Nội dung cơ bản của Kết quả pháp điển đề mục thi hành án dân sự

31/01/2018


1. Giới thiệu về Bộ pháp điển
Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đang đặt ra như: Hệ thống pháp luật còn phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, với nhiều chủ thể ban hành và số lượng có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Pháp lệnh pháp điển được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước ở Trung ương, trong một thời gian nhất định và theo một trình tự, thủ tục thống nhất, tiến hành rà soát, tập hợp các quy phạm pháp luật hiện hành ở cấp Trung ương, sắp xếp các quy phạm pháp luật đó theo một trật tự với bố cục logic, hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển. Theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh pháp điển, cấu trúc của Bộ pháp điển đang được xây dựng gồm 45 chủ đề được đánh số thứ tự từ số 1 đến số 45, trong đó, mỗi chủ đề chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục, mỗi đề mục chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục. Trên cơ sở đó, ngày 06/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục.
2. Quá trình thực hiện pháp điển đề mục thi hành án dân sự
Theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp được phân công thực hiện pháp điển nhiều đề mục, trong đó có đề mục thi hành án dân sự (đề mục số 2, thuộc chủ đề số 30). Ngày 03/12/2015, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện pháp điển đối với đề mục thi hành án dân sự kèm theo Quyết định số 2136/QĐ-BTP. Tuy nhiên, do thời điểm đó, công tác xây dựng thể chế về thi hành án dân sự mà trọng tâm là Luật thi hành án dân sự đang được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Và trong hai năm 2016 - 2017, các văn bản hướng dẫn chi tiết, thi hành Luật thi hành án dân sự (sửa đổi) mới cơ bản được ban hành đầy đủ nên từ tháng 3/2017, Tổng cục Thi hành án dân sự mới bắt đầu thực hiện pháp điển đề mục này.
Quá trình thực hiện, Tổng cục Thi hành án dân sự đã rà soát, thu thập và lập Danh mục các văn bản QPPL để pháp điển; trình Lãnh đạo Bộ có Công văn lấy ý kiến của các Bộ, ngành và đơn vị liên quan đối với Danh mục văn bản; Công văn đề nghị một số Bộ liên quan thực hiện pháp điển theo thẩm quyền đối với các nội dung liên quan đến đề mục thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã hoàn thiện dự thảo Kết quả pháp điển theo quy định.
Ngày 20/9/2017, Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp đã tiến hành họp để đánh giá dự thảo Kết quả pháp điển đề mục thi hành án dân sự và ngày 24/10/2017, Bộ Tư pháp đã ký kết quả pháp điển số 4891/KQPĐ-BTP. Ngày 16/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ và 28 đề mục, trong đó có đề mục thi hành án dân sự.
3. Nội dung cơ bản của đề mục thi hành án dân sự
Trong quá trình pháp điển, đề mục thi hành án dân sự được đánh giá là một trong những đề mục phức tạp, số lượng văn bản QPPL lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là những đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự. Đề mục thi hành án dân sự bao gồm 26 văn bản có nội dung thuộc đề mục và khoảng trên 30 văn bản có nội dung liên quan. Đề mục thi hành án dân sự có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Tại đề mục này, trên cơ sở hướng dẫn của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và ý kiến của Hội đồng thẩm định, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện bổ sung thêm Chương IX - Quy định hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự (bao gồm các quy định tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự ngày 17/06/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) và Chương X - Quy định hướng dẫn chế độ báo cáo, thống kê thi hành án dân sự (bao gồm các quy định tại: Thông tư 01/2013/TT-BTP hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự ngày 03/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Thông tư số 01/2016/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự ngày 31/05/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao) vào cấu trúc đề mục do tính chất độc lập tương đối so với các chương, mục khác của Luật thi hành án dân sự.
Kết quả pháp điển đề mục thi hành án dân sự được Chính phủ phê duyệt và đưa vào sử dụng công khai có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện và áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự, như: Tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu; thỏa mãn nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự; góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật thi hành án dân sự và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự. 
Nguyễn Thị Kim Quy
Vụ Nghiệp vụ 3 - TCTHADS