Tham dự Hội thảo có Ông David Anderson, Giám đốc Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện thuộc cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ 1, Vụ Nghiệp vụ 3 và một số chuyên viên Tổng cục THADS; Ông Tưởng Duy Lượng, Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chuyên gia dự án USAID GIG; Đại diện Lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn, đại diện lãnh đạo 24 Chi cục THADS trên địa bàn TP; đại diện Lãnh đạo các Cục, Cục THADS các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương: Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Chi cục THADS TP. Biên Hòa.
Đại diện Ban chỉ đạo THADS Tp.HCM; Đại diện Lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo một số Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện trong thành phố; đại diện một số tổ chức tín dụng, Ngân hàng TMCP và đại diện một số Văn phòng Thừa phát lại, trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, công ty đấu giá, thẩm định giá trên địa bàn thành phố, một số trường đại học và một số các công ty Luật trong nước và quốc tế uy tín trên địa bàn thành phố.
Với nỗ lực nhằm mang đến cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan thi hành án dân sự được thuận lợi và giúp các Chấp hành viên, Thẩm tra viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả, giảm tải áp lực công việc. Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp nâng cao hiệu quả THADS tại Việt Nam” nhằm đánh giá tình hình thực hiện Quy trình tổ chức THADS đối với các vụ án kinh doanh, thương mại và thi hành án đối với Doanh nghiệp tại Việt Nam và cung cấp định hướng, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS; góp phần tạo ra những thay đổi theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn về thể chế, áp dụng thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công… hướng tới việc giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án dân sự.
|
|
Trong buổi sáng khai mạc Hội thảo, một số ý kiến tham luận như: Vấn đề thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp tại Việt Nam; Thực tiến công tác THADS cho thấy các vụ việc thi hành án liên quan đến doanh nghiệp theo các bản án kinh doanh, thương mại, thường có giá trị tương đối lớn nên việc giải quyết được dứt điểm các vụ việc loại này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ, góp phần nâng cao kết quả thi hành án. Tuy nhiên, việc thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp lại có những đặc thù riêng biệt so với thi hành án cho công dân, thu ngân sách nhà nước.
Ông Tưởng Duy Lượng (Luật sư, trọng tài viên trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) báo cáo tham luận Những vấn đề thực tiễn về hiệu quả THA Kinh doanh thương mại trong xu thế hội nhập - nhìn từ góc độ xét xử. theo đó, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành các phán quyết (bao gồm bản án, quyết định của tòa án, phán quyết của trọng tài thương mại…) xuất phát từ các tranh chấp kinh doanh thương mại. Có thể thấy hiệu quả thi hành án được đo bằng thời gian, chi phí phải bỏ ra khi thi hành một phán quyết nhiều hay ít, thời gian ngắn hay dài; có thực hiện được toàn bộ những nội dung đã ghi trong phần quyết định của phán quyết hay không. Do đó, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành phán quyết chính là tìm kiếm cách thức tổ chức, phương pháp tiến hành trong quá trình thi hành phán quyết nhằm đưa lại kết quả như yêu cầu đặt ra của bên yêu cầu thi hành án, dựa trên những quyền, lợi ích của họ đã được ghi nhận trong phần quyết định của phán quyết. Từ tư duy đó tác giả nêu ra các giải pháp sau:
Nỗ lực của cơ quan tư pháp, của Hội đồng trọng tài khi giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại; Không ngừng nâng cao chất lượng bản án là một đòi hỏi của nhà nước, của xã hội, của người dân, doanh nghiệp….Như vậy, sự phối hợp giữa tòa án với cơ quan thi hành án không chỉ là phối hợp bình thường mang tính quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước mà nó đã được nâng lên thành luật. Điều đó chứng tỏ tính cấp thiết trong hoạt động phối hợp, một nhu cầu không thể thiếu trong công tác thi hành án. Về phía cơ quan thi hành án, chấp hành viên phải chủ động trong hoạt động phối hợp; về phía tòa án, các thẩm phán phải thấy rõ trách nhiệm của mình khi cho ra những bản án, quyết định chưa hoàn hảo, gây khó khăn trong công tác thi hành án; về phía Viện kiểm sát với chức năng, nhiệm vụ của mình không chỉ kiểm sát hoạt động thi hành án mà phải kiểm sát quan hệ phối hợp để nâng cao hiệu quả thi hành án.
Sự phối hợp của tòa án với cơ quan thi hành án không chỉ liên quan đến những bản án, quyết định chưa hoàn hảo mà còn phải: “Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử …dụng tài sản thuộc thẩm quyền của Toà án phát sinh trong quá trình thi hành án”.
|
|
Một số đơn vị tham gia thảo luận tại Hội thảo như: Đại diện Cục THADS Tp. HCM với một số ý kiến về nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn và vướng mắc trong quá trình THA: Thứ nhất, do quá trình thay đổi về thể chế, về quy định pháp luật còn chậm, chưa thay đổi theo kịp sự phát triển của xã hội; Thứ hai, việc xây dựng pháp luật quá chú trọng về mặt hình thức nên xảy ra tình trạng làm giảm hiệu quả trong công tác THA. Ví dụ: các quy định về thông báo thi hành án còn chưa hợp lý, mang tính hình thức, một số trường hợp đương sự đã bỏ địa phương đi đâu không xác định được địa chỉ nhưng vẫn phải thực hiện việc thông báo, niêm yết; hay việc quy định phải thực hiện việc thông báo cho đương sự thực hiện các quyền tự nguyện thỏa thuận. Việc này vừa làm mất thời gian vừa tạo nên sự rườm rà, phức tạp trong thủ tục... Do vậy, kiến nghị trước hết phải thực hiện việc sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về thi hành án một cách kịp thời. Bên cạnh đó các quy định đều phải hướng đến mục đích cuối cùng là công lý phải được thực thi, Bản án, quyết định của tòa phải được thi hành kịp thời bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, hạn chế tối đa các quy định mang tính hình thức, không hiệu quả.
Cục trưởng THADS Ninh Thuận Trần Văn Hiếu cũng nêu một số ý kiến về quá trình THA cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đó là tình hình thụ lý án hàng năm tăng do xã hội phát triển, tranh chấp dân sự nhiều... gây ra việc quá tải cho Chấp hành viên cùng lúc phải xử lý nhiều vấn đề. Vừa phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, vừa phải đảm bảo chất lượng công việc bên cạnh đó cũng phải đảm bảo các công việc khác trong ngành. Cho nên dẫn đến tình trạng chấp hành viên bị quá tải, bên cạnh đó: Chấp hành viên phải làm quá nhiều báo cáo. Trong khi đó có những báo cáo bị trùng lắp về mặt nội dung, cho nên đây cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho Chấp hành viên trong quá trình THA. Đặc biệt, Trong khoảng thời gian này, Cục THADS đang thí điểm giữ liệu phần mềm quản lý thống kê thi hành án dân sự cho Chấp hành viên: cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả, chất lượng công tác trong khi đó lại cắt giảm biên chế. Ngoài ra, chất lượng thẩm định giá chưa sát với giá thực tế nhưng cũng chưa có quy chế cho việc thẩm định giá. Bên cạnh đó phát sinh nhiều chi phí khác trong quá trình xử lý nhưng chưa được quy định rõ ràng. Tình trạng thẩm định giá đưa ra giá cao hơn giá thực tế để tránh tình trạng khiếu nại của đương sự nên gây khó khăn cho THA khi đưa ra bán tài sản.
Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 21 và 22 tháng 5 năm 2018. Chiều nay là các tham luận về thi hành các bản án kinh doanh thương mại liên quan đến các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu; thực tiễn công tác bán đấu giá tài sản thi hành án...
Cẩm Tú