Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội ban hành Kế hoạch giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính

17/03/2022
Ngày 22/2/2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 388/NQ-UBTP15 về việc thành lập Đoàn giám sát và Kế hoạch số 389/KH-UBTP15 giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”.


Mục đích của của việc giám sát chuyên đề nêu trên là nhằm: (1) Xem xét, đánh giá thực trạng tổ chức thực hiện và việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân; kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; nêu những bất cập về cơ chế, chính sách và pháp luật; kiến nghị những giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan; (2) Đánh giá kết quả của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đã nêu trong Báo cáo số 1516/BC-UBTP14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Tư pháp; (3) kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm tuân thủ pháp luật trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính.
Theo Kế hoạch số 389/KH-UBTP15, các đối tượng giám sát bao gồm: (1) Các cơ quan ở Trung ương (Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp) và các cơ quan ở địa phương (Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà  Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Dương, Kiên Giang, Đồng Tháp; Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh).
Đồng thời, theo Kế hoạch số 389/KH-UBTP15 thì thời gian giám sát, đánh giá trong 03 năm: 2019, 2020 và 2021 (từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/9/2021) với nội dung giám sát cụ thể gồm những nội dung chính như sau:
Một là, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015: (1) Tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 của cơ quan chịu sự giám sát liên quan đến việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính; (2) Đánh giá kết quả, chất lượng văn bản đã ban hành; những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác ban hành văn bản hướng dẫn.
Hai là, việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân: (1) Thực trạng chấp hành pháp luật trong ban hành các quyết định hành chính, thực hiện các hành vi hành chính; thực trạng tham gia tố tụng hành chính; (2) Thực trạng chấp hành pháp luật trong giải quyết, xét xử các vụ án hành chính; (3) Thực trạng chấp hành pháp luật trong thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; (4) Thực trạng chấp hành pháp luật trong kiểm sát việc giải quyết, xét xử các vụ án hành chính và trong kiểm sát việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án; (5) Đánh giá việc thực hiện các kiến nghị đã nêu trong Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp năm 2018 (Báo cáo số 1516/BC-UBTP14 ngày 26/9/2018).
Ngày 03/3/2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1362/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 388/NQ-UBTP15, theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp: (1) xây dựng báo cáo của Chính phủ theo đề cương yêu cầu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại Phụ lục số 01 kèm theo Kế hoạch giám sát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2022, (2) thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo, dự họp, giải trình với Đoàn giám sát. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã ký Công văn số 725/BTP-TCTHADS ngày 11/3/2022 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện một số nội dung, kèm theo Biểu mẫu để lấy số liệu, làm cơ sở xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ. Theo đó, Báo cáo được xây dựng theo các nội dung nêu tại phụ lục số 1 của Kế hoạch giám sát số 389/KH-UBTP15; trong đó, cung cấp số liệu, có đánh giá chi tiết đối với các nội dung về: (1) thực trạng các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp bị khiếu kiện; (2) thực trạng chấp hành pháp luật trong việc giải quyết vụ án hành chính; (3) thực trạng chấp hành pháp luật trong việc thi hành án hành chính; (4) trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án; (5) việc khắc phục các tồn tại, hạn chế và thực hiện các kiến nghị thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân đã được nêu tại Báo cáo số 1516/BC-UBTP14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cụ thể như: việc phối hợp với Tòa án trong việc cung cấp thông tin, chứng cứ cho Tòa án trong giải quyết vụ án hành chính; tình hình Chủ tịch Ủy ban nhân dân, người đại diện của Ủy ban nhân dân tham gia đối thoại, tham gia phiên Tòa theo Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; việc thi hành các bản án hành chính còn tồn đọng qua nhiều năm nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thi hành án…; (6) Kiến nghị hoàn thiện pháp luật (nếu có) và các giải pháp nâng cao chất lượng thi hành pháp luật.
Đối với Bộ Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự (THADS) các tỉnh, thành phố được giám sát: Theo Kế hoạch số 389/KH-UBTP15, Bộ Tư pháp được giao xây dựng báo cáo theo yêu cầu tại Phụ lục số 4 của Đề cương và gửi đến Đoàn giám sát (qua Ủy ban Tư pháp) trước ngày 15/5/2022 (tại mục 1.4 phần IV), 15 Cục THADS các tỉnh, thành phố được giao xây dựng báo cáo theo yêu cầu tại Phụ lục số 10 của Đề cương và gửi đến Đoàn giám sát (qua Ủy ban Tư pháp) trước ngày 31/3/2022 (tại mục 1.7 phần IV). Để đảm bảo thực hiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với Bộ Tư pháp và Cục THADS ) các tỉnh, thành phố được giám sát, Tổng cục THADS đã ký Công văn số 717/TCTHADS-NV3 ngày 11/3/2022 yêu cầu các Cục THADS thực hiện một số nội dung nhằm phục vụ Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Theo đó, Tổng cục THADS đã yêu cầu các Cục THADS: (1) Thực hiện và chỉ đạo các Chi cục THADS trực thuộc thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án; (2) Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp nghiêm chỉnh thi hành hoặc chỉ đạo các cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý là người phải thi hành án nghiêm chỉnh thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; (3) Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân cùng cấp, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trên địa bàn trong việc tổng hợp, thống kê số liệu (Biểu mẫu kèm theo) và xây dựng báo cáo liên quan đến việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân; (4) khẩn trương phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu, báo cáo đề xuất đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công Sở Tư pháp chủ trì xây dựng báo cáo của Ủy ban nhân dân theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 1362/VPCP-V.I ngày 03/3/2022. 
  Ngoài ra, tại Công văn số 717/TCTHADS-NV3, Tổng cục THADS đã có những yêu cầu cụ thể đối với Cục THADS các tỉnh, thành phố nơi Đoàn giám sát trực tiếp làm việc (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng) và 12 Cục THADS các tỉnh Đoàn giám sát yêu cầu gửi báo cáo, ngoài việc thực hiện các nội dung nêu trên, cần thực hiện nghiêm túc các nội dung: (1) Chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng các nội dung báo cáo theo yêu cầu tại Phụ lục số 10 của Đề cương và gửi đến Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội trước ngày 31/3/2022. Đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất, đề nghị các Cục THADS cần tập trung kiến nghị, đề xuất với Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội những nội dung lớn, mang tính phổ quát, cần thiết để Đoàn giám sát nắm bắt, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, hướng dẫn chung trong phạm vi toàn quốc và trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (2) Báo cáo của Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo yêu cầu tại Phụ lục số 10 của Đề cương gửi Đoàn giám sát phải do Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký ban hành; (3) Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Đoàn giám sát tiến hành giám sát chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tổng cục THADS về việc chuẩn bị báo cáo, hồ sơ tài liệu và các điều kiện cần thiết khác phục vụ Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS