1. Quy định về cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất rất khó thực hiện trên thực tế
Cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất rất khó thực hiện do khoản 1 Điều 110 Luật Thi hành án dân sự quy định “Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”. Quy định này áp dụng trên thực tế cho thấy việc xác định trường hợp quyền sử dụng đất của người phải thi hành án được chuyển quyền sử dụng là không đơn giản. Bởi vì, Luật Đất đai quy định rất nhiều trường hợp quyền sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng, với các loại phân định về người sử dụng đất thì có thể là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức; cá nhân thì lại phân loại là cá nhân trong nước, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức phân loại là tổ chức kinh tế hay tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế của Việt Nam hoặc tổ chức kinh tế nước ngoài đầu tư tại Việt Nam; với việc phân định trên cơ sở loại đất thì có thể là đất ở, đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp để trồng lúa nước, đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm.v.v. Trong trường hợp nhất định, đất được giao cho người phải thi hành án sử dụng chính là công cụ lao động, sản xuất của họ nếu họ là người trực tiếp lao động, sản xuất nông nghiệp và có thu nhập từ diện tích đất nông nghiệp đó và theo quy định của pháp luật về đất đai thì người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng lúa nước phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có quy định họ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức đất mà pháp luật quy định. Bởi thế, trong việc xác minh đầy đủ các tình tiết liên quan đến quyền sử dụng đất của người phải thi hành án, nhất là điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất đã kê biên trong thi hành án dân sự rất khó khăn.
2. Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về diện tích đất để lại cho người phải thi hành án khi kê biên quyền sử dụng đất
Về nguyên tắc việc kê biên quyền sử dụng đất là nhằm bán đấu giá để thi hành án, bảo đảm quyền lợi của bên được thi hành án. Pháp luật hiện hành (Điều 87 Luật Thi hành án dân sự) quy định theo hướng bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của người được thi hành án nên không quy định về diện tích đất nông nghiệp cần để lại cho người phải thi hành án và gia đình họ. Quy định này dường như chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của một đất nước nông nghiệp như Việt Nam. Thực tế cho thấy việc kê biên quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc đất làm muối mà người phải thi hành án là người trực tiếp lao động sản xuất, nguồn sống chủ yếu của họ là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất đó và không còn bất kỳ tài sản hoặc thu nhập nào khác thì việc cưỡng chế kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó để thi hành án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người phải thi hành án, đến tình hình an ninh, xã hội nên có nơi chính quyền địa phương không đồng tình ủng hộ mà đề nghị cơ quan thi hành án dân sự xem xét để lại cho người phải thi hành án một diện tích đất đủ cho họ sản xuất, sinh sống vì địa phương không có quỹ đất nào khác để cấp, nhưng nếu để lại phần diện tích đất cho người phải thi hành án thì không đủ đảm bảo thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự.
Trước đây, tại Điều 4 Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án quy định trường hợp người phải thi hành án là người trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối mà nguồn sống chủ yếu của họ là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất đó và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất được kê biên xác nhận thì khi kê biên, Chấp hành viên phải để lại cho người phải thi hành án diện tích đất nhất định đủ đảm bảo cho họ sản xuất để có lương thực sinh sống trong 06 tháng đối với người sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất làm muối; trong 12 tháng đối với người sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất nông nghiệp khác. Thế nhưng, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay không quy định về vấn đề này, do đó Chấp hành viên không thể để lại diện tích đất cần thiết cho người phải thi hành án. Vì vậy, việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp nêu trên là rất khó khăn cho dù có cưỡng chế thành công, việc thi hành án được giải quyết xong thì phần nào cũng ảnh hưởng công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn và ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự. Đây là vấn đề cần được cân nhắc điều chỉnh khi hoàn thiện pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự.
3. Quy định về xử lý tài sản trên đất kê biên có tính khả thi không cao
Cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất được quy định từ Điều 110 đến Điều 113 Luật Thi hành án dân sự. Quy định tại Điều 113 của Luật này có những quy định về xử lý tài sản trên đất đã bị kê biên của người phải thi hành án. Quy định này được thiết lập đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu về bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các chủ thể có liên quan trong thi hành án dân sự. Điều luật này có phân hóa về phương án xử lý trong trường hợp tài sản gắn liền với đất đã kê biên thuộc sở hữu của người khác và trường hợp tài sản trên đất thuộc sở hữu của người phải thi hành án dân sự. Đối với trường hợp tài sản gắn liền với đất đã kê biên thuộc sở hữu của người khác thì cách xử lý cũng được xây dựng trên cơ sở thời điểm tài sản được hình thành trên đất là có trước hoặc sau khi người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hay sau khi quyền sử dụng đất đã bị kê biên. Theo đó, đối với tài sản trên đất có trước khi người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự nguyện di chuyển tài sản để trả quyền sử dụng đất cho người phải thi hành án. Trường hợp người có tài sản không tự nguyện di chuyển tài sản thì Chấp hành viên hướng dẫn cho người có tài sản và người phải thi hành án thỏa thuận bằng văn bản về phương thức giải quyết tài sản. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hướng dẫn mà họ không thỏa thuận được thì Chấp hành viên xử lý tài sản đó cùng với quyền sử dụng đất để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án và người có tài sản gắn liền với đất. Quyền lợi hợp pháp của người thứ ba là người thuê đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người phải thi hành án đã được pháp luật thi hành án bảo hộ thông qua việc tôn trọng quyền tiếp tục ký hợp đồng thuê đất, hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với người trúng đấu giá, người nhận quyền sử dụng đất trong thời hạn còn lại của hợp đồng mà họ đã ký kết với người phải thi hành án.
