Số việc và tiền đều cao hơn cùng kỳ năm 2016
Báo cáo kết quả công tác nổi bật 8 tháng năm 2017, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi nêu rõ, kết quả về việc và về tiền đều đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 3,18% về việc và 7,36% về tiền), qua đó giải phóng được trên 21.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Một số địa phương đạt kết quả cao về việc như Bắc Kạn (87,52%), Lai Châu (87,29%), Điện Biên (87,24%); về tiền như Hà Tĩnh (55,38%), Điện Biên (52,69%), Lào Cai (37,73%)…
Cùng với đó, các mặt công tác khác như giải quyết các vụ việc trọng điểm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; cơ chế một cửa, hỗ trợ thi hành án và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích… đã được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ và kịp thời trong toàn hệ thống.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại như số việc và tiền có điều kiện thi hành đều giảm so với cùng kỳ (giảm 4,38% về việc và 13,15% về tiền) nhưng kết quả thi hành án còn chưa có sự đột phá (mới chỉ tăng 3,18% về việc và 7,36% về tiền). Một số địa phương có kết quả phân loại án đạt thấp về việc như Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Giang; về tiền như Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Lâm Đồng. Một số địa phương kết quả THADS đạt thấp về việc như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang; về tiền như Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Kon Tum…
Ngoài ra, số việc và tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn rất lớn và tăng cao so với số có điều kiện chuyển kỳ sau của năm 2016. Hầu hết, các địa phương đều không đạt chỉ tiêu giảm án chuyển kỳ sau, thậm chí có những địa phương có lượng án chuyển kỳ sau tăng đột biến.
Lý giải nguyên nhân khiến kết quả phân loại án về tiền còn thấp, Cục THADS Hà Tĩnh nêu lên thực tế một số công ty vay vốn chưa hoạt động đã phá sản nên không có tài sản khác, do đó không có đủ điều kiện thi hành. Còn Cục THADS Thái Bình phản ánh khó khăn trong công tác cưỡng chế, nhất là các án tín dụng, ngân hàng thì công tác này lại càng phức tạp, tốn thời gian. Ngoài ra, trong một số trường hợp chấp hành viên khi đi xác minh tài sản còn bị đương sự khóa cổng, ngăn chặn không cho vào do đó cần thiết ban hành cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ của mình.
Là địa phương có lượng án, Hà Nội cho rằng vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong việc thẩm định và bán đấu giá tài sản bởi nếu giá cả không hợp lý, hồ sơ bán đấu giá không được công khai, minh bạch để người dân đến mua thì dễ dẫn tới khiếu nại ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án. Khó khăn lớn nhất được TP.HCM nêu lên lại nằm ở công tác phối hợp bởi nhiều cơ quan, tổ chức chưa có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của cơ quan THADS. Do đó, đề nghị xem xét cấp thẻ cho các chức danh khác như thư ký thi hành án, kế toán, chuyên viên để tạo thuận lợi trong liên hệ công tác.
Chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành chỉ ra nguyên nhân chủ yếu nằm ở công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp tuy có nhiều chuyển biến song vẫn thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Năng lực, kỹ năng làm việc, ý thức trách nhiệm của một phận công chức còn chưa đáp ứng yêu cầu công việc, việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính có nơi còn chưa nghiêm.
Do đó, để có thể hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị của Tổng cục cần đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành cũng như phối hợp với các địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. “Tổng cục phải “tận tâm tận lực” tạo điều kiện về mọi mặt cho địa phương thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ”, ông Thành nói thêm.
Đối với địa phương, các Cục trưởng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, sát sao trong công việc, quyết liệt trong chỉ đạo để hoàn thành bằng được các chỉ tiêu được giao, trong đó lưu ý tới các án tín dụng ngân hàng, án tham nhũng, phức tạp, kéo dài… Mỗi địa phương phải coi công tác cán bộ là đi đầu, chú trọng tới việc kiểm tra, tự kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.
Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới giao ban trực tuyến cấp huyện; tăng cường tuyên truyền để triển khai đồng bộ cơ chế một cửa, hỗ trợ thi hành án qua mạng để đông đảo người dân, doanh nghiệp biết tới và sử dụng dịch vụ này. Mỗi cơ quan THADS phải không ngừng nâng cao năng lực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương; cải thiện chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt, phải có phản ứng nhanh nhạy, xử lý kịp thời các thông tin báo chí để đảm bảo các nội dung được phản ánh đa chiều, tránh gây xáo trộn trong dư luận.
Kim Quy