Tham luận của Tổng cục Thi hành án dân sự về đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng hệ thống thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh
Hòa chung không khí thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc, trong đó có kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp, trong không khí tưng bừng của Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV, thay mặt cho tập thể Lãnh đạo Tổng cục và gần một vạn công chức, viên chức hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương, xin được trình bày tham luận với chủ đề “Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng hệ thống thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh”. Nhân dịp này cho phép tôi được gửi lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt tới toàn thể các quý vị đại biểu cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang có mặt tại Đại hội và chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Kính thưa các đồng chí,
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, trong đó quy định “việc thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”, hoạt động thi hành án dân sự đã trở thành công cụ quan trọng để tham gia bảo vệ chính quyền nhân dân ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng. Kể từ đó đến nay, sau 70 năm xây dựng và phát triển, chúng ta phải khẳng định rằng hệ thống thi hành án dân sự đã có sự lớn mạnh vượt bậc, với một diện mạo mới, được tổ chức tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp ở Trung ương, 63 Cục Thi hành án dân sự được tổ chức ở cấp tỉnh và 710 Chi cục Thi hành án dân sự được tổ chức ở cấp huyện và gần một vạn cán bộ, công chức, viên chức thi hành án dân sự. Với mô hình lớn mạnh về tổ chức, đông đảo về lực lượng, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành trong thời kỳ mới, Tổng cục Thi hành án dân sự luôn xác định bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự quan tâm, phối hợp từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ thì công tác chỉ đạo, điều hành của tập thể Lãnh đạo Tổng cục có ý nghĩa quyết định đến sự ổn định và phát triển của toàn hệ thống.
Kính thưa các đồng chí,
Xác định được vị trí, vai trò của công tác chỉ đạo, điều hành như đã nêu trên, trong những năm qua tập thể Lãnh đạo Tổng cục sự đã hết sức chú trọng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong đó có một số điểm quan trọng xin được chia sẻ với Đại hội như sau:
Một là, Công tác chỉ đạo, điều hành của tập thể Lãnh đạo Tổng cục bên cạnh việc bảo đảm tính toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của hệ thống, trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, tập thể Lãnh đạo Tổng cục luôn xác định những lĩnh vực, nội dung công tác trọng tâm, trọng điểm, để từ đó hướng công tác chỉ đạo, điều hành một cách tập trung, tạo nên những bước đột phá trong công tác thi hành án dân sự. Cụ thể, giai đoạn 2010-2013, công tác chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống tập trung vào hai lĩnh vực, gồm: (1) xây dựng, hoàn thiện thể chế trong công tác thi hành án dân sự; (2) kiện toàn và ổn định tổ chức cán bộ theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008; giai đoạn 2014-2015, tập trung vào ba lĩnh vực: (1) tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế trong công tác thi hành án dân sự; (2) tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ toàn hệ thống và (3) tăng cường công tác phối hợp, tham mưu phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành và các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Với sự tập trung chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo Tổng cục, thể chế về công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua đã được hoàn thiện cơ bản, trong đó điểm nhấn quan trọng: Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự thu hút 03 Nghị định đang có hiệu lực của Chính phủ, cùng nhiều các Thông tư, Thông tư liên tịch, Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự …Qua đó, tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch và cơ bản đầy đủ điều chỉnh các quan hệ trong công tác thi hành án dân sự.
Những năm qua, hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ thi hành án đã không ngừng được kiện toàn, trưởng thành và lớn mạnh. Ngày 30/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, theo đó, ở Trung ương Tổng cục có 08 cơ quan trực thuộc, ở địa phương có 63 Cục thi hành án dân sự và 710 Chi cục Thi hành án dân sự. Hiện có gần 10 ngàn biên chế với 4.128 Chấp hành viên, 593 Thẩm tra viên và 1.731 Thư ký thi hành án. Đặc biệt, Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự đã luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và từng bước củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp.
Trong công tác phối hợp, Tổng cục đã tham mưu giúp Bộ Tư pháp ký kết và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ và ngày càng hiệu quả hơn, như: Quy chế phối hợp liên ngành số 14 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác thi hành án dân sự; Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến thi hành án tín dụng, ngân hàng; Quy chế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác thi hành dân sự liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tổng cục cũng đang tiếp tục phối hợp với Tổng cục VIII Bộ Công an xây dựng Quy chế phối hợp trong thi hành án dân sự tại các trại giam. Với các cấp ủy, chính quyền địa phương, Tổng cục đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp có văn bản gửi Ban Thường vụ các Tỉnh, Thành ủy đề nghị tăng cường phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác THADS. Thực tế triển khai các Quy chế phối hợp đã gắn kết được trách nhiệm của các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án dân sự, từ đó, tạo ra những chuyển biến tích cực cho công tác của hệ thống.
Hai là, Công tác chỉ đạo, điều hành của tập thể Lãnh đạo Tổng cục luôn bám sát theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng như yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, xử lý linh hoạt các nội dung công việc phát sinh đột xuất. Việc xây dựng Chương trình, Kế hoạch công tác trong hệ thống luôn được thảo luận kỹ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp.
Ba là, Công tác chỉ đạo, điều hành luôn gắn với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của toàn hệ thống và của từng cơ quan thi hành án dân sự. Trong đó, hàng năm Tổng cục đã ban hành và tổ chức thực hiện các Kế hoạch kiểm tra toàn diện, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao và kiểm tra những nội dung, mặt công tác còn tồn tại, hạn chế của những năm trước đây. Riêng trong năm 2014, Tổng cục đã tổ chức kiểm tra toàn diện công tác thi hành án dân sự tại 06 địa phương; năm 2015 xây dựng Kế hoạch, trong đó yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự tự kiểm tra và Tổng cục tổ chức kiểm tra việc ra quyết định hoãn thi hành án, ủy thác thi hành án dân sự tại 07 địa phương. Kết quả kiểm tra, Tổng cục đã yêu cầu các đơn vị tiếp thu, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm đối với Lãnh đạo Cục, Chi cục để xảy ra sai phạm; đồng thời nghiêm túc thực hiện phúc tra kết quả kiểm tra. Để đưa công tác kiểm tra của toàn hệ thống đi vào nền nếp, năm 2015 Tổng cục đã ban hành Quy trình kiểm tra công tác thi hành án dân sự (Quyết định số 83/QĐ-TCTHADS ngày 28/01/2015).
Bốn là, Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, Tổng cục đặc biệt chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống. Hiện nay, đang ứng dụng một số phần mềm hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, điều hành như: phần mềm quản lý văn bản, điều hành; phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu cán bộ và các chức danh tư pháp; triển khai cấp và tập huấn sử dụng chữ ký số, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết công việc giữa các cấp trong hệ thống, bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thông suốt và kịp thời. 63/63 địa phương đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự qua đó góp phần tạo sự minh bạch, công khai trong hoạt động thi hành án. Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2015-2020, với rất nhiều nội dung được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự.
Ngoài những điểm nhấn nêu trên, công tác giao ban định kỳ của các cấp lãnh đạo trong toàn hệ thống được duy trì nghiêm, kịp thời trao đổi, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ quyết định các vấn đề lớn, qua đó thống nhất về nhận thức và hành động, phương án chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương. Các Kết luận cuộc họp được thông báo công khai làm căn cứ để triển khai và kiểm tra việc thực hiện. Hoàn thiện các Quy chế, Quy định, Quy trình giải quyết công việc làm cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo Tổng cục, tập thể lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự và mới đây nhất, Tổng cục đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng văn bản đề án và tổng hợp báo cáo. Hội nghị đã thảo luận, trao đổi sâu, từ đó đánh giá đúng được thực trạng và đề ra các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong tập thể lãnh đạo Tổng cục, tập thể lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục. Những giải pháp được thảo luận và đề xuất trong Hội nghị không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại Tổng cục mà nó còn là những bài học kinh nghiệm quý báu để lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự vận dụng một cách phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ quan, đơn vị mình.
Từ những đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tổng cục như đã nêu trên, các lĩnh vực công tác của hệ thống thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương đã có những bước chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng từ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, công tác tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, kiểm tra, phối hợp thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhờ đó, kết quả thi hành án dân sự toàn quốc những năm gần đây về cơ bản năm sau đều cao hơn năm trước và có xu hướng bền vững, mặc dù số lượng án phải tổ chức thi hành không ngừng tăng lên qua các năm cả về số việc và cả về giá trị. Cụ thể:
- Năm 2012, toàn quốc thi hành đạt tỷ lệ 88,58% về việc, 76,98% về tiền;
- Năm 2013, toàn quốc thi hành đạt tỷ lệ 86,53% về việc; 73,17% về tiền;
- Năm 2014, toàn quốc thi hành đạt tỷ lệ 88,47% về việc; 76,72 % về tiền;
- 10 tháng đầu năm 2015, toàn quốc thi hành đạt tỷ lệ 72,36% về việc (tăng 2,52% so với cùng kỳ năm 2014, trong khi tổng số việc phải thi hành cũng tăng 3,5%); thi hành đạt tỷ lệ 47,91% về tiền (tăng 7,02% so với cùng kỳ năm ngoài).
Với những thành tích đã đạt được trong công tác thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự đã được Nhà nước, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý. Cụ thể:
- Liên tục 05 năm liền từ năm 2010 đến năm 2014 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc;
- Năm 2013 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Cờ Thi đua ngành; Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự giai đoạn 2010-2012;
- Năm 2014 được tặng Cờ Thi đua Chính phủ;
Ghi nhận những kết quả đạt được, tại buổi làm việc ngày 28/7/2015, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đã ghi nhận, biểu dương những tiến bộ rõ rệt của công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là trong các lĩnh vực hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ công chức; kết quả thi hành án dân sự có xu hướng ngày càng bền vững, việc tổ chức thi hành các vụ án lớn thu hồi tài sản cho Nhà nước có nhiều nỗ lực, cố gắng; việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội bước đầu đạt được kết quả tích cực, đặt nền tảng quan trọng cho sự phát triển của chế định này trong thời gian tới. Theo Chủ tịch nước, những kết quả đạt được đã và đang góp phần quan trọng, tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Với những kết quả đạt được, Tổng cục Thi hành án dân sự nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò trong đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Không dừng lại ở phong trào thi đua, tập thể Lãnh đạo Tổng cục tiếp tục coi đây là giải pháp quan trọng, đưa công tác thi hành án dân sự toàn quốc đạt được những kết quả cao hơn và bền vững hơn trong thời gian tới.
Văn phòng Tổng cục THADS