Quá trình chi tiền cho các thành viên tham gia giao tài sản cho người trúng đấu giá trong trường hợp trên có vướng mắc như sau: Chi phí cho các thành viên tham gia giao tài sản cho người trúng đấu giá trong trường hợp này là ai phải chịu? Dùng tiền ngân sách được cấp để chi hay người phải thi hành án chịu?
Về vấn đề này, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng trong trường hợp giao tài sản cho người trúng đấu giá sau khi tổ chức bán đấu giá mà người phải thi hành án đồng ý chấp hành để cho các thành viên tham gia giao tài sản tiến hành giao tài sản cho người trúng đấu giá, thì được xem đây là trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản. Do đó, dùng tiền ngân sách được cấp để chi cho các thành viên tham gia giao tài sản, mức chi được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 13 Thông tư 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính là 100.000 đồng/người/ngày (Tại Điều 13, Thông tư 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức chi bảo đảm hoạt động của cơ quan THADS tại điểm c, khoản 2 có quy định: “Chi cho cán bộ thi hành án trực tiếp tham gia xét miễn, giảm thi hành án; chi cho các thành viên tham gia giao tài sản theo bản án tuyên, giao tài sản sau khi tổ chức bán đấu giá mà người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản: 100.000 đồng/người/ngày).
Ý kiến thứ hai cho rằng trong trường này người phải thi hành án phải chịu chi phí chứ không thể dùng tiền ngân sách để chi. Lý do là: Đây là tài sản của người phải thi hành án đã bị cưỡng chế kê biên; giai đoạn giao tài sản cho người trúng đấu giá nằm trong quá trình thực hiện bán đấu giá tài sản. Điều này được quy định rõ tại điểm d, mục 22, Quyết định 273/QĐ-TCTHADS ngày 22/02/2017 của Tổng cục THADS ban hành Quy trình tổ chức THADS, theo đóxác định: “22. Thực hiện bán đấu giá tài sản… d,… ra quyết định cho người mua trúng đấu giá nếu người mua trúng đấu giá đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng bán đấu giá tài sản.”. Tại điểm c, khoản 1, Điều 73 Luật THADS quy định người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án đối với nội dung: “c, Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản …”. Do vậy, trong trường hợp này, người phải thi hành án phải chịu chi phí chứ không được dùng tiền ngân sách để chi. Còn quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 13 Thông tư 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính chỉ quy định mức chi cụ thể, không nhằm quy định ngân sách chịu khoản chi này.
Do còn có hai luồng quan điểm khác nhau cho nên quá trình chi tiền cho các thành viên tham gia giao tài sản còn có vướng mắc, xin nêu ra để bạn đọc, đồng nghiệp tham gia góp ý kiến, thống nhất thực hiện trong thực tiễn.
Trần Phương
Văn phòng Cục THADS tỉnh Quảng Bình