Nghị định số 33/2020/NĐ-CP và một số điểm mới cần lưu ý trong quy định về thanh toán tiền, tài sản thi hành án

13/04/2020
Thanh toán tiền, tài sản thi hành án là một trong những bước tác nghiệp của chấp hành viên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung rất mới của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự ( sau đây gọi tắt là Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) đó là quy định về thanh toán tiền, tài sản thi hành án.


Theo quy định tại  khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 ( Luật THADS). Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:
Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật THADS. Theo đó, số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật THADS thì được thanh toán theo thứ tự: Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần; Án phí, lệ phí Tòa án; Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định[1]. Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.
 Hướng dẫn chi tiết về nội dung này, khoản 1 Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 47 Luật THADS thì Chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế.
Trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan THADS tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan THADS thanh toán cho người đã yêu cầu thi hành án theo tỉ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 01 tháng cho những người được thi hành án chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu. Hết thời hạn thông báo mà cơ quan THADS không nhận được yêu cầu thi hành án thì số tiền đã gửi và tiền lãi được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm hết thời hạn thông báo; số tiền còn lại, nếu có, được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán hoặc trả lại cho người phải thi hành án.
Nội dung này cũng được hướng dẫn cụ thể tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS( Thông tư số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC )
Tuy nhiên, các quy định pháp luật trên khi áp dụng trong thực tiễn gặp phải một số vướng mắc như:  Điều luật không quy định rõ người được thi hành án trong một bản án hay nhiều bản án, quyết định của Tòa án tính đến thời điểm thanh toán tiền, tài sản dẫn đến khi thực hiện thanh toán có nhiều quan điểm khác nhau, không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật[2]. Mặt khác, việc quy định “ cơ quan THADS xác định rõ những bản án, quyết định đang trực tiếp tổ chức thi hành có trước thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án mà có nhiều người được thi hành án để xác định người đã yêu cầu thi hành án, người chưa yêu cầu thi hành án; số tiền được thanh toán của người đã yêu cầu thi hành án và của người chưa yêu cầu thi hành án theo các bản án, quyết định đó” (khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ) là rất khó thực hiện trong thực tiễn, hơn nữa lại còn tạo thêm các công việc không thuộc trách nhiệm của chấp hành viên[3] .
Khắc phục các vấn đề vướng mắc trên, khoản 13 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ- CP đã sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Nghị định xác định rõ phạm vi những người được thi hành án được ưu tiên thanh toán:
Trường hợp thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS thì những người được thi hành án đã yêu cầu theo các bản án, quyết định đang do cơ quan Thi hành án dân sự đó tổ chức thi hành tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế hoặc có biên bản về việc tự nguyện giao tài sản được ưu tiên thanh toán.
Thứ hai: Xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền.
Trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì Chấp hành viên thực hiện thủ tục về thi hành án đối với những người đã yêu cầu thi hành án; tổ chức giao tiền, tài sản cho những người đã yêu cầu hoặc những người được thi hành án có mặt tại thời điểm thanh toán tiền, trả tài sản. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án khác theo bản án, quyết định đó được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật về dân sự.
Quy định này cũng thống nhất và phù hợp với quy định tại  khoản 1 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định, nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với những người đã có yêu cầu, đồng thời thông báo cho những người được thi hành án khác theo bản án, quyết định đó biết để yêu cầu thi hành án trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn trên, nếu người được thông báo không yêu cầu thi hành án thì Chấp hành viên tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã có yêu cầu hoặc người đại diện của những người đã có yêu cầu để quản lý. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án đối với tài sản đó được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Đa số quan điểm cho rằng việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật như trên là hợp lý, bởi vì:
