Một số khó khăn, vướng mắc khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án đang phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng

27/02/2017
Trong những năm gần đây, vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng  được xác định là nhiệm vụ không phải của riêng ngành ngân hàng mà của toàn bộ hệ thống Chính trị. Hàng năm, khi ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ giải phải chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Chính phủ đều có chỉ đạo các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan phối hợp để giải quyết nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu. Để thực hiện mục tiêu giảm nợ xấu xuống dưới 3% tổng dư nợ của hệ thống tín dụng, nhiều giải pháp đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan triển khai: như hoàn thiện thể chế, nâng cao công tác phối hợp trong công tác xử lý nợ xấu.


Về cơ bản, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng đều có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm. Nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc này bao gồm nhiều yếu tố như: Thị trường bất động động sản phục hồi chậm; nhiều tài sản thế chấp không đủ các điều kiện để giao dịch; việc xác định giá trị tài sản chưa phù hợp với giá trị thực tế và thị trường; thiếu các quy định pháp luật (do quy định của pháp luật không phù hợp, không đồng bộ);thiếu cơ chế ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư); sự thiếu hợp tác của chủ tài sản bảo đảm (đặc biệt trong trường hợp tài sản bảo đảm là của bên thứ 3)... Các nguyên nhân trên đã gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện dẫn đến hiệu quả xử lý nợ xấu không cao và việc xử lý kéo dài. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ xin trao đổi những khó khăn vướng mắc trong thi hành các bản án, quyết định cho các tổ chức tín dụng khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.
Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.  Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của chủ thể có liên quan khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, Điều 41[1] Luật Phá sản đã quy định trong thời gian Tòa án nhân dân thụ lý vụ việc phá sản thì mọi yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản phải tạm đình chỉ giải quyết.
Về thời hạn để Thẩm phán xem xét, quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 30 ngày kể từ khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản [2].
Về xử lý việc thi hành án dân sự đã tạm đình chỉ, pháp luật quy định như sau[3]:
(i) Đối với trường hợp Tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân, Trọng tài, cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định tạm đình chỉ phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.
(ii) Đối với trường hợp Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân, Trọng tài, cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định tạm đình chỉ phải ra quyết định đình chỉ và chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân dân đang tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết.
Như vậy, trong trường hợp cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về tài sản đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì phải tạm đình chỉ việc thi hành án (trừ trường hợp bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động) khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án. Quy định này của Luật Phá sản năm 2014 cũng phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Thi hành án dân sự[4] . Trường hợp Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nơi tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết[5].
Quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án để thu hồi các khoản nợ vay cho các tổ chức tín dụng mà người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và chuyển hồ sơ vụ việc thi hành án cho Tòa án nơi tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết. Việc đình chỉ thi hành án đối với các vụ việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng trong trường hợp này sẽ dẫn đến các hệ lụy như sau:
Thứ nhất, kéo dài thời gian xử lý tài sản.
Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản thì cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về tài sản đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải đình chỉ việc thi hành án và chuyển hồ sơ đến Tòa án nơi tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết. Như vậy, việc xử lý tài sản bảo đảm bị dừng lại cho đến khi Tòa án có quyết định tuyên bố phá sản (trừ trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm đó theo quy định tại khoản 3 Điều này[6]). Thông thường thời gian từ lúc Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho đến khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản là khoảng từ 06 tháng đến 09 tháng. Việc chậm xử lý tài sản bảo đảm trong thời gian dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, tăng chi phí để xử lý tài sản.
Khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, theo quy định của Luật Phá sản năm 2014 thì phát sinh chi phí phá sản (là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật) [7] và chi phí phá sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán[8]. Như vậy, toàn bộ chi phí thực hiện việc phá sản sẽ được trừ vào tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản nào khác dẫn đến tài sản bảo đảm phải chịu cả những chi phí không liên quan trực tiếp đến việc xử lý tài sản bảo đảm (như các chi phí kiểm toán, chi phí đăng thông tin cho các chủ nợ …).
Mặt khác, các quy định pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định rõ là trường hợp Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án đã thực hiện việc kê biên, thẩm định giá tài sản của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì Quản tài viên có được tiếp tục sử dụng kết quả thẩm định giá hay phải tiến hành định giá lại dẫn đến tình trạng chỉ một nội dung là xác định giá trị tài sản mà phải mất 02 lần chi phí, đây cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí xử lý tài sản bảo đảm.
Thứ ba, Luật Phá sản chưa có quy định rõ ràng trong trường hợp tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng là của bên thứ 3 thì xử lý như thế nào để khônglàm ảnh hưởng đến quyền lợi của  các tổ chức tín dụng.
Trong trường hợp cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành án đối với  người phải thi hành án là Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà bản án, quyết định của Tòa án lại tuyên xử lý tài sản của bên thứ ba để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Để thi hành án, cơ quan thi hành án đã thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ 3 để thi hành án cho tổ chức tín dụng.
Trong trường hợp này, theo quy định chung, cơ quan Thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ việc thi hành án và chuyển giao hồ sơ cho Tòa án khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản đối với Doanh nghiệp, hợp tác xã. Tổ chức tín dụng thì cho rằng việc giải quyết thủ tục phá sản của người phải thi hành án không liên quan đến việc xử lý tài sản của người thứ ba, nên cần tiếp tục xử lý tài sản của người thứ ba để thi hành án cho tổ chức tín dụng. Việc đình chỉ thi hành án và chuyển hồ sơ cho Tòa án trong trường hợp trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức tín dụng đã được bản án, quyết định của Tòa án xác nhận. Bởi vì, việc thi hành án trong trường hợp này, cơ quan thi hành án không xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác mất khả năng thanh toán mà tiến hành xử lý tài sản của bên thứ ba. Trường hợp việc xử lý tài sản của bên thứ ba lớn hơn nghĩa vụ trả nợ cho các tổ chức tín dụng thì phải trả lại cho bên thứ ba không liên quan đến giá trị tài sản của danh nghiệp, hợp tác xã. Do đó, dẫn đến nhiều nhiều trường hợp bên bảo lãnh là thành viên của Công ty khi bị cơ quan thi hành án xử lý tài sản bảo đảm thì họ nộp đơn đề nghị phá sản để kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm. 
Do đó, để giảm thời gian xử lý tài sản bảo đảm và góp phần thu hồi nhanh các khoản nợ có bảo đảm, đề nghị Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu và sớm có hướng dẫn, chỉ đạo việc thi hành án đối với các vụ việc người phải thi hành án là Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và người được thi hành án là các tổ chức tín dụng khi Tòa án thụ lý, mở thủ tục tuyên bố phá sản đối với Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cũng như cần tách bạch việc giải quyết phá sản đối với người phải thi hành án và việc tiếp tục xử lý tài sản của người thứ ba để đảm bảo thi hành án. Đồng thời, đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm trình Quốc hôi xem xét, thông qua Luật hỗ trọ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu để giúp các tổ chức tín dụng sớm thu được các khoản nợ có bảo đảm và giảm áp lục nên nền kinh tế.
Văn Thị Tâm Hồng
 

[1] Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý vụ việc phá sản, việc tạm đình chỉ thực hiện nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện như sau:
1. Cơ quan thi hành án dân sự phải tạm đình chỉ thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án, trừ bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động. Việc tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
2. Tòa án nhân dân, Trọng tài phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự. Thủ tục tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về trọng tài thương mại.
Tòa án nhân dân phải tách và tạm đình chỉ giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự. Thủ tục tách và tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính;
3. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạm đình chỉ việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, hợp tác xã đối với các chủ nợ có bảo đảm.
Trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì xử lý theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 53 của Luật này”.
[2]  Khoản 1 Điều 42 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của Luật này ( Điều 105 quy định về tuyên bố doanh nghiệ, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn)”.
[3] Được quy định tại Điều 71 Luật Phá sản năm 2014
[4] Khoản 2 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.
Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án.”
[5] Điểm g khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp sau đây:  ‘Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án”.
[6] Được quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Phá sản
[7] Được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản...
 
[8] Được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Phá sản năm 2014.