Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo, Quyết định số 2167/QĐ-BTP ngày 09/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ (gọi chung là chỉ tiêu) năm 2016 cho cơ quan thi hành án dân sự, Quyết định số 940/QĐ-TCTHADS ngày 09/12/2015 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc giao chỉ tiêu năm 2016 cho các cơ quan thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiến hành đôn đốc, chỉ đạo việc triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2016 (từ 01/10/2015 đến 30/9/2016).
1. Theo Quyết định số 2167/QĐ-BTP ngày 09/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Quyết định số 940/QĐ-TCTHADS ngày 09/12/2015 của Tổng cục Thi hành án dân sự thì bộ chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2016 gồm 13 chỉ tiêu, nhiệm vụ. Kết quả thực hiện từng chỉ tiêu, nhiệm vụ như sau:
- Chỉ tiêu
“Ra quyết định đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật” cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các cơ quan thi hành án dân sự (bao gồm cả Quân đội) đã ra 587.627 quyết định thi hành án (số việc thi hành án thụ lý mới), trong đó có 494.567 quyết định thi hành án chủ động, 83.722 quyết định thi hành án theo yêu cầu.
- Chỉ tiêu
“Chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; đăng tải kịp thời, đầy đủ danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định của pháp luật” đạt tỷ lệ phân loại khá cao, về việc có điều kiện thi hành chiếm 82,25%, chưa có điều kiện thi hành chiếm 17,75%; về tiền có điều kiện thi hành chiếm 64,55%, chưa có điều kiện thi hành chiếm 35,45% trong tổng số phải thi hành
[1].
Về đăng tải danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định của pháp luật, kết quả tính đến hết ngày 11/10/2016 các cơ quan thi hành án dân sự đã đăng tải là 124.147 việc trên tổng số 145.667 việc chưa có điều kiện thi hành theo báo cáo kết quả 12 tháng năm 2016 (đạt tỉ lệ 86,2%, khoảng 14% chưa đăng tải).
- Chỉ tiêu
“Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án”. Số vi phạm kỷ luật, xử lý hình sự 96 trường hợp tăng so với năm 2015
(không đạt).
- Chỉ tiêu
“Phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự” được các cơ quan thi hành án dân sự cố gắng, tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành, vì vậy toàn Hệ thống đã đạt chỉ tiêu được giao và cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Theo đó, kết quả thi hành xong về việc đạt 78,53% về việc (vượt 8,53% chỉ tiêu được giao) và về tiền thi hành xong đạt 33,74% (vượt 3,74% chỉ tiêu được giao). Điểm sáng về kết quả thực hiện chỉ tiêu thi hành xong về việc, về tiền năm 2016 đó là toàn hệ thống không chỉ thi hành xong đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ mà còn tăng về số việc, số tiền cụ thể, đó là: Trong số có điều kiện thi hành, số việc thi hành xong là 530.428 việc, tăng 30.388 việc (tăng 6,08%); số tiền thi hành xong là 29.097 tỷ 865 triệu 318 nghìn đồng, tăng 7.800 tỷ 750 triệu 410 nghìn đồng (tăng 36,63% so với cùng kỳ năm 2015). Như vậy, Hệ thống Thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu này
.
Kết quả thi hành án có 61/63 tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoàn thành chỉ tiêu về việc, 53/63 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu về tiền
[2].
- Chỉ tiêu
“Thi hành án xong các khoản thu cho ngân sách nhà nước tỷ lệ cao hơn năm 2015 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự” đạt tỉ lệ về việc 85,82% (tăng 8,38% so); về tiền 44,29% (tăng 23,34% so với cùng kỳ năm 2015)
[3].
- Chỉ tiêu “
Giảm ít nhất 5% đến 7% số việc và 2% đến 4% số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2017 so với số chuyển kỳ sau của năm 2015 chuyển sang năm 2016 trên số có điều kiện thi hành”, toàn hệ thống đã thực hiện giảm 24.913 việc ( 14,66%), về tiền giảm 13.454 tỷ 738 triệu 189 nghìn đồng (19,05%) trên số có điều kiện thi hành
[4].
Đạt và vượt chỉ tiêu.
Có 40/63 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu giảm việc chuyển kì sau trên số có điều kiện; 23 đơn vị không đạt tỉ lệ về việc chuyển kỳ sau, trong đó đặc biệt có địa phương số tăng lớn Hà Tĩnh(118,18%), Lạng Sơn (88,97%).
Về tiền, có 39/63 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu giảm tiền chuyển kì sau; 24/63 tỉnh không đạt, trong đó đặc biệt có 02 tỉnh tăng tồn lớn về tiền hơn 100% là Hà Tĩnh (859,32%) và Sơn La (114,45%).
- Chỉ tiêu
“Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật“ về cơ bản là hoàn thành
[5].
Đạt.
- Chỉ tiêu “
Cục Thi hành án dân sự phải trả lời đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, thủ tục ít nhất 87% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới”các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện khá tốt chỉ tiêu này, kịp thời hướng dẫn, trả lời vướng mắc của các Chấp hành viên, Chi cục Thi hành án dân sự.
- Chỉ tiêu “
Giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tích cực tham gia, phối hợp giải quyết xong cơ bản những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài” cơ bản thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Kết quả giải quyết khiếu nại của các cơ quan thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền đạt 97,1%, giảm 0,07% so với cùng kỳ năm 2015; giải quyết tố cáo đạt 89,44%, giảm 3,07% so với cùng kỳ năm 2015. Cơ bản đạt chỉ tiêu.
Mặc dù kết quả giải quyết đạt tỷ lệ cao, nhưng số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, khó khăn, tồn đọng kéo dài vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản; số lượng đơn khiếu nại vượt cấp; phải giải quyết nhiều lần vẫn còn.
- Đối với các chỉ tiêu khác, nhìn chung các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cũng đã chú trọng thực hiện cơ bản nghiêm túc và đầy đủ
[6].
Đánh giá chung có thể nhận diện một số ưu điểm và tồn tại, hạn chế trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ 2016 như sau:
* Ưu điểm:
Năm 2016, việc triển khai thực hiện chỉ tiêu đã được các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc, cơ bản đảm bảo sự công bằng giữa các cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên thể hiện sự nỗ lực cố gắng cao độ của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
+ Các cơ quan thi hành án dân sự, cụ thể là các đồng chí Cục trưởng, Chi cục trưởng có năng lực đã nhanh nhạy, chỉ đạo, điều hành, tổ chức nhiều biện pháp, với những đợt cao điểm; nhiều Chấp hành viên đã sàng lọc, lựa chọn những vụ việc có khả năng thi hành để tập trung giải quyết.
+ Kết quả thực hiện các chỉ tiêu định tính cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiều chỉ tiêu định lượng tăng cả về tỷ lệ và số tuyệt đối, phản ánh thực chất hơn kết quả thi hành án. Có thể nói đây là năm đầu tiên kể từ khi có Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội đến nay, toàn Hệ thống đạt kết quả tương đối khá đối với các chỉ tiêu định lượng quan trọng như đã nêu trên (về số thi hành xong về việc, về tiền; số giảm chuyển kỳ sau về việc, về tiền và tỷ lệ phân loại án có điều kiện thi hành); chỉ có 02 đơn vị chưa đạt chỉ tiêu về việc, 10 đơn vị chưa đạt chỉ tiêu về tiền thi hành xong, 23 đơn vị chưa đạt chỉ tiêu giảm tồn về việc, 24 đơn vị không đạt chỉ tiêu giảm tồn về tiền.
+ Kết quả thực hiện chỉ tiêu năm 2016 cho thấy sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, sát thực của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp trong việc triển khai, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014, sát với thực tế không còn hiện tượng hoãn kỹ thuật; mặt khác cũng cho thấy các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2016 có tính khả thi góp phần giảm thiểu tình trạng số liệu ảo, chạy theo thành tích đồng thời tạo điều kiện cho nhiều cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ, kết quả thi hành xong thực chất và có khả năng bền vững hơn trong những năm tới.
* Tồn tại, hạn chế:
+ Tình trạng vi phạm trong thi hành án dân sự chưa khắc phục được cơ bản, thậm chí có xu hướng gia tăng và nghiêm trọng hơn, trong đó có những vi phạm về tham nhũng, xâm tiêu tiền thi hành án, như: Vụ Kế toán Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình, Hà Nội. Một số đơn vị khi có sự thay đổi vị trí công việc, thông qua công tác bàn giao cũng đã phát hiện ra một số vi phạm về tài chính với số lượng khá lớn.
+ Việc đăng tải thông tin của người phải thi hành án ở nhiều địa phương còn chậm, vi phạm thời hạn đăng tải theo quy định của pháp luật
[7].
+ Vẫn còn một số sai sót trong quá trình thống kê kết quả thi hành án dân sự. Do đó, nhiều trường hợp bản án, quyết định có điều kiện thi hành chưa được Chấp hành viên tích cực tổ chức thi hành, nhưng Thủ trưởng cơ quan không có biện pháp đôn đốc thực hiện hoặc một số trường hợp không đưa việc thi hành án vào báo cáo thống kê để theo dõi cũng không được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, có thể dẫn đến “bỏ lọt” hồ sơ ngoài sổ sách (Sóc Trăng)
+ Một số chỉ tiêu cũng còn khó thực hiện, khó đánh giá về một số nội dung có liên quan đến phối hợp, thừa phát lại và các chỉ tiêu mang tính tuyệt đối 100%.
* Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ
Nguyên nhân chủ quan
+ Công tác lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch về tổ chức thi hành án dân sự có lúc, có nơi chưa được coi trọng. Phần lớn các cơ quan thi hành án dân sự chỉ đạo việc tổ chức thi hành án dân sự còn mang tính chất tình thế, chưa có kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc thực hiện từng chỉ tiêu được giao. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả thi hành án tăng đột biến ở những tháng cuối năm.
+ Một số Chấp hành viên chưa chủ động, tích cực trong công việc; kỹ năng nghiệp vụ còn hạn chế, nhất là kỹ năng xác minh, tổ chức rà soát và phân loại việc; phương án xử lý hồ sơ của một số Chấp hành viên còn chung chung, chậm đề xuất phương án xử lý việc thi hành án khó khăn, phức tạp.
+ Một số nơi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên chưa đề cao trách nhiệm trong việc theo dõi, đôn đốc thi hành đối với việc thi hành án dân sự thuộc diện chủ động; chưa chủ động phối hợp với trại giam để thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với người đang chấp hành án.
+ Một số cơ quan thi hành án chưa thực hiện đầy đủ, toàn diện chỉ đạo của Tổng cục, nhất là ở cấp Chi cục, do đó, trong năm vừa qua việc tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính đã được Tổng cục, hầu hết các Cục Thi hành án dân sự triển khai thực hiện quyết liệt, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện có hiệu quả đặc biệt là các Chi cục cho thấy cấp Chi cục là khâu yếu.
+ Nhiệm vụ thống kê ở một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự quan tâm, chưa thực sự coi thống kê là một trong những công cụ để giám sát, quản lý hoạt động thi hành án dân sự và thực hiện chỉ tiêu; phần lớn các địa phương không có cán bộ thống kê chuyên trách, thường xuyên thay đổi cán bộ thống kê; cán bộ được giao làm công tác thống kê không có trình độ chuyên môn về thống kê. Công tác phối hợp giữa Chấp hành viên – Cán bộ thống kê.
+ Công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan hữu quan ở một số Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự trong việc thực hiện chỉ tiêu chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Nguyên nhân khách quan:
+ Việc thụ lý mới năm 2016 tăng mạnh, tăng 35.418 việc (tăng 6,52% so với cùng kỳ năm 2015), trong khi biên chế không tăng; điều kiện kinh tế xã hội khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
+ Nhiều trường hợp tài sản kê biên đã được giảm giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người tham gia đấu giá, nhất là việc bán tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh để thi hành các khoản liên quan tổ chức tín dụng, ngân hàng.
+ Việc thực hiện một số chỉ tiêu thi hành án cũng có một số bất cập. Cụ thể như: Chỉ tiêu
“Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật” mang tính chất tuyệt đối (100%) nên khó thực hiện trên thực tế. Chỉ tiêu “
Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án” rất khó đánh giá chi tiết, cụ thể. Thực tiễn cho thấy rằng việc khắc phục vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự là trách nhiệm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự, do vậy để xử lý vấn đề này cần thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm sát, giám sát và phụ thuộc nhiều vào ý thức của chủ thể thực hiện hoạt động thi hành án dân sự.
2. Ngày 20/12/2016, Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 2613/QĐ-BTP ban hành Chương trình trọng tâm của Bộ trong lĩnh lực thi hành án dân sự năm 2017. Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã ban hành Quyết định số 1286/QĐ-TCTHADS ngày 21/12/2016 giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan thi hành án dân sự, theo đó:
Một là, về nguyên tắc và phương thức giao chỉ tiêu năm 2017 cơ bản giữ như năm 2016, tuy nhiên điểm đổi mới là năm 2017 Bộ Tư pháp không ra quyết giao chỉ tiêu cho toàn Hệ thống thi hành án dân sự mà Bộ Tư pháp ra Quyết định ban hành Chương trình trọng tâm của Bộ trong lĩnh lực thi hành án dân sự, trên cở Chương trình đó và căn cứ tình hình thực tiễn từng địa phương, Tổng cục Thi hành án dân sự ra quyết định giao mức cụ thể cho các Cục Thi hành án dân sự; Cục Thi hành án dân sự giao cho từng Chi cục Thi hành án dân sự; Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự giao cho từng Chấp hành viên.
* Nguyên tắc chung trong việc giao chỉ tiêu năm 2017: Trên cơ sở căn cứ Chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp năm 2017 và căn cứ tình hình thực tiễn từng địa phương, Tổng cục Thi hành án dân sự giao mức cụ thể cho các Cục Thi hành án dân sự; Cục Thi hành án dân sự giao cho từng Chi cục Thi hành án dân sự; Cục và Chi cục Thi hành án dân sự giao cho từng Chấp hành viên đảm bảo chính xác, công bằng và khả thi (có thể bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao đối với từng Cục, Chi cục Thi hành án dân sự và từng Chấp hành viên).
* Phương thức giao chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017:
- Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho mỗi địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đảm bảo nguyên tắc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ Tư pháp giao.
- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ban hành quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017 cho Chi cục Thi hành án dân sự và Chấp hành viên thuộc Cục Thi hành án dân sự đảm bảo nguyên tắc các cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên ở địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tổng cục Thi hành án dân sự giao.
- Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự ban hành quyết định giao cho Chấp hành viên đảm bảo nguyên tắc các Chấp hành viên hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Cục Thi hành án dân sự giao.
Hai là, bộ chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017 so với năm 2016 về số lượng gồm 12 (giảm 01 chỉ tiêu, nhiệm vụ), như sau:
- Giữ nguyên 09 chỉ tiêu, nhiệm vụ.
- Điều chỉnh 02 chỉ tiêu
(việc giảm chuyển kỳ sau từ 5% - 7% thành 8% -10% và tiền giảm chuyển kỳ sau từ 2% - 4% thành 6% - 8%).
- Sáp nhập 01 chỉ tiêu (
về theo dõi việc thi hành đối với các bản án, quyết định của Tòa án về vụ việc hành chính có hiệu lực pháp luật vào chỉ tiêu thi hành xong các khoản thu cho ngân sách nhà nước);
- Bổ sung 01 chỉ tiêu, nhiệm vụ
(ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh cải cách hành chính)
- Giảm 01 chỉ tiêu nhiệm vụ
(chỉ tiêu liên quan đến thực hiện chế định Thừa phát lại)
Cụ thể là các chỉ tiêu, nhiệm vụ sau:
+ Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật.
+ Chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; đăng tải kịp thời, đầy đủ danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định của pháp luật.
+ Phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành.
+ Giảm ít nhất 8% đến 10% số việc và 6% đến 8% số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2018 so với số chuyển kỳ sau của năm 2016 chuyển sang năm 2017 trên số có điều kiện thi hành.
+ Tích cực xác minh, xác định điều kiện thi hành án, đảm bảo thi hành án phần dân sự trong các bản án hình sự có hiệu quả, nâng tỷ lệ thu hồi tiền tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng đạt trên 60%.
+ Thi hành xong các khoản thu cho ngân sách nhà nước tỷ lệ cao hơn năm 2016 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành; bảo đảm theo dõi việc thi hành đối với 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ việc hành chính có hiệu lực pháp luật.
+ Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự.
+ Cục Thi hành án dân sự trả lời đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, thủ tục ít nhất 87% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới.
+ Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất xây dựng, ban hành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đối với toàn bộ văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan; có kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai kịp thời các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính mới được ban hành.
+ Giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tích cực tham gia, phối hợp giải quyết xong cơ bản những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.
+ Phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất bố trí, dự toán ngân sách hợp lý để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan thi hành án dân sự, nhất là các đơn vị mới được thành lập hoặc còn phải thuê, mượn trụ sở; bố trí kinh phí để tập trung đầu tư xây dựng kho vật chứng và bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết khác theo quy định.
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính trong thi hành án dân sự.
* Căn cứ số lượng về việc, giá trị thi hành án của mỗi địa phương, Tổng cục giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương một cách hợp lý đồng thời đảm bảo nguyên tắc không thấp hơn chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao, cụ thể theo các nhóm như sau:
+ Chỉ tiêu thi hành xong về việc trên 70%, chia thành 5 nhóm với bước nhảy đều 1%, tính theo số việc bình quân/01 Chấp hành viên là 70, 71, 72, 73 và 74%. Cụ thể chỉ tiêu về việc:
Nhóm 1: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 120 việc trở lên phải thi hành xong đạt tỷ lệ 70 % (10 địa phương);
Nhóm 2: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 100 việc đến dưới 120 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 71% (12 địa phương);
Nhóm 3: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 80 việc đến dưới 100 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 72% (14 địa phương);
Nhóm 4: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 50 việc đến dưới 80 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 73% (18 địa phương);
Nhóm 5: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ dưới 50 việc trở xuống phải thi hành xong đạt tỷ lệ 74% (9 địa phương).
*. Chỉ tiêu thi hành xong về tiền trên 30% cũng chia thành 05 nhóm là 30, 31, 32, 33 và 34% trên số có điều kiện thi hành. Cụ thể chỉ tiêu về tiền (tiền và giá trị tài sản được quy ra tiền):
Nhóm 1: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 15 tỷ đồng trở lên phải thi hành xong đạt tỷ lệ 30% (13 địa phương);
Nhóm 2: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 10 đến dưới 15 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 31% (5 địa phương);
Nhóm 3: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 32% (19 địa phương);
Nhóm 4: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 2 đến dưới 5 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 33% (14 địa phương);
Nhóm 5: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ dưới 2 tỷ đồng trở xuống phải thi hành xong đạt tỷ lệ 34% (12 địa phương).
*. Chỉ tiêu giảm kỳ sau về việc và tiền chia thành 5 nhóm, với cự ly dãn cách 0,5% để đạt giảm về việc có điều kiện thi hành (8-10%) các mức (8; 8,5; 9; 9,5 và 10%):
Nhóm 1: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 120 việc trở lên phải thi hành xong đạt tỷ lệ 8% (10 địa phương);
Nhóm 2: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 100 việc đến dưới 120 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 8,5% (12 địa phương);
Nhóm 3: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 80 việc đến dưới 100 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 9% (14 địa phương);
Nhóm 4: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 50 việc đến dưới 80 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 9,5% (18 địa phương);
Nhóm 5: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ dưới 50 việc trở xuống phải thi hành xong đạt tỷ lệ 10% (9 địa phương).
+ *. Chỉ tiêu giảm kỳ sau về tiền có điều kiện thi hành (6 - 8%) chia làm 05 nhóm tương ứng giao chỉ tiêu về tiền các mức (6%; 6,5%; 7%; 7,5%; 8%):
Nhóm 1: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 15 tỷ đồng trở lên phải thi hành xong đạt tỷ lệ 6% (13 địa phương);
Nhóm 2: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 10 đến dưới 15 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 6,5% (5 địa phương);
Nhóm 3: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 7% (19 địa phương);
Nhóm 4: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 2 đến dưới 5 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 7,5% (14 địa phương);
Nhóm 5: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ dưới 2 tỷ đồng trở xuống phải thi hành xong đạt tỷ lệ 8% (12 địa phương).
Ba là, các giải pháp trong chỉ đạo, thực hiện chỉ tiêu năm 2017 đã được đề ra cụ thể trên nhiều mặt, theo đó để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc chỉ đạo việc thực hiện chỉ tiêu năm 2017, trước yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc, để tiếp tục góp phần bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật và giải phóng nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, toàn Hệ thống thi hành án dân sự tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ tập trung định hướng công tác năm 2017 với những nội dung sau:
- Về xây dựng thể chế, các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, các Cục Thi hành án dân sự tích cực giúp Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp xây dựng để ban hành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đối với toàn bộ văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan theo Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự năm 2017.
- Về chỉ đạo, điều hành và phối hợp liên ngành:
+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự đã được giao, trong đó chú trọng các biện pháp nhằm đảm bảo tính thực chất kết quả thi hành án dân sự; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tiếp tục cải tiến công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ theo hướng sâu sát, cụ thể và xác định rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành; tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ngay sau khi được ban hành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra; phối hợp thanh tra, kiểm sát, giám sát công tác thi hành án dân sự.
+ Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có phương án giao chỉ tiêu phù hợp với từng từng đơn vị, từng Chấp hành viên đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu chung của mỗi Chi cục, Cục Thi hành án dân sự, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt việc thi hành án dân sự ngay từ đầu năm công tác 2017. Bám sát nhiệm vụ, chỉ tiêu giao; có kế hoạch tổ chức thi hành án cho cả năm và từng giai đoạn phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi địa phương. Tập trung chỉ đạo, giải quyết các vấn đề về nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan thi hành án dân sự. Chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ đối với từng địa phương, từng Chấp hành viên, trong đó chú trọng: Tập trung cao độ trong rà soát và tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định có điều kiện thi hành, nhất là số có điều kiện thi hành của năm 2016 chuyển sang 2017, trong đó chú trọng những việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng có tài sản thế chấp, bảo đảm. Tăng cường chỉ đạo rà soát, phân loại và phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân lập hồ sơ đề nghị Tòa án xét miễn, giảm đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đủ điều kiện. Rà soát, phân loại, phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân, cơ quan Tài chính và các cơ quan hữu quan xử lý dứt điểm đối với việc thi hành án dân sự liên quan đến việc xử lý tài sản theo quyết định của bản án, quyết định của Tòa án; chủ động trong việc đánh giá và báo cáo đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo giải quyết những việc thi hành án dân sự có sự không thống nhất ý kiến giữa các cơ quan hữu quan; phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong việc xử lý những bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành và có sai sót. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc thi hành dứt điểm đối với những việc thuộc diện hoãn, tạm đình thi hành án chỉ khi điều kiện hoãn, tạm đình chỉ thi hành án dân sự không còn.
+ Tiếp tục phát huy công tác phối hợp liên ngành; tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp và sự phối hợp của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan liên quan khác trong tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự trên địa bàn.
+ Định kỳ quý, năm đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu thi hành án xong về việc và về tiền năm 2017 để tổ chức thi hành và chỉ đạo thi hành án phấn đấu tỷ lệ thi hành xong năm 2017 cao hơn năm 2016.
- Về công tác tổ chức cán bộ và đảm bảo cơ sở vật chất:
+ Kiện toàn, tuyển dụng, sử dụng, bố trí, sắp xếp công chức phù hợp với Đề án xác định vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là cán bộ quản lý và cán bộ có chức danh pháp lý đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng đối với công chức trong toàn hệ thống Thi hành án dân sự; tiếp tục triển khai việc điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên, Thẩm tra viên, công chức khác để tăng cường cho các đơn vị thi hành án có nhiều việc thi hành án và thiếu nguồn nhân lực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức thi hành án dân sự, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý và chức danh pháp lý; rà soát, kiên quyết thay thế Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục Thi hành án dân sự, nhất là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự vi phạm về phẩm chất đạo đức, yếu về năng lực trình độ; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm đạo đức, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ; kéo giảm số công chức vi phạm, đặc biệt là vi phạm nghiệp vụ thi hành án dân sự so với năm 2016; khen thưởng kịp thời và bảo đảm các chế độ, chính sách đối với người làm công tác thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
+ Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự và Kế hoạch đầu tư năm 2017 cho các cơ quan thi hành án dân sự.
- Về ứng dụng công nghệ thông tin: Quản lý, sử dụng có hiệu quả Cổng thông tin điện tử Thi hành án dân sự và các Trang Thông tin điện tử của các Cục Thi hành án dân sự địa phương, cập nhật chính xác thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành kịp thời đăng tải trên Cổng và Trang thông tin điện tử Thi hành án dân sự. Triển khai, đẩy mạnh việc ứng dụng các phần mềm trong công tác thi hành án dân sự một cách có hiệu quả.
Các cơ quan thi hành án dân sự tổng hợp đầy đủ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành án dân sự, kịp thời báo cáo và đề xuất hoàn thiện thể chế, tăng cường, linh hoạt chỉ đạo điều hành về thi hành án dân sự trong tất cả các lĩnh vực như: tổ chức cán bộ, nghiệp vụ, tài chính, thống kê thi hành án dân sự.
Với những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã đề ra và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm, tin tưởng rằng toàn Hệ thống Thi hành án dân sự sẽ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017.
Hà Minh Tuấn