Đối với tài sản có sau khi người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự nguyện di chuyển tài sản để trả lại quyền sử dụng đất cho người phải thi hành án. Sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày yêu cầu, mà người có tài sản không di chuyển tài sản hoặc tài sản không thể di chuyển được thì Chấp hành viên xử lý tài sản đó cùng với quyền sử dụng đất. Đối với tài sản có sau khi kê biên, nếu người có tài sản không di chuyển tài sản hoặc tài sản không thể di chuyển được thì tài sản phải bị tháo dỡ. Người có tài sản gắn liền với đất của người phải thi hành án được hoàn trả tiền bán tài sản, nhận lại tài sản, nếu tài sản bị tháo dỡ nhưng phải chịu các chi phí về kê biên, định giá, bán đấu giá, tháo dỡ tài sản. Trường hợp tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án gắn liền với quyền sử dụng đất đã kê biên thì Chấp hành viên xử lý tài sản cùng với quyền sử dụng đất. Trường hợp tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án gắn liền với quyền sử dụng đất đã kê biên thì Chấp hành viên xử lý tài sản cùng với quyền sử dụng đất. Để bảo đảm hiệu quả của cưỡng chế, Điều luật trên cũng quy định đối với tài sản là cây trồng, vật nuôi ngắn ngày chưa đến mùa thu hoạch hoặc tài sản đang trong quy trình sản xuất khép kín chưa kết thúc thì sau khi kê biên, Chấp hành viên chỉ tiến hành xử lý khi đến mùa thu hoạch hoặc khi kết thúc quy trình sản xuất khép kín.
Đối với quyền sử dụng đất của người phải thi hành án mà trên đất có công trình là nhà ở của người khác cũng gặp rất nhiều vướng do không xử lý được vì tính khả thi chưa cao, như đối với tài sản trên đất là công trình cố định thì không thể di dời tài sản để kê biên, xử lý quyền sử dụng đất mặc dù việc xử lý tài sản gắn liền với đất đã kê biên cũng được quy định khá cụ thể. Mặc dù việc xử lý tài sản gắn liền với đất kê biên đã được quy định khá cụ thể nhưng đối với quyền sử dụng đất của người phải thi hành án mà trên đất có nhà ở thuộc sở hữu của người khác nếu cưỡng chế được thì thực tiễn cũng rất khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự tốn kém. Thực tiễn cho thấy hiếm khi cơ quan thi hành án dân sự tháo dỡ nhà ở là công trình xây dựng kiên cố của người khác có trên đất của người phải thi hành án để kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án. Trên thực tế trong những trường hợp này Chấp hành viên chủ yếu động viên các đương sự thỏa thuận với nhau về việc thi hành án.
Ví dụ: Quyết định thi hành án số 153/QĐ-CCTHA ngày 30/5/2014, số 175/QĐ-CCTHA ngày 03/7/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự TP. V, tỉnh P có nội dung buộc đương sự Phạm Hồng T và Lê Thị Kim N có trách nhiệm thanh toán trả nợ cho bà Hoàng Thị V, địa chỉ tổ 42, phố Tiên Sơn, Tiên Cát, TP. V, số tiền 674.000.000 đồng + lãi suất chậm thi hành án. Đương sự Lê Thị Kim N phải thanh toán cho bà Chu Thị Việt G; địa chỉ ở tổ 14B phố Hai Bà Trưng, P. Thọ Sơn, TP. V số tiền 1.554.757.000 đồng, ngoài ra còn phải thi hành khoản án phí của 02 bản án số tiền là 91.517.250 đồng. Qua xác minh cho thấy đương sự Phạm Hồng T và Lê Thị Kim N có 01 thửa đất diện tích 81m2 tại thửa số 100-138, tờ bản đồ số 45; địa chỉ thửa đất tại khu Đồng Ngược, phường Tiên Cát, TP. V, tỉnh P đứng tên Phạm Hồng T và Lê Thị Kim N. Thửa đất trên đã bị Tòa án nhân dân TP. V áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của bà Chu Thị Việt Giang. Hiện tại trên thửa đất có 01 ngôi nhà xây 3 tầng của bà Đỗ Thị L (mẹ của đương sự Phạm Hồng T) được xây dựng trên 02 thửa đất trong đó có 01 thửa đất đứng tên bà Đỗ Thị Ly, 01 thửa đất đứng tên Phạm Hồng T và Lê Thị Kim N.
4. Pháp luật hiện hành chưa có quy định chung mang tính khái quát và thiếu cơ chế về việc xử lý tài sản của người phải thi hành án gắn liền với quyền sử dụng đất của người khác
Pháp luật hiện hành chưa có quy định chung mang tính khái quát về việc xử lý tài sản của người phải thi hành án gắn liền với quyền sử dụng đất của người khác để đảm bảo thi hành án nếu tài sản đó không thể tách rời đất. Điều 95 Luật Thi hành án dân sự hiện nay chỉ dừng lại ở việc quy định về kê biên đối với tài sản là nhà ở của người phải thi hành án gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác. Theo quy định này thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.
Theo nghiên cứu thì khi áp dụng quy định trên trong thực tiễn rất khó để xác định trường hợp tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà là trường hợp nào. Nếu phải kê biên nhà của người phải thi hành án trên đất của người khác thì việc xử lý như thế nào pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng. Vấn đề đặt ra là việc kê biên nhà trên đất là để bán đấu giá vật liệu trên đất hay định giá để buộc người có quyền sử dụng đất phải mua lại nhà trên đất? Như vậy, pháp luật hiện hành không có cơ chế để xử lý tài sản của người phải thi hành án gắn liền với quyền sử dụng đất của người khác trong trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý kê biên quyền sử dụng đất. Điều này làm hạn chế rất nhiều hiệu quả thi hành án dân sự, việc thi hành án dân sự tồn đọng kéo dài do không thể cưỡng chế thi hành án dân sự đối với tài sản đó.
5. Quy định của pháp luật liên quan đến cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất còn chưa phù hợp với thực tiễn
Đối với quyền sử dụng đất, theo quy định tại khoản 1 Điều 502 Bộ luật dân sự có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017 thì “hợp đồng về chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Tiếp theo đó, Điều 503 của Bộ luật dân sự quy định “việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Đất đai”. Luật Đất đai năm 2013 tại khoản 3 Điều 167 quy định “hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản” và khoản 3 Điều 188 quy định “việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.
Các quy định trên khi vận dụng trên thực tế sẽ gây khó khăn cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự vì trên thực tế có một số trường hợp trước khi có bản án thì người phải thi hành án đã lập văn bản chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế.v.v…quyền sử dụng đất có công chứng, chứng thực nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất hoặc người phải thi hành án nhận chuyển quyền sử dụng đất bằng văn bản có công chứng, chứng thực nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Như vậy, trong trường hợp này về mặt pháp lý thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc quyền sử dụng của người phải thi hành án nhưng trên thực tế thì tài sản này đã được chuyển cho người khác. Do vậy, các cơ quan thi hành án dân sự hết sức lúng túng vì chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Nếu vận dụng các quy định của pháp luật thi hành án dân sự thì Chấp hành viên vẫn phải kê biên quyền sử dụng đất để thi hành án nhưng trên thực tế thì việc kê biên này dẫn tới không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người đã được nhận chuyển dịch tài sản, nhất là những trường hợp việc chuyển nhượng đã được thực hiện nhiều năm. Đây là vấn đề cần có sự điều chỉnh và quy định chi tiết trong pháp luật thi hành án dân sự.
6. Quy định về kê biên, xử lý quyền sở hữu trí tuệ để thi hành án còn chưa cụ thể, rõ ràng
Kê biên, xử lý quyền sở hữu trí tuệ để thi hành án được quy định từ Điều 84 đến Điều 86 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, trường hợp người phải thi hành án là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì quyền sở hữu trí tuệ vẫn bị kê biên. Khi kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án, tùy từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, Chấp hành viên thu giữ các giấy tờ có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án. Trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và lợi ích của Nhà nước, xã hội mà Nhà nước quyết định chủ sở hữu trí tuệ phải chuyển giao quyền của mình cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong thời gian nhất định thì Chấp hành viên không được kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án trong thời gian bắt buộc phải chuyển giao. Chấp hành viên quyết định giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phải nộp số tiền thu được sau khi trừ các chi phí cần thiết cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu tổ chức chuyên môn, nghề nghiệp về sở hữu trí tuệ thu và quản lý thu nhập, lợi nhuận từ việc sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án đã chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà chưa được thanh toán hoặc mới được thanh toán một phần tiền thì Chấp hành viên ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao nộp khoản tiền chưa thanh toán để thi hành án. Quyền sở hữu trí tuệ được bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.
Với quy định về cưỡng chế tài sản là quyền sở hữu trí tuệ nêu trên cho thấy chưa cụ thể về trình tự thủ tục, phương pháp định giá quyền sở hữu trí tuệ; chưa rõ về trình tự, thủ tục bán đấu giá trong khi loại tài sản này cần phải có quy định cụ thể, riêng biệt, không thể thực hiện như các loại tài sản khác. Quyền sở hữu trí tuệ có rất nhiều loại như tác phẩm, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, bằng sáng chế.v.v... nếu không có quy định cụ thể thì rất dễ nhầm lẫn, sai sót, có thể dẫn đến phải bồi thường Nhà nước.
7. Quy định về xử lý tài sản của người phải thi hành án chuyển dịch sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án chưa bảo đảm cho việc thi hành án, chưa thuận lợi cho đương sự
Nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án, ngăn chặn người phải thi hành án chuyển dịch tài sản để trốn tránh việc thi hành án, Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã có quy định về xử lý tài sản của người phải thi hành án chuyển dịch sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Theo đó, kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Điều luật nêu trên cũng có quy định về trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.
Khoản 2 của Điều luật trên quy định kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quy định ở điều khoản này về “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” không được kê biên mà không xác định rõ đó là những trường hợp nào là thiếu cụ thể và sẽ dẫn tới khó khăn cho việc áp dụng. Điều luật này dường như chỉ chú trọng về xử lý tài sản của người phải thi hành án chuyển dịch sau khi có bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhằm thi hành nghĩa vụ trả tiền mà chưa có tính khái quát đối với cả biện pháp cưỡng chế giao, trả tài sản.
8. Quy định hiện hành về giao bảo quản tài sản thi hành án đã kê biên chưa hợp lý
Quy định về giao bảo quản tài sản thi hành án đã kê biên được thực hiện bằng một trong các hình thức theo thứ tự tại Điều 58 Luật Thi hành án dân sự là (1) giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án hoặc người đang sử dụng, bảo quản; (2) cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản; (3) bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự. Quy định này đặt ra thứ tự giao bảo quản tài sản đã kê biên rất chặt chẽ, theo đó bắt buộc giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án hoặc người đang sử dụng, bảo quản rồi mới đến cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản; bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, dẫn đến trường hợp khó định giá, giao tài sản bán đấu giá cho người mua được tài sản bán đấu giá do người phải thi hành án hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản không tự nguyện giao tài sản để tiến hành định giá, nhất là trường hợp người phải thi hành án khóa cửa nhà bỏ đi nơi khác nhằm cản trở người thẩm định giá vào trong nhà để đo đạc, xác định thực trạng tài sản làm cơ sở cho việc định giá. Ngoài ra, đối với tài sản dễ chuyển dịch mà bắt buộc phải giao bảo quản theo thứ tự nêu trên sẽ khó khăn, như tài sản là vàng bạc, đá quý, kim khí quý. Mặt khác, trường hợp không có người mua tài sản vừa gây thiệt hại cho người có tài sản vừa gây khó khăn, áp lực cho cơ quan thi hành án dân sự, làm giảm tiến độ thi hành án do mỗi lần bán tài sản là một quy trình rất phức tạp.
9. Quy định về ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá tài sản đã kê biên chưa phù hợp
Đối với việc định giá tài sản đã kê biên trong trường hợp thi hành án theo yêu cầu thì khoản 1 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự đã quy định cơ chế “ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó”. Khoản 2 của Điều luật này quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp đương sự không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá (điểm a); tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ (điểm b); thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự (điểm c). Việc áp dụng điểm c khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự về ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên không thực hiện được do mâu thuẫn với khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự vì trong trường hợp bán tài sản đã kê biên để thi hành khoản án phí, tiền phạt, tịch thu sung công thì quy định này không áp dụng được do Chấp hành viên không có quyền thỏa thuận với người phải thi hành án về giá và lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản đã kê biên. Do vậy, để bảo đảm tốt hơn quyền định đoạt của đương sự thì cần sửa đổi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự.
10. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cách thức để Chấp hành viên tự xác định giá tài sản đã kê biên
Theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên xác định giá trong trường hợp không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá và đối với tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá. Mặt khác, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì “Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng” và tại điểm c khoản 1 Điều 43 Nghị định này quy định "chi phí cho việc Chấp hành viên xác minh, xác định giá trị tài sản trước khi cưỡng chế để áp dụng biện pháp cưỡng chế tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành án, chi phí cần thiết để áp dụng theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự". Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về cách thức Chấp hành viên xác định giá trị tài sản, như tự đưa ra giá, chào giá v.v. Đây là một hạn chế của pháp luật cưỡng chế thi hành án dân sự cần được nghiên cứu bổ sung.
Hà Minh Tuấn