Về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án chỉ phát sinh theo quy định của Luật THADS sau khi đã có đơn yêu cầu thi hành án và được cơ quan THADS thụ lý, giải quyết việc thi hành án. Quyền lợi của người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án phải được ưu tiên hơn so với người chưa yêu cầu thi hành án.  Mặt khác, đối với trường hợp chưa yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS không thể biết và không buộc phải biết về các khoản họ được thi hành. Cơ quan Thi hành án dân sự đã thu được tiền của người phải thi hành án cũng không thể xác định được các nghĩa vụ khác của người phải thi hành án ở các bản án, quyết định mà cơ quan Thi hành án dân sự nơi khác đang thi hành. Điều này phù hợp với nguyên tắc bản án chỉ được đưa ra thi hành khi đương sự có yêu cầu thi hành án, chỉ khi yêu cầu thi hành án thì người được hưởng quyền, lợi ích nhất định theo bản án mới có tư cách người được thi hành án; khi đương sự chưa yêu cầu thì cơ quan THADS không thể biết và không buộc phải biết về các khoản họ được thi hành.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết”. Quá trình tổ chức thi hành án, kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án đều chỉ để phục vụ việc tổ chức thi hành án cho những người đã yêu cầu thi hành án (những quyết định thi hành án được thi hành, không bao gồm những trường hợp chưa có quyết định thi hành án). Chấp hành viên chỉ được phép áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án theo quyết định thi hành án và các chi phí cần thiết( trừ một số trường hợp không áp dụng nguyên tắc tương ứng theo quy định của pháp luật)[4]. Do đó, tác giả ủng hộ quan điểm cho rằng, việc quy định như Nghị định số 62/2015/NĐ-CP trước đây sẽ dẫn đến vi phạm nguyên tắc “tương ứng” khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án[5].
Mặt khác, theo quy định của khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP trước đây, khi thanh toán tiền thi hành án lại xuất hiện thêm những người chưa yêu cầu thi hành án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người đã yêu cầu thi hành án trước đó, dễ dẫn đến khiếu nại phát sinh. Do vậy, những “người được thi hành án” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS phải được xác định là những người đã có yêu cầu thi hành án.
Thứ ba: Bỏ quy định về trách nhiệm thông báo của chấp hành viên khi thực hiện thanh toán tiền, tài sản thi hành án
Phù hợp với nguyên tắc xác định người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP bỏ quy định trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc thông báo cho những người được thi hành án khác chưa có yêu cầu thi hành án được quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Thứ tư: Bổ sung phương án xử lý trong trường hợp người được thi hành án không đến nhận tiền, tài sản theo bản án, quyết định.
Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Cụ thể: Cơ quan THADS làm thủ tục gửi tiền vào ngân hàng, gửi tài sản bằng hình thức thuê bảo quản hoặc bảo quản tại kho cơ quan THADS đối với khoản tiền, tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 126 Luật THADS trong trường hợp:
Khoản tiền, tài sản chưa xác định được địa chỉ của người được nhận hoặc khoản tiền hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông báo, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP[6] mà người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án không đến nhận.
Sau khi gửi tiền, tài sản, nếu người được nhận tiền, tài sản đến nhận thì cơ quan THADS chi trả tiền, tài sản cho người được nhận. Phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho người được nhận.
Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc 01 năm, kể từ ngày thông báo đối với trường hợp thu được tiền sau thời điểm 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà người được thi hành án không đến nhận thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định sung công quỹ nhà nước và chuyển nộp số tiền, tài sản đó vào ngân sách nhà nước.
Theo đó, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định hình thức của việc chuyển nộp vào ngân sách Nhà nước, cụ thể: Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định sung công quỹ nhà nước và chuyển nộp số tiền, tài sản đó vào Ngân sách Nhà nước.
Ths. Hoàng Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội

 


[1] khoản 1 Điều 47 Luật THADS

[2] Thu Trang, Quy định về thanh toán tiền thi hành án với thực tiễn thực hiện; https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/tuthuctien/view_detail.aspx?itemid=559; ngày đăng: 30/12/2017; Ngày truy cập: 12/4/2020

[3] Xem thêm Thông báo cho những người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành án: Trách nhiệm của Chấp hành viên?; https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=924; ngày đăng:09/4/2019; ngày truy cập: 12/4/2020 và Điều 20 Luật THADS

[4] Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP

[5] Xem thêm:Thông báo cho những người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành án: Trách nhiệm của Chấp hành viên?; https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=924; ngày đăng:09/4/2019; ngày truy cập: 12/4/2020

[6] Trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế xã hội