1. Thực trạng thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng
Trong những năm qua, hệ thống các quy định pháp luật về THADS và pháp luật có liên quan ngày càng được quan tâm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, góp phần giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Nhờ đó, kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo thực chất và ngày càng bền vững, cơ bản đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp giao. Năm 2020, thi hành xong 4.760 việc, thu được số tiền là 32.669 tỷ 964 triệu 154 nghìn đồng (đạt tỷ lệ 24,24% về việc, 31,72% về tiền)
[1]; 06 tháng đầu năm 2021, thi hành xong 2144 việc, thu được số tiền là 11.851 tỷ 760 triệu 169 nghìn đồng (đạt tỷ lệ 10,51% về việc, 17,23% về tiền).
Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi cũng xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng như: Số lượng việc và tiền phải thi hành ngày càng cao; nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, khó thi hành; một số quy định pháp luật còn chồng chéo; việc bán đấu giá tài sản không thành khá phổ biến dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án bị kéo dài ; ý thức chấp hành pháp luật của công dân, tổ chức chưa cao; công tác phối hợp trong thi hành án chưa thực sự hiệu quả. Trong đó, số vụ việc xử lý tài sản bảo đảm nhưng không thu đủ số tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng còn nhiều.
Đặc điểm nổi bật của việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thi hành án. Đây là thuận lợi đối với cơ quan THADS do không phải xác minh, tìm kiếm tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án giống như các loại việc thi hành án khác. Tuy nhiên, thực tế việc thi hành án các vụ việc loại này cũng gặp khó khăn do nhiều trường hợp tài sản nằm ở nhiều nơi; chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ pháp luật về thi hành án, pháp luật về dân sự, pháp luật về đất đai, pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về doanh nghiệp …
Do đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên, cơ quan THADS cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất, liên quan đến việc xét xử của Tòa án
- Một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không tuyên cụ thể nghĩa vụ đảm bảo của tài sản thế chấp của bên thứ ba trong Hợp đồng tín dụng; không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng và chậm giải thích bản án, quyết định đã tuyên; không phân định rõ được phần quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, không xác minh kiểm tra thực tế tài sản mà xét xử căn cứ hợp đồng thế chấp tài sản dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án.
Ví dụ: Khi tổ chức tín dụng nhận tài sản thế chấp là động sản (Ô tô, mô tô, máy móc, thiết bị, tàu thuyền, xà lan…) chỉ giữ giấy tờ, không giữ tài sản dẫn đến bên có tài sản đã cất giấu tài sản. Khi xét xử, Tòa án chỉ căn cứ vào nội dung của hợp đồng thế chấp để giải quyết. Đến giai đoạn THA cơ quan THADS gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản do không truy tìm được tài sản hoặc chậm có kết quả
[2]. Trường hợp khác như, thực tế diện tích đất có 17 hộ dân vẫn sinh sống từ xưa đến nay, nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên công ty A. Khi công ty A bị Tòa án tuyên trả cho ngân hàng 20 tỷ, nếu không trả nợ thì xử lý tài sản thế chấp 17 hộ vẫn sinh sống. Khi xét xử Tòa án chỉ căn cứ hợp đồng thế chấp để xét xử mà không xác minh kiểm tra thực tế, đến giai đoạn thi hành án, xác minh tài sản thì diện tích đất thực tế lớn hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi thế chấp chỉ có nhà cấp 4 hoặc 01 tầng, 2 tầng nhưng đến thời điểm xử lý tài sản đảm bảo thi hành án đã xây thêm 4 hoặc 5 tầng. Do vậy, cơ quan THADS khó thi hành
[3].
Thứ hai, việc hoãn thi hành án trong trường hợp Tòa án thụ lý tranh chấp liên quan để tài sản bảo đảm đã được bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành tuyên kê biên, xử lý để đảm bảo thu hồi khoản nợ cho tổ chức tín dụng.
Việc xử lý tài sản bảo đảm được các cơ quan THADS thực hiện theo đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, để kéo dài và trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, nhiều đương sự khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản thế chấp và yêu cầu cơ quan THADS hoãn thi hành án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS, làm cho việc thi hành án bị kéo dài.
Ví dụ: Bản án tuyên, Công ty SMK có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng số tiền 16,4 tỷ đồng, nếu Công ty SMK không trả được nợ thì Ngân hàng có quyền phát mãi tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 47 quận X, thành phố Y của ông H để thu hồi nợ cho Ngân hàng theo quy định pháp luật (sau khi cấn trừ giá trị tài sản bà T là vợ ông H đóng góp). Trên thực tế, tài sản thế chấp là tài sản riêng của ông H, trước khi kết hôn với bà T. Tuy nhiên, nhiều lần, bà T khởi kiện tranh chấp chia tài sản với ông H, dẫn đến cơ quan THADS phải nhiều lần hoãn thi hành án. Trên thực tế, việc Tòa án giải quyết các tranh chấp đó cũng không làm thay đổi kết quả xét xử của các bản án, quyết định (liên quan đến xử lý tài sản thế chấp) đang có hiệu lực thi hành án. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo thụ lý của Tòa án, nếu cơ quan THADS không ban hành quyết định hoãn thi hành án theo điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS sẽ đối diện với khiếu nại của đương sự hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát.
