Một số điểm mới cơ bản trong quy định pháp luật về xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự

12/07/2022
Ngày 30/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BTP quy định quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự (sau đây gọi là Thông tư số 13/2021/TT-BTP), thay thế cho Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự. Thông tư mới có những quy định được sửa đổi, bổ sung và quy định mới với mục đích nhằm hạn chế một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư số 02/2016/TT-BTP và từ thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS; đồng thời, đảm bảo phù hợp, thống nhất với các quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo có liên quan đến THADS.


1. Đối với các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại
1.1. Vấn đề tiếp nhận và xử lý đơn
1.1.1. Về việc xử lý đơn khiếu nại
 Bổ sung quy định về việc xử lý đơn thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp trên
Thông tư số 02/2016/TT-BTP chỉ quy định về trường hợp xử lý đơn khi cơ quan THADS cấp trên tiếp nhận đơn thư thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS cấp dưới mà chưa hướng dẫn cụ thể trường hợp ngược lại thì xử lý như thế nào. Do đó, dẫn đến tình trạng các cơ quan THADS lúng túng, xử lý đơn không thống nhất, nhiều trường hợp làm ảnh hưởng đến thời hiệu yêu cầu của đương sự, trong khi thực tế họ đã thực hiện việc khiếu nại theo quy định pháp luật.
Để đảm bảo quyền của người khiếu nại, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã bổ sung quy định về trường hợp xử lý đơn mà cơ quan THADS cấp dưới nhận được đơn thuộc thẩm quyền của cấp trên và sửa đổi hướng xử lý đơn cho cả hai trường hợp nhận được đơn thuộc thẩm quyền cấp trên và cấp dưới thống nhất theo hướng: Trường hợp đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự khác thì chuyển cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để giải quyết theo quy định và thông báo cho người khiếu nại biết.
1.1.2 Các trường hợp lưu đơn
Ngoài việc giữ nguyên các trường hợp lưu đơn đã được quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư số 02/2016/TT-BTP, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã tiếp thu một số quy định của Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh các trường hợp đơn khiếu nại không được xem xét, giải quyết và lưu đơn.
 Ngoài ra, đối với quy định lưu đơn do “đơn đã mời người khiếu nại hai lần để xác định nội dung khiếu nại, yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nhưng người khiếu nại không đến, không cung cấp theo yêu cầu mà không có lý do” của Thông tư số 02/2016/TT-BTP chưa chặt chẽ, dẫn đến một số cơ quan THADS lạm dụng quy định này để không xem xét, giải quyết đơn của người khiếu nại dẫn đến người khiếu nại bức xúc có đơn thư, vượt cấp, còn cơ quan THADS thì viện dẫn lý do đã thực hiện đúng thủ tục theo quy định để lưu đơn. Khắc phục tình trạng này, Thông tư số 13/2021/TT-BTP sửa đổi nội dung trên theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn, như sau đơn không xác định rõ người bị khiếu nại, hành vi bị khiếu nại mà đã mời người khiếu nại hợp lệ hai lần để xác định nội dung khiếu nại hoặc đã có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nhưng người khiếu nại không đến, không cung cấp theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì lưu đơn”.
Thông tư số 13/2021/TT-BTP cũng quy định mới về thời hạn xem xét việc lưu đơn và tiêu hủy đơn là 01 năm trên cơ sở tiếp thu quy định của Thông tư số 05/2021/TT-TTCP.
1.1.3. Trình tự, thủ tục giải quyết việc không thụ lý đơn khiếu nại của cơ quan THADS
Thực tiễn phân loại đơn trong hệ thống các cơ quan THADS có rất nhiều đơn khiếu nại về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng các cơ quan THADS. Trước đó, đương sự đã khiếu nại hành vi, quyết định của Thủ trưởng hoặc Chấp hành viên cơ quan THADS nhưng cơ quan THADS ban hành văn bản hoặc thông báo không thụ lý khiếu nại (vì lý do: không đủ điều kiện thụ lý để giải quyết khiếu nại theo quy định của Điều 141 Luật Thi hành án dân sự và Điều 11 Luật Khiếu nại). Việc các cơ quan THADS không thụ lý giải quyết khiếu nại mới chỉ là phương thức giải quyết về mặt thủ tục, không giải quyết về nội dung thi hành án nên không phải là đối tượng khiếu nại theo quy định tại Điều 140 Luật THADS. Vì vậy, không thụ lý giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với đơn có nội dung khiếu nại việc không thụ lý khiếu nại là phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền của người khiếu nại thì cần phải xem xét việc không thụ lý khiếu nại là đã phù hợp với quy định pháp luật hay không và thống nhất cách thức xử lý trong các trường hợp này. Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với việc không thụ lý đơn khiếu nại của cơ quan THADS. Theo đó: Trường hợp đơn khiếu nại việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của cơ quan THADS cấp dưới thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét xử lý. Nếu việc không thụ lý giải quyết khiếu nại là đúng thì có văn bản trả lời người khiếu nại. Nếu nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới và đủ điều kiện thụ lý thì có văn bản chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định, đồng thời thông báo cho người khiếu nại biết (Điều 8).
1.2. Vấn đề về thụ lý và giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền
1.2.1. Ủy quyền khiếu nại
Trước đây, các quy định có liên quan đến việc ủy quyền khiếu nại đều được thực hiện theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên, hiện nay trong lĩnh vực khiếu nại thì Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại đã có quy định cụ thể đối với trường hợp ủy quyền khiếu nại, trong đó đáng chú ý là việc quy định về hình thức ủy quyền là bắt buộc phải có công chứng hoặc chứng thực. Do đó, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã quy định về việc ủy quyền khiếu nại này trong THADS.
1.2.2. Thời hạn thụ lý khiếu nại
Về thời hạn thụ lý khiếu nại lần đầu, Thông tư số 13/2021/TT-BTP vẫn giữ nguyên thời hạn mà Thông tư số 02/2012/TT-BTP quy định theo Điều 148 Luật THADS là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khiếu nại. Tuy nhiên, thời hạn thụ lý khiếu nại lần hai đã có sự thay đổi so với Thông tư số 02/2016/TT-BTP: Thay vì thời hạn khiếu nại là 05 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo hồ sơ, tài liệu có liên quan của cơ quan THADS cấp dưới, quy định này đã được thay đổi thành: Thời hạn thụ lý khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại của người khiếu nại. Trên thực tế hiện nay cho thấy, thời gian qua Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương đã áp dụng các hình thức email, fax, ký số văn bản để rút ngắn thời gian báo cáo sao gửi hồ sơ và cơ bản đáp ứng thời hạn như yêu cầu của Luật THADS. Trong bối cảnh Chính phủ phục vụ như hiện nay, việc rút ngắn thời hạn để đảm bảo đúng, đủ theo các quy định pháp luật và đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Do đó, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã quy định rút ngắn thời gian để đáp ứng nhanh nhất việc giải quyết đơn trong bối cảnh Cuộc cách mạng khoa học công nghệ như hiện nay.
1.2.3. Rút khiếu nại; giải quyết khiếu nại trong trường hợp hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án hoặc khi người khiếu nại là cá nhân chết
- Rút khiếu nại:
Thông tư số 02/2016/TT-BTP chỉ quy định thủ tục giải quyết đối với việc rút khiếu nại khi đã có thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại mà chưa quy định thủ tục đối với trường hợp rút khiếu nại khi đơn khiếu nại trước đó chưa được người có thẩm quyền thụ lý giải quyết, dẫn đến các cơ quan THADS bị lúng túng và chưa thống nhất trong việc áp dụng loại văn bản để đình chỉ giải quyết đối với nội dung đã được rút khiếu nại. Ngoài ra, Thông tư 02/2016/TT-BTP hiện chưa quy định sau khi đã rút khiếu nại mà khiếu nại lại thì cơ quan THADS có thụ lý giải quyết hay không và theo thủ tục nào, trong khi Luật Khiếu nại năm 2011 đã có quy định mở để đảm bảo cho quyền khiếu nại của người khiếu nại trong trường hợp họ thay đổi ý kiến: không thụ lý giải quyết khiếu nại trong trường hợp người có thẩm quyền giải quyết đã có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại (khoản 8 Điều 11 Luật Khiếu nại). Khắc phục điểm này, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã bổ sung thêm trường hợp xử lý đối với người khiếu nại rút khiếu nại trước khi được thụ lý giải quyết và quy định về trường hợp khiếu nại trở lại tại khoản 1 Điều 10, như sau “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo đình chỉ mà người khiếu nại có đơn khiếu nại trở lại thì người có thẩm quyền thụ lý và giải quyết khiếu nại theo quy định”.
- Giải quyết khiếu nại trong trường hợp hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án
Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 02/2016/TT-BTP quy định “Trường hợp có văn bản yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền thì tiếp tục giải quyết khiếu nại nếu khiếu nại không ảnh hưởng đến nội dung bản án, quyết định của Tòa án”: Theo quy định này thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chỉ tạm dừng giải quyết khiếu nại khi có văn bản yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền nếu nội dung khiếu nại ảnh hưởng đến nội dung của Bản án, quyết định của Tòa án.
Trong khi trên thực tế, có trường hợp người có thẩm quyền không tạm dừng việc giải quyết khiếu nại để chờ kết quả giải quyết của Tòa án hay trọng tài thương mại dẫn đến kết quả giải quyết khiếu nại có thể khác với kết quả xét xử của Tòa án, trọng tài thương mại. Ngoài ra, theo quy định này thì chỉ trong các trường hợp có yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ của người có thẩm quyền mới xem xét việc tiếp tục hay tạm dừng giải quyết khiếu nại là chưa bao quát hết được các trường hợp như có hoãn khi cơ quan THADS đang chờ giải thích của tòa án, hoãn khi Tòa án đang thụ lý tranh chấp liên quan đến tài sản bị khiếu nại hay không… Do đó, Thông tư 13/2021/TT-BTP đã quy định cụ thể hơn so với Thông tư số 02/2016/TT-BTP để giúp các cơ quan THADS áp dụng thống nhất và dễ dàng hơn theo hướng: Trường hợp việc thi hành án đang hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thì người giải quyết khiếu nại tiếp tục giải quyết khiếu nại nếu nội dung khiếu nại không liên quan đến nội dung hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án
- Xử lý đơn đối với trường hợp người khiếu nại là cá nhân chết: Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã bổ sung thêm quy định giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại là cá nhân chết theo đúng tinh thần của Nghị định số 124/2020/NĐ-CP.
1.2.4. Xác minh, đối thoại trong giải quyết khiếu nại
Điều 11 Thông tư số 02/2016/TT-BTP đã quy định về trường hợp tiến hành xác minh, đối thoại khi cần thiết trong quá trình giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, Thông tư số 02/2016/TT-BTP còn tùy nghi đối với quy trình tiến hành các bước xác minh, đối thoại, dẫn đến việc thực hiện tại các cơ quan THADS còn chưa thống nhất. Hiện nay, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP đã quy định về trình tự thực hiện việc xác minh, đối thoại. Do đó, Thông tư số 13/2021/TT-BTP cũng đã quy định cụ thể hơn một số nội dung về thủ tục xác minh, đối thoại cho phù hợp trong lĩnh vực khiếu nại trong THADS và để các cơ quan THADS địa phương áp dụng thống nhất. Tại Điều 11 của Thông tư số 13/2021/TT-BTP hiện nay đã quy định thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Đoàn xác minh, đối thoại, trong đó có trách nhiệm xây dựng kế hoạch làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Đoàn. Trong quá trình xác minh, việc xác minh, đối thoại phải được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần và nội dung làm việc; nếu Đoàn xác minh trực tiếp tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng phục vụ cho quá trình giải quyết khiếu nại thì phải lập biên bản giao nhận, trong đó ghi rõ tình trạng của các loại chứng cứ, tài liệu. Kết thúc việc xác minh, đối thoại, Đoàn xác minh phải báo cáo bằng văn bản kết quả xác minh với người giải quyết khiếu nại.
1.2.5. Gửi, công khai, đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại
Thông tư số 02/2016/TT-BTP chỉ quy định thời hạn chung về việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại là 03 ngày kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, không phân biệt là đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hay lần hai. Theo nội dung được quy định mới tại Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã bổ sung thời hạn cụ thể về việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho từng lần, theo đó “ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, 07 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan cấp trên trực tiếp, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan”.
Ngoài ra, thay vì thời hạn công khai là 07 ngày kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo Thông tư số 02/2016/TT-BPT ,Thông tư thay thế đã sửa đổi thời hạn công khai quyết định giải quyết khiếu nại lần hai so với Thông tư số 02/2016/TT-BTP theo quy định của Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, thành thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại.
2. Về các quy định liên quan đến tố cáo
2.1. Các quy định chung
2.1.1. Chủ thể thực hiện quyền tố cáo
Trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự thì cá nhân là người nước ngoài, người không quốc tịch có thể là đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan đến việc tổ chức thi hành án và họ vẫn thực hiện việc tố cáo, cơ quan THADS vẫn thụ lý giải quyết các tố cáo này. Do đó, nếu áp dụng giới hạn chủ thể thực hiện quyền tố cáo là công dân theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự sẽ không đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể không phải là công dân Việt Nam như người nước ngoài, người không quốc tịch là đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong việc tổ chức thi hành án. Vì vậy, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã quy định chủ thể thực hiện quyền tố cáo là “cá nhân” theo đúng tinh thần Điều 30 Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2.1.2. Chủ thể bị tố cáo
 Thông tư số 02/2016/TT-BTP quy định người bị tố cáo bao gồm Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác THADS. Tuy nhiên, Điều 154 Luật Thi hành án dân sự quy định người bị tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật chỉ bao gồm Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác THADS. Khắc phục nội dung này tại Thông tư số 02/2016/TT-BTP, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã sửa đổi về chủ thể bị tố cáo là Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 154 Luật Thi hành án dân sự. Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS và các công chức khác của cơ quan quản lý THADS được điều chỉnh bằng Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tố cáo.
2.1.3. Thẩm quyền giải quyết tố cáo
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cấp Phó của Thủ trưởng cơ quan THADS: Luật Tố cáo năm 2018 quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức là của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó.
Trong thực tiễn giải quyết tố cáo trong THADS, hầu hết ở các cơ quan THADS địa phương, người ký văn bản, quyết định về thi hành án thường được Thủ trưởng cơ quan THADS phân công Phó Thủ trưởng cơ quan THADS ký thay. Do đó, nếu người tố cáo có đơn tố cáo Phó Thủ trưởng cơ quan THADS trong trường hợp này mà áp dụng quy định tại Điều 157 Luật THADS để Thủ trưởng cơ quan THADS giải quyết là không phù hợp, không đảm bảo tính khách quan dưới góc nhìn của các cơ quan giám sát cũng như của người tố cáo. Chính vì vậy, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết trong trường hợp xử lý đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Phó Thủ trưởng cơ quan THADS khi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan THADS, cụ thể: (1) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự nào thì Thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. (2) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giải quyết”.
Đồng thời, Thông tư thay thế cũng đã tiếp thu các quy định trong Luật Tố cáo năm 2018 về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác THADS đã chuyển cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là công chức; hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng, Chấp hành viên hoặc công chức khác làm công tác THADS của cơ quan THADS đã bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về thẩm quyền của người xem xét, giải quyết lại tố cáo theo quy định của khoản 1 Điều 37 Luật Tố cáo khi người tố cáo không đồng ý với kết quả giải quyết tố cáo của người đã giải quyết tố cáo và thực hiện tố cáo tiếp.
2.1.4. Về việc không xử lý và lưu đơn tố cáo
Ngoài việc giữ nguyên các trường hợp lưu đơn tố cáo đã được quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BTP, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã tiếp thu thêm từ Thông tư số 05/2021/TT-TTCP các trường hợp đơn tố cáo không được xem xét, giải quyết và lưu đơn.
 Đồng thời, sửa đổi phần quy định lưu đơn tại Khoản 3 Điều 15 Thông tư 02/2016/TT-BTP vì lý do“đã mời người tố cáo hai lần để xác định nội dung tố cáo nhưng người tố cáo không đến, không cung cấp thông tin, tài liệu” do sự thiếu chặt chẽ, dẫn đến một số cơ quan THADS địa phương lợi dụng quy định này mời người tố cáo làm việc để kéo dài thời gian giải quyết hoặc không giải quyết khi người tố cáo không đến theo triệu tập của cơ quan THADS, trong khi quy trình giải quyết tố cáo không bắt buộc phải làm việc với người tố cáo, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người tố cáo. Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã sửa nội dung này thành “Đơn không rõ nội dung mà đã mời người tố cáo hợp lệ hai lần để xác định nội dung tố cáo hoặc đã có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nhưng người tố cáo không đến, không cung cấp theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng”.
Ngoài ra, một số trường hợp đơn không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; đơn qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo dùng tên người khác để tố cáo; tố cáo không thực hiện đúng quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo; đơn không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo đã được Luật Tố cáo năm 2018 quy định không xử lý và lưu đơn. Do đó, Thông tư số 13/2021/TT-BTP cũng bổ sung thêm các trường hợp cụ thể này vào khoản 3 Điều 16.
Thông tư số 13/2021/TT-BTP cũng quy định mới về thời hạn xem xét việc lưu đơn và tiêu hủy đơn là 01 năm trên cơ sở tiếp thu quy định của Thông tư số 05/2021/TT-TTCP.
2.2. Các quy định về thụ lý và giải quyết đơn tố cáo thuộc thẩm quyền
2.2.1. Thụ lý đơn tố cáo
Thông tư đã quy định về việc xử lý đơn tố cáo, việc thụ lý giải quyết tố cáo và sửa đổi về thời hạn thụ lý từ 10 xuống còn 07 ngày làm việc theo quy định tại Điều 24, Điều 29 Luật Tố cáo.
2.2.2. Thời hạn giải quyết tố cáo
Điều 157 Luật THADS quy định thời hạn giải quyết tố cáo trong THADS là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo; trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày. Nội dung quy định về thời hạn này giống với thời hạn giải quyết tố cáo chung được quy định tại Điều 21 Luật Tố cáo năm 2011. Tuy nhiên, Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định mới về thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo và có thể gia hạn thêm 02 lần, mỗi lần không quá 30 ngày tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc. Sau khi Luật Tố cáo năm 2018 ra đời, nhiều cơ quan THADS địa phương đã áp dụng thời hạn giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 không áp dụng thời hạn giải quyết theo quy định của Điều 157 Luật Thi hành án dân sự. Như vậy, các đơn vị này đã không thực hiện đúng quy định về việc áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 3 Luật Tố cáo năm 2018 “Tố cáo và giải quyết tố cáo được áp dụng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp luật khác có quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó.”.Vì vậy, việc ghi nhận lại quy định về thời hạn giải quyết tố cáo từ Luật Thi hành án dân sự vào Thông tư số 13/2021/TT-BTP để tránh việc các cơ quan áp dụng tránh việc nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật.
2.2.3. Giữ bí mật thông tin và bảo vệ người tố cáo
Khoản 6 Điều 16 của Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã quy định “Trong quá trình xử lý đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật thông tin của người tố cáo, nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật. Trường hợp người tố cáo đề nghị được bảo vệ thì đề nghị người có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.”
 Nội dung này Luật Tố cáo năm 2018 đã dành cả Chương VI để quy định về trình tự, thủ tục cũng như các biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Đến Thông tư số 05/2021/TT-TTCP cũng đã quy định về trách nhiệm giữ bí mật thông tin và bảo vệ người tố cáo. Do đó, Thông tư số 13/2021/TT-BTP tiếp thu bổ sung quy định này. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý, giải quyết tố cáo phải đảm bảo việc giữ bí mật thông tin của người tố cáo và nội dung tố cáo; đồng thời, quá trình áp dụng thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Chương VI Luật Tố cáo năm 2018.
2.2.4. Rút đơn tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết tố cáo
Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã sửa đổi thủ tục rút tố cáo để phù hợp với quy định của Luật Tố cáo 2018. Ngoài ra, Thông tư số 13/2021/TT-BTP cũng quy định về trường hợp rút tố cáo nhưng người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không được đình chỉ mà vẫn phải giải quyết tố cáo, đó là khi người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo.
Ngoài ra, một điểm mới khá nổi bật của Thông tư số 13/2021/TT-BTP so với Thông tư số 02/2016/TT-BTP là các quy định về tạm đình chỉ và đình chỉ giải quyết tố cáo. Nội dung này chưa được quy định hay đề cập trong Luật Tố cáo năm 2011, Nghị định số 76/2012/NĐ-CP hay các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan nên Thông tư số 02/2016/TT-BTP cũng không quy định. Trên cơ sở quy định tại Điều 34 Luật Tố cáo năm 2018, một số vấn đề có liên quan đến tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết tố cáo đã được quy định vào trong Thông tư số 13/2021/TT-BTP.
2.2.5. Gửi, công khai và thực hiện kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo
Về nội dung này, so với thông tư cũ, Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã có sự thay đổi về thời hạn cũng như cách thức thực hiện và quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bên có liên quan.
 Về thời hạn, Thông tư số 02/2016/TT-BTP không quy định về thời hạn thực hiện việc gửi, công khai các nội dung này. Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã quy định rõ hơn về các thời hạn này trên cơ sở quy định tại Điều 35, Điều 40 Luật Tố cáo năm 2018. Theo đó, thời hạn gửi văn bản là 05 ngày kể từ ngày làm việc và thời hạn công khai văn bản là 07 ngày làm việc. Việc công khai các văn bản phải đảm bảo không làm tiết lộ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và thông tin người tố cáo.
Về cách thức thực hiện, Thông tư số 02/2016/TT-BTP cũng mới chỉ quy định mang tính chất chung chung, không quy định rõ phần trách nhiệm của từng chủ thể trong mối quan hệ này. Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã quy định trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải xử lý tùy từng trường hợp cụ thể: Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm pháp luật thì khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.
Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm pháp luật thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì có văn bản chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền.
Ngoài ra, Thông tư số 13/2021/TT-BTP cũng quy định trách nhiệm của  người giải quyết tố cáo, người bị tố cáo và thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao tổ chức thực hiện.
2.2.6. Tố cáo tiếp, giải quyết lại tố cáo
Thông tư số 13/2021/TT-BTP đã quy định về trường hợp người tố cáo không đồng ý kết quả giải quyết tố cáo mà thực hiện việc tố cáo tiếp và các quy định có liên quan để người có thẩm quyền giải quyết lại tố cáo xem xét có thực hiện việc giải quyết lại tố cáo hay không tại Điều 17 và Điều 22.
Ngoài các nội dung trọng tâm về quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong THADS, Thông tư số 13/2021/TT-BTP cũng quy định về xử lý đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và kiến nghị, phản ánh. Ngoài ra, Thông tư số 13/2021/TT-BTP cũng quy định bổ sung về các loại biểu mẫu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp, giúp các văn bản ban hành trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được áp dụng thống nhất trong hệ thống THADS; đồng thời, một số nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, phân loại, tiếp nhận đơn thư cũng được Thông tư số 13/2021/TT-BTP sửa đổi, bổ sung so với Thông tư số 02/2016/TT-BTP.
 
KẾT LUẬN. Việc tiếp nhận phân loại, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh của cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp và hệ thống THADS đã có nhiều chuyển biến tích cực kể từ khi Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực pháp luật. Hầu hết đơn thư được tiếp nhận, phân loại và xem xét, giải quyết theo quy định, chất lượng giải quyết được nâng lên rõ rệt. Các chỉ tiêu về giải quyết khiếu nại, tố cáo hàng năm Bộ Tư pháp giao cho các cơ quan THADS địa phương được xem là một trong các nội dung trọng tâm công tác năm trong lĩnh vực THADS. Tuy nhiên, trong gần sáu năm tổ chức thực hiện, Thông tư số 02/2016/TT-BTP đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Một số quy định đã lỗi thời bởi Luật Tố cáo năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã hết hiệu lực, Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 có các nội dung quy định mới; một số nội dung vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật hay một số vấn đề từ thực tiễn công tác không thể xử lý bởi còn chưa được quy định trong Thông tư số 02/2016/TT-BTP hay các văn bản khác. Thông tư số 13/2021/TT-BTP ra đời ngoài sửa đổi các nội dung về khiếu nại, tố cáo đã hết hiệu lực từ Thông tư số 02/2016/TT-BTP còn bổ sung các quy định mới từ các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, bổ sung các nội dung mang tính ứng dụng từ thực tiễn giải quyết đơn thư từ hệ thống THADS. Với mục tiêu đáp ứng mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hệ thống THADS, Thông tư số 13/2021/TT-BTP cũng được mong muốn giúp công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của toàn hệ thống đạt được những bước tiến mới.