TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự: Tập trung cao độ nguồn lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao

18/07/2022
Hôm nay, kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống thi hành án dân sự (19/7/1946 -19/7/2022). Nhìn lại chặng đường đã qua, những người làm công tác Thi hành án dân sự tự hào về những gì đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhân dịp này, Báo PLVN phỏng vấn TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp).

- Thưa Tổng cục trưởng, ông đánh giá như thế nào về sự hình thành, phát triển của hệ thống THADS sau 76 năm?
Trả lời:
Điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là một quy trình của hoạt động tố tụng tư pháp. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, bầu cử Quốc hội đầu tiên vào ngày 6 tháng 1 năm 1946, Đảng, Nhà nước ta đã rất chăm lo đến việc xây dựng tổ chức, bộ máy của chính quyền cách mạng, trong đó có tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp nói chung và lực lượng làm thi hành án dân sự (THADS) nói riêng. Theo sắc lệnh số 130 ngày 19/7/1946 với yêu cầu: “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà truyền cho các thừa phát lại theo lời yêu cầu của người đương sự thi hành bản án này, các ông Chưởng lý và Biện lý kiểm soát việc thi hành, các vị chỉ huy Binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiểu luật yêu cầu". Đây chính là tiền thân quan trọng cho Hệ thống THADS hiện nay. Trong suốt chiều dài lịch sử 76 năm qua, Hệ thống THADS đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Dấu mốc quan trọng, đó là thực hiện nghị quyết Quốc hội, các quy định của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ, kể từ ngày 1/7/1993, công tác THADS được chuyển giao từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Những cơ sở pháp lý quan trọng này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cải cách về công tác THADS từ đó đến nay. Điều đáng tự hào - Hệ thống THADS đã và đang ngày càng làm tốt hơn các xứ mệnh cao cả của mình đó là: (i) Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, quyền và lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân, thực thi công lý, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định; (ii) Kiến nghị để góp phần hoàn thiện hơn những “khiếm khuyết”, những khoảng trống của các quy định chỉ ra qua công tác THADS; đồng thời từ thực tiễn thi hành các vụ việc, quyền kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật, đối với bản án, quyết định có vi phạm pháp luật; (iii) Thúc đẩy và giải phóng các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn, khơi thông, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng, bảo vệ quyền chủ nợ và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, nâng cao an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua việc xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật; (iv) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, tạo niềm tin của của người dân vào tính nghiêm minh của pháp luật, củng cố quyền lực nhà nước. Kết quả THADS trong những năm qua và nhất là những gần đây là minh chứng rõ nét.
- Đạt rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng bên cạnh đó, trong công tác này, điều gì làm cho ông trăn trở?
Trả lời:
Đúng là phấn khởi, tự hào về những thành quả mà các thế hệ những người làm công tác THADS đã đạt được. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn còn vơi. Một điểm mà dễ nhận thấy và có thể lấy ngay ví dụ đó là, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã khẳng định: “…Cùng với việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt (Nếu như năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì giai đoạn 2012-2022, bình quân đạt tỉ lệ 34,7%)…”. Nhưng rồi Tổng bí thư cũng lưu ý: “… tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp…”. Do vậy, điều mà tôi trăn trở đó là:
Thứ nhất, kết quả thi hành tuy ngày càng chuyển biến theo chiều hướng tích cực, bền vững nhưng vẫn chưa đạt được mong như mong muốn của Đảng, Nhà nước, Ngành Tư pháp và của nhân dân. Điều này đã được chỉ ra qua quản lý, thảo luận của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua các kỳ họp. Vẫn còn có những vụ việc kéo dài nhiều năm, các ngành, các cấp đã tìm rất nhiều biện pháp để tháo gỡ nhưng vẫn chưa thể dứt điểm.
Thứ hai, nhiều nơi mỗi Chấp hành viên vẫn phải đang đảm nhiệm hàng vài trăm vụ, việc trên một năm. Với số lượng việc nhiều như vậy sẽ vô cùng khó khăn để có thể hoàn thành. Vấn đề này, chúng tôi cũng đã thực hiện rất nhiều biện pháp về tổ chức để giảm tải cho công chức nhưng vẫn chỉ là tình thế.
Thứ ba, bên cạnh những gương điển hình tiên tiến thì cũng còn có những cán bộ, Chấp hành viên có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, có trường hợp bị xử lý trách nhiệm hành chính, cá biệt có trường hợp bị xử lý hình sự. Đây là những trường hợp rất đau lòng.
Thứ tư, vẫn còn nhiều vụ việc phải cưỡng chế. Đây là điều mà tôi không mong muốn nhất. Chủ trương của Bộ Tư pháp, của Tổng cục Thi hành án dân sự đó là đặt sự nhân văn lên trên hết, trước hết, cố yếu để các bên có thể thương lượng với nhau, thực hiện biện pháp tự thỏa thuận với nhau trong thi hành án. Có như vậy xã hội sẽ yên bình hơn nhưng quả là không dễ chút nào.
Thứ năm, là cơ quan thực hiện nhiệm vụ cuối cùng để khép lại quy trình của hoạt động tố tụng tư pháp. Đây là thời điểm có thể căng go nhất, phức tạp nhất và cũng dễ gây ra sự xung đột nhất. Chính vì vậy sẽ luôn tạo ra áp lực rất lớn cho cơ quan THADS, đặc biệt là Chấp hành viên, người được Nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức thi hành án. Vì vậy, ngoài trách nhiệm của chúng tôi mỗi người phải cùng cố gắng để làm “mềm” đi các quan hệ của quá trình thi hành án, chúng tôi cũng mong đón nhận từ ý nghĩ đến hành động tương tự không chỉ từ cơ quan nhà nước mà cả người dân.
- Thưa ông, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tới đây các cơ quan THADS cần tập trung thực hiện những giải pháp gì?
Trả lời:
Bối cảnh trước mắt với thuận lợi và thách thức đan xen. Vì vậy, theo tôi cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa thật đầy đủ, hiệu quả các chủ trương của Đảng về THADS: Thực tế, thời gian qua Đảng ta đã đưa ra rất nhiều chủ trương đổi mới, cải cách tư pháp, trong đó có THADS. Gần đây nhất là Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác này. Sau khi Trung ương ban hành Chỉ thị, cho đến nay hầu hết các bộ, ban ngành ở trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương đều đã ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện Chỉ thị. Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã tham mưu để Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 để triển khai thực hiện, trong đó xác định rất rõ các nhiệm vụ từ thể chế, tổ chức, hoạt động.... Tiếp đến, Trung ương cũng đang bàn để ban hành Nghị quyết về "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Đây sẽ là văn kiện quan trọng liên quan đến cả bộ máy, trong đó có Hệ thống THADS nên cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cùng với đó, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo xây dựng quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp (trong đó có THADS),… Với rất nhiều chủ trương quan trọng cần phải quán triệt, cụ thể hóa thành pháp luật để tổ chức thực hiện.
Thứ hai, quan tâm đến vấn đề tổ chức thực hiện: Tôi cho rằng, chủ trương là quan trọng, từ chủ trương thành hiện thực trong cuộc sống còn quan trọng hơn. Vì vậy, Tổng cục THADS sẽ tập trung chỉ đạo để tổ chức có hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến THADS. Cùng với đó là vấn đề kiểm soát để bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài có hiệu lực pháp luật thì phải được thực hiện. Đây là trách nhiệm chung toàn Hệ thống THADS cùng với sự kiểm tra, kiểm sát, giám sát của rất nhiều cơ quan, tổ chức, người dân, nhất là các bên có lên quan trong THADS. Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều giải pháp để bảo đảm cho các hoạt động này (từ hoàn thiện thể chế; chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm,…).
Thứ ba, chú trọng tăng cường chất lượng nguồn nhân lực: Đây là vấn đề đã làm, đang làm và sẽ phải tiếp tục làm. Bởi vì, tất cả vấn đề đều xuất phát từ con người. Qua 76 năm, đội ngũ làm công tác THADS ngày càng được củng cố kiện toàn cả về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn còn chưa thể đáp ứng được tất cả. Vì vậy, phải quan tâm đến vấn đề này, nhất là khâu tuyển chọn đầu vào, tăng cường quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và chú trọng nhất vẫn là phẩm chất, đạo đức. Cùng với đó là mỗi cơ quan phải sử dụng thật hiệu quả nguồn lực mà mình có. Tiếp tục quan đến bảo vệ cho người Chấp hành viên (vì đây là nghề có nhiều rủi do). Kịp thời chấn chỉnh, cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trong toàn Hệ thống; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ tư, tăng cường phối hợp: Tôi vẫn thường nói, nghề THADS là nghề phối hợp. Phối hợp ở đây bao gồm cả ở cấp Trung ương và địa phương. Minh chứng rõ nét nhất đó là, nơi nào phối hợp tốt thì kết quả tốt. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS với cấp ủy, chính quyền địa phương; nhất là trong tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; trong việc giải quyết các vụ việc trọng điểm, tham nhũng, kinh tế, phức tạp, kéo dài và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan THADS.
Thứ năm, phải tăng cường dân vận. Phải lấy dân vận làm đầu. Đây là chủ trương mà tôi yêu cầu và đặt ra cho toàn Hệ thống. Đối với một vụ việc, nếu biết cách để thuyết phục cho các bên cùng hiểu thì sẽ bớt đi rất nhiều công sức không chỉ cho mình mà còn cho xã hội.
Nhân dịp 76 năm ngày truyền thống THADS, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các Bộ, ban ngành ở Trung ương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; cơ quan báo chí, cơ quan thông tin đại chúng đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để các cơ quan THADS hoàn thành nhiệm vụ được giao.
-Trân trọng cám ơn Tổng cục trưởng!
PV Thu Hằng (thực hiện)