Về trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án là phạm nhân

22/02/2018
Tổ chức việc thi hành án dân sự đối với đương sự là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù trong trại giam, trại tạm giam là một công việc rất khó khăn, phức tạp, không chỉ  đối với những việc phạm nhân là người phải thi hành án mà còn cả đối với những việc thi hành án trả lại tiền, tài sản, giấy tờ mà phạm nhân là người được thi hành án. Thủ tục trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam được quy định cụ thể tại Điều 129 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC).


Các quy định của pháp luật đã quy định khá chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện việc trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án là phạm nhân. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định trên còn gặp rất nhiều bất cập, cụ thể là:
Thứ nhất, khó khăn trong việc xác định được trại giam của đương sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì Chấp hành viên gửi thông báo, quyết định về việc nhận lại tiền, tài sản cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thông qua Giám thị trại giam, trại tạm giam. Tuy nhiên, việc xác định trại giam, trại tạm giam nơi đương sự là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù không phải lúc nào cũng được thực hiện một cách dễ dàng, thuận lợi.
Ví dụ: Tại Bản án số 51/2016/HSST ngày 17/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện X xét xử Nguyễn Văn A về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” tuyên Nguyễn Văn A phải  chịu 28 tháng tù; đồng thời Nguyễn Văn A phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm, trả lại Nguyễn Văn A 01 điện thoại di động nhãn hiệu Mobell màu xanh đã cũ.
Qua xác minh, bố mẹ của Nguyễn Văn A đều đã chết, vợ của A đang làm thủ tục ly hôn và không hề biết A đang ở trại giam nào, chính quyền địa phương cũng không nắm được. Đối với khoản án phí hình sự sơ thẩm của Nguyễn Văn A, Chi cục Thi hành án dân sự huyện X đã vận động một người họ hàng của Nguyễn Văn A nộp thay. Tuy nhiên, đối với khoản trả lại tài sản cho Nguyễn Văn A thì cơ quan thi hành án dân sự gặp trở ngại khi không có một nguồn thông tin nào cho biết A đang thụ hình tại trại giam nào. Khi Chấp hành viên giải quyết việc thi hành án, ngoài các thông tin trong bản án và khai thác từ gia đình, chính quyền địa phương thì không có nguồn thông tin nào cho biết được địa chỉ trại giam của đương sự nếu như cơ quan thi hành án dân sự không nhận được thông báo của trại giam nơi phạm nhân thụ hình.
Tình trạng không xác định được địa chỉ trại giam nơi đương sự chấp hành hình phạt tù là một tình trạng khá phổ biến mà các cơ quan thi hành án dân sự thường gặp phải[1]. Mặc dù Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC đã quy định rõ: “Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự, Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm họ, tên, địa chỉ của phạm nhân là người phải thi hành án dân sự hoặc phạm nhân là người được thi hành án theo bản án hình sự, trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày tiếp nhận phạm nhân vào trại giam.” Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên ở nhiều nơi vẫn còn chưa nghiêm túc. Khi Chấp hành viên tổ chức thi hành án, thông tin duy nhất về người phải thi hành án là phạm nhân mà Chấp hành viên có thể nắm được chỉ có ở bản án, ngoài ra Chấp hành viên phải tự tìm hiểu và xác định trại giam nơi người được thi hành án chấp hành hình phạt tù. Chấp hành viên phải gửi Công văn đề nghị Tổng cục VIII Bộ Công an cho biết địa chỉ trại giam của đương sự. Nhiều trường hợp việc xác minh này chậm có kết quả hoặc không có kết quả, cá biệt có những trường hợp cơ quan thi hành án dân sự nhận được công văn của Tổng cục VIII trả lời về việc không xác định được trại giam nào có phạm nhân có tên và địa chỉ như trong yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự. Hành trình xác định trại giam đôi khi rất gian nan và mất nhiều thời gian của Chấp hành viên, làm giảm hiệu quả thi hành án.
Thứ hai, thủ tục trả lại tài sản cho phạm nhân còn phức tạp
Một là, trường hợp phạm nhân là người được thi hành án dân sự có đơn đề nghị được nhận tiền, giấy tờ tại trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC quy định: Trường hợp phạm nhân là người được thi hành án dân sự có đơn đề nghị được nhận tiền, giấy tờ tại trại giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện thì trại giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết; trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm gửi tiền, giấy tờ cho Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiến hành việc trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân là người được thi hành án dân sự theo quyết định trả tiền, giấy tờ.
Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền, giấy tờ do cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên gửi đến, trại giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân là người được thi hành án dân sự theo quyết định trả tiền, giấy tờ.
Chi phí cho việc gửi tiền, tài sản do người được thi hành án chịu. Khi giao tiền, tài sản cho đương sự, Giám thị trại giam, trại tạm giam lập biên bản và gửi cho cơ quan thi hành án dân sự. Việc trả tiền thi hành án dân sự phải lập Phiếu chi tiền theo mẫu quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp trả giấy tờ thì phải lập biên bản trả giấy tờ theo mẫu 2d tại Phụ lục II của Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC[2].
Tuy nhiên, nhiều phạm nhân có trình độ hiểu biết hạn chế, cá biệt còn có cả những phạm nhân không biết chữ, việc quy định phạm nhân có đơn xin nhận tiền, giấy tờ trong trại giam đã là một quy định nặng tính thủ tục, lại quy định thêm việc “cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết” trong khi cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có rất nhiều công việc phải làm, việc chờ thông báo của cơ quan thi hành án hình sự cho cơ quan thi hành án dân sự liệu có thực sự khả thi?
Hai là, trường hợp người được thi hành án uỷ quyền cho người khác nhận tiền, tài sản.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Thi hành án dân sự năm 2008: Trường hợp người được thi hành án uỷ quyền cho người khác nhận tiền, tài sản thì văn bản uỷ quyền phải có xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam. CHV trả tiền, tài sản cho người được uỷ quyền.
Khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC cũng quy định trường hợp phạm nhân là người được thi hành án dân sự ủy quyền cho người khác nhận thay tiền, giấy tờ thì Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm xác nhận vào giấy ủy quyền và gửi giấy ủy quyền cho người được ủy quyền; người được ủy quyền nhận tiền chịu trách nhiệm gửi giấy ủy quyền đó cho cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm trả tiền, giấy tờ cho người được uỷ quyền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp trả lại tiền, giấy tờ, tài sản cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù giam nếu người nhà muốn đến nhận thay phải có giấy uỷ quyền của người đang chấp hành án trong trại giam. Để có được giấy uỷ quyền để trả tài sản cho người nhận uỷ quyền đôi khi cũng là một việc rất khó khăn[3].
Trên thực tế có những Bản án tuyên trả lại duy nhất một cái quần bò, một cái ví cũ, một con dao, một cái chậu nhôm đã cũ hay một cái điện thoại không còn sử dụng được...Đây là những vụ việc quá khó để thi hành xong khi mà đương sự thì ở trong trại giam, người nhà đương sự thì chẳng ai muốn đến nhận những thứ đồ “lặt vặt”, không còn giá trị sử dụng, nhất là khi họ lại cư trú ở các tỉnh xa với nơi xử án. Có những trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã hướng dẫn phạm nhân thực hiện được việc ủy quyền nhưng người được uỷ quyền lại không đến nhận tài sản vì cho rằng tài sản có giá trị quá nhỏ không đáng để bỏ công sức và thời gian để đến nhận lại.
Thứ ba, thủ tục xử lý đối với trường hợp phạm nhân từ chối nhận tiền tài sản giấy tờ còn phức tạp
Khoản 3 Điều 129 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: Trường hợp người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù từ chối nhận lại tiền, tài sản bằng văn bản có xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam thì Chấp hành viên xử lý tiền, tài sản để sung quỹ nhà nước hoặc tiêu huỷ theo quy định của Luật này.
Khoản 4 Điều 10 Thông tư Liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC cũng quy định:Trường hợp phạm nhân là người được thi hành án dân sự và không phải là người phải thi hành án dân sự mà từ chối nhận tiền, giấy tờ thì Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm xác nhận vào văn bản từ chối đó và gửi cơ quan thi hành án dân sự đã chuyển giao quyết định thi hành án để tiến hành các thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy để tiêu hủy một tài sản mà người được thi hành án là phạm nhân không nhận do đã hư hỏng, không còn giá trị sử dụng thì người được thi hành án là phạm nhân phải có văn bản từ chối nhận tài sản, đề nghị tiêu hủy và đơn từ chối đó có xác nhận của giám thị trại giam để cơ quan Thi hành án xử lý theo quy định pháp luật. Việc quy định phạm nhân phải có văn bản từ chối nhận tài sản cũng dẫn đến việc kéo dài thời gian thi hành án. Do đó, có thể xem xét quy định trong một thời hạn nhất định nếu phạm nhân đã được thông báo về việc nhận tiền, tài sản mà không ủy quyền cho người nhà đến nhận hoặc không thể thực hiện việc trả tài sản thì Chấp hành viên xử lý tiền, tài sản để sung quỹ nhà nước hoặc tiêu huỷ theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Mặt khác, đối với quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC “Chi phí cho việc gửi tiền, giấy tờ cho phạm nhân do phạm nhân chi trả” cũng là một quy định rất khó có thể thực hiện trên thực tế, nhất là đối với những số tiền, tài sản có giá trị nhỏ, hoặc trả giấy tờ cho phạm nhân khi mà phạm nhân thường không có điều kiện, tài sản để thi hành đối với những khoản chi phí này. Do đó nên quy định các chi phí này do ngân sách nhà nước chi trả từ nguồn phí thi hành án được trích lại theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC.
