Xác minh điều kiện thi hành án - Dưới góc độ chức trách, nhiệm vụ của Chấp hành viên

16/04/2020
Xác minh điều kiện thi hành án là một trong những hoạt động nghiệp vụ rất quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án, được Chấp hành viên thực hiện để thu thập, xác định thông tin về tài sản, thu nhập, địa chỉ, các điều kiện thi hành án khác của người phải thi hành án và các thông tin khác có liên quan làm cơ sở cho việc tổ chức thi hành án.Ý nghĩa quan trọng của hoạt động xác minh điều kiện thi hành án thể hiện ở chỗ kết quả xác minh điều kiện thi hành án là căn cứ mang tính chất quyết định cho các tác nghiệp tiếp theo cũng như quyết định kết quả tổ chức thi hành án, là cơ sở để  xem xét ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án, hoãn thi hành án, đình chỉ thi hành án, hoặc ra các quyết định áp dụng biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định.


Dưới góc độ chức trách, nhiệm vụ của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án, bài viết tập trung giới thiệu về quyền, nghĩa vụ trong thực hiện nhiệm xác minh điều kiện thi hành án của Chấp hành viên và về thời hạn tiến hành xác minh điều kiện thi hành án.
1. Việc xác minh điều kiện thi hành án của Chấp hành viên
Sau khi được Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phân công tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Chấp hành viên xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quyết định thi hành án, chịu trách nhiệm chính trong toàn bộ quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định đã được phân công, trong đó có nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án.
Khoản 4 Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật THADS) quy định Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Về nội dung của quy định này, trước hết, khía cạnh nhiệm vụ của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án được thể hiện ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, Chấp hành viên phải tiền hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án trong thời hạn mà pháp luật đã quy định[1]; trong trường hợp Chấp hành viên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn theo quy định thì đồng nghĩa với việc Chấp hành viên chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và của các cơ quan, tổ chức liên quan và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm[2]. Nhiệm vụ của Chấp hành viên được Nhà nước bảo đảm thông qua việc trao cho Chấp hành viên những quyền hạn nhất định và được cung cấp nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ, trong trường hợp này, chi phí xác minh điều kiện thi hành án do ngân sách nhà nước bảo đảm[3], trừ trường hợp người được thi hành án thực hiện quyền tự mình xác minh hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 và khoản 5 Điều 44 Luật THADS, khi đó, người được thi hành án tự mình thanh toán chi phí xác minh.
Liên quan đến khía cạnh quyền hạn của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án, pháp luật quy định các phương thức/cách thức mà Chấp hành viên được thực hiện để tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, đồng thời cũng quy định cụ thể trách nhiệm của từng nhóm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến điều kiện thi hành án của người phải thi hành án mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân này nắm giữ.
Về cách thức để tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, pháp luật quy định Chấp hành viên có thể tiến hành xác minh điều kiện thi hành án thông qua 02 cách thức chủ yếu: Thứ nhất, làm việc trực tiếp với người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm giữ thông tin liên quan đến điều kiện thi hành án của người phải thi hành án tại trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc nơi cư trú của đương sự. Thứ hai, gửi văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản về các nội dung có liên quan đến điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Quyền hạn của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án cũng được thể hiện rõ qua các quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án[4], cụ thể như sau:
- Cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp.
- Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; ký vào biên bản trong trường hợp Chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì phải cung cấp ngay.
2. Thời hạn tiến hành xác minh điều kiện thi hành án
Xác minh điều kiện thi hành án là hoạt động được chấp hành viên thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình tổ chức thi hành án, do vậy, pháp luật quy địnhthời hạn tiến hành xác minh là khác nhau, tùy thuộc vào việc xác minh được thực hiện phục vụ cho hoạt động hay mục đích gì trong quá trình tổ chức thi hành án. Trên thực tế, thời gian thực hiện xác minh của Chấp hành viên trung bình chiếm đến quá nửa thời gian của một hồ sơ kể từ khi được Thủ trưởng cơ quan THADS giao đến khi kết thúc hồ sơ.[5]
Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, có thể phân loại thời hạn tiến hành xác minh điều kiện thi hành án thành 4 nhóm trường hợp, bao gồm: nhóm thứ nhất, xác minh trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nhóm thứ hai, xác minh trong trường hợp thông thường; nhóm thứ ba,xác minh trong trường hợp án chưa có điều kiện thi hành và nhóm thứ tư, xác minh trong trường hợp nhận được ủy quyền xác minh. Quan điểm này có nhiều điểm tương đồng với cách phân loại trong Giáo trình Nghiệp vụ thi hành án dân sự do Nhà Xuất bản Tư pháp phát hành năm 2018[6].
a) Thời hạn xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án có thẩm quyền được áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhâ hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, buộc thực hiện phần nghĩa vụ cấp dưỡng, buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm hại, kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước, phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ, phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ, tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu, bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án, cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ, cấm tiếp xúc với bệnh nhân bạo lực gia đình và các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định.
Xuất phát từ yêu cầu cấp bách của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là để kịp thời bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập và bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án, điểm b khoản 2 Điều 2 Luật THADS quy định quyết định thi hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án cấp sơ thẩm phải được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị.
Chính vì vậy, trong trường hợp phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, pháp luật quy định Chấp hành viên phải tiến hành xác minh ngay khi nhận được quyết định của tòa án để kịp thời giải quyết các yêu cầu cấp bách, đảm bảo hạn chế hoặc khắc phục tối đa hậu quả có thể xảy ra.[7]
b) Thời hạn xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp thông thường
Căn cứ bản án, quyết định của tòa án và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định tại Điều 2 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự sẽ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án hoặc chủ động ra quyết định thi hành án trong các trường hợp pháp luật quy định.Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật THADS, thì Chấp hành viên có trách nhiệm tiến hành xác minh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành.
Đối với trường hợp người được thi hành án đề nghị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, pháp luật cũng có quy định thời hạn Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án. Theo quy định của Luật THADS, các biện pháp cưỡng chế thi hành án gồm có khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; khai thác tài sản của người phải thi hành án; buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định. Trong trường hợp người được thi hành án đề nghị áp dụng biện pháp cưỡng chế, Chấp hành viên có trách nhiệm tiến hành xác minh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được thi hành án[8].
Đối với trường hợp người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự, Luật THADS cũng quy định Chấp hành viên phải xác minh lại trong trường trong trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của người được thi hành án và của Chấp hành viên không thống nhất hoặc có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân[9].
c) Thời hạn xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp án chưa có điều kiện thi hành
Án chưa có điều kiện thi hành hay việc chưa có điều kiện thi hành án được xác định theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự đối với các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 44a Luật THADS. Đối với các trường hợp án chưa có điều kiện thi hành, pháp luật có yêu cầu thời hạn xác minh là khác nhau đối với các trường hợp khác nhau, tùy thuộc vào nhân thân của người phải thi hành án. Cụ thể là, Luật THADS quy định Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án trong thời hạn cụ thể như sau[10]:
- Ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng xác định rõ địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án hoặc trong trường hợp người phải thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại dưới 02 (hai) năm.
- Ít nhất 01 năm một lần, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án.
- Trong trường hợp sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án, pháp luật không quy định thời hạn xác minh mà chỉ yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh lại khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
d) Thời hạn xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp nhận được ủy quyền xác minh
Theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật THADS và khoản 2 Điều 9 Nghị định số 62/NĐ-CP ngày ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở trong trường hợp cần làm rõ thông tin về tài sản, nơi cư trú, nơi làm việc, trụ sở của người phải thi hành án hoặc các thông tin khác liên quan đến việc thi hành án.
Thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan Thi hành án dân sự đã ủy quyền là 30 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu; trong trường hợp việc xác minh tài sản khó khăn, phức tạp thì thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.
3. Khuyến nghị
Các quy định pháp luật về thi hành án dân sự thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung và ngày càng được hoàn thiện[11], tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác tổ chức thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự và của Chấp hành viên. Việc xác minh điều kiện thi hành án cũng đã được pháp luật quy định khá cụ thể, trong đó xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của Chấp hành viên và trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như đã nêu ở trên. Nhìn từ góc độ thực tiễn, trong thời gian quavới sự nỗ lực, cố gắng của toàn Hệ thống Thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương trong việc tổ chức thi hành án, thì vai trò, vị trí và trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự và của Chấp hành viên cũng ngày càng được các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương ghi nhận và đánh giá tích cực.
Từ khía cạnh xác minh điều kiện thi hành án, với tinh thần tích cực, chủ động và trách nhiệm, về cơ bản các Chấp hành viên đã thực hiện chức trách, nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án theo đúng quy định của pháp luật, qua đó tổ chức thi hành án một cách có hiệu quả. Hầu hết các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng thực hiện tốt trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên trong việc cung cấp thông tin liên quan đến điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đúng trách nhiệm phối hợp trong việc xác minh điều kiện thi hành án, nhất là có một vài trường hợp người phải thi hành án có hành vi mang tính chống đối. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về trách nhiệm phối hợp trong xácminh điều kiện thi hành án, các cơ quan Thi hành án dân sự và các Chấp hành viên cũng cần nghiên cứu, áp dụng các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với các hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm phối hợp xác minh điều kiện thi hành án, gây ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành án, đặc biệt là các vi phạm mang tính chống đối của người phải thi hành án. Đồng thời, từ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, chủ động tổng hợp, báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp xác minh điều kiện thi hành án.
Lại Thế Anh
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình
 

[1] Nội dung này được phân tích cụ thể ở mục 2.
[2] Khoản 1, 2 Điều 17 Luật THADS.
[3] Khoản 3 Điều 73 Luật THADS; khoản 1 Điều 43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTHADS; Điều 7 Thông tư số 200/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự.
[4] Khoản 6 Điều 7 Luật THADS.
[5] Giáo trình Nghiệp vụ thi hành án dân sự - Tập 1,  Nhà Xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2018, trang 91.
[6]Sđd4, trang 92-93.
[7] Khoản 1 Điều 44 Luật THADS.
[8] Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
[9] Khoản 5 Điều 44 Luật THADS.
[10] Khoản 2 Điều 44 Luật THADS.
[11] Gần đây nhất, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS.