Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự trong công tác tổ chức cán bộ của Tổng cục

01/02/2016
Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mặt trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng và là nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng. Công tác cán bộ gồm nhiều khâu từ đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ… Đồng thời với việc chuẩn bị đường lối chính trị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì phải chuẩn bị chiến lược cán bộ, phải xây dựng quy hoạch cán bộ. Đường lối cán bộ phải phục vụ cho đường lối chính trị, phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đường lối chính trị.


Trong hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ để có đủ sức mạnh hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ là dây chuyền của bộ máy Đảng, Nhà nước, Đoàn thể, Nhân dân, “là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Như vậy, công tác cán bộ có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta do Đảng lãnh đạo.

Thấm nhuần tư tưởng đó, trong thời gian qua Đảng ủy Tổng cục đã phối hợp với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chỉ đạo sát sao công tác đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và công tác quy hoạch đều được đưa ra thảo luận dân chủ, công khai, thống nhất trong  Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tổng cục Thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp.

1. Công tác hoàn thiện thể chế về tổ chức, bộ máy

Để tạo hành lang pháp lý cho công tác tổ chức cán bộ của Tổng cục nói riêng và của toàn hệ thống Thi hành án dân sự nói chung, trong thời gian qua, Đảng ủy Tổng cục đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về tổ chức, bộ máy của Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Cụ thể là:

- Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg quy định nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Thi hành án dân sự;

- Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Nghị định đã dành toàn bộ Chương III với 31 điều quy định cụ thể về cơ quan quản lý Thi hành án sự, cơ quan Thi hành án dân sự và người làm công tác thi hành án dân sự, thay thế toàn bộ Nghị định số 74/2009/NĐ-CP.

- Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư số 09/2015/TT-BTP ngày 26 tháng 6 năm 2015 quy định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự.

Hiện nay, Đảng ủy Tổng cục đang tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và thu hút nội dung của 04 Thông tư và 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hiện hành.

2. Công tác kiện toàn đội ngũ Lãnh đạo

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Tổng cục đã chỉ đạo Tổng cục hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan Tổng cục. Theo đó, năm 2015, Đảng ủy đã chỉ đạo Tổng cục tham mưu đề xuất việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của 07 đơn vị thuộc Tổng cục, thành lập thêm một đơn vị mới thuộc Tổng cục (Vụ Nghiệp vụ 3), nâng tổng số các đơn vị thuộc Tổng cục lên 08 đơn vị, đồng thời, chỉ đạo Tổng cục trình Bộ trưởng hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự trong toàn quốc, qua đó, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu hoạt động của Tổng cục và của toàn Hệ thống Thi hành án dân sự.

Tiếp tục kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý của Tổng cục đối với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong tình hình mới, Đảng ủy Tổng cục đã chỉ đạo Tổng cục hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức của Tổng cục,  theo đó, trong năm 2015, Tổng cục đã tiếp nhận và bổ nhiệm mới 02 Vụ trưởng (Chánh Văn phòng Tổng cục, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo); kiện toàn, bổ nhiệm mới 03 Vụ trưởng (Vụ TCCB, Vụ NV3 và Trung tâm); tiếp nhận, bổ nhiệm Phó Vụ trưởng của 04 đơn vị (Vụ NV1, Vụ NV3, Vụ TCCB, Vụ KHTC); luân chuyển 04 Lãnh đạo cấp Vụ về địa phương giữ chức Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng (Hà Nội, Hưng Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu); thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 02 đồng chí Vụ trưởng, 03 đồng chí Phó Vụ trưởng; quyết định cho nghỉ hưu 01 Vụ trưởng và 01 Phó Vụ trưởng. Việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ của Tổng cục được Đảng ủy chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định và quy trình, công khai, dân chủ, có sự thống nhất cao trong Đảng ủy và Lãnh đạo Tổng cục. Các đồng chí được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm bước đầu đã khẳng định được vị trí, phát huy sở trường, năng lực công tác, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành tích chung của Tổng cục và toàn hệ thống Thi hành án dân sự.

3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng

Trong năm, Đảng ủy cũng luôn coi trọng, quan tâm và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đảng viên nói riêng, cán bộ, công chức của Tổng cục nói chung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính mà Đảng, Nhà nước và Bộ Tư pháp giao. Nhiều cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học, đào tạo cao cấp lý luận chính trị, tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ...

Năm 2015, Tổng cục Thi hành án dân sự đã cử 05 người đi học an ninh quốc phòng, 02 người đi học cao cấp lý luận chính trị, 24 người đi học quản lý nhà nước, 02 người đi học thạc sĩ, 02 người đi học kỹ năng nâng cao.

4. Công tác quy hoạch cán bộ

Công tác quy hoạch được Đảng ủy chỉ đạo thực hiện thường xuyên, gắn kết chặt chẽ với công tác đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo đủ nguồn cán bộ thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Tổng cục. Thực hiện phương châm “động” và “mở” trong xây dựng quy hoạch cán bộ; mở rộng phạm vi, đối tượng để chọn nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch. Hiện nay đang tập trung để đưa cán bộ trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng... Phần lớn cán bộ quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng và qua thực tiễn công tác từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến nay đã quy hoạch được 114 cán bộ các cấp giai đoạn 2016 - 2021, trong đó quy hoạch Tổng Cục trưởng 04 đồng chí, Phó Tổng Cục trưởng 16 đồng chí; Vụ trưởng và tương đương 23 Đồng chí; Phó vụ trưởng và tương đương 71 đồng chí.

Công tác đánh giá cán bộ, công tác khen thưởng, kỷ luật cũng được Đảng ủy quan tâm chỉ đạo, kỷ luật, kỷ cương trong các đơn vị thuộc Tổng cục được nâng lên.

Có thể nói, trong thời gian qua, Đảng ủy Tổng cục đã chú trọng và đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác cán bộ của Tổng cục. Không ngừng nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, các đoàn thể, làm tốt việc kiện toàn tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy, tổ chức các đoàn thể, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Tổng cục cả số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Phương Hoa