Công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự

08/03/2016
Ngày 04/3/2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tham nhũng dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Thành Long. 


Tổng cục Thi hành án sân sự đã phối hợp với Thanh tra Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ chuẩn bị một số nội dung phục vụ việc xây dựng các báo cáo tổng kết chung, báo cáo chuyên đề, đồng thời, tham luận tại Hội nghị với chủ đề “Công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục THADS”.
Tổng cục THADS là đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác THADS và thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về THADS và thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật. Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục THADS thực hiện 02 nhiệm vụ cơ bản: (i) Phòng, chống tham nhũng, ngăn ngừa tội phạm tham nhũng trong hệ thống cơ quan THADS, và (ii) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự của Tòa án liên quan đến tội tham nhũng.
Về phòng chống tham nhũng trong hệ thống cơ quan THADS
Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS triển khai thực hiện và chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng; các Nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước, của Bộ Tư pháp về chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng. Tổng cục đã giao 01 đơn vị làm đầu mối “theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong THADS, thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm của Tổng cục” trong toàn hệ thống cơ quan THADS.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, Kế hoạch công tác và kế hoạch kiểm tra hàng năm của Tổng cục đều yêu cầu đưa nội dung kiểm tra về công tác này tại các cơ quan THADS địa phương; Tổng cục cũng đã thực hiện nghiêm túc công tác tổng hợp, định kỳ báo cáo công tác này theo quy định.
Các cơ quan THADS đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung chỉ đạo, tăng cường phòng, chống tham nhũng, nhất là trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: chuyên môn nghiệp vụ THADS; tổ chức cán bộ; kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quản lý, sử dụng ngân sách, kinh phí và đầu tư xây dựng v.v...
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt trên, công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống cơ quan THADS đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể:
(i) Công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống cơ quan THADS cơ bản được tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc.
Tổng cục đã xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/2/2014 về việc tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong THADS; tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị đến các cơ quan THADS địa phương.
(ii) Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế:
Luật THADS đã được sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thi hành đã khắc phục được khá cơ bản những tồn tại, hạn chế trong trình tự, thủ tục THADS và góp phần bảo đảm yêu cầu về phòng, chống tham nhũng, như: mở rộng quyền của đương sự (yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ); tăng cường công khai minh bạch về kết quả xác minh thi hành án (quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử về THADS và niêm yết công khai; thực hiện chi trả tiền THA qua tài khoản, bưu điện v.v...).
Bên cạnh đó, để góp phần hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng cục đã tham mưu, góp ý nhằm hoàn thiện các quy định về những biện pháp ngăn chặn để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng tẩu tán tài sản, tăng thẩm quyền cho cơ quan tố tụng trong việc áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản, mở rộng đối tượng tài sản bị kê biên; việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội tham nhũng đã khắc phục phần lớn tài sản tham nhũng và tích cực hợp tác trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và một số chính sách hình sự khác có liên quan (đã được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ). Các quy định này cùng với các giải pháp đã đề ra tại Chương trình công tác THADS năm 2016 và Kế hoạch công tác năm 2016 của Tổng cục sẽ góp phần quan trọng nâng cao kết quả THADS đối với các vụ việc thi hành án tham nhũng.
(iii) Trong công tác tổ chức cán bộ, Tổng cục và các cơ quan THADS địa phương tập trung thực hiện tốt và đổi mới căn bản các khâu của công tác này; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và đảm bảo công khai, minh bạch trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ (tại Tổng cục không xảy ra khiếu nại tố cáo nào); thực hiện và làm tốt công tác chuyển đổi vị trí công tác.
(iv) Tổng cục đã quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai minh bạch mọi hoạt động của cơ quan đơn vị, đặc biệt là những vấn đề theo quy định phải công khai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống cơ quan THADS vẫn còn những hạn chế nhất định. Với một hệ thống cơ quan từ Trung ương đến địa phương với trên, dưới một vạn công chức, người lao động, công tác phòng, chống tham nhũng gặp không ít khó khăn, phức tạp; còn để xảy ra một số vi phạm đáng tiếc; một số trường hợp cán bộ thi hành án tham nhũng, nhận hối lộ bị xử lý hình sự; một số nơi để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí...
Tổng cục THADS luôn nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác này; xác định rõ vai trò nhiệm vụ của cấp ủy, người đứng đầu; tiếp tục quán triệt đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng kiểm tra, tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong THADS; xử lý nghiêm những trường hợp có sai phạm..v..v..
Về tình hình và một số kết quả thi hành án các vụ án tham nhũng
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của THADS là thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự của Tòa án, trong đó có các vụ án tham nhũng. Việc thi hành án các vụ việc loại này luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Tổng cục THADS đã tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành án, nhất là các vụ việc có giá trị phải thi hành án lớn như vụ Vinashin, vụ Vinaline, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Ngân hàng phát triển Đắc Lắc, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Công ty đầu tư tài chính II, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ Dương Thanh Cường v.v... Nhìn chung, các vụ việc thi hành án liên quan đến án tham nhũng, nhất là các vụ án trọng điểm với giá trị phải thi hành án lớn luôn được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thi hành, phấn đầu thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước ở mức cao nhất.
Về kết quả thi hành phần thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các bản án hình sự, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng kết quả THA các vụ việc loại này còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của các cấp lãnh đạo cũng như nhân dân; kết quả thu hồi tiền, tài sản cho NSNN trong các vụ án này còn rất hạn chế, một số việc tiến độ giải quyết còn chậm...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế về kết quả thi hành án tham nhũng, ví dụ như: số tiền phải thi hành án rất lớn nhưng nhiều trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành (Huyền Như phải thi hành trên 10 nghìn tỷ, xác minh bước đầu có điều kiện thi hành được trên 500 tỷ); có vụ việc do án tuyên không rõ, khó thi hành hoặc khi chuyển giao bản án, cơ quan Tòa án không chuyển giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến tang, tài vật của vụ việc (ví dụ như vụ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đắk Lắk, vụ Huỳnh Thị Huyền Như); khó khăn trong việc xác minh thêm tài sản hoặc nguồn thu nhập khác (ngoài các tài sản đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên, vì tội phạm tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản, trong khi quyền hạn của Chấp hành viên, cơ quan THADS còn bị giới hạn nhất định); một số cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong phối hợp; cơ chế xác minh, thu hồi, xử lý tài sản của đương sự ở nước ngoài để thi hành án còn nhiều khó khăn, bất cập…
Một số đề xuất, kiến nghị
Về thể chế: (i) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và pháp luật liên quan, bảo đảm tính hiện thực, khả thi của các quy định phòng ngừa tham nhũng, tránh hình thức, không hiệu quả; trong đó chú trọng các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đảm nhiệm các vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao; (ii) Hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân theo hướng minh bạch, công khai hơn và mở rộng diện kê khai tài sản; (iii) Nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật THADS theo hướng tăng thẩm quyền cho cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kể cả việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài.
Về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan: (i) Cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, vai trò cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ liên quan đến việc phòng, chống tham nhũng; tiếp tục đặt công tác cán bộ là then chốt, quan trọng hàng đầu; (ii) Phát huy thật tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện đối với các quyết định của lãnh đạo, người có thẩm quyền trong quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của cơ quan đơn vị; (iii) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS, pháp luật phòng, chống tham nhũng và phát huy vai trò của nhân dân trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng.
Về công tác phối hợp: Các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng cần kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết (kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của người phạm tội) để ngăn chặn người phạm tội tẩu tán tài sản. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án các cấp nâng cao chất lượng xét xử các vụ án tham nhũng, trong đó có việc xem xét tính khả thi trước khi phán quyết phần trách nhiệm dân sự; giải thích kịp thời, rõ ràng, nhất quán những vụ việc án tuyên chưa rõ, khó thi hành. Đề nghị Cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm tích cực phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin về tài sản cho cơ quan THADS, tạo thuận lợi trong việc xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án đạt kết quả, hiệu quả.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tham nhũng, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham gia góp ý để sửa đổi toàn diện Luật này nhằm hoàn thiện hơn nữa thể chế về phòng, chống tham nhũng nói chung và thi hành phần dân sự trong bản án về vụ án tham nhũng nói riêng. Trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật phòng chống tham nhũng cùng với việc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương sẽ góp phần xây dựng hệ thống cơ quan THADS trong sạch, vững mạnh, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyển thống thi hành án dân sự (19/7/1946 - 19/7/2016).
Vụ Nghiệp vụ 2 - Tổng cục THADS