Cần có thái độ nghiêm khắc đối với những trường hợp không chấp hành án

12/09/2017
10 tháng năm 2017, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 422 nghìn việc tương ứng với 33.5 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, do ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án, các cơ quan thi hành án dân sự đã phải tổ chức cưỡng chế 8.000 trường hợp, trong đó cưỡng chế có huy động lực lượng là 4.230 việc. Vì vậy, xã hội cần phải có thái nghiêm khắc đối với những trường hợp trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.


Bảo đảm thượng tôn pháp luật
Thi hành án dân sự là quá trình hiện thực hoá các phán quyết của Toà án trong thực tiễn của cuộc sống, qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, ổn định xã hội, góp phần củng cố, giữ vững niềm tin của Nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật. Hàng năm, thi hành án dân sự còn góp phần giải phóng hàng chục nghìn tỷ đồng khỏi các tranh chấp để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Khi đất nước ta đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Thi hành án dân sự còn được nhìn nhận là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong phá sản, từ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư và khuyến khích phong trào khởi nghiệp.
Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Với tinh thần thượng tôn pháp luật nêu trên, chính sách pháp luật về thi hành án dân sự của Đảng và Nhà nước ta đối với các trường hợp trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án là rất nghiêm khắc. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014) quy định nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự như khấu trừ tiền trong tài khoản, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, khai thác tài sản của người phải thi hành án... Trong trường hợp cưỡng chế cần huy động lực lượng, Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế, cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội.
Theo thống kê, 10 tháng năm 2017, các cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 9.039 trường hợp, tăng 618 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Trước thái độ kiên quyết, dứt khoát của cơ quan thi hành án dân sự nên sau khi có Quyết định cưỡng chế thì có 1.039 trường hợp đương sự đã tự nguyện thi hành án. Như vậy, tổng số việc phải tổ chức cưỡng chế là 8.000 trường hợp, tăng 564 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016, trong đó cưỡng chế có huy động lực lượng là 4.230 việc.
Pháp luật luôn khuyến khích tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án
Tự nguyện thi hành án là cách thức các đương sự lựa chọn, bàn bạc để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nói cho đến cùng, hòa giải, thuyết phục, tự nguyện thi hành án là phương thức giúp giữ gìn tình thân ái, đoàn kết và ổn định xã hội một cách lâu dài và bền vững nhất. Từ góc độ quản lý nhà nước, việc tự nguyện thi hành án sẽ giúp cơ quan thi hành án dân sự rút ngắn thời gian thi hành án thông qua việc giảm thiểu thời gian xác minh, kê biên, bán đấu giá, giảm chi phí thi hành án, hạn chế rủi ro cho chấp hành viên thi thực thi nhiệm vụ trước sự cản trở, chống đối của đương sự, giảm số việc khiếu nại, tố cáo, nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường. Bên cạnh đó, các tài sản bị kê biên là các tài sản đang trong trạng thái “đóng băng” nên dẫn đến tình trạng “mất giá trị kinh tế tạm thời”, đồng thời, do không thể thực hiện giao dịch pháp lý liên quan đến tài sản này nên đưa người phải thi hành án đến nguy cơ bấp bênh về tài chính, tín dụng. Tình huống này sẽ ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ nền kinh tế. Với những lý do nêu trên, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án vẫn được coi là một ưu tiên trong suốt quá trình thi hành án.
Với tinh thần nêu trên, Luật Thi hành án dân sự yêu cầu phải công khai, minh bạch về quyền, nghĩa vụ thi hành án “Khi ra bản án, quyết định, Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án và thời hiệu yêu cầu thi hành án” (Điều 26). Trong quá trình thi hành án, Nhà nước luôn khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Đây cũng là biện pháp có thể nói đầu tiên và bắt buộc các Chấp hành viên phải áp dụng trong quá trình thi hành án. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án chỉ được áp dụng nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án (Điều 9, Điều 45, Điều 46). Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành án, các bên đương sự còn có quyền thỏa thuận về việc thi hành án nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội (Điều 6).
            Đã đến lúc xã hội cần có thái độ lên án mạnh mẽ đối với những trường hợp không chấp hành án
Thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng thiếu ý thức chấp hành pháp luật thậm chí coi thường pháp luật, cố tình trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án nhưng dư luận xã hội còn chưa có thái độ phê bình, lên án kịp thời, nghiêm khắc. Một số trường hợp chống đối quyết liệt, đặc biệt là trong quá trình cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá (hiện có 108 vụ việc loại này) hoặc cố tình khiếu nại vượt cấp, khởi kiện tại Tòa án (hiện có 56 vụ việc loại này) gây khó khăn, kéo dài, trì hoãn việc thi hành án nhưng chưa có các biện pháp đủ mạnh để buộc thực hiện hoặc răn đe người phải thi hành án. Theo thống kê, 10 tháng năm 2017, Hệ thống Thi hành án dân sự đã tiếp nhận 8.417 đơn bao gồm: 7.201 đơn khiếu nại và 1.216 đơn tố cáo, tương ứng với 5.609 việc. Tuy nhiên, trong tổng số 2.786 vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, số khiếu nại, tố cáo đúng toàn bộ  chỉ chiếm 6,77%; đúng một phần chỉ chiếm 5,38%; sai toàn bộ là  57,56%, còn lại là số đình chỉ và chưa giải quyết, chuyển kỳ sau.                                                        
Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật nói chung và ý thức chấp hành bản án, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án nói riêng là một trong những đường lối, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự; hoàn thiện thể chế về hòa giải trong thi hành án dân sự; công khai, minh bạch các khâu thi hành án dân sự từ xác minh điều kiện thi hành án cho đến đấu giá tài sản, đã đến lúc dư luận xã hội cần bày tỏ một thái độ nghiêm khắc và sự lên án mạnh mẽ đối với những trường hợp thiếu ý thức chấp hành pháp luật, coi thường pháp luật, chây ỳ, trốn tránh, chống đối việc chấp hành án.
                                                                                       Nguyễn Xuân Tùng