Vấn đề chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án dân sự khi người được thi hành án bị thiệt hại và được Nhà nước bồi thường

13/07/2017
Thời gian qua, trong một số vụ việc bồi thường nhà nước (BTNN) phát sinh trường hợp người được bồi thường đồng thời là người được thi hành án trong Bản án giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án trước đó mà quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) có sai phạm dẫn đến việc người được thi hành án không nhận được tiền, tài sản theo Bản án giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án. Số tiền Nhà nước bồi thường trong những vụ việc này theo Bản án của Tòa án hoặc Quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan THADS thực chất là số tiền, tài sản người được thi hành án chưa được nhận theo Bản án giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án trước đó. 


Như vậy, khi được bồi thường theo Bản án của Tòa án hoặc Quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan THADS, quyền lợi của người được thi hành án trong Bản án giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án trước đó đã được bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước. Tuy nhiên, nghĩa vụ của người phải thi hành án trong Bản án giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án chưa chấm dứt và theo nguyên tắc Chấp hành viên tiếp tục tổ chức thi hành Bản án này để thu hồi tiền, tài sản, hoàn trả cho ngân sách Nhà nước là cần thiết và phù hợp. Vấn đề đặt ra là quyền được thi hành án trong Bản án giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án vẫn đang thuộc về người đã được bồi thường, việc được Nhà nước bồi thường không đồng nghĩa với việc người được bồi thường mất quyền được thi hành án trong Bản án giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án trước đó.
Pháp luật THADS hiện nay chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên, trước mắt, để giải quyết những vụ việc bồi thường nêu trên, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, dưới góc độ pháp luật dân sự, tránh trường hợp “hưởng lợi hai lần”, cơ quan THADS có thể căn cứ khoản 1, 2 Điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Chuyển giao quyền yêu cầu: “1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận,... 2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ...” và điểm i khoản 1 Điều 7 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án: “1. Người được thi hành án có các quyền sau đây: ... i) Chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác;...” làm cơ sở pháp lý thực hiện việc tiếp tục thi hành Bản án giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án trước đó để thu hồi tiền, tài sản, hoàn trả cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 365 Bộ luật dân sư năm 2015 đề cao sự thỏa thuận, thống nhất ý chí trong việc chuyển giao quyền yêu cầu, do đó, những vụ việc nêu trên sẽ giải quyết theo hướng ngay khi người được thi hành án nhận tiền bồi thường, cơ quan THADS địa phương sẽ yêu cầu người được bồi thường cam kết bằng văn bản việc chuyển giao quyền được thi hành án sang cơ quan THADS và toàn bộ tài sản thi hành án được sẽ hoàn trả về ngân sách nhà nước (khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành, cơ quan THADS ra Quyết định tiếp tục thi hành án, theo đó nội dung Quyết định sẽ thể hiện rõ nội dung người được thi hành án chuyển giao quyền cho cơ quan THADS để thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước).
Trường hợp, việc bồi thường được giải quyết tại Tòa án, cơ quan THADS đề nghị Tòa án tuyên rõ nội dung cơ quan THADS tiếp tục tổ chức thi hành Bản án giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án trước đó để thu hồi ngân sách nhà nước trong Bản án giải quyết bồi thường.
Về lâu dài, cần nghiên cứu thể chế hóa nội dung này trong Nghị định quy định chi tiết Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (phần hoàn trả ngân sách nhà nước) hoặc Luật thi hành án dân sự (phần quy định về chủ động ra Quyết định thi hành án).
Bên cạnh đó, nhằm tránh trường hợp người được thi hành án không hợp tác trong việc chuyển giao quyền được thi hành án, đồng thời, để bảo vệ lợi ích hợp pháp cơ quan THADS nói riêng và Nhà nước nói chung, trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án xem xét, giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường với tư cách là bị đơn, cơ quan THADS cần đặc biệt lưu ý những điểm sau: (1) Ngay từ khi có thông báo của Tòa án về việc thụ lý đơn khởi kiện của đương sự, cơ quan THADS phải tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung để tham gia hiệu quả tại Tòa án; (2) phải chấp hành nghiêm việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước theo triệu tập của Tòa án; (3) có ý kiến để Tòa án đưa nội dung tiếp tục thi hành Bản án giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án trước đó, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của người được bồi thường về việc chuyển giao quyền được thi hành án sang cho cơ quan THADS để thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước; (4) khi được triệu tập tham gia tố tụng, các cơ quan THADS phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và Tổng cục THADS biết để nắm thông tin tình hình vụ việc, kịp thời chỉ đạo.
Nguyễn Phúc Đạt
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật dân sự năm 2015;
2. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
3. Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009;
4. Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014);