Tiêu chí nào đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự ?

27/02/2017
Theo Từ điển tiếng Việt, tiêu chí là “tính chất, dấu hiệu làm căn cứ để nhận biết, xếp loại một sự vật, một khái niệm” (1, tr.990). Từ điển tiếng Việt định nghĩa hiệu quả là “kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại” (1, tr.440). Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa hiệu quả là “kết quả mong muốn, cái sinh ra kết quả mà con người chờ đợi và hướng tới” (2, tr.289). Vì thế, có thể hiểu các tiêu chí đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự là những tính chất, dấu hiệu làm căn cứ để nhận biết mức độ đạt được của cưỡng chế thi hành án dân sự.


Với tính chất đặc thù là dùng quyền lực nhà nước áp đặt đối với đối tượng bị cưỡng chế thi hành án dân sự, bảo đảm cho các bản án, quyết định được nghiêm chỉnh thi hành, góp phần thực hiện chức năng quản lý xã hội của Nhà nước thông qua cưỡng chế thi hành án dân sự thì phải xác định rằng đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự chính xác, toàn diện là rất khó khăn và phức tạp; không thể dựa vào sự so sánh đơn thuần về mặt số học giữa kết quả cưỡng chế thi hành án dân sự đạt được với những chi phí đầu vào sử dụng trong quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự. Mặt khác, hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự không chỉ biểu hiện ngay sau khi tiến hành xong một vụ việc cưỡng chế cụ thể mà còn phát huy tác dụng trong một thời gian dài sau đó, vì vậy khó có thể đánh giá một cách đầy đủ hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự tại một thời điểm cụ thể.
Các tiêu chí sử dụng để đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự phải bao gồm tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính. Tiêu chí định lượng là những chỉ số đầu vào và đầu ra của cưỡng chế thi hành án dân sự có thể tính toán được bằng số lượng cụ thể để so sánh về mặt số học. Tiêu chí định tính là những dấu hiệu, mức độ, biểu hiện không thể đo đếm được bằng số lượng, không thể so sánh được về mặt số học cụ thể của cưỡng chế thi hành án dân sự. Các tiêu chí sử dụng để đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự chỉ có độ chính xác tương đối; mỗi tiêu chí sử dụng để đánh giá có giá trị khác nhau và tuỳ thuộc vào góc độ đánh giá khác nhau. Ở góc độ này, những bất cập của lý luận và pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự được phát hiện thông qua thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự được coi là tiêu chí có ý nghĩa quan trọng hơn đối với các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng ở góc độ đánh giá khác, những vi phạm trong cưỡng chế thi hành án dân sự không được phát hiện và xử lý thì cưỡng chế thi hành án dân sự cũng chưa hiệu quả.
Vì thế, có thể đưa ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự, bao gồm:
1. Tiêu chí định lượng
1.1. Số lượng và tỷ lệ vụ việc cưỡng chế thành công cao
Tiêu chí định lượng đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự thể hiện rõ nét nhất, cơ bản nhất thông qua số lượng vụ việc cưỡng chế thành công hay không thành công. Tiêu chí này đánh giá thông qua số liệu vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự ở thời điểm này với thời điểm khác, thường được đánh giá từ số liệu của các kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc giai đoạn nhất định mà chủ thể tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự. Từ số liệu vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự chủ thể tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự thụ lý so sánh với số liệu vụ việc cưỡng chế thành công nhiều hay ít, qua đó xác định được số lượng, tỷ lệ vụ việc cưỡng chế thành công, chưa cưỡng chế hoặc cưỡng chế không thành công, tăng hay giảm so với cùng kỳ trước, từ đó rút ra được những nhận xét, đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự có được nâng cao hay không. Với tiêu chí này, biểu hiện rõ nhất là số lượng và tỷ lệ việc cưỡng chế thành công càng cao thì cưỡng chế thi hành án dân sự càng hiệu quả và ngược lại số lượng và tỷ lệ việc cưỡng chế không thành công nhiều thì hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự không cao; tuy nhiên, cũng như những tiêu chí khác, biểu hiện của việc nâng cao hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự về số lượng vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự thành công so sánh với cùng kỳ và là cùng kỳ liền kề trước đó. Khó có thể nói ở bất cứ thời điểm nào cũng cưỡng chế thành công đối với tất cả các vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự trong phạm vi một quốc gia, vì thế phải có những giải pháp để số lượng và tỷ lệ vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự thành công ngày càng cao.
