Một số góp ý đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự

07/11/2014
Ngày 18/6/2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh khóa XIII năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, trong đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8. Đây chính là bước tiến quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về Thi hành án dân sự nói riêng, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới. Có thể thấy rằng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự thật sự đã có những thay đổi lớn, mang tầm vĩ mô phù hợp với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ của Ngành thi hành án dân sự trong tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức Ngành Thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự và nâng tầm vị thế của Ngành Thi hành án dân sự trước những yêu cầu của nhiệm vụ trong thời kỳ mới, khi cả nước đang bước nhanh bước mạnh bước vững chắc vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, hội nhập sâu hơn, rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm, một số quy định chưa thật sự hoàn chỉnh, phù hợp tôi xin được góp ý như sau:


Một là, nên có quy định “Mở” về thời hạn xác minh thi hành án dân sự

Tại khoản 2, điều 44 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự quy định: “Chấp hành viên có trách nhiệm tiến hành xác minh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định thi hành án” vẫn chưa thật sự hợp lý mặc dù đã có tăng thêm 5 ngày so với quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008, bởi vì quy định thời hạn “Cứng” như thế này mà không có quy định “Mở”, mang tính linh hoạt hơn cho chấp hành viên sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình tác nghiệp như: Đối với những chấp hành viên phụ trách lượng án lớn, trên nhiều địa bàn; đối với những vùng miền núi, phương tiện đi lại khó khăn, cách trở thì chấp hành viên rất khó có thể thực hiện đúng quy định về xác minh thi hành án như ở trên đó là chưa kể đến hiện nay, hầu hết các chấp hành viên đều phải kiêm nhiệm một số nhiệm vụ khác như công tác hành chính, công tác quản lý,… thì vô cùng khó khăn. Do đó nên có thêm những quy định mở về thời hạn xác minh thi hành án nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chấp hành viên trong việc thực hiện đúng quy định pháp luật, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Hai là, cần quy định rõ về việc trả đơn yêu cầu thi hành án đối với trường hợp không xác định rõ tình trạng, nơi ở của người được thi hành án

Thực tế, có rất nhiều vụ việc thi hành án theo đơn yêu cầu đã kéo dài nhiều năm nhưng chấp hành viên vẫn không thể tìm ra hướng giải quyết dứt điểm vụ việc do người được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án rồi “Bỗng nhiên biến mất” không thể liên lạc, không xác định được chỗ ở, không biết rõ tình trạng còn sống hay đã mất,… do đó, chấp hành viên cứ phải “Ôm” lấy vụ việc từ năm này đến năm khác mà không thể hoàn tất việc “Thi hành xong” hồ sơ, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thi hành án của chấp hành viên nói riêng và cơ quan Thi hành án dân sự nói chung. Chính vì vậy Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự cần quy định rõ hơn về cách thức giải quyết trong những trường hợp này.

Ba là, nên giảm bớt một số thủ tục hành chính không cần thiết

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự cần hướng đến việc tinh giảm một số thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đồng thời tạo điều kiện cho chấp hành viên thuận lợi khi tác nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ được giao, do đó nên giảm bớt một số thủ tục hành chính không cần thiết, bao gồm:

Không nên quy định việc ban hành một số quyết định thi hành án dân sự thuộc thầm quyền của Chánh án Tòa án: Theo quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự thì một số quyết định như: Quyết định thi hành án, quyết định hoãn, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ, quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án,… thuộc thẩm quyền Chánh án Tòa án là bất hợp lý bởi lẽ nó không những không góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự mà còn làm phát sinh thêm thủ tục hành chính rườm rà, lãng phí thời gian làm việc, làm giảm năng suất, tiến độ thi hành án, do đó tốt nhất vẫn nên để cho cơ quan Thi hành án dân sự được hoàn toàn chủ động ban hành những quyết định thi hành án sau khi nhận được Bản án, Quyết định đã có hiệu lực do Tòa chuyển sang. Và cũng vì thế, thì nên bỏ quy định tại khoản 3, Điều 38: “Quyết định thi hành án, khôi phục thời hiệu thi hành án, ủy thác, hoãn, tạm đình chỉ, tiếp tục thi hành, rút hồ sơ thi hành án lên để tổ chức thi hành phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định đưa Bản án, Quyết định ra thi hành”  bởi chính điều này hoàn toàn không phù hợp với chức năng, quyền hạn của Tòa án, đồng thời nó còn làm cho tiến độ giải quyết vụ việc thi hành án dân sự chậm hơn, rườm rà hơn và phức tạp hơn về mặt thủ tục hành chính.

Thông thường, sau khi Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra Quyết định thi hành án sẽ phân công cho Chấp hành viên đơn vị bằng cách giao trực tiếp hồ sơ thi hành án có ký nhận vào sổ chứ không ra quyết định phân công thi hành án, và dự thảo Luật cũng không quy định về việc Thủ trưởng cơ quan Thi hành án phải ra quyết định phân công thi hành án. Tuy nhiên tại Điều 126 của dự thảo lại quy định:”Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định phân công thi hành án, chấp hành viên phải tiến hành việc trả tiền, tài sản tạm giữ cho đường sự”, chính cụm từ “quyết định phân công” này sẽ dẫn đến việc phát sinh thêm thủ tục hành chính là Thủ trường đơn vị phải ra quyết định phân công Chấp hành viên thi hành án và trường hợp chuyển giao địa bàn hoặc án khó thi hành phải chuyển cho Chấp hành viên khác thì Thủ trường lại phải ra quyết định thu hồi quyết định phân công rồi ban hành mới một quyết định phân công khác rất rườm rà, tốt nhất nên bỏ từ “Quyết định” trong quy định tại điều luật trên;

Bốn là, cần quy định rõ hơn về cụm từ “Ở cùng một nơi” đối với người được thi hành án và người phải thi hành án.

Tại khoản 5, Điều 47 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự có quy định: “Khi thi hành án tại cơ sở, trường hợp người được thi hành án và người phải thi hành án ở cùng một nơi, chấp hành viên có thể chi trả ngay số tiền, tài sản thu được”. Tuy nhiên thế nào là “ở cùng một nơi”, làm thế nào để phân biệt về địa giới hành chính được quy định tại cụm từ này thì dự thảo Luật không quy định rõ, không giải thích thêm, “ở cùng một nơi” là cùng đường, cùng xóm, cùng thôn, cùng làng, cùng phường, cùng xã hay cùng huyện, cùng tỉnh,... quy định thiếu rõ ràng như thế sẽ khiến chấp hành viên rất khó khăn khi tác nghiệp có thể dẫn đến việc chấp hành không đúng quy định pháp luật, chính vì vậy dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về vấn đề này.

Năm là, cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các cơ quan, Ban, Ngành trong công tác phối hợp thi hành án dân sự

Trong quá trình tác nghiệp của Chấp hành viên để giải quyết việc Thi hành án dân sự thì sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành khác đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong công tác xác minh, hòa giải, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án và công tác cưỡng chế thi hành án, bao gồm: Viện kiểm sát, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn ở địa phương, các tổ chức tín dụng, các tổ chức xã hội. Tuy nhiên Dự thảo Luật lại không quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các cơ quan, ban ngành đối với việc phối hợp giải quyết việc thi hành án, do đó trong thực tế, có cơ quan thì tham gia, hỗ trợ rất nhiệt tình, có đơn vị lại không thật sự phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự, chính điều đó đã gây ra một số khó khăn không nhỏ cho chấp hành viên, làm lãng phí thời gian, công sức tác nghiệp, từ đó mà hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự cũng bị ảnh hưởng rất nhiều trong khi lượng án cần thi hành ngày một nhiều, ngày một khó khăn hơn, phức tạp hơn. Do đó, dự thảo Luật nên có những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về công tác phối hợp này nhằm tạo điều kiện cho chấp hành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự khi được ban hành chắc chắn sẽ tạo nên những chuyển biến mới, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác Thi hành án dân sự, ngày một nâng tầm vị thế của Ngành Thi hành án dân sự trước những yêu cầu của tình hình mới. Chính vì vậy việc nhận xét, đánh giá, góp ý dự thảo Luật một cách toàn diện, đứng trên nhiều khía cạnh, góc nhìn khác nhau đóng một vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết, bởi đó chính là nguồn tham khảo quan trọng để Ban soạn thảo Luật có thể trình dự thảo Luật một cách hoàn chỉnh, phù hợp nhất, mang đến hiệu quả cao nhất, đáp ứng mong đợi của cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam về một văn bản Luật thật sự sẽ phát huy tốt tác dụng trong đời sống xã hội.

Hạnh Nguyên