- 1. Thu hồi quyết định về thi hành án
Theo khoản 1 Điều 37; khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án ra quyết định thu hồi quyết định về thi hành án trong các trường hợp sau:
Một là: Quyết định về thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền. Quyết định về thi hành án ban hành không đúng thẩm quyền có thể thuộc trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự không có thẩm quyền ban hành quyết định về thi hành án (Điều 35 Luật Thi hành án dân sự) hoặc người ra quyết định về thi hành án không đúng thẩm quyền.
Hai là: Quyết định về thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc. Quyết định về thi hành án có những sai sót lớn dẫn đến hậu quả làm thay đổi nội dung vụ việc thì sẽ xem xét thu hồi quyết định thi hành án đó. Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành không giải thích cụ thể về nội dung“những sai sót lớn” là như thế nào, tuy nhiên, có thể hiểu đó là những trường hợp quyết định về thi hành án có những sai sót nghiêm trọng dẫn đến làm thay đổi nội dung của vụ việc thi hành án.
Ba là: Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn. Đây là trường hợp các căn cứ để ra quyết định về thi hành án không còn, có thể thuộc trường hợp các căn cứ để ban hành quyết định thi hành án bị thay đổi. Ví dụ: Trong thực tiễn, cơ quan Thi hành án dân sự thường vận dụng căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự để thu hồi quyết định thi hành án đối với các trường hợp thu hồi quyết định thi hành án để ủy thác thi hành án.
Bốn là: Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự: Cá nhân tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án đối với phần quyền, nghĩa vụ được chuyển giao. Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự là các trường hợp tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự, bao gồm các trường hợp: Hợp nhất; sáp nhập; chia, tách; giải thể; phá sản; doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần (đối với tổ chức) và trường hợp chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án đối với cá nhân trong trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết. Ví dụ: Bản án số 252/KDTM-ST của Tòa án nhân dân huyện A tuyên Công ty N phải thanh toán trả ngân hàng Z số tiền là 2 tỷ đồng. Chi cục Thi hành án dân sự huyện A đã ban hành quyết định thi hành án số 254/QĐ-CCTHADS để tổ chức thi hành án đối với công ty N. Trong quá trình tổ chức thi hành án, công ty N hợp nhất với Công ty H, công ty HN phải nhận chuyển giao đối với khoản nợ của ngân hàng Z. Trong trường hợp này cơ quan Thi hành án dân sự sẽ thu hồi quyết định thi hành án số 254/QĐ-CCTHADS để ban hành quyết định thi hành án mới đối với công ty HN là tổ chức mới nhận chuyển giao nghĩa vụ thi hành án.
2. Sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án
So với thẩm quyền thu hồi quyết định về thi hành án, thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án có phạm vi rộng hơn, theo khoản 2 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án bao gồm người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Có hai hình thức thực hiện quyền sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án là ra quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án. Căn cứ để ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án là trường hợp quyết định thi hành án có sai sót mà không làm thay đổi nội dung vụ việc thi hành án.
3. Huỷ quyết định về thi hành án
Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định huỷ hoặc yêu cầu huỷ quyết định về thi hành án của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp dưới, chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp trong các trường hợp sau đây:
Một là: Phát hiện các trường hợp quyết định về thi hành án có căn cứ để thu hồi; sửa đổi, bổ sung mà Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp dưới, chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp không tự khắc phục sau khi có yêu cầu;
Hai là: Quyết định về thi hành án có vi phạm pháp luật theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Các quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án phải ghi rõ căn cứ, nội dung và hậu quả pháp lý của việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án.
Lưu ý: Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
1. Ra hoặc không ra một trong các quyết định sau đây trái pháp luật:
a) Thi hành án;
b) Hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án….
Do đó, việc ra hoặc không ra quyết định, hủy, thu hồi, bổ sung quyết định về thi hành án trái pháp luật cũng thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đối với vấn đề thu hồi, sửa đổi, bổ sung, quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự, hiện nay vẫn còn có những quan điểm chưa thống nhất. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Điều 37 Luật Thi hành án dân sự quy định việc thu hồi quyết định về thi hành án trong đó bao gồm cả quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự. Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Chỉ áp dụng Điều 37 Luật Thi hành án dân sự để thu hồi các quyết định về thi hành án trong đó không bao gồm quyết định giải quyết khiếu nại, bởi vì khiếu nại trong thi hành án dân sự được giải quyết theo một trình tự, thủ tục riêng và quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự khác với các quyết định về thi hành án khác. Do đó không thể đồng nhất quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự với các quyết định về thi hành án được ban hành trong quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên và Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
Do còn có các quan điểm khác nhau về vấn đề này nên việc nghiên cứu bổ sung các quy định pháp luật cụ thể về thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án trong thi hành án dân sự là rất cần thiết.
Tác giả: Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội