1. Một số kết quả thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính nổi bật 06 tháng đầu năm 2019 (Từ ngày 01/10/2018 đến hết ngày 31/3/2019)
1.1. Kết quả thi hành án dân sự
Trong 06 tháng đầu năm 2019, các cơ quan THADS đã thụ lý là 660.281 việc, tăng 25.083 việc (3,94%) so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số phải thi hành là 654.939 việc
[1], trong đó: số có điều kiện thi hành là 457.824 việc; số chưa có điều kiện thi hành là 197.115 việc. Kết quả: Thi hành xong
[2] 243.028 việc (tăng 1.258 việc), đạt tỉ lệ 53,08%.
- Về tiền, tổng số thụ lý là 197.044 tỷ 172 triệu 170 nghìn đồng, tăng 34.091 tỷ 576 triệu 404 nghìn đồng (20,92%) so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số phải thi hành là 190.529 tỷ 873 triệu 610 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 110.886 tỷ 289 triệu 664 nghìn đồng; số chưa có điều kiện thi hành là 79.643 tỷ 583 triệu 946 nghìn đồng. Kết quả: Thi hành xong
[3] 18.445 tỷ 231 triệu 363 nghìn đồng (tăng 6.372 tỷ 623 triệu 510 nghìn đồng), đạt tỷ lệ 16,63%
.
1.2. Kết quả theo dõi thi hành án hành chính
Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho cơ quan THADS 1.057 bản án, quyết định, trong đó có 859 bản án, quyết định không có nội dung phải theo dõi
[4] và 415 bản án, quyết định có nội dung theo dõi
[5]. Các cơ quan THADS đã ra văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với
365 việc; đăng tải công khai
101 Quyết định buộc THAHC của Tòa án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án
152 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý đối với 30 trường hợp do vi phạm nghĩa vụ thi hành án.
1.3. Công tác xây dựng đề án, văn bản
Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS
[6]. 06 tháng đầu năm 2019, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 18/TT-BTP ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2017/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức THADS; hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án giải quyết việc THADS chưa có điều kiện thi hành đã tồn đọng trong nhiều năm; hiện đang tập trung xây dựng 01 Nghị định
[7], 01 Chỉ thị
[8] và 02 Thông tư
[9] nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như tiếp tục tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc cho công tác THADS, theo dõi THAHC. Bên cạnh đó, công tác ban hành các quy chế, quy trình nội bộ trong Hệ thống THADS tiếp tục được quan tâm chú trọng, hoàn thiện.
1.4. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
Các cơ quan THADS trên toàn quốc đã vận hành Cổng, Trang thông tin điện tử THADS; tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, hỗ trợ nộp đơn trực tuyến thi hành án; rà soát, công bố thủ tục hành chính, niêm yết thủ tục hành chính tại cơ quan; tăng cường sử dụng văn bản điện tử; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo trực tuyến; thường xuyên cập nhật đăng tải thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo lần 2, thông tin về việc không chấp hành án hành chính trên Cổng/Trang Thông tin điện tử THADS. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong THADS qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đến nay đã có 48/63 địa phương đã phối hợp với Bưu điện ký thỏa thuận hợp tác.
Bộ Tư pháp đã chú trọng triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Hệ thống, tiến tới đáp ứng theo yêu cầu “Chính phủ điện tử”, trong đó tập trung rà soát, đánh giá chức năng phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS; tập trung xây dựng, hoàn thiện Phần mềm quản lý cán bộ THADS, Phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, Phần mềm hỗ trợ trực tuyến THADS, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, minh bạch hóa công tác THADS, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hệ thống THADS phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, cụ thể:
- Điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành án; người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam không có tài sản để thi hành án; số lượng tài sản kê biên lớn, đa dạng, thuộc nhiều chủng loại khác nhau, thậm chí một số tài sản có đặc thù trong xử lý, không tìm được tổ chức có đủ năng lực để thẩm định giá; một số tài sản chưa có quy định thủ tục xử lý; tài sản kê biên có tình trạng pháp lý không rõ ràng, chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong quá trình xử lý; việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn.
- Mặc dù, trong những năm gần đây các tổ chức tín dụng đã chặt chẽ hơn trong giai đoạn thẩm định cho vay, nhưng các vụ việc cũ và một số vụ việc mới vẫn tiếp tục gặp một số khó khăn do tài sản bảo đảm đảm không đúng với thực tế tài sản; thủ tục nhận thế chấp chưa bảo đảm; giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế tài sản; nhận thế chấp trên giấy tờ, đến giai đoạn thi hành án không có hoặc nhận thế chấp mà tài sản là động sản đến giai đoạn thi hành án thì động sản không còn hoặc hết giá trị sử dụng; nhận thế chấp đối với tài sản là quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất là nhà tĩnh nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, có mồ mả trên đất. Một số tổ chức tín dụng chưa tích cực trong việc cung cấp văn bản xác định nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, dẫn đến việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, Công ty mua bán nợ gặp nhiều khó khăn.
- Còn tâm ý “e ngại” của người dân khi mua tài sản kê biên, bán đấu giá dẫn đến nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được dẫn đến thời gian thi hành án kéo dài. Mặt khác, nhiều vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản do có tranh chấp về tài sản bán đấu giá, khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá,...
- Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trốn tránh, chây ỳ, thậm chí chống đối quyết liệt việc thi hành án dẫn đến cơ quan THADS phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nhiều trường hợp, đương sự lợi dụng quyền công dân, phương tiện thông tin đại chúng để khiếu nại, tố cáo nhiều lần, khiếu nại vượt cấp, gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành với nội dung không chính xác để kéo dài tiến độ giải quyết án, trong khi pháp luật mới chỉ quy định chế tài đối với hành vi cố tình tố cáo sai sự thật, còn đối với hành vi khiếu nại không có căn cứ để trì hoãn hoặc gây rối quá trình thi hành án thì chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý.
- Quy trình, thủ tục thi hành án còn chưa thực sự được tinh gọn, Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và một số văn bản hướng dẫn thi hành qua 04 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, gây khó khăn cho công tác THADS như: quy định về ủy thác thi hành án, xác định việc chưa có điều kiện thi hành, về bán đấu giá tài sản, kê biên quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
- Qua rà soát, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ như về nghĩa vụ nộp thuế khi bán đấu giá tài sản; nghĩa vụ nộp án phí theo bản án, quyết định của Tòa án
.
- Cơ chế THAHC theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP là cơ chế tự thi hành, do đó, đối với những trường hợp bản án, quyết định bị chậm hoặc không được tổ chức thi hành vẫn chưa có những cơ chế cụ thể, đủ mạnh để thực hiện những biện pháp cưỡng chế THAHC đối với người phải thi hành án.
3. Trong 06 tháng cuối năm 2019, Hệ thống THADS quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả công tác THADS, theo dõi THAHC, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trên đây là thông tin Tổng cục THADS cung cấp liên quan đến một số kết quả công tác THADS, theo dõi THAHC 06 tháng đầu năm 2019. Trong thời gian tới, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Tổng cục THADS rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành; đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc chia sẻ những khó khăn của Hệ thống THADS, tiếp tục tăng cường truyền thông về lĩnh vực THADS, THAHC qua đó góp phần nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức đối với việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án; lên án, phê phán hiện tượng chây ỳ, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án; tạo sự quan tâm, đồng thuận của xã hội đối với công tác thi hành án./.
TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