1.2. Chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự thấp nhất
Khi đánh giá cưỡng chế thi hành án dân sự có hiệu quả hay không thì tiêu chí về chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự cũng là rất quan trọng, chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự phải bỏ càng thấp thì hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự càng cao; chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự phải bỏ ra nhiều thì cưỡng chế thi hành án dân sự không hiệu quả, thậm chí còn có thể nói là thất bại trong những vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự cụ thể. Tuy nhiên, chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự phải bỏ ra hợp lý và sử dụng đúng mục đích của các khoản chi thì mới đảm bảo được việc tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự, trong đó có khâu tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự; nếu tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự không đủ sẽ rất khó khăn trong việc tiến hành cưỡng chế và nếu sử dụng không đúng mục đích, chi sai nhiều khoản chi thì dẫn đến lãng phí, tiêu cực trong cưỡng chế thi hành án dân sự.
Để đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự thông qua tiêu chí chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự phải dựa vào các yếu tố sau đây:
Một là, các nguồn lực cho cưỡng chế thi hành án dân sự, bao gồm nhân lực (Chấp hành viên, Thừa phát lại, Thư ký thi hành án dân sự, Thẩm tra việc thi hành án dân sự và những người tham gia vào việc cưỡng chế thi hành án dân sự), vật lực (trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, văn phòng phẩm, các loại tài liệu phục vụ cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự) hoặc theo mục đích sử dụng có thể phân chia thành nguồn lực dành cho việc tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự, nguồn lực dành cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự.
Hai là, tất cả các khoản chi phí chi cho việc tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự như thời gian vật chất làm việc của chủ thể tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự; trả thù lao, bồi dưỡng cho những người tham gia vào việc cưỡng chế thi hành án dân sự; khấu hao tài sản, các chi phí vô hình và hữu hình; những khoản tiền mà người có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự do áp dụng sai pháp luật gây thiệt hại cho đương sự dẫn đến phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
 Ba là, áp dụng, lựa chọn biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự có chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả nhất, như lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tài khoản hay trừ vào thu nhập hoặc khai thác tài sản hay kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đối với từng trường hợp cụ thể; chú trọng giáo dục, thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành án mà không phải tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự trên thực địa; sử dụng lực lượng tối thiểu mà vẫn tổ chức thành công cưỡng chế thi hành án dân sự hoặc lựa chọn tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự dứt điểm một vụ việc trọng điểm ở địa phương, thời điểm cụ thể để tuyên truyền, giáo dục ý thức ở các vụ việc khác tự nguyện thi hành án, không chống đối cưỡng chế thi hành án dân sự.
2. Tiêu chí định tính
2.1. Chất lượng cao trong cưỡng chế thi hành án dân sự
Chất lượng, theo Từ điển tiếng Việt, là “cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, một sự vật, sự việc” (2, tr.114). Vì vậy, có thể hiểu, chất lượng cưỡng chế thi hành án dân sự là cái tạo nên hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự, chất lượng đó có được khi tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự. Hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự được đánh giá theo tiêu chí định tính thể hiện ở chất lượng pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự. Chất lượng pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự không phụ thuộc vào số lượng văn bản quy phạm pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự nhiều hay ít mà chính là nội dung các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự có chất lượng hay không, đã đầy đủ chưa, có phù hợp với thực tiễn và dễ nhận thức, thực hiện trong thực tiễn hay không. Hình thức, số lượng văn bản cũng như số lượng quy phạm pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự ở mức độ nhất định nhưng chứa đựng đầy đủ nội dung điều chỉnh về cưỡng chế thi hành án dân sự, khoa học, rõ ràng, dễ thực hiện và chi phí bỏ ra ít thì cưỡng chế thi hành án dân sự thành công, đạt hiệu quả cao. Quy phạm pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự nằm rải rác ở nhiều văn bản, hình thức văn bản quy phạm pháp luật không cao, quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo sẽ dẫn đến khó khăn trong nhận thức và thực hiện, rất dễ sai sót, vi phạm trong cưỡng chế thi hành án dân sự.
Trong cưỡng chế thi hành án dân sự, chủ thể tiến hành cưỡng chế thực hiện một cách đúng đắn nhất, phù hợp nhất, đạt kết quả cao nhất sẽ có hiệu quả nhất của việc cưỡng chế thi hành án dân sự và ngược lại, không có hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự khi việc tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự thực hiện không có căn cứ; sai trình tự, thủ tục; không đúng thẩm quyền, đối tượng và không phù hợp với đặc trưng, bản chất pháp lý của vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự. Chất lượng cưỡng chế thi hành án dân sự được thể hiện ở nhiều hoạt động, từ xác minh điều kiện cưỡng chế, đến lựa chọn biện pháp cưỡng chế, ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế .v.v. Tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự là công việc khó khăn và phức tạp nhất khi tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự mà hầu hết các vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự đều phải trải qua. Có thể có những vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự, mặc dù chủ thể tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự đã làm tốt các bước chuẩn bị cho việc cưỡng chế nhưng do không có năng lực tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế nên vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự thất bại, có thể phải tổ chức cưỡng chế lại nhiều lần. Chủ thể tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự phải điều hành, phối hợp hợp lý các lực lượng tham gia cưỡng chế để thực hiện nghiêm chỉnh, chính xác kế hoạch cưỡng chế, bảo đảm nguyên tắc công khai, vừa triển khai cưỡng chế vừa tuyên truyền giải thích để những người tham gia cưỡng chế hiểu và đồng tình với việc cưỡng chế; xử lý khéo léo, đồng thời kiên quyết, ứng phó kịp thời với các tình huống thì vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự mới thành công, đem lại hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự.
2.2. Sử dụng hợp lý quyền lực nhà nước trong cưỡng chế thi hành án dân sự
Chấp hành viên, Thừa phát lại là người được Nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về các quyết định của mình. Nhà nước trao cho Chấp hành viên, Thừa phát lại quyền được trực tiếp sử dụng quyền lực nhà nước để đảm bảo việc thi hành án dân sự, thể hiện rõ nhất là được sử dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự để buộc tất cả các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định đã tuyên. Tuy nhiên, việc sử dụng quyền lực nhà nước trong cưỡng chế thi hành án dân sự để có hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của Chấp hành viên, Thừa phát lại. Nếu Chấp hành viên, Thừa phát lại biết sử dụng quyền lực nhà nước một cách hợp lý, như biết cách tuyên truyền, phối hợp, kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những vụ việc có tính chất điển hình, phức tạp, tạo được dư luận tốt ở địa phương thì không những vụ việc đó được thi hành mà việc thi hành án dân sự ở địa phương đó sau đó sẽ rất thuận lợi. Ngược lại, nếu không biết sử dụng quyền lực nhà nước trao cho mình một cách có hiệu quả, không quyết đoán tổ chức cưỡng chế khi đương sự không tự nguyện thi hành án sẽ dẫn tới tình trạng đương sự coi thường pháp luật, coi thường hiệu lực của bản án, quyết định, làm cho việc thi hành án dân sự bị kéo dài, thậm chí không thi hành được, không phát huy quyền lực nhà nước trong cưỡng chế thi hành án dân sự.
2.3. Đảm bảo công bằng, bình đẳng, dân chủ trong cưỡng chế thi hành án dân sự
Hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự còn thể hiện ở việc đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng và dân chủ trong cưỡng chế thi hành án dân sự. Sự công bằng, bình đẳng, trong cưỡng chế thi hành án dân sự thể hiện ở chỗ bất cứ người phải thi hành án nào cũng đều phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự, không phân biệt đối xử giữa người dân với cán bộ, công chức nhà nước hoặc với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan công quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội; giữa người dân với cơ quan công quyền; giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Dân chủ trong cưỡng chế thi hành án dân sự thể hiện ở việc cưỡng chế thi hành án dân sự được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và được thực hiện một cách công khai, minh bạch; bảo đảm cho người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có liên quan đến việc thi hành án được tham gia vào quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự để bảo vệ quyền lợi của họ; các đương sự được trình bày ý kiến, nguyện vọng với chủ thể tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự trên cơ sở quy định của pháp luật.
2.4. Sự thay đổi theo hướng tích cực trong nhận thức và thực hiện hành vi của các tổ chức, cá nhân đối với cưỡng chế thi hành án dân sự
Sự thay đổi theo hướng tích cực trong nhận thức và hành vi của các tổ chức, cá nhân đối với cưỡng chế thi hành án dân sự là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự, bởi vì chỉ khi thực sự cần thiết mới cưỡng chế thi hành án dân sự và khi đó thì bản án, quyết định mới được thi hành đúng pháp luật, nghiêm minh, công bằng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, khi đó sẽ có những tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Chính vì thế, cưỡng chế thi hành án dân sự góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong xã hội, làm cho mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng pháp luật, tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự. Từ sự thành công trong cưỡng chế thi hành án dân sự thì việc quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước ngày càng hiệu quả, niềm tin của nhân dân vào sự công minh của pháp luật, sự tin tưởng vào các cơ quan thi hành án dân sự là chỗ dựa cho người dân ngày càng được củng cố vững chắc, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức đúng đắn của người dân, từ đó họ thực hiện hành vi ủng hộ cưỡng chế thi hành án dân sự, giảm thiểu cản trở, chống đối cưỡng chế thi hành án dân sự.
Như vậy, đánh giá hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự chính là việc xem xét, nhìn nhận cưỡng chế thi hành án dân sự có đạt được những tiêu chí đặt ra hay không, từ đó có giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả của cưỡng chế thi hành án dân sự.
            Thạc sỹ Lê Anh Tuấn
 Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
---------------------------------------------------------------------
1. Viện ngôn ngữ học (2003), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng
2. Viện ngôn ngữ học (1996), Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, Hà Nội.