Khó khăn trên cũng xuất phát từ việc pháp luật THADS chưa có quy định cụ thể về việc hoãn thi hành án hoặc tiếp tục xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này.
Thứ ba, về việc lập hồ sơ cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng
Việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp ban đầu của tổ chức tín dụng chưa đúng thực tế (diện tích chênh lệch, tài sản thấp hơn so với nghĩa vụ bảo đảm), khi cho vay không kiểm tra hiện trạng tài sản, chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có tài sản. Điều này gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản (
đo vẽ, xác định vị trí, tài sản bảo đảm giảm giá nhiều lần không có người mua,...); kéo dài thời gian tổ chức thi hành vụ việc như: Chấp hành viên phải cho đương sự thỏa thuận việc xử lý diện tích thực tế hoặc diện tích không bị chồng lấn, mới tiến hành kê biên, xử lý tài sản hoặc yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ...
Thứ tư, về xác định quyền xử lý tài sản thế chấp bảo lãnh khoản vay cho bên thứ ba
- Theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản bảo đảm được xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi cơ quan THADS tổ chức thi hành án có nhiều ý kiến cho rằng phải xử lý hết tài sản của người phải thi hành án mới xử lý tài sản thế chấp (tài sản bảo đảm) của bên thứ ba dẫn đến Chấp hành viên lúng túng trong việc xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba.
Ví dụ: Bản án của Tòa án nhân dân quận C tuyên Công ty TNHH A phải trả ngân hàng số tiền nợ gốc 5 tỷ đồng và 625 triệu đồng tiền lãi, nếu Công ty TNHH A không trả tiền thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền kê biên, phát mại tài sản là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của ông H tại phường 12 quận C theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 18/2015 (bảo lãnh khoản vay 5 tỷ đồng của Công ty). Sau khi án có hiệu lực, ngân hàng làm đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 14/02/2017, cơ quan THADS quận C đã ra quyết định thi hành án và thông báo về việc sẽ kê biên xử lý tài sản của ông H. Ông H (người bảo lãnh) cho rằng cơ quan THADS phải xử lý tài sản của Công ty TNHH A vì Công ty TNHH A vẫn có tài sản, nếu không đủ thì mới được xử lý tài sản của ông H. Cơ quan THADS cho rằng, nếu hết thời gian tự nguyện thi hành án mà Công ty TNHH A không thi hành án thì cơ quan THADS quận C có quyền kê biên, xử lý tài sản của ông H để thu hồi nợ cho ngân hàng mà không phụ thuộc vào việc Công ty TNHH A có điều kiện thi hành án hay không. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh ông H có quyền yêu cầu Công ty TNHH A thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh mà ông H đã thực hiện theo quy định tại Điều 340 BLDS năm 2015.
- Bên cạnh đó, chưa có quy định rõ ràng trong việc xác định tư cách của người thứ ba thế chấp tài sản (là người có nghĩa vụ liên quan hay người phải thi hành án) cũng dẫn đến khó khăn cho cơ quan THADS khi xử lý tài sản của người thứ ba cầm cố, thế chấp tài sản. Đặc biệt là trong trường hợp cơ quan THADS nhận được Quyết định mở thủ tục phá sản đối với người thứ ba cầm cố, thế chấp tài sản, có quan điểm cho rằng tư cách pháp lý của họ là người phải thi hành án thì phải áp dụng điểm g khoản 1 Điều 50 Luật THADS để ra Quyết định đình chỉ thi hành án, như vậy sẽ không xử lý được tài sản. Do hiện nay chưa có quy định cụ thể trong trường hợp này nên còn nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau.
Thứ năm, xác định giá tài sản bảo đảm
Theo quy định tại Điều 98 Luật THADS năm 2008 và Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/ 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, Chấp hành viên sẽ ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên nhằm hạn chế phát sinh chi phí của ngân hàng và các bên đương sự. Trong khi Điều 28, Điều 29 Luật Giá năm 2012 quy định về hoạt động thẩm định giá, phạm vi hoạt động thẩm định giá không quy định giới hạn về phạm vi hoạt động thẩm định giá của tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá. Như vậy, việc giới hạn tổ chức thẩm định giá phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố đã làm hạn chế cơ hội lựa chọn được tổ chức định giá có đủ uy tín, năng lực để thực hiện định giá tài sản. Nhiều địa phương còn thiếu tổ chức thẩm định giá hoặc năng lực của tổ chức thẩm định giá còn yếu, dẫn đến chất lượng thẩm định giá chưa cao, nhất là đối với tài sản đặc thù như dây chuyền sản xuất,…
Ngoài ra, liên quan đến chi phí xác minh, xử lý tài sản, mặc dù ngân sách Nhà nước tạm ứng tiền chi phí cưỡng chế cho cơ quan THADS nhưng có những đơn vị chỉ đủ tạm ứng cho một vụ việc giá trị lớn, thiếu kinh phí tổ chức thi hành án, cưỡng chế dẫn đến hiệu quả THA chưa cao.
Thứ sáu, về thanh toán khoản thuế, phí khi xử lý tài sản bảo đảm
Khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu sẽ phát sinh các nghĩa vụ về thuế. Liên quan vấn đề này, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5477/BTC-TCT ngày 14/5/2019 hướng dẫn về thu thuế theo Nghị quyết 42, theo đó
“TCTD thỏa thuận đối với các bên liên quan về cách thức thanh toán các khoản thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong quá trình xử lý TSBĐ theo nội dung Thông báo số 106/TB-VPCP ngày 22/3/2019 của Văn phòng Chính phủ[4]”. Trong trường hợp số tiền bán TSBĐ không đủ thu hồi nợ cho TCTD, không còn để thanh toán nghĩa vụ thuế. Cơ quan THADS mặc dù đã xử lý xong tài sản bảo đảm nhưng không kết thúc được hồ sơ, hiệu quả từ việc bán tài sản thi hành án để thu hồi nợ giảm sút; nếu ngân hàng phải nộp thuế làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD, gây khó khăn cho cả bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Nguyên nhân một phần là do quy định tại Điều 12 và Điều 15 Nghị quyết 42
[5] còn chưa rõ dẫn đến việc hướng dẫn chưa cụ thể, thống nhất.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng, ngân hàng
Để nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự nói chung và THADS liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, khắc phục khó khăn, vướng mắc nêu trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần tập trung một số giải pháp như sau:
- Giải pháp lâu dài:
Tiếp tục tập trung hoàn thiện thế chế, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc tổ chức thi hành án đạt hiệu quả, cụ thể: Đề xuất Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, sửa đổi Luật THADS theo hướng rút gọn các thủ tục về THADS, phù hợp với các nội dung quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và pháp luật liên quan, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ để thực hiện hiệu quả cao nhất việc thu hồi nợ xấu cho các tổ chức tín dụng trong THADS. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện Luật đất đai, Luật nhà ở, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Luật đăng ký tài sản, Nghị định về giao dịch bảo đảm,...
Kiến nghị Bộ Tài chính cần ban hành hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân trong trường hợp chuyển nhượng tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, bảo đảm quyền lợi của bên mua tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển nhượng tài sản, xử lý tài sản khi tài sản bảo đảm là các dự án bất động sản có tài sản hình thành trong tương lai.
-Giải pháp trước mắt:
Việc hoàn thiện thể chế cần có lộ trình để thực hiện, do đó để công tác thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong thời gian tới đạt hiệu quả, trước mắt cần tiếp tục thực hiện một số nội dung:
Đối với Tổng cục THADS: Cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan THADS nghiêm túc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS; tập trung, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo hướng dẫn cơ quan THADS giải quyết kịp thời, đảm bảo các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án phải được tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật như: Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp trao đổi, thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đối với những trường hợp pháp luật quy định chưa rõ, còn nhiều quan điểm áp dụng khác nhau; Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các khoản thuế, phí còn nợ của bên bảo đảm trong việc chuyển nhượng tài sản khi áp dụng Nghị quyết số 42
[6] hay phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hội sở các Ngân hàng lớn để tổ chức các đoàn kiểm tra, phúc tra việc thi hành án liên quan đến TDNH tại những địa phương có lượng án TDNH lớn, khó khăn, vướng mắc khi cần thiết để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc thi hành...
Đối với Thủ trưởng các cơ quan THADS: Tiếp tục chỉ đạo Chấp hành viên, cơ quan THADS bám sát hồ sơ, xây dựng kế hoạch chi tiết để giải quyết các vụ việc, nhất là các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài. Mặt khác, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ban, ngành có liên quan tại địa phương, báo cáo Ban chỉ đạo THADS để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải quyết dứt điểm các vụ việc.
Đối với các Chấp hành viên: Để từng hồ sơ thi hành án tín dụng, ngân hàng giải quyết triệt để chặt chẽ, Chấp hành viên cần phải nghiên cứu hồ sơ, các quy định pháp luật; xây dựng Kế hoạch chi tiết từ khâu xác minh điều kiện thi hành án, đến việc lựa chọn và ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá, bán đấu giá tài sản,…Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng trong việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm đảm bảo hiệu quả. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án để lãnh đạo đơn vị biết và chỉ đạo giải quyết.
Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng: Phát huy vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan THADS trong việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; hỗ trợ cơ quan THADS trong việc tiếp nhận trông coi, bảo quản tài sản sau khi kê biên, tìm và giới thiệu khách hàng mua tài sản để đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá; chủ động phối hợp cùng cơ quan THADS và Chấp hành viên tìm biện pháp giải quyết cụ thể đối với từng hồ sơ thi hành án. Đối với những trường hợp đương sự đã thi hành được phần lớn nghĩa vụ thi hành án theo án tuyên, cần có chính sách miễn, giảm một phần lãi suất để có hướng giải quyết xong vụ việc./.
Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự