Dự hội nghị còn có các Chuyên gia Dự án JICA; Lãnh đạo Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và các đồng chí là Thẩm tra viên chính Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo, chuyên viên Văn Phòng Tổng cục Thi hành án dân sự; các ban ngành địa phương có đại diện Cục Công tác phía Nam, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Nội chính – Pháp chế, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía các cơ quan THADS trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có Lãnh đạo Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Phòng Kiểm tra và Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Lãnh đạo các Chi cục THADS, Thẩm tra viên, Thư ký và công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực đã cảm ơn phía Dự án JICA trong thời qua đã hỗ trợ Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với lĩnh vực khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, Dự án JICA đã hỗ trợ Tổng cục trong quá trình xây dựng Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Thông tư về khiếu nại, tố cáo). Quá trình triển khai thi hành Luật THADS về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Dự án JICA đã hỗ trợ Tổng cục tổ chức nhiều hội nghị ở Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và hôm nay hội nghị được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh nội dung và mục đích của việc tổ chức Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ quản lý và nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác này.
|
|
Về phía Dự án JICA, ông Kawanishi Hajime, Cố vấn trưởng Dự án JICA thể hiện niềm vinh dự khi có mặt tại buổi Tọa đàm. Đồng thời, ông Kawanishi Hajime chia sẻ về những nỗ lực của Dự án JICA trong 20 năm qua đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng Bộ Luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó có Luật thi hành án dân sự. Ông Kawanishi Hajime nhấn mạnh, Bộ Luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 và sắp tới, Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm được ban hành, theo đó, các quyền về tài sản được quy định cụ thể, rõ ràng sẽ có tác động lớn đến công tác thi hành án dân sự. Do đó, các cơ quan thi hành án dân sự cần có sự quan tâm đúng mức đến việc áp dụng các quy định về quyền tài sản khi thi hành án, nhằm giảm thiểu những thiệt hại do áp dụng sai pháp luật. Ông Kawanishi Hajime mong muốn được nghe các đại biểu trao đổi về thực trạng công tác thi hành án dân sự tại Việt Nam hiện nay. Về phía các Chuyên gia Nhật Bản cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực thi hành án, khiếu nại, tố cáo tại Nhật Bản.
Tại buổi Tọa đàm, các báo cáo viên của Tổng cục Thi hành án dân sự đã trình bày 05 chuyên đề về thực trạng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; công tác chỉ đạo giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Trong đó, nêu rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng công tác này tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh các bài tham luận, các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế trong công tác thi hành án nói chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng; nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế này, trong đó đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, cụ thể: người đứng đầu chưa chú trọng, quan tâm đúng mức đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; không giải quyết dứt điểm vụ việc có khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; một số địa phương đội ngũ cán bộ làm công tác này vừa thiếu, vừa yếu, cá biệt có cơ quan thi hành án dân sự không có Thẩm tra viên (Chi cục THADS các huyện Cần Giờ và Hóc Môn). Các đại biểu cho rằng quy định pháp luật hiện nay chưa có chính sách để thu hút cán bộ làm công tác này, một số cán bộ không yên tâm công tác, một số đồng chí đang làm Thẩm tra viên muốn xin chuyển sang làm Chấp hành viên; … Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị các Chuyên gia Nhật Bản trao đổi về kinh nghiệm tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Nhật Bản.
Tại Tọa đàm, ông Sakai Naoki, Chuyên gia Dự án JICA chia sẻ về khung luật pháp của Nhật Bản và Việt Nam là rất khác nhau nên rất khó để có thể vận dụng pháp luật Nhật Bản vào thực trạng thi hành án tại Việt Nam. Ở Nhật khiếu nại được quy định trong Bộ luật hình sự, có hai nhóm khiếu nại, cụ thể: (01) Nhóm vi phạm pháp luật, (02) Nhóm làm chưa đúng theo yêu cầu. Ở Nhật, tài sản của cá nhân được quản lý, theo dõi rất chặt chẽ, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý. Toàn bộ tài sản của cá nhân được cập nhật trong hệ thống dữ liệu quốc gia. Do đó, người được thi hành án có thể đăng nhập vào hệ thống dữ liệu để biết người phải thi hành án có tài sản hay không có tài sản. Nếu người phải thi hành án có tài sản thì người được thi hành án cung cấp thông tin cho Thẩm phán và đề nghị thi hành án. Sau khi Thẩm phán ra các quyết định thi hành án, kê biên hay phong tỏa tài sản (giống như biện pháp bảo đảm trong thi hành án dân sự tại Việt Nam), Thẩm phán sẽ đăng nhập nội dung các quyết định trên đối với tài sản của người phải thi hành án vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Khi đó, người phải thi hành án sẽ không có cách nào chuyển dịch được tài sản đã bị kê biên hay phong tỏa. Tiếp đó, Chấp hành viên sẽ xử lý tài sản theo quy định để thi hành án. Do vậy, việc tổ chức thi hành án rất nhanh chóng và ít có khiếu nại xảy ra. Trường hợp người được thi hành án không tìm hiểu thông tin về tài sản của người phải thi hành án để người này chuyển nhượng hết tài sản cho người khác, không còn tài sản để thi hành án thì được thi hành án phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình và Thẩm phán không có lỗi trong trường hợp này. Theo ông Sakai Naoki, xã hội ngày càng phát triển, các quan hệ xã hội ngày càng phức tạp, công tác thi hành án và khiếu nại, tố cáo theo đó cũng trở nên phức tạp, có nhiều tình huống xảy ra chưa được pháp luật quy định, do đó cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn.
|
|
Trao đổi về kinh nghiệm tổ chức thi hành án tại Nhật Bản, ông Kawanishi Hajime, Cố vấn trưởng Dự án JICA cũng chia sẻ ở Nhật công tố viên không tham gia vào quá trình thi hành án. Nếu như quá trình thi hành án, người có liên quan gây rối, cản trở việc thi hành án sẽ gây ra vụ việc hình sự thì những người gây rối sẽ bị xử về hình sự. Ở Nhật Bản, khi tiến hành thi hành án, có đối tượng quá khích, cản trở việc thi hành án thì cảnh sát sẽ tham gia để bảo vệ Chấp hành viên, tránh có hành vi quá khích xảy ra. Tại Nhật Bản, quan hệ dân sự dựa trên quan hệ giữa con người với con người, các bên tự thỏa thuận, tránh phải ra Tòa án. Khi các bên đương sự không thể thỏa thuận được, họ mới khởi kiện ra Tòa án để được phân xử. Các cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về giao dịch dân sự của mình. Khi có vụ kiện xảy ra, người thắng kiện phải tự xác minh tài sản của người phải thi hành án và cung cấp thông tin cho Thẩm phán. Nếu người này không kịp xác minh để người phải thi hành án tẩu tán tài sản thì họ phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình, Nhà nước (Thẩm phán) không chịu trách nhiệm thay. Điều này là hoàn toàn khác với Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đứng ra để giải quyết toàn bộ những khiếu kiện, tranh chấp (bất bình) cho người dân.
Tại Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực đã giải đáp các ý kiến liên quan đến chế độ, quy định về bổ nhiệm chức vụ Lãnh đạo đối với Thẩm tra viên. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng cũng đề nghị Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn nữa đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể: rà soát, kiện toàn đội ngũ Thẩm tra viên; đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ được phân công làm công tác này đáp ứng được yêu cầu hiện nay; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các trường hợp sai phạm (nếu có); lấy kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí xét thi đua, khen thưởng. Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm, đặc biệt là các vụ việc có khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp đến Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và kết qủa tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngang tầm với công tác tổ chức thi hành án.
Tổng hợp các ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thắng Lợi, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến việc rà soát phân loại đơn khiếu nại, tố cáo; phân biệt khiếu nại và tố cáo; trình tự thủ tục giải quyết tố cáo. Đồng thời, ông Nguyễn Thắng Lợi cũng thông tin để các đại biểu biết: Tổng cục có kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu kỹ năng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự sẽ được tổ chức vào quý IV/2017. Đối với các ý kiến liên quan đến nghiệp vụ tổ chức thi hành án, ông Nguyễn Thắng Lợi đề nghị Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp toàn bộ những vướng mắc hiện nay về Tổng cục. Trên cơ sở đó, các Vụ Nghiệp vụ của Tổng cục sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục có hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện được thống nhất.
Các đại biểu đánh giá cao việc tổ chức tập huấn đã tạo điều kiện để các đại biểu có cơ hội học tập kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự từ Tổng cục và các Chuyên gia Dự án JICA Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận những vấn đề còn vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo, cụ thể: trước mắt là cần có quy định để phân biệt rõ khiếu nại và tố cáo; quy định sổ sách, biểu mẫu giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Kết thúc buổi Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực đã phát biểu trân trọng cảm ơn Dự án JICA đã hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức thành công Hội nghị này; cảm ơn ông Kawanishi Hajime, Cố vấn trưởng Dự án JICA, các Chuyên gia của Dự án JICA Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Nhật Bản. Tổng cục ghi nhận các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu đã đánh giá được thực trạng, tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ rà soát số lượng và đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, Tổng cục sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; kiện toàn đủ số lượng cán bộ, đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác này, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, xã hội và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nguyễn Hằng – Vụ Giải quyết nại, tố cáo, Tổng cục THADS