Định mức việc thi hành án dân sự đối với Chấp hành viên

13/07/2021
Trong hoạt động thi hành án dân sự, Chấp hành viên có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định đến hiệu quả công tác thi hành án.Trong đó, quy định định mức việc thi hành án dân sựphù hợp, khoa học đối với Chấp hành viên là một trong những yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên. Bài viết dưới đây đi sâu phân tích một số vấn đề liên quan đến thực trạng định mức công việc đối với Chấp hành viên và đưa ra một số giải pháp,kiến nghị để hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật về vấn đề này.


Một trong những phương hướng quan trọng của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đó là “Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ; ... ”.Vận dụng chủ trương này của Đảng vào trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS) cho thấy việc củng cố và kiện toàn đội ngũ Chấp hành viên (CHV) đủ về số lượng và có chất lượng chuyên môn cao tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác THADS có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với quá trình tổ chức thi hành án mà còn góp phần hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn chức danh theo chủ trương cải cách tư pháp của Đảng.
THADS là hoạt động nhằm đảm bảo các bản án (BA), quyết định (QĐ) về dân sự của Tòa án và các quyết định khác được thi hành theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, không ai khác ngoài lực lượng nòng cốt, chủ lực là CHV (Điều 17-Điều 21 và Điều 25 Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS năm 2014, sau đây gọi tắt là Luật THADS) và sự tham gia một phần từlực lượng Thừa phát lại (TPL) thông qua chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến công tác THADS 1. Với vị trí trung tâm của hoạt động THADS2, CHV có vai trò quyết định đối với hiệu quả thi hành án, do đóđịnh mức công việc đối với CHV sao cho phù hợp là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phân tích một số vấn đề về thực trạng phân công công việc, định mức việc THADS đối với CHV, từ đó đề xuất một số giải pháp có liên quan nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tácTHADS trong thời gian tới.
1.Một số vấn đề lý luận cơ bản về định mức việc THADS đối với Chấp hành viên
Trước khi phân tích thực trạng định mức việc THADS đối với CHV, bài viết sẽ phân tích làm rõ ý nghĩa một số thuật ngữ pháp lý cơ bản như “định mức”, “việc THADS”.Theo Từ điển Tiếng Việt, “định mức” được hiểu là mức quy định về lao động, thời gian, vật liệu, v.v. để hoàn thành một công việc hay sản phẩm3. Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật THADS thì cách xác định số lượng “việc thi hành án” dựa trên số lượng “Quyết định thi hành án”. Quyết định thi hành án (chủ động hoặc theo yêu cầu) là một văn bản do Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền ký ban hành để thi hành một hoặc nhiều khoản trong các BA, QĐ được thi hành theo thủ tục THADS. Quyết định của Thủ trưởng cơ quan THADS là căn cứ pháp lý đầu tiên trong hồ sơ thi hành án chủ động hoặc hồ sơ thi hành án theo yêu cầu (đều là bút lục số 01) và là căn cứ để CHV lập hồ sơ, ban hành các quyết định về THADS để tổ chức thi hành (Điều 36 Luật THADS, Điều 6, 7, 8 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP).
Dưới góc độ ngữ pháp Tiếng Việt thì “Việc THADS” là một từ ghép của từ “Việc” và từ “THADS”. “Việc” theo từ điển Tiếng Việt có nghĩa là cái phải làm, nói về mặt công sức bỏ ra; hoặc cái làm hàng ngày theo nghề và được trả công; hoặc đây là một từ có tác dụng danh hóa một hoạt động, một sự việc xảy ra (cùng với từ, hoặc tổ hợp từ hay cấu trúc chủ ngữ - vị ngữ đứng sau làm thành một tổ hợp có chức năng)5. “THADS” là hoạt động đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời BA, QĐ về dân sự có hiệu lực thi hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định6. Từ đó, có thể hiểu, việc THADS là các loại việc được nhà nước trao cho CHV, TPL thực hiện nhằm đảm bảo thi hành đầy đủ, kịp thời BA, QĐ về dân sự có hiệu lực thi hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Từ những khái niệm cơ bản nêu trên, theo chúng tôi “Định mức việc THADS”đối với CHV có thể hiểulà mức quy định số lượng việc THADS mà mỗi CHV phải thi hành trong một đơn vị thời gian nhất định theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. “Phân công”theo nghĩa chung nhất là giao cho làm một phần việc nhất định nào đó7.Phân công CHV tổ chức thi hành án là giao nhiệm vụ tổ chức thi hành án cho CHV giải quyết việc THADScụ thể. Thực tế, CHV ngoài nhiệm vụ chính là tổ chức thi hành BA, QĐ (thi hành việc THADS) còn được giao thực hiện các công việc khác theosự phân công của Thủ trưởng cơ quan THADS và theo quy định của pháp luật (khoản 10 Điều 20 Luật THADS). Do đó, theo nghĩa rộng thì định mức công việc đối với CHV là số lượng công việc (gồm việc THADS và các công việc khác) mà CHV phải giải quyết trong quá trình tổ chức THADS.
2. Thực trạng định mức việc THADS đối với Chấp hành viên
Từ những phân tích dưới góc độ lý luận nêu trên về khái niệm định mức việc THADS và dựa trên kết quả báo cáo thống kê số lượng CHV, biên chế của hệ thống THADS cũng như số việc, tiền mà các cơ quan THADS thụ lý giải quyết trên phạm vi toàn quốc trong những năm gần đây, có thể rút ra một vài nhận định, đánh giá về thực trạng định mức việc THADS đối với CHV như sau:
Một là, số lượng Chấp hành viên chưa tương thích với số lượng việc thi hành án dân sự phải thi hành
Theo số liệu thống kê của Tổng cục THADS, trong 03năm(từ 2018 đến năm 2020) tổng số việc và tiền phải thi hành của các cơ quan THADS đều tăng cao, cụ thể: Năm 2018, tổng số việc phải thi hành của các cơ quan THADS trong cả nước là 914.083 việc, tương ứng với số tiền phải thi hành là 178.628 tỷ đồng 8; Năm 2019, tổng số việc phải thi hành là 959.508 việc tương ứng với số tiền là 273.748 tỷ đồng9;Năm 2020, tổng số phải thi hành là 885.833 việc tương ứng với số tiền trên293.869 tỷ đồng.
Có thể thấy, số lượng việc và tiền phải thi hành án ngày càng tăng cao về số lượng và giá trị, tính chất các vụ việc phải thi hành án ngày càng phức tạp10, trong khi đó số lượng CHVchưa tăng kịp với đà tăng về việc và tiền THADS.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục THADS,Bộ Tư pháp thì tình hình số lượng CHV của Hệ thống THADS trong 03 năm gần đây như sau: Năm 2018, có4.112CHV, gồm 17 CHV cao cấp, 1.173 CHV trung cấp, 2.922 CHV sơ cấp; Năm 2019, có4.138 CHV 11(tăng 26 CHV so với năm 2018), trong đó có 29 CHV cao cấp (chiếm khoảng 0,7%), 1.460 CHV trung cấp (chiếm khoảng 35,3%), 2.649 CHV sơ cấp (chiếm khoảng 64%); năm 2020, có 4.099 CHV 12 (giảm 39 CHV so với năm 2019), trong đó có34 CHV cao cấp (chiếm 0,8%), 1382 CHV trung cấp (chiếm 33,7%) và 2683 CHV sơ cấp (chiếm 65,5%).
Từ đó có thể xác định được tỷ lệ bình quân số việc THADS phải thi hành trên mỗi CHV cụ thể như sau: Năm 2018 là 222 việc, tương ứng với số tiền 43 tỷ đồng/CHV/năm; Năm 2019 là 232 việc, tương ứng với số tiền 66 tỷ đồng/CHV/năm; Năm 2020 là 216 việc, tương ứng với 72 tỷ đồng/CHV/năm. Nếu tính tỷ lệ bình quân số việc THADS mỗi CHV thụ lý mỗi năm trong 03 năm qua (từ năm 2018 đến hết năm 2020) là 223 việc(tương ứng với số tiền là 60 tỷ đồng/CHV/năm.
Thực trạng nêu trên đã đặt ngành THADS đang đứng trước sức ép rất lớn về tình trạng quá tải trong công việc, đặc biệt là đối với CHV ở những tỉnh, thành phố có lượng việc THADS lớn. Do đó, nghiên cứu để đưa ra định mức công việc phù hợp và làm căn cứ phân công công việc cho CHV một cách khoa học để tổ chức thi hành có hiệu quả BA, QĐ đang là yêu cầucấp bách đặt ra đối với các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực THADS trước yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, số lượng biên chế phân bổ ngày càng giảm
Theo thống kê của Tổng cục THADS, năm 2018, số lượng biên chế được phân bổ cho toàn hệ thống THADS là9.488 biên chế 13(trong đó, Tổng cục THADS 175 biên chế; các cơ quan THADS địa phương 9.313 biên chế), giảm 169 biên chế so với năm 2017; năm 2019, số lượng biên chế được phân bổ cho toàn hệ thống THADS là 9.288 biên chế 14(trong đó, Tổng cục THADS 175 biên chế; các cơ quan THADS địa phương 9.113 biên chế), giảm 200 biên chế so với năm 2018; năm 2020, số lượng biên chế được phân bổ cho toàn hệ thống THADS là 9.088 biên chế15 (trong đó, Tổng cục THADS 172 biên chế; các cơ quan THADS địa phương 8.916 biên chế), giảm 201 biên chế so với năm 2019.
Tình trạng một số cơ quan THADS thiếu biên chế để bố trí công việc theo đề án vị trí việc làm dẫn đến nhiều cơ quan THADS đang chịu áp lực rất lớn do số lượng việc THADS phải thi hành tăng lên nhanh chóng (cả về số việc cũ năm trước chuyển sang và số việc THADS thụ lý mới) với tính chất ngày càng phức tạp hơn và giá trị thi hành lớn, đặc biệt lớn. Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, yêu cầu Hệ thống THADS từ năm 2016 đến năm 2021 phải cắt giảm 10% biên chế so với năm 2015. Năm 2015, toàn Hệ thống THADS được giao 9.957 biên chế, đến năm 2020, được giao 9.088 biên chế, đã giảm 869 biên chế so với năm 2015. Riêng trong 03 năm từ năm 2018 đến năm 2020, trung bình mỗi năm số biên chế phân bổ cho cả Hệ thống THADS giảm 190 biên chế.
Việc tinh giản biên chế nói chung cũng ảnh hưởng đến số lượng công việc của CHV.Theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BTP thì CHV được các thư ký giúp việc trong thực hiện các trình tự, thủ tục trong công tác THADS, thi hành án hành chính (THAHC), nhưng thực tế hiện nay nhiều CHV không có thư ký giúp việc, CHV vừa làm nhiệm vụ giải quyết án, vừa làm thêm nhiều công việc hành chính khác như làm các loại báo cáo, hoàn thiện giấy tờ, sổ sách,...dẫn đến quá tải trong công việc, ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức thi hành án.
Ba là, cơ cấu tỷ lệ giữa các ngạch Chấp hành viên còn chênh lệch khá lớn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật THADS thì CHV là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các BA, QĐ theo quy định. CHV có ba ngạch là CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp.Tiêu chuẩn, năng lực và kinh nghiệm công tác ứng với mỗi ngạch CHV khác nhau là khác nhau.Theo quy định tại Điều 3, 5 Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành THADS thì CHV cao cấp là công chức có chuyên môn nghiệp vụ THADS, THAHC cao nhất, trực tiếp tổ chức thi hành, đôn đốc thi hành những vụ việc THADS, THAHC đặc biệt phức tạp, có liên quan đến các ngành, các cấp, các địa phương hoặc có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Cục THADS. CHV trung cấp, là công chức chuyên môn nghiệp vụ THADS, THAHC, trực tiếp tổ chức thi hành, đôn đốc thi hành các vụ việc THADS, THAHC phức tạp, số tiền, tài sản phải thi hành lớn; việc thi hành án liên quan đến nhiều địa phương thuộc thẩm quyền của Cục THADS, Chi cục THADS. CHV sơ cấp, là công chức chuyên môn nghiệp vụ THADS, THAHC, có trách nhiệm trực tiếp tổ chức THADS, đôn đốc THAHC đối với những vụ việc đơn giản, lượng tiền, tài sản phải thi hành án có giá trị không lớn thuộc thẩm quyền thi hành của Cục THADS, Chi cục THADS.
Quy định nêu trên đã thể hiện mối quan hệ giữa các ngạch CHV với tính chất của việc THADS, ví dụ, CHV cao cấp được giao thi hành việc THADS đặc biệt phức tạp, trên phạm vi địa bàn hành chính rộng lớn, việc THADS có yếu tố nước ngoài; CHV trung cấpđược giao thi hành việc THADS phức tạp, giá trị phải thi hành lớn; CHV sơ cấp được giao thi hành việc THADSđơn giản, giá trị phải thi hành không lớn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định pháp luật chính thức giải thích khái niệm việc THADS đặc biệt phức tạp, phức tạp, hoặcđơn giản, có giá trị thi hành lớn hoặc không lớn. Hơn nữa, trong quá trình tổ chức thi hành án thì tính chất khó thi hành hoặc dễ thi hành đối với mỗi việc THADS lại có thể chuyển hóa lẫn nhau, tùy thuộc vào yếu tố khách quan, thái độ hợp tác hoặc chống đối củađương sự. Ngoài ra, thực tế thì những việc THADS phức tạp, giá trị phải thi hành lớn thường tập trung ở những thành phố lớn, ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,… nhưng những địa bàn này lại chưa có đủ số lượng ngạch CHV cao cấp tương ứng với số lượng việc THADS khó khăn, phức tạp. Nhiều Cục THADSvẫn chưa có người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thi tuyển, bổ nhiệm vào ngạch CHV cao cấp. Mặc dù các tỉnh, thành phố lớnthườngcó số lượng CHV đông đảo hơn, nhưng cũng không đủ số lượng CHV đểphân công công việc THADStương ứng với yêu cầu từng ngạch CHV, đặc biệt là ngạch CHV cao cấp.
Ngoài ra, với số lượng biên chế vàđịnh biên của số lượng CHV hiện có cũng rất khó để Thủ trưởng các cơ quan THADS phân công công việc theo đúng tiêu chí các ngạch CHV ứng với tính chất của việc THADS. Các cơ quan THADS cũng không cóđủ thông tin để dự báo được trong năm công tác, quý hoặc tháng công tác sẽ có bao nhiêu cácloại việc THADS khác nhau phát sinh. Số lượng việc THADS, đặc biệt là việc THADStheo yêu cầu lại còn tùy thuộc vào thờiđiểm yêu cầu củađương sự mới có căn cứ để ra quyết định thi hành án. Do vậy, để bảo đảm tính ổnđịnh trong hoạt động THADS và kịp thời tổ chức thi hành BA, QĐ theo đúng trình tự, thủ tục thời gian theo quy định của pháp luật THADS, Thủ trưởng các cơ quan THADSđịa phương thường lựa chọn cách phân công công việc cho CHV theo địa bàn hành chính hơn là theo tính chất của việc THADS, trừ trường hợp việc THADS thực sự rõ ràng là lớn, khó khăn, phức tạp vàđơn vị có đủ số lượngngạch CHV cao cấp hoặc trung cấp để phân công tổ chức thi hành những loại việc THADS này.
Hiện nay, thực tế việc phân công công việc THADS cho CHV ở các Chi cục THADS chủ yếu phân theo địa bàn hành chính, dựa vào tổng số CHV của đơn vị và tổng số xã, phường, thị trấn hoặc bình quân số lượng BA, QĐ trên từng đơn vị hành chính cấp xã để phân công phụ trách địa bàn cho CHV. Tuy nhiên, tiêu chí dựa vào tính chất phức tạp, khó khăn hoặc đơn giản của mỗi BA, QĐ hoặc mỗi loại việc THADS để phân công cho phù hợp với từng ngạch CHV là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá để Luật hóa làm cơ sở thực hiện. Mục đích là vừa bảo đảm tính công bằng trong sử dụng lao động, vừa bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động THADS.
3. Đề xuất hoàn thiện quy định về định mức công việc đối với Chấp hành viên
Một là, cần nghiên cứu và quy định “mức trần” công việc đối với mỗiCHV: Trong quá trình tổ chức thi hành án, pháp luật quy định rất nhiều trình tự, thủ tục yêu cầu CHV phải thực hiện nhưng vẫn chưa có kết quả đánh giá một cách chính xác, khoa học và cụ thể về khoảng thời gian cần thiết để CHV thực hiện hiệu quả mỗi trình tự, thủ tục thi hành án. Ngoài ra, khả năng mỗingạchCHVkhác nhau (CHV cao cấp, CHV trung cấp, CHV sơ cấp) trung bình mỗinăm thi hành được bao nhiêu việc THADS (việc THADS đơn giản, phức tạp, trọng điểm, điển hình…) cũng khác nhau nên cần có sự khảo sát, đánh giá. Khi chưa có các kết quả, đánh giá nêu trên thì rất khó để quy định “mức trần” cho CHV một năm phải thực thi bao nhiêu vụ việc thi hành án, qua đó giao chỉ tiêu nhiệm vụ THADS, biên chế cũng như đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và năng lực của CHV. Mặc dù chưa có quy định mức trần nhưng về nguyên tắc thì trách nhiệm, quyền lợi, mức lương, phụ cấp của cácngạch CHVnhư nhau là ngang nhau, các yêu cầu từ các quy phạm pháp luật phải thực hiện cũng như nhau.16 Như vậy, CHV thi hành 100 việc/năm cũng cơ bản giống như CHV thi hành cao hơn rất nhiều lần, ví dụ 500, 700, 1000… việc/năm. Số lượng công việc nhiều chắc chắn phải chịu rủi ro nhiều, thời gian thì có hạn không thể kéo dài; trình tự, thủ tục, trách nhiệm pháp lý đã được luật hóa. Mặc dù những sai sót trong quá trình tổ chức thi hành áncó thể đó là lỗi vô ý, lỗi do khách quan(ví dụ, số lượng, áp lực công việc nhiều dẫn đến không thể thực hiện được các thủ tục thi hành án đúng thời gian luật định…)17.Vậy có cơ chế nào để bảo vệ CHV khi những rủi ro, những vi phạm đó là do quá tải công việc?Đây cũng chính là một “khoảng trống” trong việc bảo vệ CHV, bảo vệ tính công bằng, tính hợp lýcũng như đánh giá đúng năng lực, hiệu quả công tác và bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm cho CHV.
Do đó, cần có sự tổng hợp, nghiên cứu một cách có hệ thống theo quy địnhvề vị trí việc làm của CHV, qua đó đánh giá được đúng những công việc mà CHV phải thực hiện, thời gian và công sức bỏ ra cho mỗi việc THADS. Cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là những ưu điểm, tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các quy trình, thủ tục THADS, cải cách, đổi mới, tinh gọn quy trình, thủ tục THADS. Từ đó, định lượng được tổng số việc THADS mà mỗi CHV có thể thực hiện được và hoàn thành tốt trong một năm công tác. Trường hợp phải thực hiện nhiều hơn số lượng bình quân thì có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên tăng lương, phụ cấp trách nhiệm hoặc cơ chế giảm thiểu trách nhiệm, rủi ro cho người thực hiện và trường hợp bằng hoặc ít hơn con số trung bình thì phải yêu cầu trách nhiệm cao hơn,…
Hai là,cần đổi mới, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Hệ thống THADS: Hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan THADS cần được đổi mới, sắp xếp lại theo hướng: sáp nhập những đơn vị có số lượng việc thi hành án nhỏ, ít để giảm sự cồng kềnh của tổ chức bộ máy, ngược lại, cần tăng biên chế nhằm bổ sung đủ cơ cấu vị trí việc làm, bổ sung cho những đơn vị bị cắt giảm nhiều biên chế trong 5 năm qua, đặc biệt là cho những đơn vị có việc THADS tăng cả về số lượng công việc, tính chất phức tạp và giá trị thi hành lớn. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Do đó, cần có văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp cho phù hợp với yêu cầu tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu tổ bộ máy của Tổng cục thuộc Bộ theo quy định mới của Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.
Ba là,khảo sát thực tiễn tổng thời gian thực hiện mỗi quy trình thi hành án: Rà soát lại tổng thể thời gian cần thiết để thực hiện quy trình THADS hiệu quả, từ đó điều chỉnh số việc THADS mỗi CHV phải thi hành hàng năm, hàng tháng để bảo đảm tính khả thi.Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền, quyền hạn, trách nhiệm của CHV để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thiết thực, hiệu quả. Cần có sự tách bạch rõ ràng về mặt quy định liên quan đến quyền hạn của CHV và điều luật quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của CHV18 .Theo đó, quy phạm xác lập “quyền” đối với CHV thì CHV có quyền thực hiện trong mức độ, hạn định mà quy phạm pháp luật cho phép. Còn quy phạm giao “nhiệm vụ, trách nhiệm” choCHVthì buộc CHV phải tuân theo, thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và trong khoảng thời gian quy định, nếu không thực hiện, thực hiện không đúng, không đủ, không kịp thời thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm, mức độ lỗi, hậu quả và các nguyên nhân (chủ quan, khách quan).
Bốn là, cần có chế độ, chính sách làm thêm giờ, ngoài giờ linh hoạt đối với CHV, đặc biệt là ở những đơn vị có số lượng việc THADS lớn khi cần phải tăng thời gian để giải quyết án ở những đơn vị trọng điểm, nhiều việc thi hành án phải thi hành. Đồng thời cần xây dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu bảo vệ CHV. Kiên quyết, quyết liệt xử lý những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của CHV, nhất là những hành vi cố ý khiếu nại, tố cáo sai sự thật, khiếu nại nhiều lần nhằm cản trở, kéo dài việc tổ chức thi hành án hoặc hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, lợi dụng việc tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của CHV.
Năm là,cần nghiên cứu đổi mới, quan tâm, tăng cường vai trò của công tác tổ chức cán bộ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực: Từ những phân tích về thực trạng đội ngũ CHV, số biên chế được phân bổ và tổng số việc, tiền phải thi hành như đã nêu trên, cần chú trọng giải pháp về công tác tổ chức cán bộ như ưu tiên tăng biên chế cho Hệ thống THADS, tăng tỷ lệ CHV trong tổng số biên chế và điều chỉnh hợp lý tương quan tỷ lệ giữa các ngạch CHV, theo hướng cần tăng số lượng và tỷ lệ ngạchCHV cao cấp, bảo đảm mỗi Cục THADS cóít nhất từ 01 đến 02 CHV trở lên phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ thi hành án. Tăng cường công tác biệt phái, luân chuyển, điều động, ...một cách hợp lý và phù hợp để CHV có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm, vững vàng hơn về chuyên môn nghiệp vụ. Cần nghiên cứu có chính sách đãi ngộ hợp lý về nhà ở, phụ cấp, nâng lương, nâng ngạch, quy hoạch, ưu tiên trong công tác bổ nhiệm đối với những CHV được luân chuyển, biệt phái.
Sáu là,tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CHV: Không thể phủ nhận rằng hiệu quả công tác THADS phụ thuộc cơ bản và năng lực, chất lượng đội ngũ CHV, trong khi đó chất lượng đội ngũ CHV lại phụ thuộc phần nhiều vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ THADS. Do đó, tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ CHV và cán bộTHADSđể nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, giảm thiểu sai sót trong thực hiện nhiệm vụ là yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống pháp luật vẫncòn hạn chế, mâu thuẫn, bất cập và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung.
Với vị trí là trung tâm của hoạt động THADS, CHV có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả tổ chức thi hành án. Việc hoàn thiện định mức việc THADS đối với CHV còn là một trong những cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước phân bổ chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS hàng năm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; mức độ hoàn thành chỉ tiêu THADScũng là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xếp loại công chức hàng năm đối với CHV. Do đó, hoàn thiện các quy định pháp luật về định mức phân công công việc cho CHV sẽ đảm bảo việc phân công công việc hợp lý, tăng tính chủ động của CHV trong công việc, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS./.

  TS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp & THS. Hoàng Thị Thanh Hoa; Chấp hành viên, Cơ quan THADS thành phố Hà Nội
 

1.Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật THADS
2 Xem thêm: ThS.Đinh Duy Bằng, Một số vấn đề về quyền hạn của Chấp hành viên; http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=341; trc: 17/10/2018
3. Hoàng Phê, Trung tâm Từ điển học, NXB.Đà Nẵng 1997; tr. 325
4.Điều 30 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong THADS.
5. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB.Đà Nẵng, Năm 2003, tr. 1115.
6.NCS. Bùi Đức Tiến, Luận án Tiến sỹ: Thực hiện pháp luật về cưỡng chế THADS ở Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Năm 2018, tr. 31-32.
7.Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, tlđd, tr. 771.
8.Tổng số phải thi hành bằng tổng số thụ lý trừ đi số vụ việc ủy thác thi hành án.
9.Báo cáo số 234/BC-TKDLCN ngày 12/10/2020 của Trung tâm thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ Thông tin, Tổng cục THADS về kết quả THADS 12 tháng năm 2020 (tháng 9 năm 2020)
10. Báo cáo số 157/BC-TCTHADS ngày 27/6/2019 của Tổng cục THADS tổng kết các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách tư pháp từ năm 2015 đến nay; mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030, tr. 21-22.
11. Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục THADS, Báo cáo số 698/BC-TCCB ngày 10/10/2019 về công tác tổ chức cán bộ của Hệ thống THADS từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/9/2019.
12. Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục THADS, Báo cáo số 945/TCCB ngày 12/10/2020 về công tác tổ chức cán bộ của Hệ thống THADS từ ngày 01/10/2019 đến ngày 30/9/2020.
13.Theo Quyết định số 521/QĐ-BTP ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
14.Theo Quyếtđịnh số 2473/QĐ-BTP ngày 01/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
15.Theo Quyết định số 2724/QĐ-BTP ngày 05/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
16.NCS. Đặng Đình Quyền, Luận án tiến sỹ Luật học: “Hiệu quả áp dụng pháp luật trong thi hành án dân sự ở Việt Nam”, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2012, tr. 154-156.
17.ThS. Đinh Duy Bằng & ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa,  Phát huy vai trò chủ động của Chấp hành viên, góc nhìn từ quyền hạn; https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=908; ngày đăng: 23/10/2018.
18. Xem thêm: ThS. Đinh Duy Bằng & ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Phát huy vai trò chủ động của Chấp hành viên, góc nhìn từ quyền hạn; tlđd.