơn yêu cầu, việc nhận đơn yêu cầu thi hành án được coi là khâu rất quan trọng trong công tác thi hành án dân sự hiện nay. Hằng năm, một lượng lớn các vụ việc theo đơn đã được thụ lý giải quyết, nhưng trong đó không tránh khỏi một số vụ việc theo đơn yêu cầu thi hành án còn tồn đọng kéo dài mà nguyên nhân chủ yếu do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án. Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định khá chặt chẽ việc cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án khi họ làm đơn yêu cầu, quy định này đã phần nào làm hạn chế việc thụ lý một cách tràn lan các vụ việc mà người phải thi hành án không có điều kiện thi hành, sau khi xác minh về điều kiện thi hành án cơ quan Thi hành án dân sự tiến hành trả đơn gây bức súc cho người được thi hành án. Theo những quy định như vậy thì việc phân loại đơn yêu cầu thi hành án để tiến hành thụ lý giải quyết vụ việc là rất quan trọng cần phải xem xét, phân loại sao cho phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và của cơ quan.
Để công tác thi hành án dân sự ngày càng đạt kết quả cao rất cần có các giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức thi hành các vụ việc. Qua đây, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ phía các đồng nghiệp.
Đoàn Văn Giáp
Chi cục THADS huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum