Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa: “Để thi hành án hiệu quả, hoạt động tiền tố tụng phải vào cuộc từ đầu”

25/10/2021
(PLVN) - Đây là một trong những kiến nghị được Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV đưa ra nhằm nâng cao hơn nữa kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS) trong thời gian tới.

Trong hai ngày 23 và 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án.
Bên lề phiên họp, phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn Đại biểu QH Bùi Mạnh Khoa (Đoàn Thanh Hóa), nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa về một số nội dung liên quan đến công tác thi hành án dân sự đang được nhiều người dân quan tâm.
Các cơ quan THADS đã rất nỗ lực
PV: Ông đánh giá về kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2021 thể hiện qua Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp?
Ông Bùi Mạnh Khoa: Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, tôi đồng ý với nhiều nội dung được nêu trong các báo cáo về công tác thi hành án dân sự năm 2021.
Tôi đánh giá cao việc Chính phủ trên cơ sở kết luận số 84 ngày 29/7/2021 của Bộ chính trị về chiến lược cái cách tư pháp đến năm 2020 đã có nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho công tác Thi hành án dân sự, Thi hành án hành chính.
Về mặt thể chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu trình Quốc hội “Luật sửa đổi bổ sung một số điều của một số Luật” và trong đó có sửa đổi một số điều của Luật Thi hành án dân sự để tháo gỡ các khó khăn trong công tác thi hành án dân sự, như việc ủy thác thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, rút ngắn thời gian và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Như chúng ta đã thấy, trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp như vậy nhưng hệ thống các cơ quan thi hành án đã giải quyết được gần 500 nghìn việc, đạt tỷ lệ trên 75 % và đã thi hành xong trên 46 nghìn tỷ đồng đạt tỷ lệ trên 31%.
Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự cũng như sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ công chức hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước.
PV: Ngành THADS đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng rõ ràng vẫn còn có những băn khoăn của người dân về kết quả thi hành án, thưa ông?
Ông Bùi Mạnh Khoa: Mặc dù hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng trong thực thi công vụ nhưng kết quả thi hành về việc và về tiền vẫn còn thấp so với yêu cầu.Tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn đang tiếp diễn. Đó cũng là những hạn chế đòi hỏi cả hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự phải khắc phục triệt để mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhiều trụ sở cơ quan THADS đã xuống cấp, cần được đầu tư
PV: Từ những nhận định này, ông có kiến nghị gì với Chính phủ, với Bộ Tư pháp nhằm nâng cao kết quả công tác THADS không, thưa ông?
Ông Bùi Mạnh Khoa: Đối với Chính phủ, Bộ Tư pháp, tôi đề nghị cần tiếp tục sửa đổi theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng thủ tục rút gọn.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
Hiện nay nhiều trụ sở cơ quan thi hành án dân sự ở cấp chi cục chưa được đầu tư xây dựng, hoặc đã được đầu tư xây dựng nhưng nằm trong khuôn viên của UBND hoặc cơ quan khác, rất khó khăn cho quá trình giải quyết công việc. Tình trạng trụ sở xuống cấp chưa được nâng cấp, cải tạo làm mất mỹ quan cũng như điều kiện làm việc của cán bộ công chức THADS.
Bên cạnh đó cũng có tình trạng không có kho vật chứng hoặc có nhưng diện tích quá nhỏ, không đủ diện tích, chưa đáp ứng được yêu cầu diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết; vật chứng phải để ngoài hành lang trụ sở và thuê nhà dân vẫn còn diễn ra. Tình trạng không có xe chuyên dùng phục vụ công tác cưỡng chế diễn ra ở hầu hết các Chi cục …
Những khó khăn này ảnh hưởng không ít tới chất lượng hoạt động của lực lượng THADS và nếu thực sự quan tâm, tôi nghĩ có thể giải quyết được.
Vào cuộc từ đầu, phong toả ngay tài khoản
PV: Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác THADS cũng rất quan trọng. Ông có kiến nghị gì đối với các cấp, các ngành trong việc phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS?
Ông Bùi Mạnh Khoa: Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Có thể nói đây là lần đầu tiên có một Chỉ thị quan trọng về lĩnh vực này, đã tạo ra sự thay đổi căn bản nhận thức về vị trí vai trò, tầm quan trọng của công tác thi hành án, cũng như trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ quan trọng này.
Vì vậy, tôi kiến nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là các hoạt động tiền tố tụng, các cơ quan tố tụng với chức trách, nhiệm vụ của mình cần phải vào cuộc ngay từ đầu. Trong đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp. Cần kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Toà án các cấp cũng cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong toả; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Cơ quan thi hành án dân sự kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong toả, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án như Chỉ thị đã yêu cầu.
PV: Nhiều cán bộ THADS phản ánh, địa phương nào quan tâm thì công tác THADS rất thuận lợi, ngược lại, công tác THADS sẽ gặp không ít khó khăn. Ông có cho rằng lãnh đạo các địa phương cũng cần vào cuộc, đồng hành với công tác THADS?
Ông Bùi Mạnh Khoa: Tôi luôn cho rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm đến công tác thi hành án dân sự, phải xem đây là hai mặt của một vấn đề. Nếu an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định thì kinh tế - xã hội phát triển và nếu cấp ủy chính quyền đia phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Do đó, tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân các tỉnh cần tăng cường chỉ đạo hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự sao cho hoạt động của Ban Chỉ đạo thực sự hiệu lực, hiệu quả.
Nếu tất cả những vụ việc khó khăn, phức tạp đều được Ban chỉ đạo thi hành án vào cuộc từ sớm, giải quyết kịp thời chắc chắn nhiều vướng mắc sẽ được tháo gỡ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Thuý - Hà Dung (thực hiện)
Nguồn: baophapluat.vn