Chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2016 được giao đảm bảo thực chất hơn và có tính đến yếu tố khả thi

13/12/2015
Trong hai ngày 11 và 12 tháng 12 năm 2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hộ nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2016. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị đã nghe và thảo luận dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 và nhiệm kỳ 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016-2021; Chương trình trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2016; quán triệt chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2016 theo Quyết định số 2167/QĐ-BTP ngày 09/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Quyết định số 940/QĐ-TCTHADS ngày 09/12/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương năm 2016.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các tiêu chí của chỉ tiêu, nhiệm vụ trong việc đánh giá kết quả quá trình hoạt động thi hành án dân sự, đối chiếu với khái niệm về chỉ tiêu được quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật thống kê thì chỉ tiêu là tiêu chí mà biểu hiện bằng số của nó phản ánh quy mô, tốc độ phát triển, cơ cấu, quan hệ tỷ lệ của hiện tượng kinh tế - xã hội trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể. Vì vậy, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện công tác thi hành án dân sự một cách có định hướng phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2016 căn cứ vào các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 37/2012/QH13 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 "về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo" (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 111/2015/QH13, Nghị quyết số 111/2015/QH13 bãi bỏ 01 chỉ tiêu, nhiệm vụ; sửa đổi, bổ sung 01 chỉ tiêu, nhiệm vụ và giữ nguyên 02 chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 37/2012/QH13) cũng như những yêu cầu mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Thông tư số 08/2015/BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 01/03/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự và kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2015.

 

1. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ giao

1. 1. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Quốc hội giao

1.1.1. Chỉ tiêu: Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật (giữ nguyên như Nghị quyết số 37/2012/QH13).

1.1.2. Chỉ tiêu: Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án (giữ nguyên như Nghị quyết số 37/2012/QH13).

1.1.3. Chỉ tiêu: Phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.

Chỉ tiêu này thay thế chỉ tiêu "Tỷ lệ thi hành án dân sự xong đạt trên 88% về việc, trên 77% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành" theo Nghị quyết 37/2012/QH13, vì Nghị quyết số 111/2015/QH13 bãi bỏ chỉ tiêu này.

Mặc dù Nghị quyết số 111/2015/QH13 giao "Phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong cao hơn so với năm 2015 về việc và về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự" mà không giao chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như đảm bảo thực hiện hiệu quả chỉ tiêu của Quốc hội thì Bộ Tư pháp cần giao cụ thể tỷ lệ thi hành án xong về việc và về tiền, do đó Tổng cục Thi hành án dân sự đề xuất mức giao tỷ lệ thi hành án xong về việc và về tiền theo hướng phấn đấu thi hành xong trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành. Với mức giao chỉ tiêu này tuy có giảm về mặt số học so với năm 2015 nhưng phiên sang cách tính mới phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì cao hơn bình quân các năm 2013-2015 tỷ lệ thi hành xong về việc là 1,12% và về tiền 6,33%, cao hơn năm 2015 về tiền 6,8% (căn cứ kết quả đã đạt được theo số liệu thống kê các năm 2013, 2014 và 2015 như trên nếu áp dụng cách tính mới được quy định ở Thông tư số 08/2015/TT-BTP thì kết quả thi hành án dân sự trung bình 03 năm qua đạt 68,76% về việc và 23,67% về tiền trên số có điều kiện thi hành (trong khi theo cách tính của Thông tư số 01/2013/TT-BTP thì các tỷ lệ này là khoảng 88% về việc, 77% về tiền trên số có điều kiện thi hành). Mặt khác, trong thời điểm hiện tại, nền kinh tế có nhiều khởi sắc, nhất là thị trường bất động sản; hơn nữa năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện chính thức Thừa phát lại sẽ có tác động nhất định nhưng chưa nhiều đến kết quả thi hành án dân sự thì việc nâng tỷ lệ thi hành xong về tiền trên 30% để có mục đích phấn đấu là phù hợp.

1.1.4. Nhiệm vụ: Chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; đăng tải kịp thời, đầy đủ danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ này được giao căn cứ Nghị quyết số 111/2015/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự thay thế nhiệm vụ "Bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành" theo Nghị quyết số 37/2012/QH13.

1.1.5. Chỉ tiêu: Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật.

Chỉ tiêu này mới được bổ sung vào Nghị quyết số 111/2015/QH13, vì vậy bỏ chỉ tiêu Tổng cục THADS giao năm 2015 có văn bản đôn đốc thi hành án hành chính đối với 100% số việc có yêu cầu đôn đốc thi hành án.

1.1.6. Nhiệm vụ: Tổng cục Thi hành án dân sự có kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị tốt các điều kiện để thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Nhiệm vụ này mới được bổ sung để thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội. Vì vậy, bỏ chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao cho Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật.

1.1.7. Nhiệm vụ: Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ Tư pháp đề xuất với Chính phủ bố trí, dự toán ngân sách hợp lý để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan thi hành án dân sự, nhất là các đơn vị mới được thành lập hoặc còn phải thuê, mượn trụ sở; bố trí kinh phí để tập trung đầu tư xây dựng kho vật chứng và bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết khác theo quy định.

Nhiệm vụ này được bổ sung để thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự mà Quốc hội giao cho Chính phủ: Bố trí, dự toán ngân sách hợp lý trình Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho Toà án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, nhất là các đơn vị mới thành lập hoặc còn phải thuê, mượn trụ sở; xây dựng, nâng cấp các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã xuống cấp hoặc quá tải, chưa đủ diện tích giam giữ, trong đó ưu tiên nguồn vốn xây dựng, cải tạo các trại tạm giam và nhà thi hành án đối với người bị kết án tử hình; đầu tư xây dựng đủ kho vật chứng, bố trí kinh phí, có lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình và bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

1.1.8. Nhiệm vụ: Cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng để nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.

Nhiệm vụ này được bổ sung để thực hiện nhiệm vụ tham gia phối hợp của các cơ quan thi hành án dân sự mà Quốc hội giao cho: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Trong giải quyết, xử lý người phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong toả tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.

 

1.2. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ Bộ Tư pháp

1.2.1. Điều chỉnh chỉ tiêu giảm số việc chuyển kỳ sau:

Năm 2015, Bộ Tư pháp giao chỉ tiêu “Giảm ít nhất 3% đến 5% số việc chuyển sang năm 2016 so với số chuyển kỳ sau của năm 2014 chuyển sang năm 2015”. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá 03 năm vừa qua, các cơ quan thi hành án dân sự nói chung không đạt được nhiệm vụ này, đặc biệt là khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và Thông tư số 08/2015/TT-BTP có hiệu lực thì kết quả thi hành án sẽ thực chất, chính xác hơn; trường hợp nếu cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành hết hoặc số chuyển kỳ sau thấp hơn tỷ lệ số việc chuyển sang năm thấp hơn 3% thì không thể tiếp tục thực hiện được. Do đó, đề nghị sẽ xem xét, căn cứ tính khả thi của việc thực hiện nhiệm vụ này của từng địa phương để giao phù hợp cho các cơ quan thi hành án dân sự trong năm 2016 và điều chỉnh tính trên số việc có điều kiện thi hành, cụ thể là:

- Xác định giao chỉ tiêu giảm kỳ sau tính trên số có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau thay cho “tổng số chuyển kỳ sau”, bởi vì chỉ nên yêu cầu thực hiện chỉ tiêu trên cơ sở những việc mà cơ quan thi hành án có thể làm được, đó là những việc thi hành án có điều kiện thi hành. Mặt khác, theo quy định mới thì cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định xác định việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành và đăng tải trên Trang thông tin điện tử, vì vậy việc kiểm soát số việc chưa có điều kiện thi hành dễ dàng hơn.

- Tăng tỷ lệ giao giảm chuyển kỳ sau về việc từ 3% đến 5% lên thành 5% đến 7% nhưng tính trên số việc có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau.

- Giao thêm chỉ tiêu giảm chuyển kỳ sau về tiền từ 2% đến 4% tính trên số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau.

Việc giao tăng tỷ lệ chuyển kỳ sau về việc và giao thêm tỷ lệ chuyển kỳ sau về tiền có cơ sở và có thể thực hiện được, bởi vì theo chủ trương phấn đấu đạt tỷ lệ thi hành án cao nhất thì cần có chỉ tiêu giảm kỳ sau cả về việc và tiền. Hơn nữa, chỉ tiêu giảm kỳ sau có đổi mới tính trên số có điều kiện thi hành chứ không phải tính trên tổng số chuyển kỳ sau như trước đây (bao gồm cả việc có điều kiện và chưa có điều kiện giải quyết). Do số tiền của từng việc thi hành án dân sự không đồng đều, nếu việc thi hành án có giá trị phải thi hành lớn mà thi hành xong sẽ làm giảm nhiều tỷ lệ chuyển kỳ sau về tiền nhưng ngược lại số việc thi hành án xong có giá trị nhỏ thì tỷ lệ giảm chuyển kỳ sau về tiền không lớn, vì thế mức giảm chỉ tiêu chuyển kỳ sau cần giao là từ 5% đến 7% về việc và 2% đến 4% về tiền tính trên số có điều kiện thi hành (số chuyển kỳ sau năm 2015 sang 2016 là 257.147 việc, số tiền là 83.093.731.313 nghìn đồng; trong đó số việc có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2016 là 169.914 việc, chiếm 66,01% tổng số việc chuyển kỳ sau, số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2016 là 70.610.775.761 nghìn đồng, chiếm 84,95% tổng số tiền chuyển sang kỳ sau. Do đó, mỗi % giảm chuyển kỳ sau về việc khoảng 1.700 việc và 706 tỷ đồng. Nếu giảm 5% về việc = 8.500 việc, tương ứng với giảm 2% về tiền = 1.412 tỷ đồng; nếu giảm 7% về việc = 11.900 việc, tương ứng với giảm 4% về tiền = 2.824 tỷ đồng (số việc thi hành xong năm 2015 theo Thông tư 08/2015/TT-BTP là 500.040 việc, về tiền là 21.297.114.908 nghìn đồng).

Vì thế, chỉ tiêu này giao năm 2016 như sau: “Giảm ít nhất 5% đến 7% số việc và 2% đến 4% số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2017 so với số chuyển kỳ sau của năm 2015 chuyển sang năm 2016 trên số có điều kiện thi hành”.

1.2.2. Điều chỉnh chỉ tiêu Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự phải trả lời đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, thủ tục ít nhất 87% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới (tăng 02% so với năm 2015).

1.2.3. Điều chỉnh chỉ tiêu “Giải quyết triệt để đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Giải quyết xong 100% đơn, thư khiếu nại, tố cáo của năm 2014 chuyển sang và 90% đơn, thư khiếu nại, tố cáo mới thụ lý trong năm 2015 thuộc thẩm quyền; Cơ bản giải quyết xong đơn, thư khiếu nại, tố cáo bức xúc tồn đọng, kéo dài” theo hướng:

- Xác định việc “giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật” nên không giao giải quyết “triệt để” vì không cần thiết. Đồng thời, bỏ chỉ tiêu “giải quyết xong 100% đơn, thư khiếu nại, tố cáo của năm 2014 chuyển sang và 90% đơn, thư khiếu nại, tố cáo mới thụ lý trong năm 2015 thuộc thẩm quyền” vì “giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật” về ngữ nghĩa đã chứa đựng nội dung này.

- Bổ sung nội dung “thực hiện tốt công tác tiếp công dân” để góp phần cho việc giải quyết, khiếu nại, tố cáo hiệu quả.

- Điều chỉnh nội dung “cơ bản giải quyết xong đơn, thư khiếu nại, tố cáo bức xúc tồn đọng, kéo dài” thành “tích cực tham gia, phối hợp giải quyết xong cơ bản những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài”. Bởi vì những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã được giao thực hiện “đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”, đối với những vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài là những việc đã được giải quyết theo quy định của pháp luật, hết thẩm quyền nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo, vì vậy việc tham gia của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chỉ có thể thực hiện được việc tham gia, phối hợp.

Vì vậy, chỉ tiêu, nhiệm vụ này năm 2016 như sau: “Giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tích cực tham gia, phối hợp giải quyết xong cơ bản những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài”.

1.2.4. Điều chỉnh chỉ tiêu: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự các địa phương thí điểm Thừa phát lại có trách nhiệm thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Thừa phát lại tham gia xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành án dân sự. Chuyển giao đúng, đầy đủ 100% văn bản của cơ quan thi hành án dân sự cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt theo quy định của pháp luật” thành nhiệm vụ: “Triển khai, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Thừa phát lại theo quy định của pháp luật” bởi vì Quốc hội đã cho chính thức thực hiện Thừa phát lại thì Thừa phát lại và các cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định.

1.2.5. Bổ sung chỉ tiêuThi hành án xong các khoản thu cho ngân sách nhà nước tỷ lệ cao hơn năm 2015 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.

Năm 2015, tỷ lệ giải quyết xong/có điều kiện giải quyết đối với khoản thi hành án cho ngân sách nhà nước đạt 89,62% về việc và 74,90% về tiền (phiên sang cách tính mới theo Thông tư số 08/2015/TT-BTP thì thi hành xong/số có điều kiện thi hành đạt 77,14% về việc và 20,79%) khi tổng kết, đánh giá sẽ căn cứ kết quả năm 2015 nêu trên. Chỉ tiêu này bổ sung để góp phần thi hành hiệu quả hơn khoản thu cho ngân sách Nhà nước.

1.2.6. Bãi bỏ chỉ tiêu “Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đối với 100% số văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp theo Kế hoạch đã được Bộ Tư pháp phê duyệt” Bộ Tư pháp giao cho Tổng cục Thi hành án dân sự năm 2015 vì đã được thể hiện trong chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tóm lại: Bộ chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2016 so với năm 2015 về số lượng gồm 13 chỉ tiêu, nhiệm vụ (tăng 03 chỉ tiêu, nhiệm vụ), cụ thể như sau:

- Giữ nguyên 02 chỉ tiêu, nhiệm vụ: 1) Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật.(2) Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án.

- Điều chỉnh 08 chỉ tiêu, nhiệm vụ: (1) Tổng cục Thi hành án dân sự có kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị tốt các điều kiện để thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. (2) Chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành. (3) Phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 70% về việc và trên 30% về trên tổng số án có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. (4) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật. (5) Giảm ít nhất 5% đến 7% số việc và 2% đến 3% số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2017 so với số chuyển kỳ sau của năm 2015 chuyển sang năm 2016 trên số có điều kiện thi hành. (6) Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự phải trả lời đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, thủ tục ít nhất 87% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới. (7)Giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tích cực tham gia, phối hợp giải quyết xong cơ bản những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài. (8) Triển khai, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.

- Bổ sung 03 chỉ tiêu, nhiệm vụ: (1) Thi hành án xong các khoản thu cho ngân sách nhà nước tỷ lệ cao hơn năm 2015 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. (2) Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ Tư pháp đề xuất với Chính phủ bố trí, dự toán ngân sách hợp lý để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan thi hành án dân sự, nhất là các đơn vị mới được thành lập hoặc còn phải thuê, mượn trụ sở; bố trí kinh phí để tập trung đầu tư xây dựng kho vật chứng và bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết khác theo quy định. (3) Cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng để nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.

 

2. Nguyên tắc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ

- Việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự phải đảm bảo đạt chỉ tiêu Quốc hội giao về thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao chỉ tiêu thi hành án dân sự không thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội giao. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao thì Bộ Tư pháp giao cụ thể hơn về tỷ lệ một số chỉ tiêu Quốc hội giao và giao thêm một số chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự để phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp đối với Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự.

- Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ Bộ Tư pháp giao và căn cứ tình hình thực tiễn từng địa phương, Tổng cục Thi hành án dân sự giao mức cụ thể cho các Cục Thi hành án dân sự; Cục Thi hành án dân sự giao cho từng Chi cục Thi hành án dân sự; Cục và Chi cục Thi hành án dân sự giao cho từng Chấp hành viên đảm bảo chính xác, công bằng và khả thi (có thể bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao đối với từng Cục, Chi cục Thi hành án dân sự và từng Chấp hành viên).

Căn cứ số lượng về việc, giá trị thi hành án của mỗi địa phương, Tổng cục giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương một cách hợp lý, tuy nhiên đảm bảo nguyên tắc không thấp hơn chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao, cụ thể theo các nhóm như sau:

+ Chỉ tiêu về việc:

Nhóm 1: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 120 việc trở lên phải thi hành xong đạt tỷ lệ 70 % (10 địa phương);

Nhóm 2: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 100 việc đến dưới 120 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 71% (12 địa phương);

Nhóm 3: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 80 việc đến dưới 100 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 72% (14 địa phương);

Nhóm 4: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 50 việc đến dưới 80 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 73% (18 địa phương);

Nhóm 5: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ dưới 50 việc trở xuống phải thi hành xong đạt tỷ lệ 74% (9 địa phương).

+ Chỉ tiêu về tiền (tiền và giá trị tài sản được quy ra tiền):

Nhóm 1: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 15 tỷ đồng trở lên phải thi hành xong đạt tỷ lệ 30% (13 địa phương);

Nhóm 2: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 10 đến dưới 15 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 31% (5 địa phương);

Nhóm 3: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 32% (19 địa phương);

Nhóm 4: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 2 đến dưới 5 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 33% (14 địa phương);

Nhóm 5: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ dưới 2 tỷ đồng trở xuống phải thi hành xong đạt tỷ lệ 34% (12 địa phương).

+ Chỉ tiêu giảm kỳ sau về việc có điều kiện thi hành (5 - 7%):

Chia làm 05 nhóm tương ứng giao chỉ tiêu về việc các mức (5%; 5,5%; 6%; 6,5%; 7%):

Nhóm 1: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 120 việc trở lên phải thi hành xong đạt tỷ lệ 5% (10 địa phương);

Nhóm 2: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 100 việc đến dưới 120 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 5,5% (12 địa phương);

Nhóm 3: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 80 việc đến dưới 100 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 6% (14 địa phương);

Nhóm 4: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ 50 việc đến dưới 80 việc phải thi hành xong đạt tỷ lệ 6,5% (18 địa phương);

Nhóm 5: Những địa phương có số việc bình quân/01 Chấp hành viên từ dưới 50 việc trở xuống phải thi hành xong đạt tỷ lệ 7% (9 địa phương).

+ Chỉ tiêu giảm kỳ sau về tiền có điều kiện thi hành (2 - 4%):

Chia làm 05 nhóm tương ứng giao chỉ tiêu về tiền các mức (2%; 2,5%; 3%; 3,5%; 4%):

Nhóm 1: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 15 tỷ đồng trở lên phải thi hành xong đạt tỷ lệ 2% (13 địa phương);

Nhóm 2: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 10 đến dưới 15 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 2,5% (5 địa phương);

Nhóm 3: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 3% (19 địa phương);

Nhóm 4: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ 2 đến dưới 5 tỷ đồng phải thi hành xong đạt tỷ lệ 3,5% (14 địa phương);

Nhóm 5: Những địa phương có số tiền bình quân/01 Chấp hành viên từ dưới 2 tỷ đồng trở xuống phải thi hành xong đạt tỷ lệ 4% (12 địa phương).

3. Phương thức giao chỉ tiêu, nhiệm vụ

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quyết định giao chỉ tiêu thi hành án dân sự năm 2016 đảm bảo nguyên tắc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao.

- Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho mỗi địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đảm bảo nguyên tắc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ Tư pháp giao.

- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ban hành quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2016 cho Chi cục Thi hành án dân sự và Chấp hành viên thuộc Cục Thi hành án dân sự đảm bảo nguyên tắc các cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên ở địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tổng cục Thi hành án dân sự giao.

- Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự ban hành quyết định giao cho Chấp hành viên đảm bảo nguyên tắc các Chấp hành viên hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Cục Thi hành án dân sự giao.

4. Giải pháp thực hiện

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2015, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2016 và những năm tiếp sau, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:

4.1. Về xây dựng thể chế

Đẩy nhanh tiến độ tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự nhằm kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong tổ chức thi hành án dân sự; tích cực tham gia, phối hợp xây dựng các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật liên quan mới được thông qua, như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính, Luật đấu giá tài sản, nhất là các nội dung liên quan đến thi hành án dân sự.

4.2. Về chỉ đạo, điều hành và phối hợp liên ngành

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự đã được giao, trong đó chú trọng các biện pháp nhằm đảm bảo tính thực chất kết quả thi hành án dân sự; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tiếp tục cải tiến công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ theo hướng sâu sát, cụ thể và xác định rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành; tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ngay sau khi được ban hành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra; phối hợp thanh tra, kiểm sát, giám sát công tác thi hành án dân sự.

- Thường xuyên đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu thi hành án xong về việc và về tiền năm 2015 phiên sang chỉ tiêu theo quy định mới để tổ chức thi hành và chỉ đạo thi hành án phấn đấu tỷ lệ thi hành xong năm 2016 cao hơn năm 2015.

- Tiếp tục phát huy công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ thi hành án dân sự, hoạt động Thừa phát lại, công tác tổ chức cán bộ thi hành án dân sự. Các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp và sự phối hợp của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan liên quan khác trong tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự trên địa bàn.

4.3. Về công tác tổ chức cán bộ và đảm bảo cơ sở vật chất

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, nhất là cán bộ quản lý và cán bộ có chức danh pháp lý đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; tiếp tục triển khai việc điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên, Thẩm tra viên, công chức khác để tăng cường cho các địa phương có nhiều việc thi hành án và thiếu nguồn nhân lực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức thi hành án dân sự, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý và chức danh pháp lý; rà soát, kiên quyết thay thế Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, nhất là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự vi phạm về phẩm chất đạo đức, yếu về năng lực trình độ; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm đạo đức, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ; khen thưởng kịp thời và bảo đảm các chế độ, chính sách đối với người làm công tác thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự sau khi được phê duyệt và Kế hoạch đầu tư năm 2016 cho các cơ quan thi hành án dân sự.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần tạo sự minh bạch, công khai trong hoạt động thi hành án dân sự để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự.

Việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2016 ngày càng hoàn thiện hơn, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015, nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 37/2012/QH13 và đặc biệt là năm 2015, đảm bảo thực chất hơn, khoa học hơn, có tính đến yếu tố khả thi trong việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự. Số lượng chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2016 tăng 03 chỉ tiêu, nhiệm vụ so với năm 2015.

Lê Anh Tuấn