Quy định pháp luật về phí thi hành án dân sự hiện nay ở Việt Nam và liên hệ một vài quy định quốc tế có liên quan

27/11/2017
Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định. Vấn đề thu phí thi hành án dân sự được quy định tại Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, (sau đây gọi tắt là Luật THADS), Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí (gọi tắt là Nghị định số 120/2016/NĐ-CP); Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THADS (Thông tư số 216/2016/TT-BTC).


Trước đây vấn đề thu phí được quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự (Thông tư số 144/2010/TTLT- BTC- BTP). Trong quá trình thực hiện cùng với những thay đổi của pháp luật thi hành án dân sự và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan, Thông tư số 144/2010/TTLT- BTC- BTP đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập nhất định. Ví dụ như việc thu phí thi hành án trong trường hợp cơ quan thi hành án đã thực hiện các thủ tục thi hành án như xác minh, thông báo và tốn nhiều công sức để vận động đương sự, nhưng sau đó các đương sự tự nguyện thi hành án cho nhau không thông qua cơ quan thi hành án dẫn đến không thu được phí; thậm chí có trường hợp cơ quan thi hành án đã tổ chức cưỡng chế xong, chuẩn bị giao tiền cho đương sự nhưng người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án (theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự) và họ từ bỏ nhận tiền, tài sản đã thu được. Trong trường hợp này theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 của Thông tư số 144/2010/TTLT- BTC- BTP, cơ quan thi hành án không thể thu phí thi hành án. Lợi dụng hạn chế của quy định này, đã có những trường hợp các bên đương sự bắt tay nhau trốn tránh nghĩa vụ nộp phí thi hành án. Bên cạnh đó, về thời hạn thu phí thi hành án đối với trường hợp giao tài sản của Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP cũng có những bất cập, theo khoản 4 Điều 3 của Thông tư trên quy định: “Nếu giao tài sản mà người được thi hành chưa nộp phí thi hành án, cơ quan thu phí có thể kê biên, phong tỏa tài sản được thi hành án và ấn định thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày giao trả tài sản để người được thi hành án nộp phí thi hành án” dẫn đến nhiều trường hợp cơ quan thi hành án đã giao tài sản nhưng người được nhận tài sản không nộp phí. Ngoài ra, còn có những quy định về thủ tục xét miễn giảm phí thi hành án chưa thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan cần được giải quyết.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP , các quy định về phí thi hành án đã có nhiều thay đổi. Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã bổ sung quy định mới về việc miễn, giảm phí thi hành án cho người yêu cầu thi hành đã cung cấp chính xác điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định số 120/2016/NĐ-CP đã có nhiều thay đổi về mức phí, cách tính phí thi hành án.
Do đó, để khắc phục những vướng mắc, bất cập nêu trên, phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, giúp các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện chính xác việc thu phí trong quá trình tổ chức thi hành án, ngăn chặn việc lợi dụng quy định nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp phí của các đương sự, ngày 10/11/2016 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 216/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Dưới đây là nội dung các quy định của pháp luật về phí thi hành án dân sự và liên hệ một vài quy định quốc tế có liên quan.
1. Trách nhiệm nộp phí thi hành án dân sự và tổ chức thu phí thi hành án dân sự
Khoản 7 Điều 3 Luật THADS quy định Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định. Như vậy, người có trách nhiệm nộp phí thi hành án dân sự là người được thi hành án, tức là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. Người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại phải nộp phí thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư số 216/2016/TT-BTC.
Người được thi hành án sẽ được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ[1]. Trong khi cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án, các đương sự có quyền thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án, tuy nhiên những thỏa thuận này không thuộc vào các trường hợp cấm theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, trong đó có trường hợp nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Điều 3 Thông tư số 216/2016/TT-BTC quy định cơ quan thi hành án dân sự là tổ chức thu phí thi hành án dân sự. Theo đó cơ quan THADS nơi tổ chức thi hành vụ việc, nơi chi trả tiền, tài sản cho người được thi hành án là cơ quan thu phí thi hành án.
