Tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế

11/07/2017
Chiều 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu. Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu đồng chủ trì Hội nghị.

Triển khai đầy đủ, toàn diện các các mặt công tác
Báo cáo tình hình công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp từ Trung ương tới địa phương có nhiều đổi mới, sát sao, quyết liệt hơn, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ và từng địa phương. Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và từng địa phương với quyết tâm đổi mới theo phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân.

Công tác trên các lĩnh vực cụ thể cũng đạt nhiều kết quả đáng chú ý. Điển hình là Bộ đã phối hợp với các cơ quan hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục có nhiều điểm sáng, phát hiện hơn 370 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền, kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, được dư luận xã hội hoan nghênh. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 75%, tăng trên 2% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền tiếp tục đạt cao, đạt tỷ lệ trên 59% về việc và 21% (tương ứng tăng 3% và 7% so với cùng kỳ năm 2016)…
Bên cạnh những kết quả trên, công tác tư pháp 6 tháng qua cũng tồn tại một số hạn chế như một số nhiệm vụ liên quan đến kiện toàn tổ chức, cán bộ, tinh giản biên chế vẫn chỉ đang trong quá trình chuẩn bị. Một số bộ, ngành vẫn còn lúng túng trong thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Nghị định số 34; nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh khá nhiều, khó bảo đảm mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng từ năm 2017. Số việc và tiền có điều kiện thi hành án nhưng chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau vẫn còn rất lớn.

Trong thời gian còn lại của năm, Bộ, ngành Tư pháp xác định đầy đủ, toàn diện các phương hướng, giải pháp trên các mặt, lĩnh vực công tác. Theo đó, tập trung kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tư pháp các cấp sau khi có quy định mới; bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; chuẩn bị và tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh mới; hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án dân sự; nghiên cứu, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực luật sư; tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ nhất và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ tư pháp giữa Việt Nam – Lào; thực hiện tốt Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Bộ Tư pháp…


Bộ Tư pháp sẽ chủ động thực hiện Nghị quyết 58
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng quán triệt một số nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý; báo cáo chuyên đề về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, bao gồm việc triển khai Luật Đấu giá tài sản và chuyên đề sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế phát ngôn của Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự.
Các đại biểu đến từ các bộ, ngành và tại các điểm cầu đã thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề, khái quát những điểm nổi bật, chủ yếu tập trung vào các khó khăn, vướng mắc và nêu kinh nghiệm xử lý của bộ, ngành, địa phương mình. Những nội dung được đại biểu quan tâm liên quan đến việc thực hiện những quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; chuyển đổi văn phòng công chứng từ một thành viên sang hai thành viên hợp danh trở lên… Nhiều ý kiến kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hướng dẫn quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có thông tin chính thức để người dân biết về Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (trong đó có bãi bỏ việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và khi cha hoặc mẹ đi khai sinh cho con không phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn)…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long hoan nghênh kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo điều hành. Bộ không chủ trương “cắt” các chuyến đi địa phương mà công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương vẫn được thực hiện đầy đủ nhưng theo hướng điều phối các cuộc này để bớt phiền hà cho các địa phương. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ được Chính phủ giao đều được làm tương đối kịp thời, luôn trong top đầu hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao, cụ thể hoàn thành 37/40 nhiệm vụ, đạt hơn 90%... Biểu dương kết quả công tác của toàn ngành 6 tháng qua, Bộ trưởng điểm lại một số tồn tại, hạn chế như chất lượng công tác thẩm định chưa đạt như mong muốn; nợ đọng văn bản quy định chi tiết bắt đầu có hiện tượng ngày càng nhiều hơn, dù 1 – 2 năm trước đã khắc phục được cơ bản
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ 6 tháng còn lại rất nặng nề, cần sự chung tay góp sức để thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm, trong đó cần xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục tập trung. Riêng đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phối hợp cung cấp thêm thông tin để phục vụ quá trình sửa đổi, bổ sung. Đối với những Luật được thông qua thì mong địa phương lưu tâm kế hoạch tổ chức triển khai, bởi có những việc phải làm ngay như đối với địa phương chưa cân đối được ngân sách thì sẽ có phần dành hỗ trợ các vụ việc phức tạp trong công tác trợ giúp pháp lý hay Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cán bộ ngành phải chủ động nghiên cứu để không phát sinh trách nhiệm bồi thường, nhất trong hệ thống thi hành án dân sự.


Phản hồi một số ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng cho biết, theo quy định của Luật Công chứng không bắt buộc chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng. Ngoài ra, với Nghị quyết 58, theo Bộ trưởng, Nghị quyết này đưa ra phương án đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực giấy tờ công dân, Điều 2 của Nghị quyết giao cho Bộ Tư pháp trên cơ sở phương án đã được Chính phủ thông qua rà soát, sửa đổi, bổ sung một cách phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có chứa các thủ tục. Về nguyên tắc, thời điểm này chưa áp dụng Nghị quyết 58 và Nghị quyết 58 không phải là quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng cam kết Bộ Tư pháp sẽ chủ động làm, không phụ thuộc mệnh lệnh hành chính.
Thục Quyên