Một trong những nội dung cơ bản, quan trọng của lý luận triết học Marx-Lenin đó là định nghĩa về vật chất của Lenin, theo Lenin: “
Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của con người chép lại, chụp lại, phản ánh và nó tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác.”[1]
Với việc đưa ra định nghĩa về vật chất, Lenin đã giải thích một cách biện chứng nguyên lý của chủ nghĩa duy vật, nêu lên tính khái quát phổ biến rất cao của phạm trù vật chất, bao gồm tất cả những gì tồn tại khách quan không lệ thuộc vào cảm giác, đó cũng chính là tiêu chuẩn để phân biệt cái gì là vật chất và cái gì không phải là vật chất. Cũng theo định nghĩa của Lenin, vật chất là cái có trước, vật chất là cái tồn tại khách quan bên ngoài
ý thức và không phụ thuộc vào ý thức và là cái quyết định ý thức. Ý thức của con người ở mức độ cao, thể hiện ra bên ngoài dưới dạng nhận thức. Theo đó, nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bởi con người, nhưng đó không phải là sự phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn toàn, mà là một quá trình nhờ đó tư duy mãi mãi và không ngừng tiến đến gần khách thể. Định nghĩa vật chất của Lenin còn giúp chúng ta tìm được yếu tố vật chất trong lĩnh vực xã hội đó là tồn tại xã hội, không thể hiểu theo nghĩa hẹp như các khái niệm vật chất thường dùng trong các lĩnh vực khoa học cụ thể (các dạng vật chất có đặc tính lý - hóa được con người cảm nhận thông qua 5 giác quan). Tồn tại xã hội là một dạng vật chất đặc biệt, con người chỉ có thể cảm nhận thông qua hoạt động nhận thức ở các cấp độ khác nhau.
Đối với công tác thi hành án dân sự, công tác thi hành án dân sự được hiểu là việc cơ quan, người có thẩm quyền đưa các bản án, quyết định của các thiết chế tài phán thi hành trên thực tế theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định
[2]. Một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho bản án, quyết định thi hành được trên thực tế đó là người phải thi hành án có điều kiện thi hành án. Điều kiện thi hành án là khả năng của người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ do bản án, quyết định quy định. Nghĩa vụ thi hành án dân sự trong thực tiễn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như nghĩa vụ về tài sản, nghĩa vụ về nhân thân, nghĩa vụ thực hiện công việc nhất định. Tương ứng với nghĩa vụ thi hành án thì điều kiện thi hành án tồn tại trong thực tế cũng rất đa dạng, căn cứ vào đối tượng của quan hệ dân sự có thể chia điều kiện thi hành án thành 3 loại cơ bản như sau:
- Điều kiện thi hành án về tài sản tương ướng với nghĩa vụ về tài sản.
- Điều kiện thi hành án về nhân thân tương ứng với các nghĩa vụ về nhân thân.
- Điều kiện thi hành án về thực hiện hành vi tương ứng nghĩa vụ về thực hiện công việc nhất định (dạng hành động hoặc không hành động).
Thông thường để không thực hiện nghĩa vụ của mình người phải thi hành án sẽ cố tình né tránh, che dấu điều kiện thi hành án của mình, ngoài ra điều kiện thi hành án cũng có thể bị ẩn dấu vì những lý do khách quan khác. Xác minh điều kiện thi hành án đóng vai trò quan trọng trong công tác thi hành án dân sự, vì thông qua công tác này Chấp hành viên có thể xác định được người phải thi hành án có hay không có điều kiện thi hành án, từ đó quyết định cách thức, biện pháp tổ chức thi hành phù hợp đối với vụ việc.
Dưới gốc độ triết học, khả năng của người phải thi hành án khi thực hiện nghĩa vụ của mình tồn tại không phụ thuộc vào việc người được thi hành án biết hay không biết điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, cũng không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phải thi hành án (cố tình né tránh, che dấu hay kê khai như thế nào) và cũng không phụ thuộc Chấp hành viên có phát hiện ra được hay không. Khả năng thực hiện nghĩa vụ hay điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là tồn tại khách quan, không phụ thuộc nhận thức, ý thức chủ quan của người được thi hành án, người phải thi hành án, Chấp hành viên và những người khác.
Khoản 1, Khoản 4 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 quy định:
“Điều 44. Xác minh điều kiện thi hành án
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.”
…
4. Khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm sau đây:
a) …;
b) Xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó;
c) Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác;
d) Trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì Chấp hành viên trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án;
đ) Yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết;
e) Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh.”
Điều kiện thi hành án là tồn tại khách quan nên nhiệm vụ của Chấp hành viên bằng các biện pháp nghiệp vụ xác minh làm sáng tỏ tồn tại khách quan này, như thông qua kê khai của người phải thi hành án, thông qua thông tin do người được thi hành án, người thân người phải thi hành án, của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp và thông qua chứng cứ, tài liệu mà Chấp hành viên thu thập được trong quá trình tổ chức thi hành án. Điều kiện thi hành án có thể được xác định, lưu giữ bằng việc ghi chép lại, chụp lại, phản ánh lại vào trong hồ sơ thi hành án để làm cơ sở, căn cứ cho việc tổ chức thi hành án. Từ những phân tích trên, dưới “lăng kính” của triết học Marx-Lenin thì điều kiện thi hành án là một dạng tồn tại của vật chất, vật chất trong lĩnh vực xã hội.
Công tác thi hành án dân sự là giai đoạn cùng của các hoạt động tố tụng dân sự, hình sự và hành chính
[3]. Cũng giống như điều kiện thi hành án, chứng cứ được thu thập bởi cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án như lời khai của bị can, bị cáo, người bị hại, nhân chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thông qua các tài liệu, vật chứng, kết luận giám định … trong các giai đoạn tố tụng cũng là một dạng tồn tại của vật chất nếu xét trên quan điểm triết học Marx-Lenin. Vì chứng cứ khi đã hình thành trong thực tế chúng tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người và con người có khả năng nhận thức được chúng. Trong nhiều trường hợp, chứng cứ được thu thập trong giai đoạn điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử và xét xử được làm căn cứ cho công tác xác minh điều kiện thi hành án hoặc trở thành điều kiện thi hành án ở giai đoạn thi hành án dân sự, như vật chứng là tiền, tài sản có giá trị trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, địa chỉ cư trú, hoàn cảnh kinh tế, tình trạng nhân thân … Các cơ quan tham gia vào quá trình tố tụng (gồm cả cơ quan thi hành án dân sự) có nhiệm vụ làm rõ, nhận thức đúng dạng vật chất tồn tại khách quan này.
Triết học Mác - Lenin một mặt coi ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất, khẳng định sự phụ thuộc vào vật chất, mặt khác lại thừa nhận tác dụng tích cực trở lại của ý thức đối với vật chất, thông qua hoạt động của con người, ý thức có thể đẩy nhanh hoặc kìm hãm sự phát triển của thế giới vật chất ấy. Trong tác phẩm Bút ký triết học, Lenin đã khái quát con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý:
“Từ trực quan sinh động (nhận thức cảm tính) đến tư duy trừu tượng (nhận thức lý tính) và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan”[4]. Nếu như điều kiện thi hành án là một dạng tồn tại của vật chất, là khách thể của quá trình nhận thức (đối tượng mà nhận thức của Chấp hành viên hướng đến) thì kết quả xác minh điều kiện thi hành án chính là hình ảnh chủ quan của hiện thực khách quan, là kết quả của quá trình nhận thức. Kết quả xác minh điều kiện thi hành án là biểu hiện sinh động của giai đoạn thứ nhất của quá trình nhận thức mà Lenin đã tổng kết - từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở nhận thức lý tính thì con người mới chỉ có được những tri thức về đối tượng, còn bản thân những tri thức đó có thật sự chính xác hay không thì con người vẫn chưa thể biết được. Trong khi đó, nhận thức đòi hỏi phải xác định xem những tri thức đó có thật hay không. Để thực hiện điều này thì nhận thức nhất thiết phải trở về với thực tiễn, dùng thực tiễn làm tiêu chuẩn, làm thước đo tính chân thực của những tri thức đã đạt được trong quá trình nhận thức. Mặt khác, mọi nhận thức suy đến cùng đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn.
Về phương pháp luận khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên phải xác định rằng điều kiện thi hành án tồn tại khách quan với ý thức của con người, nhiệm vụ của Chấp hành viên thông qua công tác xác minh điều kiện thi hành án nhằm xác định đúng tồn tại khách quan này, tránh trường hợp kết quả xác minh sai so với thực tế như người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng kết quả xác minh thành chưa có điều kiện thi hành án hoặc chưa có điều kiện thi hành án thành có điều kiện thi hành án. Kết quả xác minh điều kiện thi hành án là căn cứ quan trọng để Chấp hành viên quyết định cách thức tổ chức thi hành đối với vụ việc, như trường hợp kết quả xác minh người phải thi hành án có điều kiện thi hành án thì áp dụng biện pháp tự nguyện thi hành án, biện pháp vận động, thuyết phục thi hành án hoặc biện pháp cưỡng chế thi hành án; trường hợp chưa có điều kiện thi hành án thì Chấp hành viên đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Ngoài ra kết quả xác minh điều kiện thi hành án là căn cứ để cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án, đình chỉ thi hành án, ủy thác thi hành án … Chính thông qua những hoạt động thực tiễn này, sẽ kiểm chứng tính chân thật của kết quả xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện trước đó, như sau khi ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành, cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện niêm yết và đăng tải quyết định nhằm mục đích kiểm tra tính chân thật của kết quả xác minh điều kiện thi hành án thông qua cơ chế giám sát, phản biện của các bên đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và xã hội
[5]. Kết quả xác minh điều kiện thi hành án làm căn cứ để cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự, đồng thời thông qua các thủ tục được tiến hành trên thực tế nhằm kiểm tra tính chân thật của kết quả xác minh điều kiện thi hành án chính là biểu hiện sinh động của giai đoạn thứ hai của quá trình nhận thức mà Lenin đã tổng kết - tư duy trừu tượng đến thực tiễn.
Như vậy có thể thấy quy luật chung có tính chất chu kỳ lặp đi lặp lại của quá trình vận động, phát triển của nhận thức là: từ thực tiễn đến nhận thức - từ nhận thức trở về với thực tiễn - từ thực tiễn tiếp tục quá trình phát triển nhận thức. Tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn, các “nhà làm luật” đã xây dựng thành các quy định pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự, các quy định pháp luật đến lượt mình quay lại điều chỉnh công tác thi hành án dân sự trong thực tiễn. Thông qua việc áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn mới xác định được quy định nào phù hợp, quy định nào chưa phù hợp với thực tiễn, từ đó cơ quan có thẩm quyền có cơ sở sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn công tác thi hành án dân sự. Đối với quy định về xác minh điều kiện thi hành án cũng đã được thay đổi căn bản, hoàn thiện dần qua Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 và Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004; từng bước đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn ngày càng phức tạp đặt ra đối với công tác thi hành án dân sự thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và gần đây nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014.
Quá trình này cứ lặp đi lặp lại, trình độ nhận thức và thực tiễn ở chù kỳ sau thường cao hơn chu kỳ trước, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn về nhận thức thực tại khách quan. Đây cũng chính là quan điểm về tính tương đối của nhận thức của con người trong quá trình phản ánh thực tế khách quan. Quy luật chung của sự nhận thức cũng là một sự biểu hiện cụ thể, sinh động của những quy luật chung trong phép biện chứng duy vật, như: Quy luật phủ định của phủ định, quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất và ngược lại, quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Sự vận động của quy luật chung trong quá trình vận động, phát triển của nhận thức chính là quá trình nhận thức của con người càng tiến dần tới chân lý mà công tác xác minh điều kiện thi hành án là một phần trong đó, không nằm ngoài những quy luật này.
Đinh Phạm Văn Minh
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình
[1] Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính: Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, trang 10.
[2] Đinh Phạm Văn Minh,
Những quy định mới của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 với công tác thi hành án dân sự, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số tháng 9/2016, trang 40.
[3] Điều 1 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:
“Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại …”
[5] Khoản 2 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung một số điều năm 2014 quy định:
“Điều 44a : Xác định việc chưa có điều kiện thi hành án
1…
2. Thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành.”