Một số vấn đề thực trạng pháp luật chung về cưỡng chế thi hành án dân sự

24/07/2018
Pháp luật hiện hành về cưỡng chế thi hành án dân sự ở nước ta quy định tại Luật Thi hành án dân sự và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự đã không ngừng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự trong thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.


Các quy định pháp luật chung về cưỡng chế thi hành án dân sự còn có những hạn chế, khiếm khuyết nhất định, phản ánh thực trạng pháp luật chung hiện hành về cưỡng chế thi hành án dân sự một số vấn đề sau đây:
1. Quy định có tính nguyên tắc về cưỡng chế thi hành án dân sự
Các quy định chung về cưỡng chế thi hành án dân sự chưa có điều khoản nào quy định về nguyên tắc cưỡng chế thi hành án dân sự hoặc dẫn chiếu tới các nguyên tắc chung của pháp luật về thi hành án dân sự trong cưỡng chế thi hành án dân sự. Mặt khác, nhiều vấn đề mới được quy định trong Bộ luật dân sự về quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền đối với bất động sản liền kề chưa được cụ thể hóa trong các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự.
Mặc dù Luật Thi hành án dân sự đã có những quy định về bảo đảm quyền lợi của người thứ ba, tôn trọng quyền dân sự của người thứ ba trong các giao dịch đã được ký kết trước đó với người phải thi hành án khi kê biên nhà. Cụ thể là khoản 3 Điều 95 Luật Thi hành án dân sự có quy định khi kê biên nhà ở của người phải thi hành án đang cho thuê, cho ở nhờ thì Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người đang thuê, đang ở nhờ biết. Trường hợp tài sản kê biên là nhà ở, cửa hàng đang cho thuê được bán đấu giá mà thời hạn thuê hoặc thời hạn lưu cư vẫn còn thì người thuê có quyền tiếp tục thuê hoặc lưu cư theo quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, chưa có quy định tương tự áp dụng đối với cưỡng chế trả nhà, quyền sử dụng đất.
2. Về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự và căn cứ để cưỡng chế thi hành án dân sự
Với mục đích tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền của đương sự trong thi hành án dân sự thuận lợi hơn, tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 quy định người được thi hành án có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Quy định này xuất phát từ việc Luật Thi hành án dân sự 2008 chưa quy định cụ thể về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, tuy nhiên thực tiễn thi hành án dân sự có rất nhiều trường hợp đương sự yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự; mặt khác trong những trường hợp nhất định, người được thi hành án yêu cầu thay đổi Chấp hành viên do đó cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu thay đổi người tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự đối với việc thi hành án đó.
Căn cứ để cưỡng chế là nội dung pháp luật lần đầu tiên được quy định tại Luật Thi hành án dân sự 2008. Căn cứ để cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 70 Luật Thi hành án dân sự 2008 bao gồm 03 loại là: Bản án, quyết định; quyết định thi hành án; quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.
3. Về thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự
Theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam hiện nay thì Chấp hành viên và Thừa phát lại có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự, do đó, ngoại trừ những nội dung đặc thù cụ thể, khi nói đến các nội dung pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự mà Chấp hành viên có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự thì cũng có nghĩa là nói đến Thừa phát lại có thẩm quyền tiến hành các nội dung pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự đó. Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.
Thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự của Chấp hành viên còn được phân định theo từng ngạch Chấp hành viên theo chức trách của ngạch Chấp hành viên đó. Chấp hành viên sơ cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi hành án, kể cả cưỡng chế thi hành án dân sự đối với những vụ việc đơn giản, lượng tiền, tài sản phải thi hành án có giá trị nhỏ thuộc thẩm quyền thi hành của Cục Thi hành án dân sự, Chi cục thi hành án dân sự và Phòng thi hành án cấp quân khu. Chấp hành viên trung cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, trực tiếp tổ chức thi hành các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp, số tiền, tài sản phải thi hành lớn; việc thi hành án liên quan đến nhiều địa phương thuộc thẩm quyền thi hành của Cục Thi hành án dân sự, Chi cục thi hành án dân sự và Phòng thi hành án cấp quân khu. Chấp hành viên cao cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự trực tiếp thi hành những vụ việc thi hành án dân sự đặc biệt phức tạp, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương hoặc có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Cục Thi hành án dân sự và Phòng thi hành án cấp quân khu.
Pháp luật hiện hành quy định chủ thể tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự là Chấp hành viên và Thừa phát lại mà chưa quy định rõ thẩm quyền của Thẩm phán Tòa án trong quá trình tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự. Thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự đối với tài sản là bất động sản và tài sản của người phải thi hành án có chung với người khác là vợ, chồng hoặc thành viên hộ gia đình cho thấy trong trường hợp cần tước bỏ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, nhất là tài sản đang do người thứ ba giữ để thi hành án thì cần có phán quyết của Tòa án mới phù hợp với quy định về bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Tuy khoản 12 Điều 26 và khoản 9 Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự có quy định tranh chấp liên quan đến tài sản cưỡng chế, yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhưng pháp luật cũng chưa có quy định về Thẩm phán đặc trách, chuyên nghiệp theo dõi, đôn đốc và xử lý các vấn đề nảy sinh trong công tác cưỡng chế thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 45 và Điều 93 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp huyện có Thẩm tra viên về thi hành án giúp Chánh án Tòa án thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự quy định "trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung nhưng chưa xác định được phần sở hữu của từng người thì Chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án, người được thi hành án và các đồng sở hữu chung tự thỏa thuận phân chia tài sản hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết, nếu đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án". Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì "đối với trường hợp tài sản chung của hộ gia đình, vợ chồng thì Chấp hành viên thực hiện việc xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên hộ gia đình hoặc vợ chồng". Như vậy, quy định về vấn đề này giữa hai văn bản là chưa có sự thống nhất. Vấn đề đặt ra là khi áp dụng thì Chấp hành viên sẽ tuân theo quy định của Luật Thi hành án dân sự hay theo Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Quy định tại Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP trao cho Chấp hành viên quyền hạn tự xác định phần sở hữu, sử dụng của thành viên hộ gia đình hoặc của vợ chồng. Quy định này chưa đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quyền lợi của người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản thi hành án và dẫn tới Chấp hành viên được thực hiện quyền “phán xử” mà lẽ ra quyền hạn này phải thuộc thẩm quyền tư pháp của Tòa án.
4. Quy định về hệ thống các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
Các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự từng bước được hoàn thiện, có tính rõ ràng và khoa học hơn. Các quy định của Luật Thi hành án dân sự phù hợp hơn với Hiến pháp 2013 và các lĩnh vực pháp luật khác, nhất là pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự, đất đai, trọng tài, phá sản. Bên cạnh đó, quy định của Luật Thi hành án dân sự về cưỡng chế thi hành án dân sự đã được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong nhiều văn bản pháp luật từ nghị định của Chính phủ, đến thông tư của Bộ và thông tư liên tịch của Bộ, ngành, tạo thành hành lang pháp lý cho việc nhận thức, tổ chức thực hiện pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự trong thực tiễn đạt hiệu quả.
Các quy định của pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu về bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, như: Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự lần đầu tiên được quy định thành một nội dung cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự, theo đó quyền yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự của người được thi hành án đã được ghi nhận, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thi hành án dân sự. Thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự được mở rộng hơn không chỉ là Chấp hành viên ở cơ quan thi hành án dân sự thuộc bộ máy Nhà nước mà còn thuộc về Thừa phát lại ở Văn phòng Thừa phát lại được thành lập theo mô hình doanh nghiệp.
Quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự khá chặt chẽ và dễ áp dụng. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định trên cơ sở loại nghĩa vụ thi hành án phải thực hiện và phân chia thành 03 loại nghĩa vụ thi hành án dân sự, thể hiện bằng 11 biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Loại nghĩa vụ trả tiền, có 06 biện pháp cưỡng chế, gồm: Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền của người phải thi hành án; thu hồi, xử lý giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án; khai thác tài sản của người phải thi hành án. Loại nghĩa vụ giao trả vật, tiền, tài sản cụ thể, có 03 biện pháp cưỡng chế, gồm: Buộc chuyển giao vật, buộc chuyển giao quyền tài sản, buộc chuyển giao giấy tờ. Loại nghĩa vụ thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định có 02 biện pháp cưỡng chế, gồm: Buộc người phải thi hành án thực hiện công việc nhất định, buộc người phải thi hành án không được thực hiện công việc nhất định. Căn cứ vào từng loại đối tượng mà các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự hướng tới hoặc tính chất của từng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự quy định thành các Mục khác nhau, gồm: Cưỡng chế đối với tài sản là tiền (Mục 3), cưỡng chế đối với tài sản là giấy tờ có giá (Mục 4), cưỡng chế đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ (Mục 5), cưỡng chế đối với tài sản là vật (Mục 6), cưỡng chế khai thác đối với tài sản (Mục 7), cưỡng chế đối với tài sản là quyền sử dụng đất (Mục 8), cưỡng chế trả vật, giấy tờ, chuyển quyền sử dụng đất (Mục 9), cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định (Mục 10). Trong từng mục, Luật Thi hành án dân sự quy định thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự đối với những tài sản cụ thể, nhất là những tài sản có tính năng, giá trị, ý nghĩa đặc biệt.
Bên cạnh những ưu điểm trên, xét về kỹ thuật lập pháp thì quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự còn có những hạn chế nhất định. Theo quy định hiện nay thì các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được phân chia trên cơ sở nghĩa vụ thi hành án dân sự và quy định thành 06 khoản trong một điều luật (Điều 71 Luật Thi hành án dân sự), sau đó được cụ thể theo các mục trong Chương IV của Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, nhiều khoản trong một điều luật lại chứa đựng nhiều biện pháp cưỡng chế khác nhau và một mục cũng chứa nhiều loại biện pháp cưỡng chế không thống nhất, vì thế trong trường hợp nhất định rất khó xác định cụ thể từng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.
Với đặc điểm đặc biệt của nhà, nhất là nhà ở, khác với các loại tài sản khác, trong đó có tài sản là vật hoặc quyền sử dụng đất thì cần được xác định cưỡng chế trả nhà là một biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự riêng. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa xác định cưỡng chế trả nhà là một biện pháp cưỡng chế độc lập mà xếp chung vào loại biện pháp cưỡng chế “Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ” (khoản 5 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự). Cưỡng chế trả nhà được đưa vào mục “Cưỡng chế trả vật, giấy tờ, chuyển quyền sử dụng đất” (mục 9 Chương IV Luật Thi hành án dân sự) mặc dù có quy định thành 01 điều riêng “Cưỡng chế trả nhà, giao nhà” (Điều 115 Luật Thi hành án dân sự) nhưng vẫn chưa có sự tách bạch giữa cưỡng chế trả nhà với cưỡng chế giao nhà. Xét về logic hình thức thì trong nội dung Mục 9 lại có một điều luật riêng (Điều 114 Luật Thi hành án dân sự) về cưỡng chế trả vật dẫn đến tên của Mục 9 và các nội dung bên trong không bảo đảm sự tương thích. Hơn nữa, biểu mẫu quyết định cưỡng chế B34-THA và C34-THA tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp (trước đó là Thông tư số 09/2011/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp) quy định sử dụng chung mẫu “Quyết định về việc cưỡng chế trả nhà, giao nhà” mà chưa tách riêng biễu mẫu quyết định cưỡng chế giao nhà và quyết định cưỡng chế trả nhà. Vì vậy, việc thống kê về áp dụng biện pháp cưỡng chế trả nhà khó thực hiện riêng được, thống kê về cưỡng chế trả nhà sắp xếp trong biện pháp cưỡng chế giao vật hay biện pháp cưỡng chế chuyển giao quyền tài sản. Do đó, trong số các biện pháp cưỡng chế giao vật và cưỡng chế chuyển giao quyền tài sản chưa xác định được bao nhiêu trường hợp cưỡng chế trả nhà hoặc giao nhà, mặc dù trên thực tế số lượng việc cưỡng chế của các loại này khá lớn.
5. Về lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự
Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự trừ trường hợp cần áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế, tuy nhiên theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự 2014 thì kể từ ngày 01/7/2015 Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp cần huy động lực lượng chứ không phải trong bất kỳ trường hợp nào như trước đó và bổ sung kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự phải có tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự phải có nội dung: Biện pháp cưỡng chế cần áp dụng; thời gian, địa điểm cưỡng chế; phương án tiến hành cưỡng chế; yêu cầu về lực lượng tham gia và bảo vệ cưỡng chế; dự trù chi phí cưỡng chế.
Kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát, cơ quan Công an cùng cấp, UBND cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án dân sự. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế. Cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội. Trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu báo cáo Tư lệnh quân khu ít nhất là 05 ngày làm việc trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn.
Đối với Thừa phát lại, trong trường hợp cưỡng chế thi hành án dân sự cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét phê duyệt kế hoạch và ra quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự; trường hợp cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có ý kiến trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại. Trường hợp không nhất trí thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Sau khi được phê duyệt kế hoạch cưỡng chế, Thừa phát lại thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và quy định của pháp luật về Thừa phát lại về cưỡng chế thi hành án dân sự.
6. Vấn đề ra quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự
Để tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự, Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế. Quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp. Có nhiều loại quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự, như: quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản để thi hành án, quyết định thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ, quyết định thu giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án, quyết định trừ vào thu nhập, quyết định thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, quyết định thu tiền của người phải thi hành án, quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản, quyết định cưỡng chế kê biên quyền sở hữu trí tuệ, quyết định cưỡng chế trả vật, quyết định cưỡng chế giao nhà, trả nhà, quyết định cưỡng chế trả giấy tờ, quyết định cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng, quyết định cưỡng chế khai thác tài sản, quyết định cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất, quyết định cưỡng chế buộc thực hiện công việc, quyết định cưỡng chế không được thực hiện công việc, quyết định cưỡng chế nhận người lao động trở lại làm việc.
Mặc dù, biểu mẫu cưỡng chế thi hành án dân sự đã xác định đầy đủ các nội dung của quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự, tuy nhiên những phần trống của biểu mẫu đòi hỏi phải xác định đúng, đầy đủ, chính xác nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự. Mỗi nội dung của quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự phải thể hiện những nội dung chính nhưng cũng có sự khác nhau trong trường cụ thể; xác định đúng nội dung, ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ của đương sự, ghi cụ thể nội dung và đúng phạm vi, không được làm sai lệch nội dung quyết định của Tòa án. Ví dụ, nội dung quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản phải chỉ rõ điều khoản của văn bản pháp luật nào làm căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế; xét thấy người phải thi hành án là ai có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành; kê biên, xử lý tài sản cụ thể là gì; ai đó không được chuyển dịch, sang nhượng các tài sản đã kê biên cho đến khi thi hành án xong hoặc có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự.
Đối với Thừa phát lại, quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự có các nội dung chủ yếu sau: Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại ra quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự; căn cứ ra quyết định cưỡng chế; đối tượng và biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự áp dụng; thời gian, địa điểm cưỡng chế thi hành án dân sự.
7. Thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự
Quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự sau khi ban hành được tổ chức thực hiện. Chấp hành viên, Thừa phát lại thông báo, tống đạt cho các đương sự biết để thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân sự cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự.
Trường hợp người bị cưỡng chế thi hành án dân sự tự nguyện thi hành quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự thì Chấp hành viên, Thừa phát lại lập biên bản về việc tự nguyện thi hành quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự để tiến hành việc thi hành án dân sự. Trường hợp đương sự không tự nguyện thi hành quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự thì Chấp hành viên, Thừa phát lại tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự, với cách thức thu tiền hoặc định giá, bán đấu giá tài sản hoặc thuê cá nhân, tổ chức có điều kiện thực hiện công việc nhất định thay cho người phải thi hành án hoặc ra quyết định phạt tiền hoặc các thủ tục khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện trên thực tế.
8. Về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung và giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án khi cưỡng chế thi hành án dân sự
- Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm pháp luật hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết. Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ; hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.
Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau: Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án; đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ. Chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung. Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định.
- Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án.
Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
9. Quy định về thời gian không được cưỡng chế thi hành án dân sự
Thời gian không cưỡng chế thi hành án dân sự theo pháp luật Việt Nam ở các giai đoạn lịch sử có sự khác nhau nhất định. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định không cưỡng chế thi hành án dân sự trong thời hạn tự nguyện thi hành án là khoảng thời gian 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án nhưng đã được thay đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định không cưỡng chế thi hành án dân sự trong thời hạn tự nguyện thi hành án là khoảng thời gian 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án và không tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật (Điều 45 Luật Thi hành án dân sự). Các ngày nghỉ, ngày lễ theo Điều 73 Bộ luật lao động quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương những ngày Tết dương lịch: một ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch), Tết âm lịch: bốn ngày (một ngày cuối năm và ba ngày đầu năm âm lịch), ngày Chiến thắng: một ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch), ngày Quốc tế lao động: một ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch), ngày Quốc khánh: một ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch), ngày giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch) và tại khoản 2, khoản 3 Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định cơ quan thi hành án dân sự không tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án; các trường hợp đặc biệt khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương. Trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu báo cáo Tư lệnh quân khu và tương đương ít nhất là 05 ngày làm việc trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều 172, khoản 2 Điều 173 và khoản 2 Điều 174 Luật Thi hành án dân sự.
10. Quy định về tài sản không được kê biên, xử lý trong thi hành án dân sự
Quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự về tài sản không được kê biên về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm quyền con người, tính nhân đạo của pháp luật đối với người phải thi hành án. Điều luật này đã xác định tương đối cụ thể những tài sản không được kê biên, bao gồm: tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức. Tài sản của người phải thi hành án là cá nhân không được kê biên là số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới; số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình; vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm; đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình; đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình. Tài sản của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, quy định về tài sản không được kê biên tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự chưa có sự rõ ràng về thế nào là tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật. Trên thực tế trong trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất là nhà ở xây dựng trên đất của người khác hoặc trên đất lấn chiếm hoặc tài sản là nhà ở được làm theo diện nhà ở cho các đối tượng được hưởng ưu đãi; nhà tình nghĩa, nhà tình thương.v.v thì Chấp hành viên thường không kê biên nhưng Điều 87 Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định đây là trường hợp tài sản không được kê biên.
Nếu nghiên cứu đối chiếu quy định tại Điều 44a và Điều 87 Luật Thi hành án dân sự cũng cho thấy có sự bất cập nhất định. Điều 87 Luật Thi hành án dân sự quy định tài sản không được kê biên nhưng Điều 44a lại quy định về xác định việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành có trường hợp “tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án” và một số điều khoản khác của Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định chung chung là “không kê biên” hoặc “chỉ kê biên khi người có tài sản đồng ý”. Vì thế, khó xác định trường hợp nào không được kê biên, trường hợp nào không được xử lý hoặc nếu người có quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản của người phải thi hành án không đồng ý kê biên thì có được kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án gắn liền với quyền sử dụng đất của người khác hay không, dẫn đến việc xác định và ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án khó khăn, khó chính xác.
11. Quy định về xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự
Xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự là khâu rất quan trọng để bảo đảm cho việc thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự thành công. Xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự được tiến hành tại nơi sinh sống, thường trú, nơi làm việc của đối tượng bị cưỡng chế; xác minh về trình độ nhận thức hiểu biết pháp luật, đã từng có tiền án, tiền sự chưa, có biểu hiện thái độ chống đối, đối phó và các hành vi trốn tránh khác của họ và gia đình, như đe dọa, thách thức, có chuẩn bị hung khí, lực lượng để chống đối; nơi cơ quan, tổ chức bị cưỡng chế thi hành án dân sự có trụ sở và thành lập, bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó. Xác minh về quan hệ, quan điểm của địa phương và thái độ của dư luận đối với vụ án và người bị cưỡng chế thi hành án dân sự, làm rõ đối tượng bị cưỡng chế thi hành án dân sự và gia đình họ với người có chức vụ, quyền hạn hoặc uy tín ở địa phương từ trưởng xóm, trưởng bản, trưởng thôn, già làng, linh mục, các thành viên trong chính quyền địa phương, như quan hệ anh, em huyết thống, quan hệ thông gia, quan hệ bạn hữu, quan hệ làm ăn ảnh hưởng đến sự phối hợp cưỡng chế thi hành án dân sự; quan điểm của địa phương và thái độ của dư luận đối với vụ án như đồng tình hay không đồng tình với bản án, quyết định, ủng hộ hay không ủng hộ thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự. Xác minh về điều kiện, đặc điểm địa hình nơi cưỡng chế làm rõ địa hình xung quanh nơi cưỡng chế, đặc điểm dân cư tại địa bàn cưỡng chế, giao thông đi lại có thuận tiện cho việc bố trí các lực lượng tham gia cưỡng chế không; địa hình, địa vật có gì cản trở khi có tình huống về thời tiết hoặc chống đối của đương sự và những người có liên quan trong gia đình, họ hàng, bạn bè của đối tượng bị cưỡng chế thi hành án dân sự để khi cần điều động lực lượng, phương tiện phù hợp bảo đảm cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự thành công.
Để tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh các thông tin liên quan đến việc cưỡng chế, đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan Công an biết trong trường hợp phải lập kế hoạch cưỡng chế để xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế theo cơ chế phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa quy định cụ thể về xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự gồm những nội dung gì; trình tự, thủ tục xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự như thế nào. Trong khi đó, thực tế có 02 điều kiện cực kỳ quan trọng cần phải xác minh trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, đó là người phải thi hành án có điều kiện thi hành án và không tự nguyện thi hành án. Hạn chế này dẫn tới sự lúng túng và vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, do không có quy định về thủ tục xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự nên trong thực tiễn các Chấp hành viên thường phải vận dụng quy định chung về xác minh điều kiện thi hành án để xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự.
Lê Anh Tuấn