2. Mức phí thi thi hành án dân sự
Mức phí thi hành án được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC (mức phí theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định số 120/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, ngày 01/01/2017), cụ thể như sau:
Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án khi được nhận tiền, tài sản với mức phí[2] sau đây:
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án là 150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án là 190.000.000 đồng cộng với 1% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7.000.000.000 đồng;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án là 220.000.000 đồng cộng với 0,5% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10.000.000.000 đồng;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án là 245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.
Thông tư số 216/2016/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể thêm về mức phí đối với một số trường hợp cụ thể như sau:
Một là, trường hợp chia tải sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản thi hành án
Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC thì đối với vụ việc chia tải sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản thi hành án (chỉ cần một trong các bên có yêu cầu thi hành án), thì người được cơ quan thi hành án dân sự giao tiền, tài sản thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự tương ứng với giá trị tiền, tài sản thực nhận.
Ví dụ: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500.000.000 đồng và phải thanh toán cho ông A số tiền: 200.000.000 đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án dân sự mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:
Số phí thi hành án dân sự ông A phải nộp là: 3% x 200.000.000 đồng = 6.000.000 đồng;
Số phí thi hành án dân sự bà B phải nộp là: 3% x (500.000.000 đồng - 200.000.000 đồng) = 9.000.000 đồng.
Hai là, trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án
Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC quy định đối với trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có yêu cầu để quản lý thì người yêu cầu hoặc người đại diện đó phải nộp phí thi hành án dân sự tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC.
Ví dụ: Bản án của TAND huyện X tuyên: Ông Trần Văn Đ phải giao cho bà Nguyễn Thị A, anh Trần Văn B, anh Trần Văn C quản lý căn nhà tại xã Y huyện X có giá trị là 1,5 tỷ đồng. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, chỉ có bà Nguyễn Thị A có đơn yêu cầu thi hành án. Cơ quan THADS đã tiến hành giao tài sản cho bà A quản lý. Trong trường hợp này, bà A sẽ phải nộp phí tính trên toàn bộ giá trị tài sản thực nhận là 1.500.000.000 đồng. Cụ thể, bà A phải nộp phí với số tiền là: 1.500.000.000 đồng x 3% = 45.000.000 đồng.
Ba là, trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau
Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC quy định đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC tính trên số tiền, tài sản thực nhận, trừ trường hợp đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư số 216/2016/TT-BTC.
Ví dụ: Bản án số 01/KDTM-ST tuyên, ông Nguyễn Văn A phải thanh toán trả Ngân hàng thương mại cổ phần B số tiền nợ cả gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng HĐTD/3352-LD là 2.000.000.000 đ và lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước quy định. Trong trường hợp ông Nguyễn Văn A không thanh toán trả nợ được ngân hàng TMCP B thì Ngân hàng TMCP B có quyền đề nghị cơ quan Thi hành án kê biên phát mại tài sản của ông Nguyễn Văn A là nhà đất tại địa chỉ xã Kim Long, huyện X. Trong quá trình thi hành án cơ quan THADS đã tiến hành các trình tự thủ tục như thông báo, xác minh điều kiện thi hành án nhưng chưa tiến hành cưỡng chế thi hành án thì ông A tự nguyện trả tiền cho ngân hàng TMCP B số tiền 2.000.000.000đ, trường hợp này Ngân hàng TMCP B phải nộp số phí như sau: 2.000.000.000x 3% x 1/3= 20.000.000đ
Bốn là, mức phí thi hành án trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án
Khoản 5 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC quy định, trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC tính trên số tiền, tài sản thực nhận.
3. Thu, nộp phí thi thi hành án dân sự
Thủ tục thu, nộp phí thi hành án dân sự được quy định tại Điều 5 Thông tư số 216/2016/TT-BTC, cụ thể như sau:
- Thủ trưởng tổ chức thu phí thi hành án dân sự ra quyết định thu phí thi hành án dân sự. Đối với vụ việc phải thu phí thi hành án dân sự nhiều lần thì mỗi lần thu phí, Thủ trưởng tổ chức thu phí ra một quyết định thu phí thi hành án dân sự theo quy định.
- Trường hợp người được thi hành án được nhận tiền, tài sản thành nhiều lần theo quy định của pháp luật thì tổng số tiền phí thi hành án dân sự phải nộp từng lần bằng số tiền phí thi hành án dân sự phải nộp khi nhận toàn bộ số tiền, tài sản trong một lần theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC.
Ví dụ: Ông A được thi hành án tổng số tiền là 18.000.000.000 đồng và đã được nhận số tiền này trong 06 lần (lần thứ nhất nhận 3.000.000.000 đồng; lần thứ hai nhận 4.000.000.000 đồng; lần thứ ba nhận 4.500.000.000 đồng; lần thứ tư nhận 4.000.000.000 đồng; lần thứ năm nhận 1.500.000.000 đồng; lần thứ sáu nhận 1.000.000.000 đồng), số phí thi hành án dân sự phải nộp của từng lần được xác định như sau:
+ Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần thứ nhất là: 3% x 3.000.000.000 đồng = 90.000.000 đồng.
+ Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần thứ hai là: (3% x 2.000.000.000 đồng) + (2% x 2.000.000.000 đồng) = 100.000.000 đồng.
+ Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần thứ ba là: (1% x 3.000.000.000 đồng) + (0,5% x 1.500.000.000 đồng) = 37.500.000 đồng.
+ Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần thứ tư là: (0,5% x 3.500.000.000 đồng) + (0,01% x 500.000.000 đồng) = 17.550.000 đồng.
+ Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần thứ năm là: 0,01% x 1.500.000.000 đồng = 150.000 đồng.
+ Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần thứ sáu là: 0,01% x 1.000.000.000 đồng = 100.000 đồng.
Tổng số tiền phí thi hành án dân sự mà ông A phải nộp trong trường hợp này là 245.300.000 đồng, bằng số tiền phí thi hành án dân sự mà ông A phải nộp khi nhận một lần tính trên số tiền 18.000.000.000 đồng là 245.000.000 đồng + (0.01% x 3.000.000.000 đồng) = 245.300.000 đồng.
- Đối với trường hợp người được thi hành án nhận tiền, tài sản làm nhiều lần mà số tiền, giá trị tài sản được nhận mỗi lần không vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định, nhưng tổng số tiền, giá trị tài sản được nhận lớn hơn hai lần mức lương cơ sở thì vẫn thu phí thi hành án dân sự theo quy định và việc thu phí thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC.
Ví dụ: Ông B được thi hành án 5.000.000 đồng nhưng ông B được nhận số tiền này trong 04 lần (lần 1 nhận 1.000.000 đồng; lần 2 nhận 1.000.000 đồng; lần 3 nhận 1.000.000 đồng; lần 4 nhận 2.000.000 đồng), số phí thi hành án dân sự mà ông B phải nộp được xác định như sau:
+ Lần thứ nhất ông B nhận 1.000.000 đồng thì ông B chưa phải nộp phí.
+ Lần thứ hai ông B nhận 1.000.000 đồng thì ông B chưa phải nộp phí.
+ Lần thứ ba ông B nhận 1.000.000 đồng thì số phí mà ông B phải nộp sau ba lần nhận tiền là: 3% x (1.000.000 đồng + 1.000.000 đồng + 1.000.000 đồng) = 90.000 đồng.
+ Lần thứ tư ông B nhận 2.000.000 đồng thì số phí mà ông B phải nộp là: 3 % x 2.000.000 đồng = 60.000 đồng.
Tổng số tiền phí thi hành án dân sự mà ông B phải nộp sau khi nhận số tiền 5.000.000 đồng là 90.000 đồng + 60.000 đồng = 150.000 đồng, cũng bằng tổng số phí thi hành án dân sự trong trường hợp nhận tiền, tài sản 01 lần là 3% x 5.000.000 đồng = 150.000 đồng.
- Việc thu phí thi hành án dân sự được thực hiện như sau:
+Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự chi trả bằng tiền mặt, chuyển khoản hoặc gửi qua bưu điện cho người được thi hành án thì thực hiện việc khấu trừ số tiền phí thi hành án dân sự mà người được thi hành án phải nộp trước khi chi trả cho họ. Sau đó, cơ quan THADS lập và cấp biên lai cho đối tượng nộp phí thi hành án.
+ Trường hợp Tòa án không tuyên giá trị tài sản hoặc có tuyên nhưng tại thời điểm thu phí không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường thì tổ chức thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí thi hành án dân sự mà người được thi hành án phải nộp. Chi phí định giá do cơ quan thi hành án dân sự chi trả từ nguồn phí thi hành án dân sự được để lại.
Trước khi giao tài sản ít nhất 15 ngày, tổ chức thu phí thông báo số tiền phí thi hành án dân sự mà người được thi hành án phải nộp theo quy định tại Thông tư số 216/2016/TT-BTC.          
- Trường hợp có sự nhầm lẫn về số phí thi hành án dân sự phải nộp thì tổ chức thu phí có trách nhiệm tính toán lại theo quy định. Tổ chức thu phí có trách nhiệm làm thủ tục hoàn trả số tiền thu thừa hoặc thực hiện việc thu bổ sung khoản phí thi hành án dân sự còn thiếu.
- Trường hợp ủy thác thi hành án, cơ quan ủy thác phải ghi rõ số phí thi hành án dân sự đã thu, số phí thi hành án dân sự còn phải thu. Cơ quan nhận ủy thác phải căn cứ vào quyết định ủy thác để tiếp tục thu phí thi hành án dân sự và được quản lý, sử dụng tiền phí thi hành án dân sự thu được theo quy định tại Thông tư số 216/2016/TT-BTC.
4. Những trường hợp không phải chịu phí thi hành án
Điều 6 Thông tư số 216/2016/TT-BTC quy định người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án khi được nhận các khoản tiền, tài sản thuộc các trường hợp sau đây:
- Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động.
- Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận.
- Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi.
- Số tiền hoặc giá trị tài sản theo yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định.
- Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong trường hợp Ngân hàng cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Bản án, quyết định của Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử.
- Tiền, tài sản được trả lại cho đương sự trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự.
- Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự.
(Lưu ý: Những trường hợp không phải chịu phí thi hành án quy định tại Điều 47 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017, ngày mà Nghị định số 120/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành).
5. Miễn, giảm phí thi hành án dân sự
5.1. Các trường hợp được miễn phí thi hành án
Người được thi hành án được miễn phí thi hành án trong trường hợp sau đây:
- Được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng[3];
- Thuộc diện neo đơn được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận; thuộc diện tàn tật[4], ốm đau kéo dài có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận;
- Người được thi hành án xác minh chính xác tài sản của người phải thi hành án sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án.
5.2. Các trường hợp được giảm và mức phí thi hành án được giảm
Người được thi hành án được giảm phí thi hành án như sau:
- Giảm đến 80% phí thi hành án dân sự đối với người có khó khăn về kinh tế thuộc chuẩn hộ nghèo và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận;
- Giảm 30% phí thi hành án dân sự tương ứng với số tiền thực nhận từ việc xử lý tài sản của người phải thi hành án mà người được thi hành án xác minh chính xác khi yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án mà không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại;
- Giảm 20% phí thi hành án dân sự trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư 216/2016/TT-BTC nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại.
5.3. Thủ tục miễn, giảm phí thi hành án dân sự
- Để được miễn, giảm phí thi hành án dân sự, đương sự phải làm đơn đề nghị miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự, kèm theo các tài liệu có liên quan chứng minh điều kiện miễn, giảm theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Thông tư số 216/2016/TT-BTC.
- Đơn đề nghị miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự kèm theo các tài liệu liên quan được nộp cho tổ chức thu phí. Trường hợp đơn, tài liệu chưa đầy đủ thì tổ chức thu phí hướng dẫn người yêu cầu bổ sung theo quy định.
Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Thủ trưởng tổ chức thu phí có trách nhiệm xem xét, ra quyết định miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư số 216/2016/TT-BTChoặc thông báo bằng văn bản cho người phải nộp phí biết về việc họ không được miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự và nêu rõ lý do.
Việc xét miễn, giảm phí thi hành án dân sự thực hiện đối với từng quyết định thu phí thi hành án dân sự, trừ trường hợp người được xét miễn, giảm phí thi hành án dân sự thuộc trường hợp người được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp Luật ưu đãi người có công với cách mạng.
6. Kê khai, nộp phí thi hành án dân sự
- Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí thi hành án dân sự đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.
- Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thi hành án dân sự thu được theo tháng, quyết toán năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ, cụ thể như sau:
Khoản 3 Điều 19 Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định về khai phí, lệ phí khác thuộc ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:
+ Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước nộp hồ sơ khai phí, lệ phí cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
+ Khai phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước là loại khai theo tháng và khai quyết toán năm.
+ Hồ sơ khai phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo tháng là Tờ khai phí, lệ phí theo mẫu số 01/PHLP ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC này.
+ Hồ sơ khai quyết toán năm phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước là Tờ khai quyết toán phí, lệ phí năm theo mẫu số 02/PHLP ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTCnày.
Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định về thời hạn nộp thuế như sau:
+ Người nộp thuế có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn vào ngân sách nhà nước.
+ Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp người nộp thuế tính thuế hoặc thời hạn nộp thuế ghi trên thông báo, quyết định, văn bản của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
Thời hạn nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 của năm phát sinh nghĩa vụ thuế. Trường hợp người nộp thuế mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
+ Trường hợp tiền thuế, phí, lệ phí, thu khác thuộc ngân sách nhà nước được thực hiện theo hình thức ghi thu ngân sách nhà nước thì thời hạn nộp thuế là thời hạn cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện ghi thu ngân sách nhà nước.
7. Quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự
- Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 216/2016/TT-BTC. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
- Trường hợp tổ chức thu phí thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước thì thực hiện quản lý, sử dụng tiền phí thi hành án dân sự như sau:
+ Tổ chức thu phí được trích lại 65% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/2016 của Chính phủ.
Đối với trường hợp cơ quan trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thu tiền, tài sản thi hành án: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự thu phí thi hành án dân sự đối với số tiền, tài sản do cơ quan trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thu thì cơ quan thi hành án dân sự chuyển 65% tiền phí thu được vào tài khoản của cơ quan trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã thu tiền, tài sản thi hành án. Số tiền này sử dụng để chi cho các nội dung theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ.
+ Tổ chức thu phí có trách nhiệm nộp 20% số tiền phí thu được vào tài khoản của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng đối với tổ chức thu phí là cơ quan thi hành án quân khu và tương đương) tại Kho bạc nhà nước. Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) thực hiện điều hòa tiền phí cho các tổ chức thu phí ở những nơi tiền phí thu được không bảo đảm đủ các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ.
Số tiền phí do tổ chức thu phí nộp vào tài khoản của Tổng cục Thi hành án dân sự (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng đối với tổ chức thu phí là cơ quan thi hành án quân khu và tương đương) được xác định là 100%. Tổng cục Thi hành án dân sự (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) thực hiện việc điều hòa tiền phí thi hành án được phép chi quản lý, điều hòa tiền phí thi hành án (chi văn phòng phẩm, sổ sách kế toán, theo dõi, tổng hợp số liệu phân bổ tiền phí, thông tin liên lạc, tập huấn, chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra, báo cáo và các hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, điều hòa tiền phí thi hành án) và các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nhưng số chi hàng năm không quá 35% tổng số tiền phí thi hành án do các đơn vị nộp về.
Hàng năm, tổ chức thu phí phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.
+ Tổ chức thu phí có trách nhiệm nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không đề cập tại Thông tư số 216/2016/TT-BTC, được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
8. Liên hệ một vài quy định quốc tế có liên quan
Hiện nay, các quy định về phí thi hành án dân sự theo Thông tư số 216/2016/TT-BTC cơ bản đã được áp dụng ổn định, thống nhất, tuy nhiên, vẫn còn có những quan điểm khác nhau liên quan đến việc thu phí thi hành án trong vụ việc thi hành án phá sản[5] hoặc vẫn còn những điểm khác nhau nhất định so với thông lệ quốc tế về phí thi hành án dân sự. Cụ thể, trong khi pháp luật Việt Nam quy định về phí thi hành án dân sự theo nguyên tắc dựa vào người được thi hành án, tức là người được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành có trách nhiệm phải nộp phí thi hành án dân sự, pháp luật châu Âu lại quy định bị đơn nên là người phải chịu trách nhiệm liên quan đến các khoản phí thi hành án dân sự nếu họ là người có khả năng thanh toán, cùng với khả năng thanh toán một phần phí thi hành án từ phía nguyên đơn (người yêu cầu). Nếu bị đơn là người không có khả năng thanh toán (mất khả năng thanh toán) thì nguyên đơn (người yêu cầu) nên là người có trách nhiệm thanh toán các khoản phí thi hành án dân sự.[6]
Một kết quả nghiên cứu khác khi giải thích về nguyên tắc “người thắng kiện sẽ được nhận tất cả” còn “người thua kiện phải thanh toán các chi phí tố tụng”, cũng đã chỉ ra rằng các quy định liên quan đến chi phí tố tụng cần yêu cầu bên thua kiện trong các vụ kiện phải có trách nhiệm thanh toán các loại chi phí tố tụng bởi vì bên thua kiện là người có lỗi dẫn đến phát sinh các chi phí tố tụng[7].
Ngoài ra, vì phí cùng với chi phí thi hành án là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính hiệu quả của quy trình thi hành án dân sự, nên các quy định của pháp luật châu Âu cũng đòi hỏi phí, chi phí thi hành án phải được quy định rõ ràng, đầy đủ, dễ hiểu phù hợp với luật pháp của mỗi quốc gia. Các quy định về phí, chi phí thi hành án, đặc biệt là tỉ lệ tính phí thi hành án nên được công khai, minh bạch, và luôn được cập nhật trên các trang website hoặc trên các trang mạng thông tin điện tử chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để mọi người dân có thể dễ dàng tìm hiểu và thực hiện.
Để tạo thuận lợi cho các bên đương sự hiểu, nắm bắt và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phí thi hành án dân sự, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế về phí thi hành án dân sự, các quy định về phí thi hành án dân sự của Việt Nam trong thời gian tới nên được quy định ổn định, đầy đủ, thống nhất và tập trung trong một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, quy định đa dạng trách nhiệm trả phí của các bên nhằm vừa bảo đảm tính hiệu quả của việc thu phí vừa bảo đảm thu đúng đối tượng là nguyên nhân làm phát sinh phí; bảo đảm công bằng cho các bên liên quan, đồng thời qua đó nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự.
ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa và ThS.Nguyễn Văn Nghĩa
 
 
[1]Điểm k khoản 1 Điều 7 Luật THADS.
[2] khoản 1 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC.
[3] Tham khảo Điều 2, Điều 14 của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách  mạng  năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012.
[4] Tham khảo Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010.
[5]Xem thêm bài “Vấn đề thu phí thi hành án trong vụ việc thi hành án phá sản”, tác giả Văn Thị Tâm Hồng, website http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=820, tr.c 11.9.2017
[6] Hướng dẫn số 60 của Ủy ban châu Âu về tính hiệu quả của hoạt động tư pháp ngày 17/12/2009.
[7]Xem SOU (Statens Offentliga Utredningar, Official reports series of Swedish legislative and investigations commissions) 1938:44, p. 231 and Jacobsson, U., Parts Kostmad i civilprocess, Norstedts Stockholm, 1964, p. 58.