Giải pháp để tháo gỡ khó khăn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành án mà người được thi hành án là phạm nhân cần phải thực hiện đồng bộ và triệt để, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC chỉ quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ có giá hoặc giấy tờ khác (gọi chung là giấy tờ) của phạm nhân là người phải thi hành án dân sự hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tại trại giam, trại tạm giam (gọi chung là trại giam), cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án dân sự; trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân là người được thi hành án dân sự tại trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; trách nhiệm của trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành phần quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự[4]. trong khi đó số lượng các việc thi hành án phải trả lại các tài sản khác cho phạm nhân là rất lớn, do đó cần xem xét bổ sung các quy định về việc phối hợp giữa trại giam, trại tạm giam với cơ quan thi hành án dân sự trong việc trả lại đối với những tài sản khác để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.
Thứ hai, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và trại giam. Yêu cầu các trại giam, trại tạm giam thực hiện tốt việc thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm họ, tên, địa chỉ của phạm nhân là người phải thi hành án dân sự hoặc phạm nhân là người được thi hành án dân sự theo bản án hình sự, trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày tiếp nhận phạm nhân vào trại giam theo quy định tại Điều 3 Thông tư Liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC. Bộ Công an cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định này nói riêng và các quy định của Thông tư nói chung và có phương án xử lý đối với các trường hợp trại giam không thực hiện việc thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự về nơi chấp hành hình phạt tù của phạm nhân là người phải thi hành án, người được thi hành án dân sự.
Thứ ba, mặc dù khoản 4 Điều 4 Thông tư iên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC quy định: Trường hợp phạm nhân là người được thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp chuyển tiền cho người được thi hành án thông qua Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc chuyển vào tài khoản tạm gửi của trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Đối với giấy tờ khác thì cơ quan thi hành án dân sự chuyển giao cho Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để trả lại cho phạm nhân là người được thi hành án. Tuy nhiên, quy định này của Thông tư lại không áp dụng đối với các tài sản khác. Do đó, cần xem xét bổ sung quy định rõ đối với những trường hợp đã xác định được chính xác địa chỉ trại giam, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện luôn việc chuyển trả tài sản vào trại giam để trại giam tiến hành trả cho phạm nhân mà không cần các thủ tục như đơn xin nhận tài sản, ủy quyền nhận tài sản…. để rút ngắn thời gian thi hành án.
Thứ tư, tại điểm c Điều 106, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Do đó, đối với những tài sản, vật chứng không có giá trị, giá trị nhỏ hoặc hư hỏng thì Tòa án nên tuyên tiêu hủy đối với vật chứng đó, không nên tuyên trả lại cho bị cáo, nhất là khi bị cáo phải chịu hình phạt tù giam với thời gian dài. Cần có quy định thống nhất giữa quá trình xét xử với việc xem xét xử lý các tài sản, tang vật của vụ án để thuận lợi cho giai đoạn thi hành án dân sự.  Việc này sẽ giúp giảm tải đáng kể cho các cơ quan thi hành án dân sự và góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí của Nhà nước.
Thứ năm, đề nghị xem xét bổ sung khoản 3 Điều 169 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công an. Theo đó, ngoài quy định chỉ đạo trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án, nên bổ sung quy định về việc chỉ đạo trại giam, trại tạm giam có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc trả lại tiền, tài sản cho người được thi hành án là phạm nhân để tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trực thuộc Bộ Công an với các cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành án trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án là phạm nhân.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
 

[1] Xem thêm:  Nguyễn Linh Anh, Những khó khăn trong việc trả tiền, tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án là phạm nhân, http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/tuthuctien/view_detail.aspx?itemid=276, ngày đăng: 01/8/2013.

[2] Khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC

[3] Nguyễn Tuấn, Công tác phi hp gia cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan Công an trong thi hành án dân s - Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả, http://thads.moj.gov.vn/tuyenquang/noidung/tintuc/lists/thongtinkhac/view_detail.aspx?itemid=67, tr.c 14/2/2018

[4] Điều 1 Thông tư Liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC