Nghị định số 33/2020/NĐ-CP và một số điểm mới trong quy định về xác minh điều kiện thi hành án

11/05/2020
Xác minh điều kiện thi hành án là một trong những bước tác nghiệp quan trọng của Chấp hành viên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án. Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) có những quy định sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.


1.Về ủy quyền xác minh:
Khoản 3 Điều 44 Luật THADS quy định cơ quan THADS có thể ủy quyền cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án. Vấn đề ủy quyền xác minh được hướng dẫn cụ thể tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Nhằm khắc phục một số bất cập liên quan đến việc ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án trong thực tiễn thời gian qua như : Nội dung ủy quyền xác minh chưa cụ thể, văn bản ủy quyền xác minh thiếu tính thống nhất về hình thức và nội dung văn bản…dẫn đến hiệu quả thực hiện ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án còn hạn chế. Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cụ thể:
Về nội dung ủy quyền, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã sửa nội dung: “Việc ủy quyền xác minh của cơ quan THADS phải thể hiện bằng văn bản, nêu rõ bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền, nội dung ủy quyền và nội dung cần thiết khác”[1] và quy định ngắn gọn, rõ ràng: “Việc ủy quyền xác minh của cơ quan THADS phải bằng văn bản, nêu rõ nội dung ủy quyền và nội dung cần thiết khác”.
Về trách nhiệm của cơ quan THADS nơi nhận ủy quyền, trước đây Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chỉ quy định : “ Thủ trưởng cơ quan THADS nơi nhận ủy quyền phải trả lời bằng văn bản kết quả xác minh và những nội dung cần thiết khác cho cơ quan THADS đã ủy quyền xác minh” nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhận ủy quyền. Nhằm tránh tình trạng cơ quan nhận ủy quyền xác minh không làm hết trách nhiệm, xác minh không đầy đủ, kết quả xác minh không chính xác, dẫn đến ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành án...Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định về vấn đề này. Thủ trưởng cơ quan THADS nơi nhận ủy quyền phải chịu trách nhiệm về kết quả xác minh theo nội dung ủy quyền, trả lời bằng văn bản về kết quả xác minh cho cơ quan THADS đã ủy quyền
Về thời hạn thực hiện ủy quyền xác minh, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định rõ hơn thời hạn thực hiện việc ủy quyền xác minh: Thủ trưởng cơ quan THADS nơi nhận ủy quyền trả lời bằng văn bản về kết quả xác minh cho cơ quan THADS đã ủy quyền trong thời hạn sau đây:
Đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, thời hạn trả lời kết quả xác minh không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Trường hợp khó khăn, phức tạp thì thời hạn gửi kết quả xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.
Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác, thời hạn trả lời kết quả xác minh không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.
2. Xác minh đối với các vụ việc chưa có điều kiện được thống kê riêng để theo dõi.
Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Cơ quan THADS chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi có đủ các điều kiện sau:  Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật THADS; Không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Đồng thời, khoản 6 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định:  Trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều này, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan THADS phải tổ chức việc thi hành án. Tuy nhiên, quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chưa nêu cụ thể về phương án xử lý đối với việc thi hành án sau khi đưa vào sổ theo dõi riêng nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Hiện nay, cơ quan THADS vẫn phải tiếp tục xác minh, thống kê, báo cáo đối với loại việc này. Việc xác minh, theo dõi, báo cáo thống kê không chỉ gây tốn kém về thời gian, nhân lực mà còn gây ra sự lãng phí, tốn kém cho ngân sách nhà nước trong khi hiệu quả thi hành án lại không cao. Do đó, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP  đã sửa đổi theo hướng: Việc thi hành án chưa có điều kiện quy định tại khoản 5 Điều này được thống kê, theo dõi riêng. Khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì Chấp hành viên tiến hành xác minh và tổ chức thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Theo đó, Đối với những việc thi hành án đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cơ quan THADS chuyển sổ theo dõi riêng. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên mới phải tiến hành xác minh. Sau khi có quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án trở lại thì cơ quan THADS ra quyết định tiếp tục thi hành án.
Những sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP liên quan đến xác minh điều kiện thi hành án là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn công tác THADS hiện nay.
Hoàng Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
 
[1] khoản 2 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP