Đề án được xây dựng trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo: (1) Bám sát quy định của Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, Quyết định số 27/QĐ-BTP ngày 05/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về ban hành quy trình phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống THADS. (2) Đảm bảo gắn kết hiệu quả công tác truyền thông với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó phát huy mối quan hệ phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan truyền thông, các cơ quan có liên quan theo các chương trình phối hợp. (3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, rà soát, xử lý thông tin liên quan đến hoạt động THADS, THAHC.
Mục tiêu chung của Đề án là: Tăng cường các hoạt động truyền thông về lĩnh vực THADS, THAHC bảo đảm việc thông tin chính thống, rộng rãi, thường xuyên, đa dạng; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS với các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, cơ quan truyền thông, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; nâng cao năng lực, hiệu quả công tác cung cấp, xử lý thông tin báo chí trong toàn Hệ thống THADS.
Theo đó, Đề án đã xác định rõ 05 nội dung trọng tâm truyền thông trong lĩnh vực THADS, THAHC giai đoạn 2020 - 2022, gồm: (1) Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác THADS; mục đích ý nghĩa của công tác THADS trong việc góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng như phát triển kinh tế - xã hội. (2) Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và cá nhân trong quá trình thi hành án; lên án, phê phán hiện tượng chây ỳ, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án, từ đó hạn chế số vụ việc phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. (3) Thông tin về những nỗ lực của các cơ quan, công chức THADS trong việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao như: thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến, thực hiện dịch vụ bưu chính công ích,... qua đó, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. (4) Thông tin về những khó khăn, vướng mắc khách quan kéo dài thời gian thi hành án, cần phải có sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền, các cấp, các ngành để kịp thời tháo gỡ, đồng thời, tạo sự thông cảm, chia sẻ của dư luận xã hội đối với công tác THADS. (5) Chia sẻ những kinh nghiệm hay, những giải pháp đột phá của một số cơ quan THADS để nhân rộng trong toàn Hệ thống.
Đề án cũng đề ra 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: (1) Xây dựng, phát triển hệ thống truyền thông thường xuyên trong lĩnh vực THADS, THAHC; (2) Tăng cường phối hợp với một số nhà khoa học, chuyên gia có uy tín về lĩnh vực THADS, THAHC để tăng cường các bài viết, chuyên đề chuyên sâu hoặc trả lời phỏng vấn, bình luận về công tác THADS, THAHC; (3) Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về THADS, THAHC; (4) Tăng cường việc thực hiện quy trình phát ngôn, cung cấp, xử lý thông tin báo chí; (5) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông, báo chí trong lĩnh vực THADS, THAHC.
Trên cơ sở đó, Đề án đã xác định rõ các nhóm giải pháp và phân công tổ chức thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Có thể nói, Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong lĩnh vực THADS, THAHC giai đoạn 2020-2022” được ban hành đã góp phần tích cực nâng cao, phát huy vai trò của truyền thông với ý nghĩa là công cụ chính trị - tư tưởng trong hoạt động quản lý của Bộ Tư pháp đối với lĩnh vực này; khẳng định vị trí, vai trò của THADS, THAHC trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp cũng như thực thi bản án có hiệu lực của tòa án, tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội, bảo đảm pháp chế, pháp quyền XHCN.
Văn phòng Tổng cục