1. Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực tổ chức, triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội về công tác tư pháp. Trong năm 2017, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao để chào mừng Kỷ niệm 71 năm Ngày Truyền thống thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của công tác thi hành án dân sự theo các Nghị quyết của Quốc hội. Tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2016 (tăng 5,91% về việc và 22,49% về tiền), song, các cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết xong số việc, tiền nhiều hơn về giá trị tuyệt đối (tăng 19.134 việc và trên 6.136 tỷ đồng) và vượt chỉ tiêu được giao cả về việc và về tiền (vượt 9,24% về việc và 8,3% về tiền). Công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm và ngày càng sâu, rộng. Công tác hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ ngày càng hướng về cơ sở, góp phần tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc mang tính điển hình trong toàn Hệ thống và ngày càng nâng cao về chất lượng. Công tác kiểm tra được đặc biệt chú trọng, tăng cường với phương châm kiên quyết xử lý nghiêm đối với các sai phạm. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc trong toàn Hệ thống. Tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm đầu tư. Công tác thi hành án dân sự đã có những chuyển biến tích cực, qua đó, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước. Một trong những nguyên nhân góp phần đạt được kết quả trên là do có sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện tốt việc thực hiện Thông tư.
2. Sau khi Thông tư có hiệu lực, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch nêu trên, Bộ Tư pháp đã yêu cầu Tổng cục thi hành án dân sự yêu cầu Cục thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai, thực hiện: Quán triệt nội dung của Thông tư đến tất cả các Chấp hành viên, công chức của Cục và các Chi cục thi hành án dân sự. Chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp thực hiện Thông tư. Quá trình thực hiện Thông tư phải thường xuyên kiểm tra, đối chiếu để đảm bảo thống nhất với số liệu thống kê cùng chỉ tiêu theo Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự.
Trước sự chỉ đạo quyết liệt của liên ngành Trung ương, tới nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã triển khai thực hiện công tác thống kê thi hành án dân sự theo Thông tư. Các Cục thi hành án dân sự đã tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện thống kê thi hành án dân sự theo Thông tư tới tất cả các phòng chuyên môn thuộc Cục và các Chi cục thi hành án dân sự trực thuộc. Chỉ đạo các đơn vị, Chấp hành viên, công chức thi hành án trong tỉnh tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát hai cấp trong hoạt động thi hành án dân sự theo các nội dung của Thông tư đã quy định.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của liên ngành Trung ương, đồng thời, xác định công tác phối hợp trong lĩnh vực thống kê thi hành án dân sự giữa các cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần tích cực trong việc giữ vững và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Do đó, ngay từ đầu năm công tác, các cơ quan liên ngành địa phương đã tiếp tục quán triệt, tổ chức việc thực hiện thống kê thi hành án dân sự theo Thông tư trong mỗi Ngành, đảm bảo mọi hoạt động phối hợp của các cơ quan, đơn vị đều tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và các hướng dẫn, chỉ đạo của Thông tư và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mỗi Ngành.
Các cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện đã tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện đến tất cả các Chấp hành viên, công chức thi hành án ở Chi cục thi hành án dân sự. Chấp hành viên, công chức thi hành án tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động thi hành án dân sự theo các nội dung của Thông tư đã quy định. Việc triển khai thực hiện Thông tư đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phối hợp, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự.
3. Trên cơ sở quy định của Thông tư, kết quả công tác phối hợp được đánh giá ở các nội dung cụ thể sau đây:
- Một là, về công tác phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Do vậy, các ngành chức năng, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực, chủ động và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án dân sự cũng như các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của địa phương về nâng cao hiệu quả công tác thi hành án để công dân, cơ quan, tổ chức thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ theo quy định pháp luật, đảm bảo công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao, hạn chế khiếu kiện, tố cáo phát sinh.
- Hai là, việc trao đổi thông tin, ký liên ngành các biểu thống kê, so sánh các tiêu chí thống kê
Với việc phối hợp thường xuyên giữa ba cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trước mỗi kỳ báo cáo, các cán bộ, công chức được phân công làm nhiệm vụ thực hiện báo cáo đã chủ động trao đổi thông tin, thu thập và kiểm tra đúng số liệu với các tiêu chí trong biểu mẫu thống kê, đảm bảo việc xây dựng báo cáo được chính xác, kịp thời.
Việc trao đổi thông tin, tiếp ký các biểu thống kê đúng quy định về thời hạn, hình thức; có so sánh, đối chiếu các tiêu chí thống kê liên ngành đảm bảo phù hợp với thống kê của mỗi ngành. Hàng tháng, Lãnh đạo các Cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, VIện kiểm sát nhân dân có sự trao đổi thông tin, số liệu liên ngành, so sánh các tiêu chí thống kê liên ngành phù hợp với hệ thống thống kê của mỗi ngành và thống nhất ký xác nhận trước khi được ban hành và gửi về Tổng cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp theo quy định.
- Ba là, việc cung cấp số liệu để xây dựng báo cáo trước Quốc hội
Trước các kỳ báo cáo số liệu để xây dựng báo cáo của ngành trước Quốc hội về công tác thi hành án dân sự, Lãnh đạo các đơn vị trao đổi thông tin, chỉ đạo cán bộ được phân công nhiệm vụ thống kê phối hợp, đối chiếu số liệu, đảm bảo số liệu chính xác, kịp thời. Do đó, việc cung cấp số liệu để xây dựng báo cáo của ngành trước Quốc hội được thực hiện đúng quy định và đảm bảo yêu cầu của cấp trên.
Việc cung cấp số liệu để xây dựng báo cáo của các ngành trước Quốc hội về công tác thi hành án dân sự và kiểm sát thi hành án dân sự đã luôn được các ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo số liệu báo cáo chính xác, kịp thời. Khi có yêu cầu lấy số liệu báo cáo Quốc hội của ngành dọc cấp trên, Lãnh đạo các Cục thi hành án dân sự đã phân công bộ phận thống kê tổng hợp số liệu, phối hợp với bộ phận thống kê của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cùng cấp kiểm tra, đối chiếu thống nhất, đảm bảo tính khách quan, chính xác và thống nhất về số liệu thống kê.
Thời điểm lấy số liệu thống kê để phục vụ báo cáo Quốc hội từ ngày 01/10/2016 đến 30/9/2017 đã được các Cục Thi hành án dân sự triển khai thực hiện nghiêm túc. Đến cuối kỳ thống kê, bộ phận thực hiện công tác thống kê liên ngành tại các Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự đã chủ động trao đổi thông tin, xây dựng, tổng hợp, kiểm tra, đối chiếu số liệu thống kê với Viện kiểm sát nhân dân, đảm bảo số liệu chính xác, thống nhất và kịp thời, phù hợp với các tiêu chí thống kê của hệ thống, thống kê mỗi ngành. Kết quả, 04 biểu mẫu thống kê liên ngành đã được các Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện theo đúng quy định của Điều 3 Thông tư; các kỳ báo cáo thống kê về thi hành án dân sự được các Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện đảm bảo đúng quy định của Điều 4 Thông tư. Việc triển khai và thực hiện được các cơ quan thi hành án dân sự hai cấp phối hợp thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo đúng quy định, hướng dẫn của Thông tư.
Việc trao đổi thông tin, đối chiếu số liệu để xây dựng báo cáo trước Quốc hội giữa cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp có sự phối hợp chặt chẽ, các cơ quan đã chủ động phối hợp rà soát, đối chiếu và thống nhất kết quả trong các biểu mẫu thống kê, biểu mẫu kiểm sát trước khi xây dựng báo cáo.
4.
Kết quả thi hành án dân sự về việc, tổng số phải thi hành là 868.767 việc, tăng 48.464 (tăng 5,91% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó: Số có điều kiện thi hành là 692.718 việc, tăng 18.082 việc (tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2016); chiếm 79,74% trong tổng số phải thi hành (giảm 2,51% so với cùng kỳ năm 2016); Số chưa có điều kiện thi hành là 176.049 việc, chiếm 20,26% trong tổng số phải thi hàn. ;Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 548.913 việc, tăng 19.134 việc (tăng 3,61% so với cùng kỳ năm 2016); đạt tỉ lệ 79,24% (tăng 0,71% so với cùng kỳ năm 2016), cao hơn 9,24% so với chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao là trên 70%. Số việc chuyển kỳ sau 319.854 việc, trong đó số việc có điều kiện năm 2017 chuyển sang năm 2018 là 143.805 việc, so với số việc có điều kiện thi hành năm 2016 chuyển sang năm 2017 (144.857 việc) giảm 1.052 việc (giảm 0,73%).
Kết quả thi hành án dân sự về tiền, tổng số phải thi hành là 163.588 tỷ 317 triệu 276 nghìn đồng, tăng 30.030 tỷ 833 triệu 863 nghìn đồng (tăng 22,49% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó: Số có điều kiện thi hành là 91.966 tỷ 976 triệu 989 nghìn đồng, tăng 5.739 tỷ 661 triệu 938 nghìn đồng (tăng 6,66% so với cùng kỳ năm 2016); chiếm 56,22% trong tổng số phải thi hành (giảm 8,34% so với cùng kỳ năm 2016); Số chưa có điều kiện thi hành là 71.621 tỷ 340 triệu 288 nghìn đồng, chiếm 43,78% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 35.220 tỷ 451 triệu 525 nghìn đồng, tăng 6.136 tỷ 367 triệu 895 nghìn đồng (tăng 21,10% so với cùng kỳ năm 2016); đạt tỉ lệ 38,30% (tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2016), cao hơn 8,30% so với chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao là trên 30%. Số tiền chuyển kỳ sau 128.367 tỷ 865 triệu 753 nghìn đồng, trong đó số tiền có điều kiện năm 2017 chuyển sang năm 2018 là 56.746 tỷ 525 triệu 465 nghìn đồng, so với số tiền có điều kiện thi hành năm 2016 chuyển sang năm 2017 (57.143 tỷ 231 triệu 420 nghìn đồng) giảm 396 tỷ 705 triệu 955 nghìn đồng (giảm 0,69%).
5. Cói thể nói, việc ban hành Thông tư là giải pháp hết sức đúng đắn, kịp thời, là cơ sở quan trọng để các ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình; đồng thời, góp phần gắn kết trách nhiệm phối hợp giữa các ngành có liên quan trong công tác thi hành án dân sự, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất về số liệu thống kê thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.
Với sự nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo của Liên ngành Trung ương, Thông tư đã được triển khai toàn diện trên tất cả các nội dung, phát huy vai trò quan trọng trong thực tiễn công tác thống kê thi hành án dân sự, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thống kê thi hành án dân sự, đặc biệt là của các cơ quan hữu quan tại địa phương, nơi trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.
Phát huy kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp liên ngành, các ngành đã tích cực, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật và nội dung của Thông tư; phân công lãnh đạo giữ mối quan hệ thường xuyên với cơ quan tổ chức có liên quan; luôn chủ động và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan phối hợp triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Thông tư, các ngành đã đánh giá cao về việc phối hợp thực hiện công tác thống kê thi hành án dân sự, qua đó đã cung cấp chính xác số việc thi hành án dân sự; số tiền thi hành án đang thụ lý, đã thi hành xong, số đang thi hành, hoãn, số chưa có điều kiện thi hành cho toàn tỉnh và cho từng đơn vị cấp huyện và tỉnh. Việc thống nhất các số liệu về việc, về tiền thi hành án trên góp phần quản lý chỉ đạo, điều hành trong việc thực công tác thi hành án dân sự trong từng tháng, từng quý, năm 2017 nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các bản án, quyết định của Toà án, ổn định kinh tế chính trị của các địa phương.
Thông qua phối hợp liên ngành hai cấp để thống nhất số liệu theo biểu số 03/TKLN-THADS; biểu số 04/TKLN-THADS đã góp phần giải thích sửa chữa, bổ sung kịp thời các bản án quyết định của Toà án còn vướng mắc, khó thi hành án, giúp cho cơ quan thi hành án giải quyết nhiều vụ án khó thi hành, án khiếu nại kéo dài, thi hành đúng pháp luật, đảm bảo những kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong việc chấp hành pháp luật nghiêm minh, thống nhất (kèm theo báo cáo Biểu số 03/TKLN-THADS, Biểu số 04/TKLN-THADS từ 01/10/2016 đến 30/9/2017).
- Về công tác tiếp tục quán triệt, triển khai Thông tư, sau khi Thông tư có hiệu lực, hàng tháng các cơ quan thi hành án dân sự đã tích cực, chủ động xây dựng và thống kê số liệu vào biểu mẫu theo đúng quy định của mỗi ngành đã được quy định rõ trong Thông tư, đồng thời phổ biến quán triệt tới từng Chấp hành viên trong việc thống kê số liệu đảm bảo chính xác, kịp thời, đúng thời gian quy định.
Việc thực hiện thống kê theo Thông tư cơ bản tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự; nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp thi hành án dân sự đã được nâng cao, một số vụ việc thi hành án phức tạp, khó thi hành đã được giải quyết dứt điểm.
- Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự được các ngành chú trọng thực hiện với nhiều hình thức phong phú. Qua đó, góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật thi hành án trong cán bộ và người dân; tăng cường phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên pháp luật của các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân và thi hành án dân sự trong việc tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự, hướng dẫn đương sự, tổ chức và cá nhân thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
- Về phối hợp với Tòa án các cấp, tiếp tục triển khai thực hiện thống kê theo quy định của Thông tư và Quy chế liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự đối với những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ hoặc có sai sót gây khó khăn cho công tác thi hành án, khi nhận được trao đổi hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân các cấp đã kịp thời có văn bản sửa chữa, bổ sung, giải thích bản án, quyết định đúng quy định tại Điều 240, Điều 382 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 179 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Một số cơ quan Tòa án đã có sự phối hợp tốt đối với các cơ quan thi hành án dân sự, văn bản trả lời 100% theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự (tính đến 30/9/2017 không còn tồn tại bản án, quyết định cần đính chính, giải thích)
[1]. Năm 2017, số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành đã giảm 31 bản án, quyết định (
so với năm 2016).
- Về phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân các cấp, công tác kiểm sát thi hành án dân sự thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Đây là việc làm thường xuyên và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác thi hành án dân sự.
Thông qua hoạt động này, Viện kiểm sát nhân dân nhìn nhận, đánh giá khách quan những thuận lợi, khó khăn, kết quả đã đạt được, kịp thời chỉ ra những vi phạm, thiếu sót của cơ quan thi hành án dân sự để khắc phục, kiểm điểm, xử lý, rút kinh nghiệm nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra cho đương sự. Đồng thời, công tác phối hợp để giải quyết các vụ việc lớn, phức tạp, các vụ việc phải tổ chức cưỡng chế, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã cử đại diện tham gia họp liên ngành để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao về quan điểm, chủ trương thực hiện. Thông qua kết quả kiểm sát hoạt động thi hành án đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của công dân, đương sự, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong ngành thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao chất lượng công tác thi hành án.
6. Tuy nhiên, tồn tại, hạn chế, vướng mắc, trong
việc quán triệt việc thực hiện thống kê theo Thông tư tuy đã được liên ngành Trung ương quan tâm, chỉ đạo sát sao và đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên còn có một số địa phương, do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phối hợp liên ngành trong thống kê nên đã triển khai chậm. Việc phối hợp cập nhật, đối chiếu số liệu thụ lý việc thi hành án giữa Chấp hành viên và Kiểm sát viên có lúc chưa tốt nên số liệu báo cáo thống kê chưa trùng khớp, vẫn còn sai sót trong báo cáo cho ngành dọc cấp trên.
Về tổ chức thực hiện thống kê theo Thông tư, có địa phương thực hiện chưa nghiêm, chưa ký biểu mẫu thống kê liên tịch gửi về Trung ương (thành phố Hồ Chí Minh chưa kỳ nào thống nhất ký biểu mẫu thống kê liên tịch). Chế độ thống kê của Viện kiểm sát nhân dân quy định kỳ thống kê 12 tháng lấy số liệu từ ngày 01/12 của năm trước đến hết ngày 30/11 của năm báo cáo. Tuy nhiên, đối với chế độ thống kê theo Thông tư thì kỳ báo cáo thống kê năm là kỳ báo cáo thống kê 12 tháng, bắt đầu từ 01/10 năm trước và kết thúc vào ngày 30/9 của năm báo cáo (như vậy là không thống nhất giữa ngành kiểm sát và hai ngành Tòa án và Thi hành án dân sự). Thời gian gửi báo cáo thống kê theo Thông tư và thời gian gửi báo cáo thống kê riêng của Bộ Tư pháp không khớp nhau dẫn đến việc đối chiếu, tiếp ký các biểu thống kê liên ngành gặp khó khăn
(mặc dù Tổng cục thi hành án dân sự đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự chủ động phối hợp với các ngành để ký báo cáo thống kê sớm hơn quy định tại Thông tư cho kịp tổng hợp). Tại Biểu số 03 thống kê “
số bản án, quyết định mà cơ quan thi hành án yêu cầu Tòa án sửa chữa, bổ sung giải thích; kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; yêu cầu xác định phân chia tài sản; yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu kết quả giải quyết của Tòa án…” theo Thông tư, cơ quan thi hành án dân sự có phản ánh, nếu Tòa án nhân dân cấp huyện xử sơ thẩm tuyên đúng, rõ và bản án có hiệu lực thì tổ chức thi hành án bình thường, khi Tòa án nhân dân cấp tỉnh xử phúc thẩm lại tuyên sửa án, nhưng có điểm không rõ có sai sót, cần sửa chữa, đính chính dẫn đến thi hành không được. Trường hợp này ký biểu mẫu thống kê liên ngành thì phải ký thống nhất từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Tòa án nhân dân cấp huyện không đồng ý ký vì cho rằng trách nhiệm này thuộc cấp phúc thẩm phải thống kê ở cấp này. Cũng tại Biểu số 03 nếu các vụ thi hành án dân sự mặc dù chưa có văn bản của Tòa án sửa chữa, giải thích, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong vụ việc (đương sự thỏa thuận, đình chỉ) thì loại ra khỏi thống kê hay giữ lại và để vào cột nào? Thông tư quy định kỳ báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong năm bao gồm 12 kỳ tại Điều 4, như vậy hàng tháng các ngành đều phải tổ chức họp, thống nhất số liệu và tiếp ký các biểu thống kê gây khó khăn cho các ngành vì tổ chức họp liên ngành nhiều, mất nhiều thời gian cho các đơn vị. Vì vậy, các Cục thi hành án dân sự địa phương kiến nghị nên chăng quy định lại kỳ thống kê bao gồm 06 tháng, 10 tháng, 12 tháng của năm để tiện cho các ngành họp, đối chiếu số liệu để thống nhất số liệu chung phục vụ xây dựng báo cáo Quốc hội.
Nguyên nhân chủ quan do nhận thức về mối quan hệ phối hợp giữa các Ngành có lúc chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc; một số nội dung phối hợp chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức về thời gian và nhân lực. Lãnh đạo các đơn vị chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công, nên chưa phát hiện và khắc phục kịp thời những thiếu sót hạn chế nêu trên. Với vai trò là cơ quan chủ trì, đầu mối nhưng công tác quản lý chỉ đạo, điều hành của một số đơn vị thuộc cơ quan thi hành án dân sự chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao; chưa chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan trong công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là trong việc phối hợp để giải quyết những vụ việc trọng điểm, kéo dài; chưa kịp thời báo cáo, xin ý kiến đối với những khó khăn, vướng mắc. Về phương thức phối hợp, một số đơn vị chưa xác định thời gian, cách thức trao đổi, bàn bạc phối hợp; chưa có tính chủ động, chưa bài bản, khoa học, dẫn đến sự phối hợp có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng. Sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo chưa đúng mức trong công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự. Vẫn còn quan niệm cho rằng việc đó là của cơ quan thi hành án dân sự nên chưa tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, kéo dài nhiều năm. Hệ thống thi hành án dân sự các cấp đã được quan tâm, tuy nhiên đội ngũ chấp hành viên vẫn còn thiếu năng lực, trình độ chưa được đồng đều và lực lượng cán bộ, công chức còn thiếu, còn quá tải trong công việc, kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến chưa đảm bảo đáp ứng tình hình lượng án tăng cao và nhiều yếu tố phức tạp hiện nay.
Nguyên nhân khách quan, trong thời gian qua, một số quy định của pháp luật có sự thay đổi, điển hình là Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực từ 01/9/2015 thay thế hoàn toàn các quy định trước đây và một số Thông tư, văn bản hướng dẫn mới được ban hành có nhiều nội dung quy định mới. Đồng thời, các quy định của pháp luật tố tụng và Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 vẫn còn những điểm chưa thống nhất, do vậy, việc thực hiện thống kê liên tịch giữa các ngành của các cấp vẫn còn những hạn chế nhất định. Nền kinh tế có nhiều biến động, thị trường bất động sản chưa có chuyển biến rõ rệt, đồng thời, số việc và tiền thụ lý mới tăng, nhiều vụ việc phức tạp có số thu lớn, liên quan đến đất đai, tranh chấp về tài sản, về quyền sở hữu chung về tài sản, kiện vay nợ... do đó, gây khó khăn trong việc kê biên, xử lý tài sản là bất động sản của người phải thi hành án, dẫn đến phát sinh những khó khăn, vướng mắc phải tổ chức họp liên ngành nhiều lần, nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án. Khối lượng công việc của các ngành Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan thi hành án dân sự ngày càng tăng, trong khi nhân lực, điều kiện bảo đảm chưa đáp ứng kịp thời đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng phối hợp trong công tác thi hành án dân sự.
7. Phương hướng nhiệm vụ cần tiếp tục chỉ đạo các Cục, Chi cục thi hành án dân sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong việc triển khai, thực hiện thống kê liên ngành theo Thông tư trong thời gian tới. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án nói riêng bằng nhiều hình thức để mọi người dân cũng như cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, cơ quan hiểu biết chấp hành và thực hiện tốt pháp luật. Tiếp tục quán triệt đầy đủ nội dung của Thông tư đến các ngành có liên quan, từ đó tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả các nội dung của Thông tư đã đề ra, trong đó chú trọng đến tăng cường, nâng cao chất lượng của công tác phối hợp theo từng nội dung đã đề ra trong Thông tư, phối hợp trên cơ sở tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành; thường xuyên phối hợp xử lý các vướng mắc khó khăn trong công tác thi hành án dân sự đối với những việc án tuyên không rõ, khó thi hành, phức tạp hoặc đương sự có khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, đặc biệt đối với các vụ việc liên quan đến giao tài sản bán đấu giá; tham mưu và báo cáo đầy đủ kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự về những vụ việc phức tạp, khó khăn, vướng mắc (các vụ chưa thống nhất hướng giải quyết) có khiếu nại, bức xúc làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh chính trị tại địa phương. Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết Thông tư để đánh giá kết quả, tồn tại, kịp thời khắc phục hạn chế, đồng thời rà soát sửa đổi, bổ sung những nội dung còn bất cập để phù hợp với quy định mới của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân năm 2014, Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và tình hình thực tiễn để nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự thì Tòa án nhân dân tối cao cần sớm chỉ đạo, xem xét những bản án, quyết định mà cơ quan thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát và Tòa án địa phương đã có văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; trả lời các kiến nghị, yêu cầu giải thích, đính chính bản án, quyết định của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 170 và 179 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014; kịp thời chuyển giao bản án, quyết định có phần chủ động thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự; chỉ đạo Tòa án địa phương tiếp tục đối chiếu số liệu thống kê liên ngành, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc ký biểu mẫu thống kê liên ngành theo đúng kỳ thống kê, đúng quy định của Thông tư. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát thi hành án dân sự, công tác xét xử của Toà án nhằm kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm và thực hiện đúng quy định pháp luật. Từng bước tổ chức kiểm sát việc tuân theo pháp luật, nhất là đối với người phải thi hành án, người được thi hành án và những cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến việc thi hành án dân sự theo Điều 28 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; sớm chỉ đạo, xem xét, giải quyết đối với các đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xem xét lại các bản án, quyết định của Tòa án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tăng cường kiểm sát thường xuyên, chặt chẽ việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án có phần chủ động thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự; chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc ký biểu mẫu thống kê liên ngành theo đúng kỳ thống kê. Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương phối hợp với cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đối chiếu, so sánh số liệu thống kê liên ngành đảm báo số liệu thống nhất giữa các ngành phục vụ xây dựng báo cáo Quốc hội hàng năm.