Trọng tâm, trọng điểm trong thi hành án về tín dụng, ngân hàng

26/11/2021
Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tại hội nghị triển khai công tác của Bộ nhấn mạnh: Toàn hệ thống thi hành án dân sự vừa thích ứng an toàn, tập trung thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, làm tốt công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, vừa tiếp tục hoàn thiện thể chế, có giải pháp đối với những vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn.

Theo số liệu mới nhất, năm 2021, trong bối cảnh đất nước chịu tác động tiêu cực, khó lường trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội do đại dịch, với quyết tâm, nỗ lực của ngành tư pháp và sự chung tay phối hợp của các ngành, địa phương, hệ thống thi hành án dân sự thi hành gần 500 nghìn vụ việc, số tiền thi hành được hơn 45 nghìn tỷ đồng (chưa tính kết quả thi hành án dân sự trong quân đội), số tiền thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng lên đến 18 nghìn tỷ đồng. 
Xử lý nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp
Yêu cầu đặt ra đối với nhiều vụ việc rất khó khăn, phức tạp, kéo dài, gây bức xúc dư luận cần khẩn trương được giải quyết, bảo đảm khách quan, đúng trình tự quy định của pháp luật. Ðặc biệt, tình hình và kết quả thi hành án các vụ việc liên quan tổ chức tín dụng, ngân hàng luôn là vấn đề thời sự. Theo số liệu thống kê năm 2021 đến nay, cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành cho 41 tổ chức tín dụng trong nước; năm ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; bốn ngân hàng liên doanh tại Việt Nam. Tổng số phải thi hành án tín dụng ngân hàng là 36.215 việc, tương ứng với hơn 125.875 tỷ đồng (chiếm 4,30% về việc, 43,98% về tiền so với tổng số phải thi hành toàn quốc).
Nhìn nhận và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng và nặng nề trong lĩnh vực này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quang Thái cho biết: Mặc dù số việc phải thi hành chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng số tiền trong các vụ việc liên quan tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ cao trong số tiền phải tổ chức thi hành án toàn hệ thống. Ðại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong toàn quốc, nhất là các nơi "tâm dịch" như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An, Bình Dương… khiến các tác nghiệp của chấp hành viên, từ việc xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với đương sự để xác minh, kê biên, xử lý tài sản, đến tổ chức cưỡng chế giao tài sản bán đấu giá bị hạn chế, quá trình tổ chức thi hành án bị gián đoạn. "Việc hoàn thành chỉ tiêu thi hành án tín dụng, ngân hàng năm 2021 thật sự là thách thức đối với toàn bộ hệ thống cơ quan thi hành án dân sự", Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái nói.
Tầm quan trọng của việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là không chỉ góp phần tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cải thiện được thanh khoản, mở rộng tín dụng hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; mà còn góp phần nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ.
Ðược biết, từ đầu năm đến nay lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tăng cường tổ chức kiểm tra, chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự tại các địa phương nhằm tạo chuyển biến lớn về nhận thức, tinh thần trách nhiệm của chấp hành viên đối với công tác xử lý nợ xấu. Mặt khác, tham mưu xây dựng Ðề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh thương mại trình Chính phủ nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả thiết chế thực thi phán quyết giải quyết tranh chấp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, trong đó đẩy mạnh công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng.
Ðể rút ngắn thời gian, giảm bớt chi phí và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, góp phần tăng tỷ lệ thi hành án về tiền nói chung, thu hồi nợ xấu nói riêng, Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu trình Chính phủ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật (trong đó có Luật Thi hành án dân sự), mục tiêu đề ra để giải quyết rốt ráo, đạt hiệu quả cao nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế xử lý tài sản thi hành án khi người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi. Năm 2021, mặc dù số tiền phải thi hành cho các tổ chức tín dụng tương đối lớn, nhưng kết quả thi hành đạt tỷ lệ cao, như: Bình Dương (67,69%), Long An (41,80%); Quảng Nam (76,44%)...
Một vấn đề được Bộ Tư pháp cũng như các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chú ý trong số liệu báo cáo tổng kết vừa qua là kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng năm 2021 có giảm so với cùng kỳ năm 2020 (thấp hơn 3,97% về việc, 6,41% về tiền), chưa đáp ứng yêu cầu; tiến độ thi hành án còn kéo dài mặc dù người phải thi hành án có điều kiện thi hành (89 việc, gần 4.663 tỷ đồng).
Giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, đó là hiện nay chưa có quy định về: ủy thác xử lý đồng thời tài sản ở nhiều địa phương khác nhau để thi hành án; thủ tục xử lý tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng theo Luật Ðất đai; việc công chứng khi kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận mà thuộc diện được cấp. Khó khăn, vướng mắc khác từ thực tiễn là khi áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội liên quan quy định về thuế, phí, án phí, hạn chế kê biên xử lý tài sản cầm cố thế chấp trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành, tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ thi hành án...
Thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tư pháp nhấn mạnh việc cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra trực tiếp, trọng điểm là án tín dụng, ngân hàng giá trị lớn, chậm tổ chức thi hành. Cần tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp của Tổng cục đối với Cục và Cục đối với Chi cục tại những địa bàn nhiều án tín dụng, ngân hàng giá trị lớn, chậm tổ chức thi hành, đặc biệt chú ý các vụ việc có điều kiện, hơn 20 tỷ đồng, ba năm chưa thi hành xong chiếm tỷ lệ về việc rất nhỏ nhưng tỷ lệ về tiền khá lớn; trong đó các việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo chiếm tỷ lệ về tiền khoảng 45%. Việc kiểm tra phải đúng quy trình, có chất lượng; sau kiểm tra phải có kết luận cụ thể và theo dõi sát sao tình hình thực hiện; có kết quả đánh giá việc thực hiện và hiệu quả của việc thực hiện gắn với công tác cán bộ.
Về nội dung trọng tâm trong năm 2022, về hoàn thiện quy định pháp luật, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp các đơn vị có liên quan tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14; đề xuất các nội dung liên quan việc hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu; nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện một số luật liên quan. Trước mắt, hoàn thiện Ðề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh thương mại báo cáo lãnh đạo Bộ trình Chính phủ, nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả thiết chế thực thi phán quyết giải quyết tranh chấp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, trong đó có các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Trong việc thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế tài sản nên sau khi xử lý hết tài sản bảo đảm chỉ thu hồi được một phần nhỏ so với hợp đồng thế chấp, hoặc giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua…
NGUYỄN XUÂN TÙNG
Cục trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên
Thi hành án dân sự là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhưng có vai trò rất quan trọng bảo đảm cho "công lý phải được thực thi đến cùng". Trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, các vụ án của tổ chức tín dụng, lượng tiền phải thi hành rất lớn, trong khi tài sản bị đương sự tẩu tán, việc xác minh, kê biên tài sản phải thi hành rất khó khăn...
NGUYỄN DUY GIẢNG
Phó Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao
VĂN NGHIỆP CHÚC
 Nguồn: nhandan.vn