Đấu giá tài sản THADS: Cần có quy định riêng để đảm bảo hiệu quả

20/10/2022
Trong các năm qua, công tác bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự (THADS) tăng dần theo các năm cả về số việc và số tiền, tuy  nhiên việc bán đấu giá trên thực tế vẫn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xuất phát từ “đặc thù riêng” của tài sản đấu giá. Phóng viên Báo Đấu thầu đã có phỏng vấn ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp liên quan tới đề xuất có quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án để đảm bảo hiệu quả, hạn chế rủi ro trong công tác bán đấu giá loại tài sản này.

Thưa ông, việc triển khai thực hiện bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự áp dụng theo quy định của Luật Đấu giá tài sản thời gian qua như thế nào và kết quả đạt được ra sao?
Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017. Qua hơn 5 năm thực hiện, các quy định của Luật ĐGTS đã đi vào cuộc sống và thực sự đóng góp một phần rất quan trọng cho quá trình tổ chức THADS đối với những vụ việc có tài sản phải đưa ra bán đấu giá. Theo thống kê, trung bình hàng năm có khoảng hơn hai ngàn vụ việc thi hành án dân sự (THADS) có tài sản được đưa ra để bán đấu giá theo quy định của Luật ĐGTS.
 
Nhìn chung, kể từ khi có Luật ĐGTS công tác bán ĐGTS trong THADS ngày càng bài bản, chặt chẽ hơn; kết quả bán đấu giá thành tài sản THADS tăng dần theo các năm từ 2018 đến 2022 cả về số việc và số tiền, góp phần giúp các cơ quan THADS hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
 
Qua theo dõi cho thấy vẫn còn trường hợp chưa bàn giao được tài sản trúng đấu giá, có trường hợp hủy kết quả đấu giá, nguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa ông?
Đúng là vẫn còn tình trạng chưa giao được tài sản trúng đấu giá và vẫn còn trường hợp hủy kết quả đấu giá. Trong đó hằng năm còn hàng trăm vụ chưa giao được và hằng chục vụ phải hủy kết quả đấu giá. Đối với việc hủy kết quả đấu giá thì khá rõ và thực hiện theo đúng quy định Điều 72 của Luật ĐGTS trong các trường hợp như: (i) Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; (ii) Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật này; (iii) Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; v,v.
 
Đối với việc chưa giao được tài sản thì đây là điều đáng bàn. Thực tế cho thấy việc chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá có nhiều nguyên nhân, trong đó có trường hợp sau khi bán đấu giá các bên khiếu nại, khởi kiện, sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án, cá biệt có trường hợp chậm do sự phối hợp và trách nhiệm của Chấp hành viên, v.v. Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng còn có nguyên nhân từ việc sau khi kê biên, tài sản kê biên được giao cho chính người phải thi hành án quản lý. Theo quy định tại Điều 112 Luật Thi hành án dân sự thì việc tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên được thực hiện: (i) Trường hợp diện tích đất đã kê biên đang do người phải thi hành án quản lý, khai thác, sử dụng thì Chấp hành viên tạm giao diện tích đất đã kê biên cho người đó. Trường hợp diện tích đất đã kê biên đang do tổ chức hoặc cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng thì tạm giao cho tổ chức, cá nhân đó; (ii) Trường hợp người phải thi hành án hoặc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này không nhận thì Chấp hành viên tạm giao diện tích đất đã kê biên cho tổ chức, cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng. Trường hợp không có tổ chức, cá nhân nào nhận thì cơ quan thi hành án dân sự tiến hành ngay việc định giá và bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
 
Với quy định trên, sau khi bán đấu giá thành, việc cưỡng chế giao tài sản trúng đấu trong rất nhiều trường hợp giá gặp muôn vàn khó khăn do không hợp tác của người được tạm giao, thậm chí chống đối quyết liệt. Đây là bài toán cần phải nghiên cứu để có biện pháp tháo gỡ phù hợp.
 
Việc quy định đấu giá tài sản thi hành án dân sự theo quy trình chung như đấu giá tài sản thông thường liệu có gây khó khăn, vướng mắc gì  không và nếu có thì giải pháp như thế nào thưa ông?
Đúng là Luật ĐGTS chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản THADS. Tôi cho rằng, đây là vấn đề cần phải có nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể để có giải pháp phù hợp. Thực tế chứng minh việc bán đấu giá tài sản THADS là việc bán đấu giá mang tính bắt buộc (có người còn gọi là đấu giá “cưỡng bức”). Để đưa tài sản THADS ra bán đấu giá thì thời gian kéo dài từ lúc kê biên, thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, thẩm định giá, thẩm định giá lại, thỏa thuận, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký hợp đồng bán đấu giá, bán đấu giá không thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán. Mỗi hành vi trên của Chấp hành viên, của các tổ chức, cơ quan đều có thể bị người có tài sản khiếu nại, tố cáo và đương nhiên khi đã có khiếu nại, tố cáo thì lại giải quyết, mất rất nhiều thời gian. Chưa kể khi bán tài sản thông thường thì người có tài sản bao giờ cũng tìm cách để giới thiệu, quảng bá,… để nâng giá trị của tài sản lên cao nhất có thể. Trong khi đó, ở chiều ngược lại tài sản THADS đưa ra đấu giá thì người phải thi hành án (thậm chí người thân, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) tìm cách không cho xem, không hợp tác với các cơ quan chức năng để quảng bá giới thiệu tài sản (có trường hợp người muốn mua tài sản THADS còn bị xua đuổi, đe dọa, kể cả hành hung,v.v) làm cho không phản ánh được giá trị đích thực của tài sản. Nhiều trường hợp sợ rủi ro khi mua tài sản THADS (vì khó khăn từ việc chống đối quyết liệt của người phải thi hành án). Chính điều này đã làm cho, có những vụ việc phải đưa tài sản ra bán đến lần thứ 17, kéo dài gần 3 năm vẫn chưa có người mua.
 
Đến lúc bán đấu giá thành thì người phải THADS chống đối bằng nhiều hình thức nên chậm giao tài sản cho người mua. Từ đó, dẫn đến quyền lợi của người phải THADS, người được THADS, người trúng đấu giá bị ảnh hưởng; cơ quan THADS đối mặt với nguy cơ khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước.
 
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trên tôi cho rằng, trong thời gian tới khi sửa Luật ĐGTS cần nghiên cứu các cơ chế đặc thù về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản THADS trong Luật ĐGTS. Cùng với đó, tiến tới cần sửa đổi các quy định của Luật THADS để đảm bảo tính đồng bộ trong việc bán đấu giá đối với tài sản đặc thù này.
https://baodauthau.vn/dau-gia-tai-san-thi-hanh-an-dan-su-tai-san-dac-thu-can-co-che-dac-thu-post129781.html