Thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp có nhiều người được thi hành án

08/10/2018
Phân phối và thanh toán tiền thi hành án là một trong những công đoạn cuối cùng của quá trình tổ chức thi hành án, đòi hỏi Chấp hành viên phải vận dụng chính xác các quy định pháp luật để đảm bảo việc phân phối được chính xác. Tuy nhiên, do quy định của pháp luật còn có những điểm chưa rõ ràng nhất là trong trường hợp có nhiều người được thi hành án nhưng số tiền thu được không đủ thanh toán cho tất cả các nghĩa vụ, dẫn đến việc áp dụng chưa có sự thống nhất.


Tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau: Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán”. Tuy nhiên, tại khoản 20 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự như sau: “Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau: Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán”;
Như vậy, khi sửa đổi, bổ sung quy định về thanh toán tiền trong trường hợp có nhiều người được thi hành án thì các nhà làm luật đã bỏ đi cụm từ “đã có đơn yêu cầu” và chỉ cần là người được thi hành án tính đến thời điểm ra quyết định cưỡng chế là được ưu tiên thanh toán.
Để hướng dẫn quy định mới này tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định: “Trường hợp thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế.
Trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án dân sự thanh toán cho người đã yêu cầu thi hành án theo tỉ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 01 tháng cho những người được thi hành án chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu.
Hết thời hạn thông báo mà cơ quan thi hành án dân sự không nhận được yêu cầu thi hành án thì số tiền đã gửi và tiền lãi được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm hết thời hạn thông báo; số tiền còn lại, nếu có, được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán hoặc trả lại cho người phải thi hành án”.
Tiếp theo, tại khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy đinh:   “Trường hợp thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự  khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự xác định rõ những bản án, quyết định đang trực tiếp tổ chức thi hành có trước thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án mà có nhiều người được thi hành án đ xác định người đã yêu cầu thi hành án, người chưa yêu cầu thi hành án; số tiền được thanh toán của người đã yêu cầu thi hành án và của người chưa yêu cầu thi hành án theo các bản án, quyết định đó.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền, cơ quan thi hành án dân sự chi trả cho người đã yêu cầu thi hành án số tiền theo tỷ lệ mà họ được nhận, đồng thời thông báo cho những người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành bản án, quyết định đó về quyền yêu cầu thi hành án. Việc thông báo được thực hiện theo địa chỉ có tại bản án, quyết định qua dịch vụ bưu chính bằng thư bảo đảm.
Trong thời hạn đã ấn định mà tiếp tục nhận được yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo quy định và chi trả cho họ số tiền đã gửi, tiền lãi theo tỷ lệ đã được xác định, số tiền của những người không yêu cầu thi hành án còn lại được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành bản án, quyết định đó tính đến thời điểm hết thời hạn thông báo. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán”.
Mặc dù, đã có hướng dẫn tại Nghị định và Thông tư liên tịch nêu trên nhưng trên thực tế việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp nhiều người được thi hành án theo quy định của điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự này vẫn có 02 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế sẽ được ưu tiên thanh toán không phụ thuộc vào việc tại thời điểm cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định cưỡng chế họ đã làm đơn yêu cầu thi hành án hay chưa.  
Quan điểm thứ hai cho rằng: Chỉ những người làm đơn yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế mới được thanh toán tiền. Bởi vì, mặc dù Luật Thi hành án dân sự không quy định họ phải “có đơn yêu cầu” nhưng về nguyên tắc cơ quan thi hành án dân sự chỉ chịu trách nhiệm tổ chức thi hành án sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của đương sự và việc cưỡng chế kê biên tài sản của người phải thi hành án phải dựa theo nguyên tắc tương ứng với nghĩa vụ thi hành án tại thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế.  
Do còn nhiều quan điểm khác nhau, nên có cách vận dụng các quy định pháp luật nêu trên trong việc thanh toán tiền thi hành án là khác nhau. Liên quan đến nội dung thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp có nhiều người được thi hành án, tác giả thấy cần phải xác định như sau:
1. Về nguyên tắc chung
1.1 Về nguyên tắc thanh toán tiền số tiền thu được theo quyết định cưỡng chế
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự thì những người được thi hành án trong các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành trước thời điểm cơ quan thi hành án ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án thì được ưu tiên thanh toán không phụ thuộc vào việc người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án hay chưa.
1.2 Về thời điểm để thực hiện thanh toán
Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (khoản 4 Điều 27) xác định thời điểm thanh toán tiền là 10 ngày kể từ ngày giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
1.3 Về nguyên tắc xác định trách nhiệm của cơ quan thi hành án trong việc xác định những người được thi hành án nhưng chưa làm đơn yêu cầu thi hành án
Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (khoản 1 Điều 49) và Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 (khoản 2 Điều 6) quy định trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên trong việc xác định những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế chỉ giới hạn trong các  bản án, quyết định có nhiều người được thi hành án nhưng mới có một hoặc một số người có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế. Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên không có trách nhiệm phải xác định những người được thi hành án ở các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng chưa ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm thanh toán hoặc những bản án, quyết định đang được cơ quan thi hành án dân sự khác tổ chức thi hành. Thời điểm cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có trách nhiệm xác định những người được thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC là 10 ngày kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.  
2. Việc thanh toán tiền thi hành án trong một số trường hợp cụ thể khi số tiền thu được không đủ thanh toán cho các nghĩa vụ thi hành án
2.1. Nhiều người được thi hành án trong một bản án, quyết định được thi hành nhưng chỉ có một hoặc một số người làm đơn yêu cầu thi hành án tại thời điểm cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế.
Trường hợp thứ nhất:
Bản án tuyên “A phải trả cho D 400 triệu đồng, trả cho E 200 triệu đồng; trả cho F 300 triệu đồng, trả cho H  là 100 triệu đồng”. 
Ngày 01/7/2016, D và E có đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 15/8/2016, Chấp hành viên ban hành quyết định kê biên tài sản của A. Ngày 31/8/2016, F có đơn yêu cầu thi hành án. Tài sản được bán đấu giá thành và ngày 17/3/2017 đã giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Số tiền sau khi trừ chi phí cưỡng chế và thanh toán các khoản theo điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự còn lại 300 triệu. Đến thời điểm thanh toán tiền H vẫn chưa làm đơn yêu cầu thi hành án
Cơ quan THADS thực hiện việc thanh toán cho D, E, F theo tỷ lệ:
                         300
           X số tiền được thi hành án của mỗi người
             400+ 200+300 + 100
Xác định số tiền của H, đồng thời thông báo cho H để làm đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp H yêu cầu thi hành án trong thời hạn thì thanh toán cho H. Trường hợp hết thời hạn ấn định mà H không có yêu cầu thì số tiền còn lại 30 triệu đồng và lãi của số tiền 30 triệu đồng (nếu có) thanh toán tiếp cho D, E, F theo tỷ lệ.
Trường hợp thứ hai:
Bản án tuyên “A phải trả cho D 400 triệu đồng, trả cho E 200 triệu đồng; trả cho F 300 triệu đồng, trả cho H  là 100 triệu đồng”. 
Ngày 01/7/2016, D và E có đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 15/8/2016, Chấp hành viên ban hành Quyết định kê biên tài sản của A. Tài sản được bán đấu giá thành và ngày 17/3/2017 đã giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Số tiền sau khi trừ chi phí cưỡng chế và thanh toán các khoản theo điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự còn lại 300 triệu. Đến thời điểm thanh toán tiền F, H vẫn chưa làm đơn yêu cầu thi hành án
Cơ quan THADS thực hiện việc thanh toán cho D, E, theo tỷ lệ:
                         300
           X số tiền được thi hành án của mỗi người
             400+ 200+300 + 100
Xác định số tiền của F và H, đồng thời thông báo cho F và H để làm đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp F và H yêu cầu thi hành án trong thời hạn thì thanh toán cho H. Trường hợp hết thời hạn ấn định mà chỉ có F làm đơn yêu cầu còn H không có yêu cầu thì cơ quan THADS thực hiện việc thanh toán số tiền 90 triệu đồng và lãi (nếu có) cho F, số tiền còn lại 30 triệu đồng và lãi (nếu có) thanh toán tiếp cho D, E, theo tỷ lệ.
2.2 Nhiều người được thi hành án ở các bản án, quyết định khác nhau
Ví dụ: Có 04 bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành án trước ngày 15/8/2016 thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan THADS N.
Bản án thứ nhất tuyên “A phải trả cho D 400 triệu đồng”, Bản án thứ hai tuyên: “A phải trả cho E 200 triệu đồng”; Quyết định CNSTT của ĐS có nội dung: A phải trả cho F 300 triệu đồng, Bản án thứ ba tuyên “A phải trả cho H  là 100 triệu đồng”. 
Ngày 01/7/2016, D và E có đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 15/8/2016, Chấp hành viên ban hành Quyết định kê biên tài sản của A. Ngày 31/8/2016, F có đơn yêu cầu thi hành án. Tài sản được bán đấu giá thành và ngày 17/3/2017 đã giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Số tiền sau khi trừ chi phí cưỡng chế và thanh toán các khoản theo điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự còn lại 300 triệu. Đến thời điểm thanh toán tiền H vẫn chưa làm đơn yêu cầu thi hành án.
Cơ quan THADS thực hiện việc thanh toán cho D, E, F theo tỷ lệ:
                       300
           X số tiền được thi hành án của mỗi người
                 400+ 200+300
Trường hợp này cơ quan thi hành án dân sự không có trách nhiệm phải xác định số tiền H được thi hành án và không phải thông báo cho H làm đơn yêu cầu thi hành án.
2.3 Trường hợp nhận ủy thác thi hành án
Ví dụ: Có 04 bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành án trước ngày 15/8/2016 thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan THADS N
Bản án thứ nhất tuyên “A phải trả cho D 400 triệu đồng”, Bản án thứ hai tuyên: “A phải trả cho E 200 triệu đồng”; Quyết định CNSTT của ĐS có nội dung: “A phải trả cho F 300 triệu đồng”, Bản án thứ ba tuyên “A phải trả cho H  là 100 triệu đồng”. 
Ngày 01/7/2016 D và E có đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 15/8/2016, Chấp hành viên ban hành Quyết định kê biên tài sản của A. Ngày 31/8/2016, F có đơn yêu cầu thi hành án. Tài sản được bán đấu giá thành và ngày 17/3/2017 đã giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Số tiền sau khi trừ chi phí cưỡng chế và thanh toán các khoản theo điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự còn lại 300 triệu. Đến thời điểm thanh toán tiền H vẫn chưa làm đơn yêu cầu thi hành án.  
Tuy nhiên, ngày 03/3/2017, cơ quan THADS nhận được quyết định ủy thác thi hành án đối với bản án có hiệu lực thi hành án trước ngày 15/8/2016 theo đó A phải trả cho T số tiền 500 triệu
đồng.
Cơ quan THADS thực hiện việc thanh toán cho D, E, F và T theo tỷ lệ:
                                300
                                  X số tiền được thi hành án của mỗi người
                     400+ 200+300 + 500
Trường hợp này cơ quan thi hành án dân sự cũng không có trách nhiệm phải xác định số tiền H được thi hành án và không phải thông báo cho H làm đơn yêu cầu thi hành án.
Trên đây là một vài ví dụ trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định của điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự, nó cũng chưa bao hàm hết các tình huống có thể xảy ra trên thực tế nên cũng rất cần sự đóng góp của bạn đọc để có thể đưa ra đầy đủ các tình huống cũng như phương án phân chia phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Việc phân phối tiền thi hành án không chính xác dễ dẫn đến khiếu nại của các đương sự. Mặt khác, khi cơ quan thi hành án dân sự đã chi trả tiền cho các đương sự thì việc thu hồi lại tiền trong trường hợp có sai sót là rất khó khăn, như vậy, dễ dẫn đến phải bồi thường nhà nước. Do đó, đề nghị các liên ngành trung ương sớm có hướng dẫn để các cơ quan thi hành án dân sự thống nhất thực hiện.
Tuy nhiên, tác giả cũng kiến nghị các nhà làm luật nên nghiên cứu, sớm sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự theo hướng việc ưu tiên thanh toán chỉ thực hiện đối với những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm ra quyết định cưỡng chế như vậy sẽ phù hợp với nguyên tắc  người được thi hành án dân sự phải có trách nhiệm với quyền lợi hợp pháp của mình;  cơ quan thi hành án dân sự chỉ có trách nhiệm tổ chức thi hành án khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án; việc kê biên tài sản của người phải thi hành án phải tương xứng với nghĩa vụ thi hành án.
Văn Thị Tâm Hồng